Nhân loại lắng nghe tiếng kêu la của chiến tranh

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc
Vatican. Chủ nhật 29/5 tới sẽ là Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56, tập trung vào chủ đề lắng nghe và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đặt con người làm trung tâm của thông tin. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, “không có nền báo chí tốt nếu không có khả năng lắng nghe”. Điều này càng được thể hiện rõ ràng trong thời kỳ đại dịch và bây giờ khi cuộc chiến tranh thảm khốc đang diễn ra ở Ucraina.
 

“ĐTC Phanxicô không chỉ nghe, mà còn lắng nghe.” Đây là điều mà Tổng thư ký Caritas-Spes Ucraina, Cha Vyacheslav Grynevych, đã nói về ĐTC sau cuộc gặp gần đây tại Nhà thánh Marta. Cha Grynevych tâm sự rằng chính điều này – “lắng nghe” – thực sự là nhiệm vụ quan trọng nhất mà cha, cũng như những cộng sự và tình nguyện viên của Caritas Ucraina, đã và đang thực hiện, bên cạnh những việc bác ái khác từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02.

Lắng nghe nỗi đau khổ của người mẹ mất con, của người cha đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc và không biết có được gặp lại gia đình hay không. Giờ đây, họ lắng nghe tiếng khóc không thể nguôi của những đứa trẻ mà trong gần một trăm ngày, đã sống trong nỗi kinh hoàng, bị kéo vào một cuộc chiến tàn khốc đã làm gián đoạn cuộc sống hồn nhiên của chúng, mà lẽ ra cần được hưởng với những trò chơi, trường học và tình cảm gia đình. Lắng nghe, không chỉ là nghe. Bởi vì để nghe, chỉ cần đôi tai của bạn, nhưng để lắng nghe, bạn cần cả trái tim. Trái tim là trung tâm của việc lắng nghe.

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô chọn “lắng nghe” làm chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông 2022, sự phản tỉnh của ngài chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đau thương của đại dịch Covid-19. ĐTC đang đề cập đến sự cô đơn hiện sinh mà một phần nhân loại đang phải đối mặt khi mọi người không thể tiếp xúc với nhau. Chúng ta hiểu được tính thiết thực của sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông sắp tới khi “khả năng lắng nghe đối với xã hội quý hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thời điểm đang bị tổn thương bởi đại dịch kéo dài.”

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “chúng ta cần lắng nghe và lắng nghe sâu sắc, đặc biệt là đối với những bất ổn xã hội đang gia tăng do sự chậm lại hoặc ngừng hoạt động của nhiều hoạt động kinh tế.” Đặc biệt, chỉ khi đến gần nhau, nếu đặt mình vào vị trí của người lân cận, như thể chỉ cách một nhịp tim, chúng ta mới có thể thực sự lắng nghe.

Do đó, nếu chủ đề “lắng nghe” nảy sinh, trước hết và quan trọng, từ trải nghiệm của đại dịch, thì điều này cũng có giá trị trong bối cảnh bi thảm của cuộc chiến ở Ucraina, và mọi cuộc xung đột. Nếu trong đại dịch, khả năng lắng nghe là tìm ra những tần số thích hợp trong im lặng, thì bây giờ trong tiếng ầm vang của vũ khí, trong tiếng kêu la của chiến tranh, thái độ lắng nghe của trái tim là trợ giúp tiếng nói của những người đau khổ.

ĐTC Phanxicô viết: “Lắng nghe là yếu tố đầu tiên không thể thiếu của một cuộc đối thoại và giao tiếp tốt. Người ta không thể giao tiếp nếu trước tiên không lắng nghe và người ta không thể làm báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe.” Và trước hết, chúng ta phải lắng nghe những người có tiếng nói yếu nhất.

ĐTC đã tuyên bố khi gặp gỡ các nhà báo của Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại Ý vào ngày 18 tháng 5 năm 2019 rằng “lắng nghe đòi hỏi sự kiên nhẫn và khiêm tốn, đức tính khiến cho sự tự do không trở nên tầm thường. Nhà báo khiêm tốn là một nhà báo tự do, tự do khỏi các điều kiện, không có định kiến, và nhờ thế có sự can đảm.”

Tự do là một quyền cần được gìn giữ ngày nay hơn bao giờ hết, với việc nhận biết rằng tham gia vào truyền thông không chỉ là một nghề nghiệp, mà là một sứ mạng phục vụ lợi ích chung.

 

Văn Cương, SJ – Vatican News

(nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-05/nhan-loai-lang-nghe-tieng-keu-la-cua-chien-tranh.html)