Dòng Đức Mẹ Lên Trời – 175 Năm Hồng Ân Được Phục Vụ Nước Chúa

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Dòng Đức Mẹ Lên Trời do Linh mục Emmanuel d’Alzon thành lập. Ngài sinh vào ngày 30-8-1810 tại Vigan, miền Nam nước Pháp trong một gia đình quý tộc. Năm 1832, ngài bỏ dở dang chương trình học luật tại Paris và gia nhập Chủng viện Montpellier. Sau đó, ngài sang Roma theo chương trình Thần học. Ngày 26-12-1834, ngài chịu chức linh mục và được cử về giúp Giáo phận Nimes. Ngài giữ chức vụ Tổng Đại Diện giáo phận trong hơn 40 năm (1836-1878) suốt 4 đời giám mục.

Xã hội Pháp thời đó vẫn còn sôi sục tinh thần chống Giáo hội từ sau Cách mạng 1789 nên Cha càng quyết tâm phục vụ Giáo hội qua nhiều sáng kiến mục vụ, cũng như nuôi ý định lập một dòng tu mới nhằm bênh vực điều mà Cha gọi là “quyền của Chúa” (Droits de Dieu), vì xã hội khi đó đang nhân danh quyền con người (Droits de l’homme) để chống lại Thiên Chúa. Năm 1844, ngài mua lại ngôi trường mang tên Đức Mẹ Lên Trời (Assomption) đang bị phá sản và bắt đầu dấn thân vào lãnh vực giáo dục.  Chính tại ngôi trường này, vào năm 1845, ngài thành lập Dòng. Vì thế Dòng mang tên Đức Mẹ Lên Trời.  Dòng chọn tu luật của Thánh Augustinô làm kim chỉ nam, nên tên đầy đủ của dòng là Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời (Augustiniens de l’Assomption – AA).

Mục đích và linh đạo của Dòng thể hiện qua câu châm ngôn “Nguyện Nước Cha trị đến” (Adveniat Regnum Tuum), bằng cách sống ba chiều kích tình yêu: Tình yêu Chúa Ki-tô, Yêu mến Đức Maria và Yêu mến Giáo Hội. Năm 1857, Dòng được Tòa Thánh khuyến khích qua sắc chỉ Khen Ngợi và năm 1864 được chính thức nhìn nhận. Năm 1900, Dòng bị trục xuất ra khỏi nước Pháp do chính sách bài giáo sĩ, năm 1914 mới hồi hương và năm 1923, Hiến Pháp của Dòng được Tòa Thánh phê chuẩn.

Báo chí và xuất bản : Sau Cách Mạng Pháp, nhà nước độc quyền báo chí và xuất bản. Báo chí nói một chiều, chủ yếu lên án Giáo Hội. Thiên Chúa bị con người, tạo vật yêu quý của Ngài, bách hại. Anh em Đức Mẹ Lên Trời đã lập tờ báo « Bonne pressse – Báo tốt, Tin tốt lành » để đối lập với truyền thông xấu. Chữ « Bonne Presse » có âm hưởng với « Bonne Nouvelle – Tin Mừng ». Con người cần được nghe tin tốt, tin trung thực, Tin Mừng. Nhiều anh em trong Dòng đã xuất hiện trên mặt trận báo chí. Ngòi bút của họ chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền của Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người. Giáo Hội của Chúa không xấu như những gì người ta tưởng tượng ra để vu khống và kết án. Bonne Presse, Centurion, Bayard lần lượt ra đời. Hiện tại, nhà xuất bản Bayard đã trở thành nhà xuất bản Công Giáo lớn nhất thế giới, với đội ngũ nhân viên hơn hai ngàn người, trên 100 tạp chí khác nhau, trong đó có nhật báo La Croix, Pèlerins, Prions dans l’Eglise, Documentations catholiques,… Hình như mỗi độ tuổi, mỗi lãnh vực, đều có một tờ báo phục vụ họ. Một cách nhẹ nhàng và khôn ngoan, anh em đã đưa Tin Mừng đến cho con người. Tin Mừng đức Ki-tô và nền nhân bản toàn diện là tâm điểm mà những người cầm bút ở tòa báo Bayard nhắm tới. Tại Việt Nam, Bayard cũng đã có mặt từ những năm gần đây, nhưng chỉ mới được phép xuất bản sách vở. Bayard Vietnam đã và đang xuất bản Sống Lời Chúa. Đặc biệt, nhiều ấn phẩm có giá trị được phát hành bằng tiếng Việt như DOCAT, YOUCAT,…để phục vụ một đức tin trưởng thành.

Đại kết : Cuộc chiến bảo vệ quyền của Thiên Chúa không chỉ ở trên mặt trận báo chí. Nó còn là cuộc chiến nơi nội tại của những người cùng theo Đức Ki-tô. Theo dòng lịch sử, vì yếu tố con người, thân thể huyền nhiệm Đức Ki-tô bị chia cắt thành nhiều mãnh, nhiều khi còn chống đối, bách hại lẫn nhau. Anh em Đức Mẹ Lên Trời  được Giáo Hội giao cho sứ mạng Đại Kết, đặc biệt ở Đông Âu. Nhiều anh em đã can đảm lên đường và lập các cộng đoàn ở Giêrusalem, Thổ Nhị Kỳ, Nga, Bulgaria, Rumania. Họ sống giữa những người Chính Thống Giáo. Âm thầm, đơn sơ, phục vụ, hòa đồng để tạo một nhịp cầu nối kết hai lá phổi Đông-Tây của Ki-tô giáo. Để có thể hiện diện trên những vùng đất này, anh em đã học những ngôn ngữ, tập quán, nghi lễ, tâm thức của họ, hầu có thể nhanh chóng thích nghi với những con người mà mình gặp gỡ, trong khi vẫn tuyệt đối trung thành với Giáo Hội và Tin Mừng. Nhiều anh em chấp nhận sống cô đơn, bị hiểu lầm, thậm chí bị bách hại, giữa miền đất mới. Có những người được diễm phúc tử đạo. Nhưng nhờ đó, những nhịp cầu nối kết tiếp tục được dựng lên. Trong tinh thần này, những Đại Học Hè, những cuộc hội thảo, được tổ chức nhằm tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức ngay trong các tu việc Chính Thống Giáo. Có những thần học gia dấn thân trong Nhóm Đại Kết Dombes, như Bruno Chenu, Michel Kubler để truy tìm chân lý cho những đề tài thần học còn gây tranh cãi giữa các Giáo Hội cùng tin vào Đức ki-tô.

Hành hương : Vì Dòng mang tên Mẹ Về Trời, nên nhiều anh em đã cố gắng đưa con người tới với Đức Ki-tô qua Mẹ Maria. Các cuộc hành hương đưa người bệnh tật về Lộ Đức được tổ chức hằng năm. Hội Đồng Giám Mục Pháp đã giao sứ vụ Hành Hương Quốc Gia (Pèlerinage Nationnal) vào dịp 15 tháng 8 cho Dòng Mẹ Về Trời. Vào dịp này, hàng chục con tàu từ các thành phố khác nhau trên đất Pháp đưa các bệnh nhân và khách hành hương về với Lộ Đức. Người ta sống gần một tuần với nhau, cùng đọc kinh, rước kiệu, cầu nguyện, xưng tội, tham dự thánh lễ, nghe thuyết trình. Ngoài ra, công ty Notre Dame de Salut (Đức Bà Phù Hộ) thuộc Hội Dòng còn tổ chức các cuộc hành hương theo chân thánh Phao-lô, hành hương về Giêrusalem, hành hương đến những nơi linh thánh trên thế giới. Tại Việt Nam, anh em cũng đã tổ chức những chuyến hành hương đưa hàng trăm người về Tà-Pao, La Vang hay đi Thánh Địa. Nhiều năm, anh em còn tổ chức cho sinh viên trong các lưu xá của Hội Dòng đi nhặt rác ở La Vang trong dịp hành hương 15 tháng 8. Một cử chỉ đơn sơ nhưng đong đầy ý nghĩa. Hành hương giúp con người ý thức cuộc đời là một chuyến hành hương. Cuộc đời dù đáng yêu, đáng quý, đáng sống, nhưng chỉ là một chuyến đi về nhà Cha. Hành hương còn giúp nối kết người với người. Đức tin vốn không cô độc. Khi hành hương cùng người khác, ta sẽ sống khác trước lúc hành hương.

Liên đới với người nghèo : Cuộc chiến không chỉ bảo vệ Thiên Chúa khỏi bị con người bách hại trong con người, nhưng còn bảo vệ con người, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa khỏi bị bách hại. Con người bị bách hại bởi nhiều dạng thức : nghèo đói về tri thức, nghèo đói tâm linh, nghèo đói về nhân cách, nghèo đói về những quyền cơ bản trong cuộc sống, nhất là nghèo đói về mặt vật chất. Về phương diện tri thức, cha D’Alzon đã mở những tiểu chủng viện dành cho người nghèo, để những học sinh nghèo có quyền đi học, quyền được đi tu. Nhiều anh em trong dòng dấn thân trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt là triết hoc và thần học. Ở Phi Châu và ở Đông Âu trước đây, nhiều anh em can đảm đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền tự do tôn giáo. Nhiều anh em bị tù đày và « mất tích » một cách khó hiểu. Nhà dòng dấn thân đặc biệt trong lãnh vực giúp đỡ những người thiếu may mắn. Có anh em làm tuyên úy cho các trại tù. Ngày Chúa Nhật vào dâng lễ cho tù nhân. Nhiều khi đem cho họ một gói thuốc lá, để họ có một giây phút thư giản ngắn ngủi. Có nhiều người đã trở lại với đạo khi ra tù. Cộng đoàn « Je sers » (tôi phục vụ), được thiết lập trên một con tàu có nhiều phòng nghỉ trên dòng song Seine, với mục đích đón tiếp người nghèo khổ, người không giấy tờ, người vô gia cư. Tại Việt Nam, Mái ấm Hoa Huệ đã tiếp nhận khoảng 40 em mồ côi. Các em được chăm sóc, được đến trường. Quán cơm Nhân Ái ở Bà Rịa giúp những người nghèo có bữa cơm đàng hoàng. Mục vụ bệnh nhân ở Vinh với mục đích tháp tùng những người bệnh tật và thân nhân của họ. Mục vụ giới trẻ với 6 lưu xá dành cho các sinh viên đến từ các tỉnh thành, nhằm giúp các em sống chung, cùng đọc kinh, cùng sinh hoạt, để các em được « bảo vệ » khỏi những cám dỗ của chốn thị thành.

Tóm lại, quãng đường 175 năm đối với anh em Dòng Đức Mẹ Lên Trời là thời gian của hồng ân, hồng ân phục vụ quyền của Thiên Chúa và quyền của con người. Đây là thời gian của một cuộc chiến để danh Chúa được cả sáng và con người được hạnh phúc.

 

                                                                                   Lm. Fx. Nguyễn Tiến Dưng, AA