Tiếp nối chuỗi những đề tài của ban Tri Thức trong năm cho cộng đoàn Học viện Fatima Bình Triệu, là đề tài về “Hồi Giáo Việt Nam và đời sống mai hậu theo quan niệm của Hồi Giáo”. Thuyết trình viên là Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, nghiên cứu viên của Viện Khoa học và Xã hội vùng Nam bộ, cũng là một tín đồ Hồi Giáo Việt Nam. Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về đạo Hồi, tiến sĩ đã cho anh em một cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và phát triển của đạo Hồi trên thế giới, cách riêng tại Việt Nam; cũng như một vài điểm giáo lý chính yếu của đạo Hồi.
Hồi giáo (tiếng Ả Rập: مالسإلا al-‘islām), là tôn giáo độc thần, lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo, và đang phát triển nhanh nhất về số lượng tín đồ. Được ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 tại bán đảo Ả Rập, do Muhammad sáng lập, đạo Hồi chỉ tôn thờ Allah (للا Allāh), Đấng Tối Cao, Đấng Duy Nhất. Muhammad được xem là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên Kinh Qu’ran (còn viết là Kôran) qua Thiên sứ Gabriel. Hồi giáo trong tiếng Ả Rập là Islam nghĩa là “vâng mệnh, quy phục Thượng Đế”. Hồi giáo truyền sang Trung Quốc, được người Hồi Hồi (có nơi gọi là Hui Hui) tiếp nhận. Người Trung Quốc thấy người Hồi Hồi theo tôn giáo lạ nên mới gọi là “Hồi giáo” và tên này được sử dụng cho đến ngày nay.
Theo sử sách của một số nhà nghiên cứu, đạo Hồi xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ IX-X sau Công Nguyên. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những tấm bia ở Phan Rang được viết bằng chữ Chavi có niên đại vào khoảng thời gian đó, một loại chữ ở Đông Nam Á, không phải Ả Rập, đây là loại chữ được Inđônêsia và Malaysia đã từng sử dụng. Hồi giáo xuất hiện ở Việt Nam gắn liền với vương quốc Champa. Vào khoảng thế kỷ XVII vua Pôrômê, là vị vua cuối cùng của người Chăm lấy vợ là công chúa của Malaysia theo đạo Hồi. Đến thế kỷ XX, hình thành nên cộng đồng Hồi giáo Bàni.
Quá trình người Việt đi về phía Nam (đặc biệt dưới thời chúa Nguyễn – Đàng Trong), vương quốc Chăm ngày càng bị đẩy sâu về phía Nam. Một bộ phận người Chăm di cư vào An Giang, một bộ phận khác đến Compong Cham trên trung lưu sông Mê Kông thuộc Campuchia ngày nay (khoảng 70.000 người được gọi là Khơmer Islam). Bộ phận này chủ yếu là người Chăm theo đạo Hồi, hoặc có quan hệ giao thương với vùng đất phía nam từ trước, còn nhân dân và hoàng tộc cơ bản vẫn ở lại quê hương. Hồi giáo ở Việt Nam chia làm hai nhánh: Chăm Bàni (một bộ phận Chăm Islam) ở miền Trung và Chăm Islam ở Nam Bộ ( họ thường coi mình là Chăm Islam Chính Thống).
Đạo Hồi xuất hiện khá sớm ở Việt Nam nhưng không phổ biến mà chỉ trong một phạm vi nhỏ, chủ yếu của người Chăm ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Sự khắt khe của nghi lễ Hồi giáo, sức sống trường tồn của văn hóa bản địa, sự ảnh hưởng sâu rộng của đạo Phật, đạo Hindu từ Ấn Độ và Trung Quốc, đạo Công Giáo với sự bảo trợ của các thương lái và thừa sai Tây phương… là những nguyên nhân cản trở đạo Hồi phát triển tại Việt Nam, thậm chí những khu vực đạo Hồi đã thâm nhập cũng biến đổi khá nhiều để phù hợp với văn hóa truyền thống của cư dân bản địa (đặc biệt là người Chăm Bàni ở Ninh Thuận và Bình Thuận).
Đối với một tín đồ Hồi giáo Việt Nam thì “năm hành vi tôn giáo” có tính bắt buộc để mỗi tín đồ chứng minh mình là người Hồi giáo. Thứ nhất, tin vào Allah là Thượng Đế Tối Cao và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah gửi xuống trần gian, lấy kinh Kôran làm nền tảng đức tin. Thứ hai, cầu nguyện mỗi ngày năm lần (sáng, trưa, chiều, tối và đêm). Thứ ba, việc ăn chay kéo dài đến 30 ngày trong tháng Ramanđa. Thứ tư là làm việc thiện, bố thí của cải, tiền bạc hay công sức để giúp đỡ người khác. Thứ năm, hành hương đến thánh địa Mecca nếu có thể.
Về kiến trúc, điểm nổi bật của kiến trúc Hồi giáo là các thánh đường. Điều mà mọi người để ý đến đầu tiên ở một thánh đường Hồi giáo là các ngọn tháp cao với mái vòm bên cạnh thánh đường, thường gắn một ngôi sao và vành trăng lưỡi liềm vốn là biểu tượng của đạo Hồi, vào trong là một cái sân cầu nguyện rộng rãi. Ở đó thường có một bể nước để dùng vào việc thanh tẩy trước khi cầu nguyện, và đó cũng là nơi hội họp ưa thích của cộng đồng. Nội thất thánh đường đơn giản và không thờ bất kỳ một tượng ảnh nào, bởi người Hồi giáo quan niệm Thượng Đế là Đấng thiêng liêng, vô hình mà mắt thường không thể thấy được. Với kiến trúc như vậy, thánh đường Hồi giáo thể hiện rất rõ hai định hướng của đạo Hồi, hướng đến Thượng Đế và hướng về thánh địa Mecca.
Cuối cùng, quan niệm sau cái chết theo đạo Hồi là linh hồn được về cùng Thượng Đế Allah. Tuy nhiên, người Chăm ở Việt Nam theo đạo Hồi (đặc biệt là người Chăm Bàni ở miền Trung Việt Nam) vẫn còn lưu giữ và coi trọng tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. Họ quan niệm những người trong gia đình, khi mất đi vẫn có ảnh hưởng rất nhiều tới những người còn sống. Trách nhiệm này người Hồi giáo giao cho người đàn ông đã thành niên (đã trải qua lễ Katat-giống như nghi thức cắt bì của Do Thái giáo). Người Hồi giáo cũng giống như bao tín đồ của các tôn giáo khác, họ luôn tin tưởng vào sự thưởng-phạt ở đời sau. Sự sống con người không hệ tại hay dừng lại ở đời này, mà còn tiếp diễn ở cuộc sống mai hậu
Kết thúc buổi thuyết trình, đại diện cộng đoàn gửi lời cảm ơn và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với Tiến sĩ và gia đình. Hy vọng rằng, sau mỗi đề tài thuyết trình, anh em Học viện có thêm kiến thức làm hành trang để bước tiếp con đường tìm kiếm tri thức của nhân loại. Từ đó, để mỗi người ra đi phục vụ, hầu làm cho Triều Đại Thiên Chúa được hiển trị nơi mình và những người xung quanh.
Truyền Thông, A.A