Nếu có ai về Ngã ba Long Sơn (xã Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) trong dịp này, sẽ được chứng kiến cảnh những con cá bớp nặng từ 5 đến 12kg nằm ngổn ngang trên quốc lộ 51. Những người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và và các con sông lân cận chở từng xe ba gác cá chết ra quốc lộ để đổ. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông đã ngăn chặn, để rồi họ không thể chở cá ra tới quốc lộ bằng xe ba gác, thay vào đó, họ đổ cá vào một con hẻm, rồi từng người lôi từ 2 – 3 xác con cá bớp đi thẳng ra quốc lộ.
Theo báo chí, đây là một trong nhiều lần cá chết hàng loạt ở địa bàn này, mà nguyên nhân chính là do 14 công ty (thuộc xã Tân Hải, Tân Thành, BR-VT) thiếu trách nhiệm trong việc xả thải (x. http://thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-nuoi-ca-kien-14-doanh-nghiep-lam-ca-chet-tren-song-cha-va-700798.html). Một số luật sư và cơ quan chức năng thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có những cuộc họp bàn, nhằm đưa ra những phương hướng giải quyết, tuy nhiên, cho đến nay, người dân vẫn đang phải hứng chịu thiệt hại về kinh tế cũng như ô nhiễm môi trường.
Theo quan sát của chúng tôi, người dân nơi đây đã phải quá khốn khổ, khi vừa mất mùa vì cá chết ở dưới sông, vừa phải hít khí độc do các nhà máy thải ra.
Theo thống kê của trang VOV.VN, khu vực giáp ranh giới với xã Long Sơn, hiện tại có 22 cơ sở làm bột cá và chế biến hải sản, trong đó có 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp ra đầm và theo đó chảy ra sống Rạch Vân rồi đến sông Chà Và. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở này không thực hiện đúng quy trình việc xả khí thải. Từ đó, những người dân của xã Long Sơn, Tân Hải và những vùng lân cận phải chịu mùi hôi thối nồng nặc.
Chúng tôi có dịp tiếp cận với một số em đang ở lứa tuổi học sinh sống gần các cơ sở chế biến bột cá, hỏi các em tại sao không đi học? Có em trả lời: “Em muốn đi học, nhưng mỗi lần đến trường là các bạn lánh xa em, vì em hôi mùi cá. Cảm thấy buồn nên em không muốn đi học”. “Mùi cá” là nỗi ám ảnh của người dân vùng này. Mùi cá đôi lúc làm cho con người khó thở, thậm chí đau bụng, đau đầu, viêm xoang, v.v. Và, mùi cá đã cướp quyền đến trường của một số em học sinh.
Chúng tôi hỏi em T., 14 tuổi: Em có biết chữ không?
Dạ, biết. T., trả lời.
Vậy em có thể viết một câu vào tờ giấy này không?
Em T. viết chữ “CÁ”.
Đó mới được một chữ, chưa phải câu.
Câu là gì? Em T. hỏi…
Vậy em có biết vẽ không?
Dạ, có.
Không cần chúng tôi yêu cầu, T. vẽ một con cá vào tờ giấy.
“Cá” đã ăn sâu trong tiềm thức của những người lớn cũng như trẻ nhỏ. Nhưng cá ở đây không phải là cá để làm thực phẩm trong gia đình hay đem ra chợ bán, mà là mùi cá từ các xí nghiệp thải ra.
Cá có thể ăn, có thể bán để kiếm sống đã chết hết do chất thải của các xí nghiệp thải trực tiếp ra sông.
Mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến vấn đề này, để cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây được đảm bảo.
Fx. Phan Dương, a.a.