Đấng Sáng Lập

1 – Phương châm

Adveniat Regnum Tuum

(Nguyện Nước Cha trị đến – Que ton Règne vienne – Thy kingdom come )

Cha Emmanuel d’Alzon

Đấng sáng lập

• Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời
• Dòng Nữ Tận Hiến-Đức Mẹ Lên Trời

2 – Căn tính người tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời

Anh em dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời là những tu sĩ sống trong cộng đoàn hoạt động tông đồ. Trung thành với Đấng sáng lập, Cha Emmanuel d’Alzon, chúng ta tự định trước hết, vì tình yêu Đức Kitô, làm việc cho Nước Chúa trị đến nơi chúng ta và xung quanh chúng ta.

 

3 – Emmanuel d’Alzon: Người say mê Nước Chúa

Emmanuel d’Alzon, một người say mê Triều đại Thiên Chúa.

Khi Thiên Chúa thấy dân Người trong cơn túng quẫn, Người kêu gọi những con người, ban cho họ ân sủng để cảm nhận và yêu mến như Người, cùng ban sức mạnh để thực hiện. Người kêu gọi và sai họ đi.

Trong Giáo hội của thế kỷ thứ XIX, Emmanuel d’Alzon, Đấng sáng lập dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời, còn gọi là dòng Đức Mẹ Lên Trời và dòng Nữ Tận Hiến-Đức Mẹ Lên Trời, là một trong số những người như thế. Do bản tính và nhờ ân sủng, biết nhạy cảm với những biến chuyển mạnh mẽ của quê hương mình cũng như của thế giới sau Cách mạng Pháp, Cha đau lòng khi thấy Thiên Chúa bị đe dọa nơi con người và con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa bị đe dọa.

Bằng tình yêu tha thiết của Cha cho Nước Chúa trị đến, cho Đức Giêsu Kitô và cho những gì Đức Giêsu Kitô yêu mến, Cha cảm thấy bị thôi thúc chia sẻ tình yêu này với những giáo dân, trước khi chia sẻ với những anh em và chị em của Cha trong dòng Đức Mẹ Lên Trời. Cha Emmanuel d’Alzon giúp họ cảm nghiệm những công việc lớn lao của Thiên Chúa và của con người trong thời đại mình. Cha thúc đẩy họ đi vào những con đường mới mẻ và táo bạo như : đi truyền giáo Đông phương, làm báo chí, tổ chức hành hương, mở chủng viện cho người nghèo…

Nhưng trước tiên, trong duy nhất cùng một hoạt động, Cha mời gọi họ “tìm kiếm Triều Đại Đức Giêsu Kitô nơi họ và xung quanh họ”.

Tiếp theo Đấng sáng lập, bởi tình yêu Đức Kitô và cho Triều Đại Thiên Chúa hiển trị, dòng Đức Mẹ Lên Trời đã tiếp tục và mong muốn theo đuổi sự nghiệp của Cha d’Alzon.

Cha Hervé Stéphan, tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời

Bề trên tổng quyền 1975-1987

 

4 – Emmanuel d’Alzon: Đấng sáng lập

Cha Emmanuel d’Alzon

Cha Emmanuel d’Alzon, các bạn có biết Người không ? Nếu bạn sống ở thành phố Nîmes hay trong vùng này, bạn có thể đã nghe nói đến Người. Tuy nhiên, con người của thế kỷ thứ XIX này (1810-1880) xứng đáng hơn là một trích dẫn bên lề trong sách lịch sử. Và nhà dòng của Cha, dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời, được thành lập ở Nîmes năm 1845, cũng xứng đáng hơn là một lời châm chọc truyền thống theo kiểu của Daniel-Rops, sau những đụng độ đã kích động vụ việc Dreyfus vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XXI. Nhưng vào thời đó, Cha d’Alzon đã rời thế gian này 20 năm rồi.

Người con của vùng Cévennes, có nguồn gốc cũng như dáng dấp và tính cách một người Miền Nam , đó có thể là định nghĩa dựa theo bình diện tâm-địa lý của một chức sắc Giáo hội, tổng đại diện địa phận Nîmes trong suốt 40 năm trời, Người đã lập ra hai gia đình tu sĩ: Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời, thường được gọi là dòng Đức Mẹ Lên Trời (1850) và dòng Nữ Tận Hiến-Đức Mẹ Lên Trời (1865).

Cha cũng đã tham gia vào việc khai sinh dòng Nữ Đức Mẹ Lên Trời (1839). Suốt cuộc đời, Cha d’Alzon luôn bận rộn vì các hoạt động, sáng kiến và dự án, chưa bao giờ ngần ngại điều hành cùng lúc nhiều công việc. Cha đã tìm thấy sức mạnh của mình trong nhiều giờ cầu nguyện và suy niệm liên tục.

Chúng ta hãy đi ngược thời gian trở về ngày sinh của Cha để khám phá cuộc đời và hiểu rõ hơn hành trình của Cha trong gia đình dòng Đức Mẹ Lên Trời.

1 Nhà sử học Daniel-Rhopp đã có những nhận xét một chiều về những đụng chạm giữa dòng Đức Mẹ Lên Trời và người Do-thái. Vụ việc bắt đầu từ vụ xét lại sĩ quan người Pháp gốc Do-thái Alfred Dreyfus. Sự đụng chạm này nằm trong bối cảnh bài xích người Do-thái của nước Pháp thời đó chứ không riêng gì nhà dòng Đức Mẹ Lên Trời.

 

5 – Tuổi trẻ vàng son

Một thời tuổi trẻ vàng son

Emmanuel d’Alzon sinh ra trong một gia đình quý phái.

Bố là ông Henri, les Daudé d’Alzon, thuộc tầng lớp quý tộc mới, xuất thân từ Vigan và gần như bị sạt nghiệp vào thời Cách Mạng Pháp. Hồi thế kỷ thứ XVIII, nhánh tộc trưởng đã rời vùng Cévennes đồi núi, khí hậu khắc nghiệt để đến cư ngụ ở vùng đồng bằng Languedoc nắng ấm, đầy ánh mặt trời.

Mẹ là bà Faventine de Montredon. Nhờ họ mẹ, Emmanuel d’Alzon thuộc một dòng họ nổi tiếng trong lớp thị dân, giàu có nhờ bổng lộc của công việc hành chính và mới được thăng làm quý tộc. Tầng lớp thị dân này bị Cách mạng Pháp báo thù dai dẳng nhất.

Khi Emmanuel chào đời vào ngày 30 tháng 8 năm 1810 trong ngôi nhà tổ tiên Condamine ở Vigan, nước Pháp đang trải qua những ngày vinh quang cuối cùng của thời Đế chế, trước ngày tàn của thảm họa chiến tranh Tây Ban Nha và sự thất bại trước nước Nga.

Biết bao câu chuyện đã được kể trong gia đình, ở các buổi tối xung quanh bếp lửa về tất cả những việc lớn nhỏ đã xảy ra từ hơn 25 năm biến động chính trị. Ở Vigan, mọi người thích nhắc lại việc gặp gỡ với Đức hồng y « đen » Guilio Gabrielli. Ngài được đưa ra khỏi giáo triều giáo hoàng lúc đó đang bị giam lỏng ở Fontainebleau và đã được gia đình d’Alzon đón tiếp thịnh tình. Khi ban phép lành chúc phúc, Đức hồng y đã tiên báo số phận người con của gia đình.

 

6 – Sống trong lâu đài Lavagnac

Ở lâu đài Lavagnac

Năm 1816, lâu đài Lavagnac (gần Montagnac trong vùng Hérault) được dòng họ Faventine mua lại năm 1790 cho hậu duệ của những hoàng tử Conti và được trùng tu kỹ lưỡng. Lâu đài này có thể đón tiếp gia đình d’Alzon trong khung cảnh ít khô khan hơn ở Vigan. Sông Hérault chảy kế bên, đây là bể bơi lý tưởng cho những khoảnh khắc nóng bỏng của mùa hè. Khu vực trồng trọt rộng lớn nằm sát bên lâu đài cho phép gia đình duy trì vị thế của mình giữa xã hội thượng lưu vùng Languedoc và sống thoải mái nhờ lợi tức trồng trọt cùng hoa lợi từ việc cho thuê trang trại mà không cần lo lắng cho ngày mai. Công tước Henri d’Alzon còn để cho « quỷ chính trị » cám dỗ và nhiều lần đắc cử áp đảo với đa số phiếu thuận.

 

7 – Cơ may và yêu cầu của đời sống

Những cơ may và những yêu cầu của cuộc đời

Qua việc trình bày trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng suốt thời trai trẻ của mình, Emmanuel d’Alzon chỉ biết thụ hưởng cuộc sống nhung lụa. Quả thật, Emmanuel đã có cơ hội nắm bắt những gì tốt đẹp nhất của tinh hoa văn hóa và được hưởng một nền giáo dục lành mạnh. Cậu đã được thừa hưởng những thuận lợi từ lúc sinh ra : sự sung túc, những mối quan hệ rộng lớn, khỏi phải chú tâm vào một nghề nghiệp chân lấm tay bùn. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng : theo một quan niệm phù hợp với lý tưởng nghĩa hiệp trọng danh dự và trách nhiệm Kitô giáo, môi trường của cậu cũng phải thực hiện những bổn phận tương ứng với nghĩa vụ của mình.

Khi Đấng Quan Phòng đặt một người được tuyển chọn vào đỉnh cao của tầng lớp ưu tú trong xã hội, không phải để anh ta thụ hưởng một cách ích kỷ những lợi lộc từ vị trí của mình đem lại, nhưng để dạy anh ta suốt đời phải biết giúp đỡ những ai cần đến mình.

 

8 – Con cái của một gia đình sum vầy

Một gia đình sum vầy

Chúng ta luôn là con cái của gia đình mình. Câu ngạn ngữ này đã được kiểm chứng với Emmanuel. Từ môi trường sống của mình, cậu đã có được một cân bằng cần thiết về tâm lý và tình cảm. Những mối liên hệ nối kết Emmanuel với bố mẹ và với chị em gái Augustine và Marie thật sâu lắng và mang lại nhiều lợi ích.

Nhờ người em gái kết hôn với bá tước Puységur, Emmanuel càng cảm thấy hạnh phúc, vì gia đình có thêm thành viên mới và có thể nối dõi nhờ một hậu duệ. Ba người cháu trai và gái đã tạo cho những dịp nghỉ ngơi thường xuyên của Cha ở Lavagnac bầu khí ấm cúng cũng như bồi bổ nghị lực rất cần thiết cho Cha giữa nhiều mối bận tâm liên tục và những đòi hỏi của công việc.

 

9 – Một nền giáo dục ưu tú

Một nền giáo dục ưu tú

Tử tước d’Alzon vì vai trò đại biểu phải đến sống ở Paris từ năm 1817. Quyết định được đưa ra là từ năm 1823, tất cả gia đình có thể sẽ phải đến đó sinh sống trong thời gian con cái đến trường. Chính vì lẽ đó, cậu Emmanuel đã rời Miền Nam thân yêu lần đầu tiên. Cuộc ra đi này báo hiệu cho nhiều cuộc hành trình trong đời của cậu. Bố mẹ đã chọn cho Emmanuel những ngôi trường nổi tiếng nhất thủ đô. Ngôi trường thứ nhất là trường công theo hệ thống giáo dục thời đó (trường Saint-Louis, nằm trên đại lộ Saint-Michel), ngôi trường thứ hai là trường tư (trường Stanislas trong khu phố Notre-Dame des Champs). Trường công vào thời đó không có nghĩa là phi tôn giáo, và trường tư không đồng nhất với một tín ngưỡng đặc biệt nào. Sau một thời gian ngắn hội nhập (thành phố, nhịp sống), Emmanuel thích thú với việc giáo dục trí thức và tâm linh trong các ngôi trường này. Cậu thích môi trường cởi mở, đầy tính kích thích và tập thể này hơn là môi trường gia sư, sau này bị coi là “môi trường nhân tạo”, hoàn toàn mang tính gia đình và cá nhân. Emmanuel sẵn sàng gợi hứng theo khuôn mẫu giáo dục này khi Cha đứng đầu ngôi trường ở Nîmes, trường Đức Mẹ Lên Trời từ năm 1844. Cha luôn khuyên nhủ các bậc phụ huynh chọn lựa cho con cái họ một môi trường giáo dục mở và mang tính xã hội như trường phổ thông, khuyến khích chọn lựa hình thức giáo dục tập thể này hơn mọi hình thức cổ điển được sử dụng trong giai cấp khá giả ngày xưa.

 

10 – Thời trung học

Một hệ thống giáo dục

Ở thế kỷ XIX, giáo dục còn là một đặc quyền giai cấp, nhất là từ cấp II trở lên. Việc dạy học cấp I tiến bộ rõ rệt nhất là nhờ sự gia tăng các dòng tu và một số hình thức xã hội hóa nông thôn. Giai cấp tư sản thành thị theo truyền thống thường chống đối giáo quyền đã không ngần ngại giao con trai của họ cho các dòng tu của « các linh mục tốt bụng » (nhất là các cha dòng Tên) và con gái của họ cho các tu viện. Vả lại, những tu viện này được tìm kiếm để học « các phương thức tốt đẹp » hơn là vì thành tích khoa học. Nhà Nước Pháp lúc đó quan tâm đến giảng dạy hơn là giáo dục, khuyến khích địa phương mở trường tiểu học (luật Guizot, 1833), tăng số lượng các trường nam trung học trong các thành phố và thị trấn lớn, coi đây như vườn ươm cán bộ tương lai cho các vị trí nhà nước và cho các nghề nghiệp tự do, nhưng lại sẵn sàng bỏ quên nhiều người ngoài biên chế nhà nước trong các vùng có ảnh hưởng tôn giáo : tiểu chủng viện, trường tư, các trường và lưu xá của các nhà dòng (luật Failloux 1850).

Tuy nhiên, dưới thời Đế quốc đệ nhị tính hung hăng trong các môi trường thế tục và đại học đối với sự bỏ rơi dễ dàng này của chính quyền nhà nước tăng lên. Như vậy phát triển ở Pháp một sự phân cực càng ngày càng mạnh mẽ giữa những người bảo vệ tự do giáo dục không cần sự kiểm soát của nhà nước và những người chủ trương một sự biệt lập tôn giáo, muốn loại trừ hàng giáo sĩ và các dòng tu ra khỏi việc giảng dạy và hướng dẫn học đường.

Năm 1833, đạo luật Ferry khi tuyên bố giáo dục sơ cấp công cộng, miễn phí và không tôn giáo đã làm đảo ngược tiến trình và thỏa thuận chính trị, tư tưởng được thiết lập từ sau Cách Mạng Pháp.

Một chính thể hung hăng và mang tính bè phái sẽ đề ra nhiệm vụ loại trừ tôn giáo khỏi lĩnh vực học đường và nghiêm cấm các thành viên của nhà dòng giảng dạy.

Cha d’Alzon quan sát vấn đề này không với tư cách là khán giả nhưng là diễn viên tranh đấu và dấn thân. Một trong những đam mê đeo đẳng suốt đời của Cha d’Alzon mà nhiều gia đình trong thời đại chúng ta luôn đồng tình, đó là quan tâm đến việc tạo cho con cái họ một môi trường giáo dục tốt nhất và chuẩn bị cho các em vào đời bằng giáo dục học đường, một nền giáo dục không ngừng mở rộng phạm vi, phương pháp và chương trình của mình. Cha rất hài lòng khi thấy dự thảo luật tự do giảng dạy đại học được thông qua (luật Laboulaye 1875) dù cho nội dung của nó sẽ không được áp dụng vì những diễn biến chính trị xảy ra sau năm 1879. Chắc chắn, chúng ta sẽ không hiểu về đời sống và hoạt động của Cha d’Alzon trong tư cách là người đứng đầu nhà dòng Đức Mẹ Lên Trời nếu chúng ta loại trừ chiều kích giáo dục và học đường này, một chiều kích trung tâm trong cuộc đời đáng kính của Cha.

 

11 – Chủ động chọn hướng cuộc đời

Từ chọn lựa nghề nghiệp đến đón nhận ơn gọi

Như bao thanh niên khác, cậu Emmanuel có những câu hỏi và những ưu tư của tuổi trẻ: sẽ theo nghề nghiệp nào ?

Quân nhân hay thẩm phán?

Emmanuel rất thích sách vở nhưng cũng rất ham vũ khí. Trong gia đình d’Alzon, nghề nhà binh là nghề truyền thống. Bố mẹ Emmanuel phản đối định hướng này mà theo họ có thể còn hời hợt nơi cậu. Họ đề nghị cậu đi theo ngành luật, ngành có thể đưa đến nghề làm tòa án và chính trị.

Chính vì không chắc chắn mà năm 1828 Emmanuel bắt đầu học luật ở Paris và bỏ ngành này khá sớm (1830) vì nhiều lý do (biến cố). Quả thật, một lý do khác đang xâm chiếm từ từ tâm hồn cậu, không phải là một nghề nghiệp mang tính cơ hội cho bằng là một chương trình sống trọn vẹn. Chương trình này không chia cắt cuộc sống cũng như tư tưởng hay hoạt động của cậu, nhưng sắp xếp tất cả xung quanh điều cậu gọi là một ý tưởng chủ đạo: vai trò và vị trí của Thiên Chúa đối với xã hội trong đời sống của cậu. Cậu thổ lộ điều này với các linh mục trong đó có người nổi tiếng là Cha Félicité de Lamennais và các bạn học ở Paris (Gouraud, d’Esgrigny, de La Cournerie). Mọi người đều khuyên cậu chờ đợi. Tuy nhiên, sau khi bỏ ra hai năm suy nghĩ trong cô tịch và trong gia đình, xa lánh mọi đảo lộn chính trị và thông tin đại chúng (1830-1832), Emmanuel thích thực hiện chương trình này ngay, không chút chậm trễ.

 

12 – Trở thành linh mục

Trở thành linh mục hay không ?

Ý tưởng ơn gọi linh mục nơi Emmanuel d’Alzon không phải là sự xốc nổi của tuổi thanh niên, cũng không phải sự lôi kéo theo cảm tính, nhưng là sự ý thức chín muồi có cân nhắc và lượng định những hơn thiệt mang tính xã hội của một bậc sống.

Trở thành linh mục, đối với Emmanuel là dấn thân hành động và biến đổi xã hội theo những phương tiện, quan niệm và phương pháp của môi trường Công Giáo thời đó.

« Trở thành linh mục, đối với Người là dấn thân hành động và biến đổi xã hội ».

Lúc đầu Emmanuel tin tưởng rất nhiều vào sự biến chuyển những luồng tư tưởng mới đang xuất hiện xung quanh Lamennais. Những luồng tư tưởng này tìm cách giải phóng hay phục hồi tôn giáo khỏi những liên hệ cổ xưa hay khỏi những lệ thuộc vào nền quân chủ và pháp giáo.

 

13 – Phục vụ Thiên Chúa

Phục vụ Thiên Chúa

Phục vụ Thiên Chúa trong xã hội nhưng không phục tùng những điểm tựa truyền thống, tạo những mối liên hệ mới với các tầng lớp xã hội xuất hiện từ thời Cách Mạng Pháp, thường xa rời Giáo hội. Chính trong suy niệm và tĩnh lặng của vùng Lavagnac mà Emmunuel đón nhận từ sâu thẳm lòng mình ân sủng ơn gọi linh mục, chứ không phải những sở thích, những thói quen hay những người thân cận chuẩn bị riêng cho cậu. Trong lĩnh vực này, Emmanuel biết chứng tỏ một sự tự do lớn lao để không bị giam hãm trong các định kiến của môi trường mình.

 

14 – Vào chủng viện

Tĩnh dưỡng trí thức và tâm linh

Trong khoảng thời gian giữa những năm 1830 và 1832, ở Lavagnac, Emmanuel đã thực hiện một loại tĩnh dưỡng trí thức và tâm linh dài hạn bằng việc đọc Kinh Thánh và nghiên cứu các tác giả uyên thâm trong truyền thống kitô giáo nhằm tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm chính mình và tìm kiếm cả những điểm nhấn, những mong đợi và nhu cầu mới mà xã hội không ngừng tạo ra từ cú sốc cách mạng. Lúc này chúng ta cảm nhận một Emmanuel cởi mở với nhiều vấn đề xã hội còn chưa có lời giải hơn là một người trẻ đã đóng khung trong những xác tín dễ dãi của một hệ thống giáo điều.

Kinh nghiệm đau thương trong đại chủng viện Montpellier

Sau nhiều chần chừ, cuối cùng vào giữa tháng 3 năm 1832, Emmanuel quyết định chọn đại chủng viện Montpellier làm nơi đào tạo. Đại chủng viện này được mở cửa từ khoảng 10 năm nay nhờ thoả ước Napoléon (năm 1802).

Cú sốc quả là khá mạnh đối với người thanh niên lịch sự, thanh nhã, bị cọ xát với những tình bạn ở Paris và quen với những kỳ tài trí tuệ thông thoáng hơn là với những kỹ xảo của một môi trường khá khép kín. Điều làm Emmanuel đau khổ nhất, đó là tình bạn với Lamennais và những tư tưởng tự do của Ngài bị giám mục sở tại, đức cha Fournier de la Contamine cùng một số giáo sư còn mang tư tưởng Galican đả phá mạnh mẽ.

Cuối năm học 1833, sau khi chịu các chức nhỏ, thầy Emmanuel chọn Rôma để tiếp tục theo học thần học. Sau này, thầy nhìn nhận những lợi ích có được từ những ngày theo học ở Montpellier : bài giảng của Cha Ginoulhiac, giám mục tương lai, tình bạn thân tình với một số giáo sư lớn tuổi hơn thầy chút ít (Cha Fabre và Bernières), sự gần gũi hoàn toàn trong sáng với một số chủng sinh trong đó có Soulas linh mục tương lai và việc học hỏi lòng yêu mến phụng vụ, tức các bí tích và kinh nguyện Kitô giáo. Lá thư gửi cho gia đình giúp chúng ta biết rõ về bầu khí sinh hoạt, phương pháp huấn luyện và điều kiện sống của đại chủng viện thời đó. Khoa học thần vụ còn chưa thực sự hồi phục từ sau chia rẽ cách mạng. Theo Emmanuel, ở đó người ta sống quá tách biệt với các diễn biến trí thức đang khuấy động những tầng lớp thông thái nhất trong giới trí thức thời đó, nhất là những mong muốn tôn giáo mới của quần chúng. Nhờ sự tiếp tay của một số linh mục, Emmanuel đã theo sát tiến triển tâm thức thời đại khi bí mật đọc một số tờ báo cấm như báo L’Avenir (Tương lai) của cha Lamennais được thành lập tháng 11 năm 1830. Tờ báo này sớm phải đình bản.

 

15 – Chia sẻ nỗi đau của Giáo Hội

Hạnh phúc trở thành linh mục, đau khổ vì Giáo hội và cho Giáo hội

Tháng 11 năm 1833 đã đến, thầy Emmanuel lên đường đến Rôma, trung tâm công giáo và lúc đó còn là thủ phủ của các lãnh thổ giáo hoàng. Thầy trọ trong tu viện Minimes, gần quảng trường Tây Ban Nha và theo học trong một thời gian ngắn ở trường Grêgôriô. Theo lời khuyên của một số bạn bè là hồng y và thần học gia (Micara, Mazzetti, Olivieri), thầy Emmanuel nhanh chóng tự học tại nhà và nhờ người kiểm tra những ghi chép của mình khi đọc sách. Emmanuel cũng cho biết niềm vui khi được khám phá kinh thành vĩnh cửu, khám phá những tàn tích còn sót lại của thời cổ đại, những gia tài kiến trúc, hội họa và biết thêm cả đời sống phụng vụ sinh động ở đây. Emmanuel kết bạn với Mac-Carthy trẻ tuổi, lúc đó là chủng sinh của Nước Anh và sẽ là hồng y Wiseman tương lai, nhưng cũng không để bị phân tâm bởi quá nhiều đòi hỏi hay những giao tiếp trần thế mà dòng họ của thầy cho phép tạo ra. Óc quan sát của Emmanuel luôn tỉnh táo giúp thầy mở mang kiến thức và đối chiếu niềm tin đến các thực tại rộng lớn hơn của Giáo hội phổ quát. Nhưng triều đại giáo hoàng Grégoire XVI, bắt đầu năm 1831 còn được đánh dấu bởi một xu hướng hoàn toàn bảo thủ, lúc đầu còn ngờ vực sau đó là chống đối thẳng thừng tất cả những đảo lộn tự do đang làm cho nguyên trạng chính trị trên bán đảo Ý bị chia rẽ thành bảy quốc gia.

 

16 – Nhiệt huyết và Vâng phục

Thử thách từ vụ Cha Lamennais

Vụ Cha Lamennais được đưa ra trong triều chính Rôma một cách vụng về giữa những năm 1832-1834, trong bối cảnh co cụm chống lại phong trào tự do là nguyên nhân gây đau khổ mạnh mẽ nơi thầy Emmanuel. Cho đến lúc này, Emmanuel rất có thiện cảm với linh mục-biểu tượng của sự tiến bộ phù hợp với những lý tưởng thời đại. Emmanuel khám phá ra rằng Giáo hội Rôma cũng là một trung tâm có những tính toán chính trị-tôn giáo, nơi đó Tin Mừng không luôn luôn chiếm chổ nhất và cơ quan ngoại giao Vatican còn giữ vai trò khá lắt léo với các cường quốc thế giới. Khi Emmanuel biết rằng cha Lamennais đang dần tách rời khỏi những dấn thân trong Giáo hội thì lúc đó Emmanuel đang tiến dần tới chức linh mục, tâm hồn Emmanuel bị giằng co giữa lòng tin tưởng bạn bè và sự trung tín đạo đức đối với Giáo hội.

Trung thành nhưng không quỵ lụy

Có mặt tại chỗ, ngay trung tâm những cuộc tranh luận và những lời kết án, Emmanuel tìm cách duy trì, không từ chối cũng không thần phục, tình yêu của Cha đối với Giáo hội và tình bạn đối với Lamennais cho đến lúc hoàn toàn chia cắt với Lamenais. Kinh nghiệm thanh tẩy này chỉ cho Emmanuel rằng cần phải rất khôn khéo khi luôn luôn làm việc cho Rôma, không bao giờ chống lại Rôma nhưng đôi khi không cần Rôma.

Được truyền chức linh mục 

Emmanuel không lạc hướng trong đời sống thiêng liêng và rất hạnh phúc được đón nhận thừa tác vụ linh mục trong nhà nguyện riêng bởi hồng y Odescalchi, một ngày sau lễ Noël 1834. Vì đã quyết định chắc chắn sẽ ưu tiên cho những lợi ích thiêng liêng của Giáo hội trước mọi lý do chính trị hoặc phe cánh, Emmanuel rất vui được yết kiến Đức Giáo Hoàng Grégoire XVI và kết thúc đợt lưu trú thứ nhất của mình ở Rôma vào tháng 5 năm 1835. Cha rất vui khi gặp lại gia đình ở Lavagnac. Sau hơn mười tám tháng vắng mặt, gia đình rất vui sướng hưởng những hoa quả đầu mùa nhờ thiên chức linh mục của Emmanuel.

 

17 – Phục vụ Giáo phận Nîmes

Phục vụ cho giáo phận Nîmes

Sau khi tiếp xúc với giám mục địa phận Nîmes (1835), Đức cha de Chaffoy, linh mục d’Alzon tiến nhanh trên các nấc thang trách nhiệm trong Giáo hội. Được đặt làm kinh sĩ và cha tổng đại diện danh dự, Người bắt nhịp rất nhanh trong môi trường mới và dấn thân hết mình làm sinh động đời sống tín hữu địa phương, nhất là giới trẻ đến nỗi Cha đã nhận được một số lời chỉ trích khá cay đắng. Niềm hăng say, sự nhiệt tình cộng với tính tự do và năng lực khác thường của Cha đã làm đảo lộn sự đơn điệu, nhàm chán đã ăn khá sâu vào thế giới tôn giáo thời đó.

 

18 – Bốn mươi năm làm Tổng Đại diện

Cha tổng đại diện

Người kế vị Đức cha Chaffoy cũng là một giám mục vùng Franc-comtois. Đức cha Cart, năm 1839, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã chọn linh mục d’Alzon làm cha tổng đại diện dù Người còn trẻ, lại ít kinh nghiệm mục vụ và có tính tình hoàn toàn trái ngược mình. Linh mục d’Alzon từ chối đến ở tòa giám mục, vì muốn duy trì tự do về chổ ở trong thành phố và muốn giữ một khoảng không gian làm việc khá độc lập cho phép Cha có một nhịp sống hài hòa với sở thích của mình.

Ưu tư về việc hiệp nhất

Sự quan tâm của Cha đối với những người Tin lành vùng Miền Nam đã làm cho Người hơn một lần phải giảng giải và gây ra tranh luận, nhưng với sự tế nhị và tài ngoại giao cá nhân, Cha đã trao đổi thẳng thắn, thảo luận tự do những ý tưởng và thể hiện một lòng nhiệt thành tông đồ không thể chối cãi. Phong trào đại kết lúc đó chưa hình thành, nhưng những quan điểm thần học tôn giáo khác biệt rõ ràng không cản trở một sự hài hước dễ chịu trên lĩnh vực công cộng, trong những mối tương quan nhân bản nếu không muốn nói là tương quan bằng hữu nơi một số người (de Larcy, de La Farelle và Girard).

 

19 – Hăng say, đam mê và mạnh dạn

Những dự án lớn

Từ năm 1843, ba hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực của linh mục d’Alzon : thứ nhất, mở một tu viện Carmel ở Nîmes; thứ hai, duy trì tương quan đặc biệt về việc linh hướng và tình bạn thiêng liêng với một đấng sáng lập trẻ ở Paris, Mẹ Marie-Eugénie de Jésus mà Cha đã quen biết từ năm 1838 qua linh mục nổi tiếng, Cha Combalot; thứ ba, phục hồi một ngôi trường đang xuống cấp trầm trọng mang tên Đức Mẹ Lên Trời. Cha muốn xây dựng ngôi trường này thành một trường công giáo tự do và có uy tín. Kinh nghiệm làm hiệu trưởng trường học giúp Cha d’Alzon mở rộng mối quan hệ với hàng trăm phụ huynh học sinh đến từ khắp vùng Languedoc, cho phép Cha tiếp xúc hàng ngày với nhiều người trẻ. Như vậy, giới trẻ trở thành môi trường sống tự nhiên của Cha cho đến lúc chết. Kinh nghiệm từ môi trường này cũng đã giúp Cha đào sâu một quan niệm về giáo dục kitô giáo mà Cha không ngần ngại coi như công việc nhập thể : “làm cho Đức Giêsu Kitô hình thành trong con người”. Tất cả thành phố Nîmes, những người có địa vị và cả những thợ thủ công và công nhân, không ai lại không biết sự năng động của vị linh mục lôi cuốn này. Được khích lệ bởi tinh thần tông đồ của các Nữ Tu Đức Mẹ Lên Trời, những người đang thực hiện công việc giáo dục và thể hiện lòng nhiệt thành trong đời sống cộng đoàn, bây giờ Cha Emmunuel mong muốn chọn lối sống tu dòng.

Dòng Đức Mẹ Lên Trời : một cuộc phiêu lưu Tin mừng

Từ năm 1845, trường Đức Mẹ Lên Trời đã trở thành cái nôi-sự sống của đấng sáng lập. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người giáo dân quả cảm và tận tình, nhất là ông Monnier và ông Germer-Durand, hai người có bằng cấp đại học, và dù cho Đức giám mục cứ khất lần khất lừa, linh mục d’Alzon một khi trở thành Cha d’Alzon đã có sáng kiến tạo ra ngay trong ngôi trường của mình một phong trào tâm linh. Phong trào này lấy cảm hứng từ các dòng tu cổ đại, dưới sự bảo trợ của thánh Augustinô, biết kết hợp cùng lúc lòng đạo đức của đời sống tu trì theo mô hình tu viện và lòng nhiệt thành tông đồ của các hội dòng hiện đại. Một hiệp hội dòng ba tập hợp nam và nữ giáo dân vào hoạt động mục vụ của nhà dòng Đức Mẹ Lên Trời non trẻ. Như gia đình nam tu, hội dòng ba này khai sinh vào đêm Giáng sinh năm 1845 trong sự khiêm hạ, hoàn toàn bị ẩn dấu như Chúa Giáng sinh ở Bê-lem năm xưa. Cha Tổng đại diện d’Alzon cùng với bốn đồ đệ (Henri Brun người Lozère, Victor Cardenne người Paris, Etienne Pernet người Franc-comtois và Hippolyte Saugrain, người Normandie) sẽ bất chấp mọi trở ngại, kiên trì dấn thân trong đời tu cho đến lúc khấn dòng lần đầu vào lễ Giáng sinh năm 1850, ngày Đức cha Cart cho phép chính thức.

 

20 – Cởi mở với bên ngoài

Mở ra với thế giới bên ngoài

Việc thành lập dòng, dù ban đầu rất khiêm tốn, đã khai sinh ra một gia đình mới trong Giáo hội. Và hôm nay, nhà dòng đã hiện diện tại 27 quốc gia nằm rải rác trên khắp địa cầu, phân bố trong 150 cộng đoàn của 8 tỉnh dòng hay phó tỉnh dòng. Ngôn ngữ truyền thông thường dùng trong các cộng đoàn này mang tính đa dạng về địa dư và văn hóa của cả Châu Phi, Châu Mĩ hay Châu Á. Một bức tranh ghép nối hài hòa thực sự của một nhân loại mang tính quốc tế và đang tìm cách sống trong sự hiệp nhất của cùng một tinh thần sáng lập, một tinh thần vừa đượm chất phúc âm vừa mang nét riêng biệt của nó nhằm phục vụ giáo hội địa phương và phục vụ nhân loại trên con đường tìm kiếm sự phát triển.

Mặc dầu khai sinh trong trường học, ở thành phố Nîmes và mang đậm chất văn hóa Pháp, dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời đón nhận từ Đấng sáng lập cũng như từ những anh em tu sĩ đầu tiên ân sủng mở rộng tâm linh và hoạt động tông đồ, không ngừng tìm cách vượt lên những dấu hiệu khép kín trong cái nôi của mình. Suốt chiều dài lịch sử, nhà dòng không phải không có những đau khổ, những lưỡng lự, không phải không có những chia rẽ và thậm chí cả những biến thái. Ngay từ thời Cha d’Alzon còn sống, trong vai trò tu sĩ giữa những năm 1845-1880, người ta đã tính được ít nhất có 21 lần thành lập trong số đó có 7 lần là rất ngắn ngủi, con số tối đa chưa bao giờ vượt qua 73 tu sĩ hoạt động trong các công tác mục vụ khác nhau như trường học, trại mồ côi, giáo xứ, nhà đào tạo và tiểu chủng viện, truyền giáo phương xa, giảng tĩnh tâm, báo chí và hành hương. Điều này cũng nói lên rằng sự hiệp nhất trong cuộc sống và trong tinh thần ngay từ đầu đã là một cuộc chiến đấu dưới nhiều hình thức khác nhau, được dẫn dắt vì Tin mừng và vì lời mời gọi của Giáo hội thời đó.

 

21 – Ba chiều kích của tình yêu

Một tình yêu trong ba chiều kích

Dòng Đức Mẹ Lên Trời đón nhận tinh thần đức tin mạnh mẽ này và khai triển dưới nhiều nét đặc sắc : tình yêu dành cho Chúa Kitô, cho Đức Trinh Nữ Maria và cho Giáo hội, dưới một biểu hiệu mà nhà dòng chọn làm châm ngôn cho mình : Adveniat Regnum

Tuum, A.R.T, thành ngữ này được rút ra từ chính lời nguyện của Chúa Giêsu trong kinh Lạy Cha « Nguyện Nước Cha trị đến ».

Một luật sống

Lịch sử nhân loại và tâm linh của một con người ngoại thường tự bản thân không tạo ra sự sống sót từ một thực thể xã hội. Để đối diện với thay đổi thời gian và mang đến một sức sống tin mừng thực thụ, dòng Đức Mẹ Lên Trời phải trao ban và đón nhận lương thực trên con đường tu trì của mình. Những Hiến pháp đầu tiên được Cha d’Alzon soạn thảo từ giữa những năm 1855-1865, các kỳ tổng công nghị sau đó, đặc biệt tổng công nghị năm 1923, một tổng công nghị vì nhiều mất mát chia rẽ và cho đến Luật Sống hiện tại được xuất bản năm 1983, nhiều thành ngữ về tinh thần nền tảng này đã được lưu giữ lại hoàn toàn. Điều mà các bản văn đã không bao giờ diễn tả hoàn chỉnh, chính là sức nặng và những được mất của hàng ngàn những trung tín mà dòng Đức Mẹ Lên Trời đã gợi nên, đã khuyến khích và đề nghị hôm qua, hôm nay và ngày mai để Triều Đại của Thiên Chúa được hiển trị. Nếu đường biểu diễn sự năng động của đời sống tu trì không đón nhận những thôi thúc đổi mới và được thấm nhập nhờ sự thay đổi uyển chuyển từ những lời mời gọi và những nhu cầu của Giáo hội cũng như của xã hội thì nó có thể sẽ yếu đi khi tiếp xúc với thực tế bình thường của cuộc sống đang đè nặng từ chính sự nhàm chán và lối mòn của nó. Cha d’Alzon đã hiểu rất rõ điều này khi Người không do dự hy sinh cộng đoàn Rethel (1859), cộng đoàn Clichy (1860) hay khi Người tuyên bố rút khỏi hoạt động truyền giáo ở Úc (1875).

 

22 – Trung tin sáng tạo

Sự trung tín sáng tạo

Cũng như tình yêu, sự sống của các cộng đoàn mới thành lập được thử thách trong sự trung tín sáng tạo về tính liên tục có thể có cũng như về sự bất ngờ phá hoại nào đó : cơn bão táp của Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tàn phá Phương Đông, việc giải phóng khỏi ách thực dân đã làm cho dòng Đức Mẹ Lên Trời phải rút khỏi Tunisie và Algérie, sự thiếu hụt ơn gọi trong vùng phía Bắc đang gặm nhấm đời sống cộng đoàn. Một sự chọn lựa tích cực những lời mời gọi và những hơn thiệt mang tính tin mừng trong nhà dòng vì con người trong tư cách là hình ảnh Thiên Chúa đang tìm kiếm sự hiệp nhất, chân lý và tình đoàn kết chỉ có thể tồn tại và đứng vững như một viễn tượng và một lý tưởng luôn xung đột thường trực. Quả thật, ở dòng Đức Mẹ Lên Trời, một vài « mảnh đất nhân sinh » đã biết những chọn lựa của mình, những dấu ấn hay những mơ tưởng lịch sử : chúng ta hãy nghĩ về Thổ Nhĩ Kỳ, về vùng Balkans, về nước Nga và ngay cả vùng đất xa xôi Mandchourie. Nhưng dòng Đức Mẹ Lên Trời không nhắm mắt hoài hương về vùng đất hứa của mình. Tính thời sự đã đưa nhà dòng làm việc bằng một đức tin quảng đại hướng về những vùng đất chưa ai biết đến hay những vùng cần phải khám phá : Madagascar từ năm 1953, Công-gô từ năm 1929, Châu Mĩ Latinh từ năm 1890 hay Mêxico từ năm 1948. Điều này không làm tổn hại đến những vùng chưa khai phá hôm nay hay ngày mai : Đông Phi (Tanzania và Kênya), Êquateur (1996), Hàn Quốc (1991) và Philippin, Tôgo và Viêt Nam (1997) trong sự trợ giúp của Thiên Chúa, sự đỡ nâng của Đức Mẹ Cứu Thế với sự cộng tác nhiệt tình của những nhà truyền giáo tiên phong.

 

23 – Sống đẹp như cha d’Alzon

Cha d’Alzon, một người sống động tuyệt vời

Nhưng chúng ta hãy quay trở lại thời Cha d’Alzon. Đầu đề bắt mắt này, “một người sống động tuyệt vời” đã được Cha André Sève chọn cho cuốn tiểu sử thiêng liêng mà Cha đã viết năm 1980 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của đấng sáng lập. Cha André không tìm cách che giấu những thử thách và những thương tích mà cuộc sống đã bắt Emmanuel phải chịu, nhưng Cha cố gắng lưu tâm đến tất cả những gì mà Emmanuel đã ý thức nhận được : nền giáo dục, của cải, các mối quan hệ, không tính đến sự dễ dãi giả tạo của tinh thần thành thị mà theo cha André làm suy yếu những tính cách tốt đẹp nhất. Trái lại, Cha d’Alzon học nghệ thuật trau chuốt tính cách vùng Cévenol mà Cha đã thừa hưởng. Cha biết “tin mừng hóa” từ từ những nét khá nổi cộm nhờ tính vui vẻ, hồn nhiên, thích bông đùa và luôn hài hước. Cũng vậy, đối với khuynh hướng độc đoán của mình, dù trong cuộc sống, Cha chưa bao giờ từ bỏ hết tính thô kệch xuất xứ từ gốc gác miền núi khô cằn của mình.

 

24 – Sống mạnh mẽ như cha d’Alzon

Trong mảnh đất khó khăn

Từ một đức tin công giáo sống động, lại được nuôi dưỡng thêm bằng chút pha trộn sự chống đối lại giáo phái tin lành đã ăn vào máu thịt, Cha phát triển tinh thần ủng hộ Giáo Hoàng theo kiểu Veuillot, luôn trong tình trạng báo động và thường là thích gây gỗ. Mang tâm hồn người Miền Nam, Cha d’Alzon thừa hưởng lòng say mê và tính hiếu động pha chút khiêu khích của những dân “trắng” phía Nam, những người bị lôi cuốn rất nhanh vào những đam mê chính trị và tôn giáo. Đáng buồn thay, lúc đó thành phố Nîmes, một thành phố quen thuộc với tính hiếu chiến, một pháo đài công giáo của chủ nghĩa chính thống, đã trở thành nhóm tin lành ảnh hưởng tự do rồi sau đó là cộng hòa : người ta thấy điều đó vào năm 1789, vào những năm 1830, 1848, 1851 và rồi còn vào năm 1870. Một thế kỷ phong phú từng có nhiều giai đoạn sinh ra nền dân chủ với giá là sự đụng độ gay gắt giữa các tôn giáo. Kitô giáo thời này tìm cách tạo ra một con đường mới giữa nhiều con đường khó khăn của thời kỳ hiện đại và giữa nhiều lối mòn truyền thống không còn thỏa mãn nữa. Một thế kỷ không thể tránh những rung chuyển cho sự thay đổi. Chính trong sự chọn lựa một nền công giáo khắt khe, nhưng không khoan nhượng về mặt tri thức, còn được gọi là một nền công giáo phò giáo hoàng (có phần bảo thủ quá khích) mà đấng sáng lập đang tìm cách lôi kéo hàng giáo sĩ của địa phận mình đi theo. Tầng lớp thị dân tư sản lại đòi hỏi một nền chủ nghĩa tự do theo sở thích, vả lại họ còn dựa trên ảnh hưởng của thiểu số tích cực trong giới tin lành. Những người này nhận thấy trong lý tưởng của Cách mạng một pháo đài chống lại sự mất cân đối trong Chế độ cũ. Xu hướng này chia cắt với đông đảo dân chúng trong các khu dân cư bình dân, vốn không giấu sự tin tưởng của họ vào vua chúa cũng như sự sốt sắng của mình vào một đạo Công Giáo thích nổi bật : rước xách, đèn nến, hình thức công cộng, tỏ lòng sùng kính Đức Maria và thánh thể theo kiểu bành trướng và chống đối tin lành.

Vào những thời khắc khó khăn trong vòng xoáy chính trị của đất nước những năm 1815, 1830 hay năm 1848, sự thỏa thuận mỏng manh đã được thiết lập giữa các cộng đồng bị phá vỡ. Mặc dù với giọng gia trưởng và tự cho mình là đúng về mặt nguyên tắc, nhưng trên thực tế, Cha d’Alzon đã chuẩn bị tinh thần đón những thỏa hiệp không thể tránh được, nhất là việc bỏ phiếu. Trong tư cách là Cha Tổng đại diện từ năm 1839 đến 1878 cùng với tất cả quan chức địa phương (xã, huyện, tỉnh), khi vượt lên trên sự chia cắt theo nhãn hiệu đảng phái, Cha đã mở nhiều lối thoát khi những vấn đề này không liên quan đến vấn đề tín lý. Trái lại, Cha không sợ tất cả những đổi mới kỷ thuật, nhất là đường xe lửa, sau này là máy may, điện thoại. Những điều này trang bị cho cuộc sống những khả năng mới. Tuy Người đang già đi cùng với thời gian, lại mang nhiều trọng trách và thực hiện hàng loạt công trình, thế nhưng niềm hăng say của Cha không hề thuyên giảm.

 

25 – Sống phục vụ như cha d’Alzon

Phục vụ Nước Trời

Nhiều lần Cha đã từ chối “mũ gậy” (giám mục) mà một số bạn bè của Cha tìm cách đề nghị cho Cha ở Mende, ở Aire-sur-Adour hay ngay cả ở Nîmes. Là người hoạt động gần gũi quần chúng, Cha không bận tâm đến chức vụ trong Giáo hội nhưng lo lắng cho môi trường mục vụ trong giáo phận mình và lưu ý đến sự năng động trong các hoạt động tông đồ mới được hình thành ở Paris hay ở Lyon (Hội Truyền bá đức tin), Hội thánh Vincent de Paul, Hội thánh François de Sales, Hiệp hội công nhân. Theo Cha, các hoạt động này phải được nhân rộng ra khắp hang cùng ngõ hẻm của vùng Nîmes. Những chuyến đi thường xuyên của Người đến Paris đều được thúc đẩy bởi những lý do mục vụ : điều hành hay khai trương các công trình, giảng dạy, liên lạc với các Nữ Tu Đức Mẹ Lên Trời. Trên bình diện này, cuộc đời của Cha rất giống với những công trình muôn thuở, không ngừng được tái tạo trên những nền tảng mới vì những nhu cầu mới : đấu tranh vì tự do giảng dạy, biến đổi xã hội, truyền giáo vùng xa, báo chí. Cha d’Alzon luôn quan tâm đến những trào lưu và những nhu cầu mới do chính xã hội, một xã hội không ngừng biến đổi, tạo nên. Cha mong muốn làm cho toàn thể Giáo hội được hưởng lợi ích tốt nhất từ những trào lưu và những nhu cầu mới này, hay nếu có dịp thì bảo vệ Giáo hội khỏi những ảnh hưởng xấu của nó.

Thập niên đấu tranh cuối cùng

Trong Tổng Công Nghị năm 1868, Cha d’Alzon đã thoáng thấy tính đúng đắn của một số thay đổi hay một số tiến triển trong các mục tiêu tông đồ của mình : phục vụ công ích quần chúng hơn là tập trung sức lực chỉ trên một số phần tử ưu tú. Năm 1854, khi sức khỏe bị thử thách, Cha lại chú trọng hoạt động tông đồ vào những tư tưởng nội tâm, thậm chí mang nét huyền nhiệm hơn. Điều này thể hiện qua các bài viết chín chắn của Người : Tập kim chỉ nam (Directoire) 1859, Thư gửi các giáo tập (Lettres aux Maîtres des novices) 1868, Thư luân lưu và suy niệm sau 1870 (Circulaires et Méditations). Những bài viết này, theo nhận định khách quan, đã thay đổi tính năng động tự nhiên của Cha mà từ lâu luôn mang thiên hướng hoạt động.

 

26 – Những ưu tiên

Những mục vụ ưu tiên

Nhờ ảnh hưởng của một số tu sĩ, nhất là Cha Etienne Pernet và các tu sĩ vùng Paris (Cha François Picard, Vincent de Paul Bailly et Hippolyte Saugrain), Cha d’Alzon mạnh dạn phác họa lại một vài ưu tiên mục vụ cho đám đông hay cho dân chúng như : hành hương, báo chí bình dân, tiểu chủng viện hay trường tông đồ cho tầng lớp nghèo khổ (trong dòng Đức Mẹ Lên Trời thường được gọi là “alumat”), các cuộc hội thảo và mục vụ công nhân. Những hoạt động này nở rộ từ năm 1871.

Cha bắt đầu hướng vào những hoạt động mang rõ tính bình dân khi để cho các các tu sĩ trẻ hơn làm việc học lấy kinh nghiệm trong các trại tù quân đội sau thất bại chiến tranh năm 1870. Chắc chắn, những lạm dụng của Công xã Paris năm 1871 không xoa dịu mong muốn chính trị của Cha theo hướng phục hồi quân chủ, nhưng nó kích thích mong muốn của Cha đáp ứng những yêu cầu mang tính xã hội hơn đã nảy sinh trong bối cảnh này. Thế hệ những môn đệ của Cha, không những không bỏ rơi lĩnh vực giáo dục mà còn biết đổi mới và làm cho mong muốn này phát triển hơn.

27 – Những người kế thừa

Những khuôn mặt nổi bật và sự sôi sục ý tưởng

Ở Paris, Cha Picard huy động hàng giáo sĩ và đạt được sự hỗ trợ của dân chúng với Hội Đức Mẹ Cứu Thế thành lập năm 1872 (vận động cầu nguyện công cộng)

Cha Vincent de Paul Bailly sửa lại tập san nối kết những người hành hương khai sinh ở La Salette trong năm 1873, để biến nó từ năm 1877 thành một tạp chí hấp dẫn và mang tính giải trí cho các gia đình. Trong tạp chí này, những tranh biếm họa đan xen với những đấu tranh chính trị thời đó. Sau này, tập san Thánh giá (La Croix-Revue) khai sinh năm 1880 và mau được biến đổi thành nhật báo năm 1883. Ở Paris, Cha Pernet với Huynh đệ giáo dân (Fraternité de laïcs) xung quanh chị em Tiểu Muội-Đức Mẹ Lên Trời (trực bệnh nhân miễn phí ở nhà) cũng dấn thân trong lĩnh vực hoạt động của một nền công giáo mang tính xã hội.

Từ Nîmes, dù cho tuổi tác bắt đầu tác động đến hoạt động của mình, Cha d’Alzon vẫn theo dõi sự sôi sục ý tưởng và hành động này; nó mang đến cho Cha sức mạnh, cảm tình và những lời chỉ trích; nhưng nơi đây, Cha biết nhận ra dòng máu quảng đại của chính thời trai trẻ của mình cùng với một đức tin thanh luyện tinh thần của Cha. Cha không bao giờ nghi ngờ sức mạnh dòng Đức Mẹ Lên Trời, mặc dù chỉ một số nhỏ các nam và nữ tu sĩ hoạt động trên mặt trận rộng lớn.

 

28 – Truyền lửa

Sự tiếp nối (relève)

Một thế hệ trẻ đầy sức sống được hình thành trong những tiểu chủng viện-trường học, mà sự duy trì của nó đã được phó thác cho chính Đấng quan phòng. Nhiều nhà hảo tâm quảng đại tập họp thành Hội Đức Mẹ Ơn gọi (Association de Notre-Dame des Vocations) tài trợ tất cả mọi hoạt động tông đồ của dòng Đức Mẹ Lên Trời. Vả lại, không có sự giúp đỡ của họ, tất cả những sự thôi thúc này (impulsions) đã không thể tìm thấy con đường thực hiện đích thực và có thể đã ngủ quên trong tình trạng những dự án trong các ngăn tủ tu viện !

Cha d’Alzon biết rất rõ, suốt cả cuộc đời mình, Cha chịu đựng “việc tử đạo tiền bạc” theo như cách nói của Cha và với tính quảng đại vốn có, Cha đã nuốt chửng gia sản gia đình trong rất nhiều công trình mà trong đó lợi tức sẽ không bao giờ được tính trong các Chứng khoán theo giá trị tài chính… Là hoàng tử hay kỵ sĩ Nước Trời, Cha d’Alzon chỉ dựa vào của cải hay sự giải thoát khỏi thế giới này theo cách Tin Mừng, nghĩa là để bắt nó phục tùng cách tự do những mục đích xứng đáng với những xác tín và mối bận tâm của Người. Trên giường chết, khi so sánh sức khỏe mình đang sa sút như với số vốn đã bị hao hụt, Cha trả lời vị bác sĩ chăm sóc mình rằng Cha có thể ra đi sau khi đã làm hao mòn nhiều “vốn” khác !

Như thánh Augustinô, vào ngày tàn của thành phố Hippone

Cái chết của Cha d’Alzon làm chúng ta nghĩ đến cái chết của Tổ phụ phương Tây. Chúng ta biết rằng Augustinô đã chiến đấu suốt cả cuộc đời mình ở Châu Phi trong bối cảnh của đế quốc Rôma mà thánh nhân ngưỡng mộ sức mạnh tổ chức, hành chính và văn hóa.

Trước sự xâm chiếm từng bước của các sức mạnh “man rợ”, trong đó có quân Vandales đang tàn phá các công trình xây dựng của đế quốc này và làm phương hại đến việc phát triển của Kitô giáo, thánh Augustinô ra đi năm 430 trong cảm giác suy tàn mạnh mẽ sắp xảy ra.

 

28 – Thử thách cuối cùng

Thử thách sau hết

Hơn tám thế kỷ chia cắt, về phần mình, Cha d’Alzon có thể có những cảm giác tương tự. Ở Pháp, phe cộng hòa bài xích giáo sỹ từng bị cô lập trước đây nay lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia, đã báo trước những ngày đen tối bằng việc công khai một chương trình học đường xoay quanh chính sách biệt lập tôn giáo, nhất là đối với những hội dòng non trẻ, không có an ninh cũng như sự bảo đảm hợp pháp nào bảo vệ.

Trường học Nîmes hứng chịu những hậu quả của sắc lệnh Ferry, một sắc lệnh muốn loại trừ khỏi việc giảng dạy những hội dòng đã được miễn nhiệm mọi hình thức xin phép chính quyền. Cha d’Alzon biết các hội dòng của Người đang bị đe dọa và đã nghĩ đến việc lưu vong sắp tới của các hội dòng này. Tuy nhiên “Con sư tử vùng Cévennes” ra đi, an nghỉ bình thản sau khi đã có thời gian chuẩn bị tâm hồn cho đời sống vĩnh cửu của mình và sau khi đã dò ý, thậm chí đã chỉ định một chứng nhân đức tin mạnh mẽ và đầy cá tính là Cha François Picard để thay thế Người đứng đầu các gia đình dòng tu của Người.

 

29 – Hơi thở cuối cùng

Trút hơi thở cuối cùng

Chúa nhật 21 tháng 11 năm 1880, trong ngày lễ Mẹ dâng mình, Cha Emmanuel d’Alzon đã để lại cho con cái của Người sức mạnh tâm linh mà bất cứ lăng mộ nào cũng không thể đóng khung và không bất cứ sức mạnh nào có thể bẻ gãy.

Ngay cả khi lịch sử ngược đãi con người theo những tính khí thất thường của mình, một sức mạnh tôn giáo được sinh ra từ Tin Mừng, tìm thấy những hình thức cùng sức mạnh cho sự hội nhập, sự đổi mới và sự tự do vượt thời gian và các biến cố để sáng tạo những con đường mới mẻ và chắc chắn.

Giáo hội đã hợp thức hóa hành trình tâm linh của Cha d’Alzon khi nhìn nhận danh hiệu đáng kính nơi Người vào tháng 12 năm 1991. Đây là giai đoạn đầu tiên cho việc phong chân phước trong tương lai luôn được mong chờ và thể hiện trong lời cầu nguyện.

 

30 – Cùng cầu nguyện với Cha d’Alzon

Lời nguyện nhờ lời bầu cử của Cha Emmanuel d’Alzon

Lạy chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã gọi Cha Em-ma-nu-en d’Alzon để cùng Chúa phục vụ Chúa Cha và Triều đại Người giữa muôn người. Chúa đã thúc đẩy Cha d’Al-zon cùng với anh chị em dòng Đức Mẹ Lên Trời, chia sẻ tinh thần phục vụ Nước Chúa cũng như tình yêu dành cho Chúa, cho Đức Trinh Nữ Maria và cho Giáo Hội.

Giờ đây, trong niềm hy vọng và lời nguyện cầu, chúng con tha thiết mong đợi mẹ Giáo Hội nhìn nhận sự thánh thiện nơi Cha d’Al-zon. Vì thế, nhờ lời cầu bầu của Cha d’Al-zon, hiệp cùng với những người nghèo và các môn đệ của Tin Mừng, chúng con tha thiết nài xin Chúa nhận lời cầu xin của chúng con.

Xin thương xót chúng con.

Xin chia sẻ với chúng con tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và đối với loài người. Nhờ Thần Khí của Chúa, xin làm cho chúng con trở thành những người thợ hăng say của Nước Trời …

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời Amen.

 

31 – Điểm căn cốt của tinh thần tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời

Tinh thần dòng Đức Mẹ Lên Trời được tóm gọn trong những từ này :

Tình yêu dành cho Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Người và cho Giáo hội, Hiền thê Người. Trong tư cách là tu sĩ, tôi thực sự là tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô và tất cả tình cảm của lòng tôi, tất cả sức mạnh của con người tôi phải hướng về Người. Đó là lẽ sống của tôi”.

Nguyên tác Cha Emmanuel d’Alzon 1810-1880
Chuyển ngữ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông, aa