Chúa Thánh Thần Đồng Sáng Lập Và Là “Tặng Phẩm Thần Linh” Cho Sứ Mạng Truyền Giáo Của Giáo Hội

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Gần 2000 năm qua, Giáo hội không ngừng ý thức và xác tín rằng Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng đồng sáng lập và hoạt động trong Hội Thánh. Mặc dù có một vài giai đoạn, do bối cảnh đương thời, suy tư về Chúa Thần Thần và vai trò của Ngài dường như bị lãng quên. Ngay cả các bản Kinh Tin Kính cũng không trình bày cách cụ thể và đầy đủ vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ngài không hiện diện trong và cùng với Giáo hội. Từ Công Đồng Vaticanô II, “một làn gió mới” trong suy tư về Chúa Thánh Thần đã tác động mạnh tới hầu hết các lãnh vực thần học Kitô giáo. Từ đó, Giáo hội đón nhận “Quà Tặng Thần Linh” với tâm tình tạ ơn sâu sắc; đồng thời Giáo hội cũng nhìn nhận đó là quà tặng không chỉ cho riêng mình mà còn cho toàn thế giới.

Đặt nền trên tư tưởng của Vatican II, bài viết này khởi đi từ khẳng định rằng Chúa Thánh Thần là Đấng đồng sáng lập Giáo hội cùng với Chúa Giêsu (1). Tiếp theo, người viết chứng minh Chúa Thánh Thần vừa là “người tặng” vừa là “Tặng Phẩm Thần Linh” đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo hội (2). Kế đến, một cách cụ thể, bài viết cho thấy tác động của Chúa Thánh Thần đối với anh chị em chưa là Kitô hữu (3). Ở đây, tác giả mong ước trả lời cho câu hỏi: Chúa Thánh Thần có tác động gì và như thế nào đối với những người chưa tin nhận Thiên Chúa? Phải chăng, ơn cứu độ là cho tất cả mọi người chứ không riêng gì Kitô hữu?

Cuối cùng, qua phần kết luận, bài viết hy vọng có thể chứng minh vai trò không thể thiếu của Chúa Thánh Thần không chỉ dành riêng cho Giáo hội nhưng cho cả toàn thế giới. Từ kết luận đó, tác giả đón nhận quà tặng cao quý của Thiên Chúa với niềm tin yêu và lòng tri ân để sống ơn gọi của Kitô hữu cho xứng hợp với xã hội hôm nay.

1.      Chúa Thánh Thần Đồng Sáng Lập Hội Thánh Theo Công Đồng Vatican II

Từ ý định nhiệm mầu, khôn ngoan và tự do, Thiên Chúa muốn cứu độ con người sau khi Nguyên Tổ loài người sa ngã. Từ khi được thành lập, Giáo hội được xem công trình biểu đạt tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Công Đồng Vatican II qua Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) ngay số đầu tiên đã xác tín Giáo Hội là Mầu Nhiệm. Mầu nhiệm đó đương nhiên bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Kitô[1]. Do đó, Giáo hội được kêu gọi sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cả đối nội (Ad intra) như hiệp thông nội tại của Thiên Chúa và đối ngoại (ad extra) như là sự tỏ ra của nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Để thực hiện tác vụ kép đó, Giáo hội lấy Ba Ngôi làm khuôn mẫu của mình.

Giáo hội được thiết lập không chỉ vì cá nhân nhưng được đặt nền từ lời kêu gọi một dân riêng. Dẫu rằng dân riêng hay một “dân thánh” đã được hình thành từ thời Cựu Ước nhưng Đấng thành lập Giáo hội là Đức Đức Kitô và Chúa Thánh Thần cũng được hiểu là vị đồng sáng lập[2]. Một Giáo hội “vừa hữu hình vừa thiêng liêng; vừa nhân linh vừa thần linh[3]” không thể bỏ qua yếu tố hiệp nhất và hiệp thông cách trọn vẹn như Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì thế, Lumen Gentium[4] nhận thấy tầm quan trọng của mối hiệp nhất trong Giáo hội được đặt nền trên sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa[5]. Trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi có sự phân biệt nhưng không phân chia vì chung một bản thể duy nhất. Theo khuôn mẫu đó, Công Đồng nhìn nhận Giáo hội là cộng đoàn của sự hiệp thông và duy nhất thể hiện trong các tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, hiệp thông trong chính nội bộ Giáo hội, hiệp thông với các Giáo hội khác và các tôn giáo khác. Sự hiệp thông này có được khi Giáo hội được Con Thiên Chúa thông ban Chúa Thánh Thần là Đấng đã quy tụ mọi người từ muôn dân tộc để thiết lập cách mầu nhiệm thân mình của Ngài (LG, số 7).

Là Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần liên hệ mật thiết đến các hoạt động của Giáo hội. Hiến chế Lumen Gentium trình bày sự xuất hiện của Giáo hội trong lịch sử như một sự kiện liên kết với lễ Ngũ Tuần và liên hệ mật thiết với Chúa Thánh Thần[6]. Hơn nữa, sự tồn tại của Giáo hội trong thời gian còn phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần, Đấng “Ban Sự Sống” và đổi mới Giáo hội[7].  Thánh Thần được Chúa Kitô sai đến không phải để mạc khải một chân lý mới và thành lập một Giáo hội mới; nhưng để giúp các tông đồ nhớ lại và hiểu thấu đáo những gì Ngài đã dạy. Nhờ đó, chúng ta hiểu ngày Lễ Ngũ Tuần không nhìn nhận Chúa Thánh Thần chỉ hiện xuống một lần mà đó là khởi điểm cho tiến trình lâu dài trong lịch sử. Thật vậy, trong thời các Tông đồ, Chúa Thánh Thần đã nhiều lần hiện ra để tiếp tục dạy dỗ, an ủi và nâng đỡ các ngài[8]. Chúa Thánh Thần không trực tiếp thiết lập Hội Thánh nhưng nếu có Ngài thì Hội Thánh không thể thành hình được. Hội Thánh nhìn nhận mình là thực thể hữu hình và thiêng liêng sống động mà Chúa Thánh Thần là linh hồn, là hơi thở. Chúa Thánh Thần ngự trong Hội Thánh như ngự trong đền thờ cũng như Ngài ở trong Đức Kitô vậy. Như Đức Kitô triệu tập Nhóm Mười Hai, Lễ Ngũ Tuần cũng là thời điểm Thánh Thần tụ họp toàn dân Thiên Chúa trong Hội Thánh[9]. Là vị đồng sáng lập, Chúa Thánh Thần không chỉ quy tụ và hoạt động trong Giáo hội ở thời điểm ban đầu nhưng trong suốt hành trình lữ hành của Giáo hội và Ngài đảm bảo sự hợp nhất giữa những người được quy tụ. Được thiết lập trong Chúa Thánh Thần và nhờ tác động cách mạnh mẽ của Ngài nên “sự hiệp nhất của Giáo hội được tăng trưởng đoàn chiên của Chúa Kitô trong sự hiệp nhất của đức tin[10]”.

Khi nói về sứ mạng của Chúa Thánh Thần, chúng ta tránh một nguy cơ quá chú tâm vào tác vụ của Ngôi Ba mà quên rằng sở dĩ Ngài thực thi sứ mạng của mình là bởi được sai đi bởi Cha và Con. Công Đồng Vatican II khai triển thần học về Chúa Thánh Linh quy Kitô chứ không lấy Thánh Thần làm trung tâm[11]. Như thế, phải xác nhận sứ mạng của Ngài vừa là Đấng được ủy thác nhưng đồng thời Ngài là một ngôi vị trong ba Ngôi[12]. Từ đó, chúng ta khải triển sứ mạng của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội với ý hướng rằng Ngài tiếp tục sứ vụ cứu độ của Thiên Chúa, cách riêng, thể hiện nơi Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất.

  1. Thánh Thần Là “Quà Tặng Thần Linh” Và Sứ Mạng Của Ngài đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội

Chúa Thánh Thần là “Quà Tặng Thần Linh”, là Hồng Ân mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, cách riêng cho Giáo hội. Về điều này, Cựu Ước cho thấy Thần Khí không những được tuôn đổ trên Đấng Được Xức Dầu (Messia) mà còn trên dân chúng[13]. Cách riêng, Ngôn sứ Isaia đã loan báo việc Đấng YHWH sẽ tuôn đổ Thần Khí trên Đấng Messia (Is 11, 1-2). Đấng YHWH sẽ xức dầu trên Đấng Messia bằng Thánh Thần để sai Ngài đi loan báo tin mừng và ơn cứu độ (Is 61, 1-2). Hơn nữa, hình ảnh Người Tôi Trung đau khổ đã mang lấy cái chết của nhân loại để Ngài cũng truyền ban Thần Khí cho họ để họ được sống đời đời (Is 42, 1-2). Ngôn sứ Giôen cũng loan báo việc Đấng YHWH sẽ tuôn đổ Thần Khí trên mọi xác phàm (Ge 3, 1-2). Cựu Ước đã loan báo những điều về Thần Khí sẽ đạt đến mức hoàn hảo, viên mãi nơi Đấng Messia.

Trong Tân Ước, thánh sử Gioan, Luca và thánh Phaolô cho thấy Chúa Thánh Thần được trao ban bởi Chúa Cha và Chúa Con để sứ mạng của Đức Kitô sẽ tiếp tục tiến triển trong Giáo hội. Mỗi tác giả Tân Ước có lối viết khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy rằng Chúa Thánh Thần là quà tặng mà Chúa Giêsu Kitô ban cho những ai tin vào Ngài và mang lấy sứ vụ của Ngài. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa ban cho nhân loại vì Ngài yêu thương họ như con cái[14]. Theo Tin Mừng Gioan, trước khi lìa bỏ thế gian Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 14-17). Chúa Thánh Thần được mạc khải là “Đấng Bầu Chữa khác”, “Thánh Thần chân lý”, “Đấng an ủi”, “Đấng cầu bầu” và “Đấng bảo vệ”. Các danh hiệu này phần nào nói đến sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, khi nói “Đấng Bầu Chữa khác” có thể hiểu rằng Thánh Thần ở vị trí thứ hai vì Chúa Giêsu là Đấng bầu chữa thứ nhất như thánh Gioan đã nói[15]. Nhờ đó, chương trình cứu độ của vị bầu chữa thứ nhất sẽ được vị thứ hai tiếp nối. Mặt khác, vị bầu chữa thứ nhất vừa là người cầu xin Cha nhưng cũng chính Ngài ban Thánh Thần cho Giáo hội.

Tuy nhiên, Giáo hội không bao giờ chỉ nhận mà không trao ban. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng không tác động trong Giáo hội mà còn làm cho Giáo hội trở thành truyền giáo[16]. Qua sứ vụ này, Giáo hội nhìn nhận không phải chính mình truyền giáo mà đó là lệnh truyền[17] của Đấng Sáng Lập với ơn hướng dẫn, tác động và kiện toàn của Chúa Thánh Thần[18]. Hoạt động truyền giáo cho thấy rõ ràng kinh nghiệm về quyền năng và tác động của Chúa Thánh Thần nhằm thể hiện trọn vẹn và hoàn tất ý định của Thiên Chúa (AG, số 9). Hoạt động truyền giáo của Giáo hội luôn là mối đồng tâm hiệp lực giữa các nhà thừa sai và Chúa Thánh Thần.

  1. Tác động của Chúa Thánh Thần đối với người ngoài Kitô giáo

Câu nói thời danh được gán cho thánh Cyprianô rằng “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ[19]” dường như trở thành nỗi “ám ảnh” đối với chúng ta một thời nhưng nó đã có thể đúng và bị áp dụng cách thái quá vào thời của ngài. Nói rằng phát biểu này “ám ảnh” chúng ta bởi vì làm thế nào để Kitô hữu đối thoại với các tôn giáo khác nếu cứ đứng vững trên lập trường đó mà không thể nhìn thấy những điểm tích cực trong các tôn giáo bạn cũng như những người vô thần? Tuy nhiên, câu nói đó đặt chúng ta vào lưỡng cực giữa Chúa Kitô, Đấng cứu độ duy nhất và Thiên Chúa muốn cứu độ hết tất cả mọi người. Liệu rằng Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động không những nơi những người tin lẫn những người chưa gia nhập Kitô giáo?

Felipe Gómez nói rằng Thần Trí, Giáo hội và ơn cứu độ một cách nào đó tương tợ lẫn nhau, nhưng là trong một cách thức nhiệm mầu đến độ vượt quá trí hiểu loại người. Tuy nhiên, theo ngài, phương thức phân tích lại giúp cho phân biệt chứ không phân rẽ những khía cạnh khác nhau của thực tại và tiêu điểm ở đây là nhắm tới sự hiện diện của Chúa Thánh Thần[20]. Theo đó, chúng ta có thể nói việc cứu độ của Thiên Chúa đối với những người chưa là Kitô hữu có liên hệ đến hoạt động của Chúa Thánh Thần. Bước sang thế kỷ XX, nhiều thần học gia đào sâu khía cạnh vai trò của các tôn giáo trong lịch sử và rằng nhiều người sẽ đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô dù có những khác biệt về môi trường văn hóa và truyền thống tôn giáo.

Lập trường thứ nhất công nhận có những giá trị tích cực trong của các tôn giáo ngoài Kitô giáo[21]. Những giá trị đó được coi là thành phần của mạc khải phổ quát khởi đi từ công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa mà các nhân chứng Cựu Ước như Abel, Hénok, Nôê, Abraham là những người của niềm tin. Như sáng thế nói “Họ bước đi với Thiên Chúa” (St 6, 9). Họ sống ngay thẳng dựa vào mạc khải tự nhiên và lương tâm. Tuy nhiên họ vẫn cần được Đức Kitô kiện toàn. Lập trường thứ hai cho rằng Thiên Chúa là đáng Tạo hóa muốn cho con người được cứu độ và do đó, Thiên Chúa có cách thực hiện của Ngài[22]. Con người là sinh vật tôn giáo và do đó họ luôn vươn tới Siêu Việt. Họ có thể đón nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa nhờ niềm tin và hành động bác ái. Đức Kitô đã nhìn nhận việc làm hướng thiện và bác ái là thực hiện cho chính Ngài (Mt 25, 31-46). Về phần mình, Giáo hội Công Giáo từ Công đồng Vatican II cũng đã có nhiều thay đổi trong cách thức nhìn nhận tác động của Chúa Thánh Thần đối với những người chưa là Kitô giáo. Hiến chế Lumen Gentium cho thấy một mặt Giáo hội nói tới tầm quan trọng của ơn cứu độ trong Giáo hội nhưng đồng thời cũng công nhận những người chưa tin, chưa gia nhập Công giáo có những phương cách khác nhau nhưng có liên hệ tới Dân Chúa[23]. Giáo hội xem những gì là chân thật và thiện hảo đều chuẩn bị cho Tin Mừng như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho để họ nhận được sự sống (LG, số 16). Từ đó, Công đồng nhắc nhở trách nhiệm truyền giáo của Giáo hội rằng truyền giáo không nhằm loại bỏ những chân lý thiện mỹ của những truyền thống trong các tôn giáo hoặc văn hóa khác nhưng muốn bảo tồn và đưa truyền thống ấy lên tầm mực viên mãn của nó[24].  Trong Gaudium et Spes, Giáo hội nhắc rõ hơn về việc Chúa Thánh Thần sẽ dùng những phương cách đặc biệt để làm cho những người ngoài Kitô giáo được tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô[25].

Tạm Kết

Chúa Thánh Thần đã được Chúa Cha và Chúa Con trao ban cho Hội Thánh và Ngài vừa là Đấng đồng sáng lập và hoạt động liên lỉ không những trong Hội Thánh mà ngay cả đối với những người ngoài Kitô giáo. Giáo hội là cơ cấu duy nhất được Chúa thiết lập để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ Chúa Thánh Thần “Hạt giống Ngôi Lời” được gieo khắp nơi và Người cũng chuẩn bị cho chúng đạt tới mức thành toàn trong Đức Kitô[26]. Chúa Thánh Thần có mặt trong các nổ lực đối thoại liên tôn vì chính Ngài là nguyên lý hiệp thông không những trong mà còn cả ngoài Giáo hội. Với những gì đã nói trên đây, chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần là quà tặng cao quý của Thiên Chúa với niềm tin yêu và lòng tri ân để sống ơn gọi của mình trong thế giới đang có những biến đổi phức tạp và đa nguyên tôn giáo.

Đoàn Văn Sinh, A.A.

Thư Mục Tham Khảo

Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium

Công Đồng Vatican II, Ad Gentes

Công Đồng Vatican II, Gaudium Spes

 Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum Et Vivificantem. (28/05/1986) Bản PDF của Giáo sư Đỗ Xuân Vinh.

Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, (07/12/1990) bản dịch của Cao Tấn Tĩnh đăng trên http://catechesis.net/thong-diep-redemptoris-missio-su-vu-dang-cuu-the-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-07-12-1990-1/

Nhóm PD/CGKPV, Kinh Thánh Ấn Bản 2011, Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2011.

Adrien Gréa, De l’Église et sa divine constitution, (Paris: Maison de la Bonne Press, Bayard, 1961) bản Ebook trong https://archive.org/details/delgliseetdesa00gr/page/n7/mode/2up

Gilles Routhier, La Pneumatologie de Vatican II, (Perspect. Teol., Belo Horizonte, v. 53, n.2, pp. 375-392, Mai-2020), bản PDF trong https://www.researchgate.net/publication/344056254_LA_PNEUMATOLOGIE_D

Gómez, Felipe, Chúa Thánh Thần, Một Dạng Tổng Lược Thần Học Về Chúa Thánh Thần, trong Giáo Khoa Thần Học, San Diego-Montreal, Antôn & Đuốc Sáng, 2009.

Nguyễn Quốc Lâm, Kinh Nghiệm Về Thần Khí Theo Dòng Lịch Sử, phỏng theo Yves Congar, Je Crois en l’Esprit Saint, 2e partie (Paris: Cerf, 1979), mục VIII, Thánh Linh Học của Công Đồng Vatican II, trong http://www.simonhoadalat.com/hochoi/THANHOC/ChuaThanhThan/Chuong4.htm

O’Collines, Gerald, Rethingking Fundamental Theology, New York: Oxford University Press, 2011.

Rush, Ormond, The Holy Spirit and The Church, trong The Eyes of Faith (Catholic University of America Press), The Eyes of Faith: the sense of the faithful and the church’s reception of revelation on JSTOR.

[1] X. Adrien Gréa, De l’Église et sa divine constitution, (Paris: Maison de la Bonne Press, Bayard, 1961) 23. Ebook trong https://archive.org/details/delgliseetdesa00gr/page/n7/mode/2up

[2] Thuật ngữ này lấy lại ý tưởng của Yve Congar: “L’Esprit co-instituant de l’Église” [x. Gilles Routhier, La Pneumatologie de Vatican II, (Perspect. Teol., Belo Horizonte, v. 53, n.2, pp. 375-392, Mai-2020), bản PDF trong https://www.researchgate.net/publication/344056254_LA_PNEUMATOLOGIE_D

[3] Vatican II, Sacrosanctum Concilium, số 2. Từ đây sẽ viết tắt là SC.

[4] Từ đây sẽ được viết tắt là LG

[5] “Giáo hội phổ quát xuất hiện như là dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”  (Vatican II, Lumen Gentium, số 4, trích lại của lời của thánh Cypriano trong De Oratione Dominica, 23).

[6] Xem các số 2, 4, 5, 13

[7] Xem LG, các số 7, 8, 9

[8] Biến cố Ngũ Tuần là ngày Hội Thánh ra mắt cách chính thức, sách Sách Công Vụ Tông Đồ kể những biến cố Thánh Thần tác động trên các Tông đồ như chương 4, 23; 8, 17, 104, 44…

[9] X. LG số 26, CD số 11 và UR số 15.

[10] LG, số 25.

[11] X. Nguyễn Quốc Lâm, Kinh Nghiệm Về Thần Khí Theo Dòng Lịch Sử, phỏng theo Yves Congar, Je Crois en l’Esprit Saint, 2e partie (Paris: Cerf, 1979), mục VIII, Thánh Linh Học của Công Đồng Vatican II, trong http://www.simonhoadalat.com/hochoi/THANHOC/ChuaThanhThan/Chuong4.htm

[12] Vào thế kỷ thứ XVI đã xuất hiện lạc giáo Pneumatomaques phủ nhận thần tính của Chúa Thánh Thần. Theo họ, nếu có sự hoạt động của Ngài chẳng qua là Ngài là khí cụ thụ tạo có sức mạnh được Thiên Chúa ban cho và Thiên Chúa dùng khí cụ đó để hành động trong chúng ta và thế giới. Họ nhìn nhận Chúa Thánh Thần trên bình diện nhiệm cục nhưng phủ nhận bình diện thần học, nghĩa là bình diện hữu thể nội tại của Thiên Chúa. (x. Nguyễn Quốc Lâm, Ibid.,).

[13] X. Ed 11, 19; Gr 31, 33. 

[14] “Vậy anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái của mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao” (Lc 11, 13).

[15] “Hỡi anh em, tôi viết điều này để anh em đừng phạm tội, nhưng nếu ai đó đã trót phạm tội thì này ta có Đấng Bầu Chữa nơi Cha, Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2, 1).

[16] “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo; vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Ad Gentes, số 2).

[17] Trước khi Đấng Phục Sinh về trời, Ngài truyền cho các Tông đồ “Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).

[18] Công Đồng Vatican II cho thấy Chúa Giêsu đã sắp đặt chức vụ Tông Đồ và hứa ban Thánh Thần để cá chức vụ và việc trao ban Thánh Thần có liên hệ với nhau. Chúa Thánh Thần cũng sẽ chuẩn bị cách hữu hình cho hành động truyền giáo và không ngừng các phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn (x AG, số 4).

[19] Thực ra câu nói Extra ecclesiam nulla salus là của Giáo phụ Origen, Thánh Cryprinô và sau đó là thánh Augustinô sử dụng cho các trường hợp Kitô hữu chối bỏ đức tin, xa lìa Giáo hội mà theo tôn giáo khác. Công đồng Laterano cũng lấy lại và tuyên bố “Chỉ có một Giáo hội toàn cầu, ngoài Giáo hội này chẳng có ơn cứu độ” (Ds 802). 

[20] X. Felipe Gómez, Chúa Thánh Thần, Một Dạng Tổng Lược Thần Học Về Chúa Thánh Thần, trong Giáo Khoa Thần Học (San Diego-Montreal, Antôn & Đuốc Sáng, 2009), 152.

[21] Các thần học gia của nhóm này như Jean Daniélou, Henri de Lubac, H. Urs von Balthasar.

[22] Những nhà thần học nhóm này gồm Karl Rahner, Ed Schillebeekx, R. Pannikar, Hans Kung..

[23] Thánh Công đồng lấy lại suy tư của Thánh Toma Aquinô (Summa Theologia, III, q.8, a.3, ad.1). Sau đó, Công đồng nói rằng, “Những ai không phải do lỗi ở chính mình mà không nhận biết Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, dựa theo những chỉ dẫn của lương tâm, nhờ vào ơn Chúa soi sáng, thực hành thánh ý Thiên Chúa thì họ cũng có thể được sự sống đời đời” (LG, số 16).

 [24] LG, số 17

[25] “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì thật sự chỉ có một ơn gọi tối hậu của con người, ơn gọi từ Thiên Chúa, nên chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy theo cách thế mà chỉ có Chúa biết” (GS, số 22).

[26] Ý tưởng “Hạt giống Ngôi Lời” của thánh Justino được Gioan Phaolô II lấy lại và khai triển trong Thông Điệp Redemptoris Missio, số 28.