“Hội Ngộ Liên Tôn” có lẽ là thuật ngữ còn xa lạ với nhiều người, nhưng đối với hết thảy những ai quan tâm và dấn thân cho lãnh vực Mục vụ Đối thoại Liên Tôn, đây là sự chờ đợi và chuẩn bị suốt 12 tháng để hàng năm diễn ra vào ngày 27 tháng 10 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Với chủ đề: “Tu thân đổi mới cuộc đời”, Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII năm nay có sự tham dự của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục giáo phận Mỹ Tho; cha Phanxicô Xavier Bảo Lộc – Trưởng Ban Mục vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo phận Sài gòn và đông đảo các linh mục, tu sĩ, giáo dân Công giáo, các mục sư Tin Lành cùng các tín hữu thuộc các Hội Thánh, các chức sắc, đạo hữu, đạo tâm và tín hữu của các tôn giáo: Phật giáo, Hòa Hảo, Baha’i, Cao Đài, Minh Lý và Đạo Hồi. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cụ Nguyễn Đình Chiểu[1] (1822 – 2022) – Danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO tôn vinh, qua phần trình bày của Giáo sư Đa Minh Nguyễn Đình Trúc, các tham dự viên trực tiếp cũng như trực tuyến có cơ hội khám phá, học hỏi và nâng cao sự hiểu biết về sự nghiệp thơ văn qua các tác phẩm của cụ đồ, và lòng đạo cũng như kinh nghiệm tu thân trong văn thơ vị danh nhân văn hóa vĩ đại này.
Với chủ đề nêu trên, Ban tổ chức đã giúp các tham dự viên khám phá “hành trình Tu thân” của nhiều tôn giáo khác nhau đặc biệt qua phần chia sẻ, trình bày của Đại diện các tôn giáo: Phật giáo, Cao Đài và Công giáo. Qua bài phát biểu khai mạc Hội Nghị của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Chủ tịch Ủy Ban Tu Sĩ HĐGM Việt Nam, ngài chia sẻ: “Tu thân” là trọng tâm của mỗi tôn giáo. Dù có những khác biệt nhưng tất cả các tôn giáo đều quan niệm “Tu thân” trước hết là để làm cho chính bản thân mỗi người nên đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn, đến gần Chân-Thiện-Mỹ hơn. Khi các tôn giáo góp phần giúp các tín hữu của mình “Tu thân” là lúc góp phần vào việc xây dựng xã hội lành mạnh, mang tính nhân văn và đáng sống hơn.
Kế đến, đại diện của Cao Đài (Giáo sĩ Hồng Mai – Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) và Phật giáo (Đại đức Thích Minh Liêm – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam) và Công giáo (cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền – Giám đốc TTMV Sài Gòn) đã chia sẻ, từ một cách khái quát đến cụ thể các giáo lý nền tảng và quan điểm riêng biệt cũng như thực hành “Tu thân” đặc thù theo truyền thống của mỗi tôn giáo. Qua đó, các tham dự viên ít nhiều được đánh động, khám phá/tái khám phá và đào sâu những chiều kích khác nhau cũng như rút ra những bài học quý báu và cụ thể cho bản thân trên hành trình “Tu thân” của mình.
Bên cạnh đó, xen kẽ giữa các bài trình bày, chia sẻ là các phần trình diễn văn nghệ vui và ý nghĩa. Quả thật, Hội Ngộ Liên Tôn không chỉ là dịp để khám phá, học hỏi, mà còn là cơ hội để các tham dự viên của các tôn giáo làm quen, gặp gỡ và trao đổi thân tình với nhau qua giờ giải lao. Trước phần bế mạc, đại diện các tôn giáo đã dâng lời cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương cũng như lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là cho hòa bình thế giới, cách riêng cho đất nước Ukraina và Nga và cho bình an của tất cả mọi người. Cuối cùng, Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII, kết thúc bằng lời Kinh Hòa bình trong bầu khí ấm cúng, huynh đệ và linh thiêng để cầu nguyện cho toàn thế giới và cho quê hương Việt Nam.
Quả thực, Hội ngộ Liên Tôn năm nay để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai và bài học sâu sắc cũng như giúp phản tỉnh bản thân sau 4 lần tham dự Hội Ngộ Liên Tôn. Thực ra, tại Việt Nam, từ ít lâu nay, Đối thoại Liên Tôn có nhiều nỗ lực tích cực từ phía Công giáo cũng như các tôn giáo khác, nhằm xích lại gần nhau hơn, nói lên thiện ý tôn trọng, hòa đồng, tránh hiểu lầm đố kỵ; song, phải nhìn nhận rằng kết quả còn rất nhỏ bé và vẫn còn khoảng cách giữa các tôn giáo. Thiết nghĩ nếu “Tu thân đổi mới cuộc đời” là một thực tại bám rễ sâu trong tâm khảm mỗi người và ai nấy đều can đảm thực thi một cách triệt để, thì tình liên đới phổ quát và tình huynh đệ đại đồng sẽ được tăng cường và thắt chặt bền vững, vượt qua mọi ranh giới: sắc tộc, tôn giáo, xã hội và kinh tế, ắt hẳn sẽ đạt tới thực tại cao siêu Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống hằng ngày, nhờ những nét riêng làm nên tính độc đáo và khác biệt, nhằm bổ túc cho nhau.
Bản thân tôi, là một nữ tu truyền giáo, mang trong mình đặc sủng Đại kết, và được mời gọi mở ra với lãnh vực Đối thoại Liên Tôn[2], qua Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII này, ước mong rằng bản thân có thêm niềm say mê và nhân đức như của các bậc tiền bối là các tu sĩ Dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời: cha Yves Congar, cha Bruno Chenu, cha Michel Kubler, cha Vincent Cabanac v.v., để dấn thân tích cực và sáng tạo hơn cho sứ vụ cao cả này. May mắn được sống và phục vụ trong tinh thần và theo tôn chỉ của Hội dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời: “Nguyện Nước Cha Trị Đến”, tôi nguyện cố gắng thực hành mỗi ngày, để cùng với Đại gia đình Đức Mẹ Lên Trời và các cộng đoàn Kitô hữu trên toàn thế giới “hiện thực hóa nguyện ước cuối cùng của Đức Kitô: “Ước mong họ nên Một” (Luật Dòng số 3); đồng thời cùng với các chị em Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời “tìm kiếm sự hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ, có dấu vết của sợ hãi và thờ ơ với các tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo” (Tổng Tu Nghị OA, 2017, Tr. 39), đương nhiên là theo đường hướng của Giáo hội. Bởi, “Giáo hội có một nghĩa vụ vô điều kiện đối với các nạn nhân của bất kỳ tầng lớp xã hội nào, ngay cả khi họ không thuộc về cộng đồng Kitô giáo” (Dietrich Bonhoeffer).
Cuối cùng, mang “tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Ph 2, 5), tôi tiếp tục tu thân, đổi mới con tim và tâm hồn, trở về với thực tại nội tâm và mở ra và quy hướng về một THỰC TẠI lớn hơn – hiệp nhất với Chúa, với người khác và với chính mình, qua cung cách sống hằng ngày, qua sự hiện diện sống động trong cộng đoàn tu trì. Đồng thời, tôi ý thức bản thân được mời gọi để đáp ứng nhu cầu thực tại, mang Chúa đến với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, nhất là những ai chưa biết Ngài, kể cả những người thờ ơ với Giáo hội, giúp họ thăng tiến về mọi phương diện, nơi khu phố và môi trường giáo xứ, cũng như cố gắng xây dựng các giá trị Tin Mừng cốt lõi và sống triệt để ba Lời Khuyên Phúc Âm trong an vui, chính vì “ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”[3], ngõ hầu sống chứng tá cho Triều Đại Nước Thiên Chúa ngay giữa lòng thế giới hôm nay.
Sr. Marie-Micaelle HOÀNG Phương Thúy (OA)
[1] Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm 1822 tại tỉnh Gia Định. Cụ Đồ Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang khiếm khuyết về cơ thể mù lòa và gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy thuốc mẫu mực mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị: Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chạy giặc, Thà đui, v.v.
Ông là nhà thơ có quan niệm văn chương nhất quán. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để “chở đạo, sửa đời và dạy người”.[16] Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi, và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân yêu nước của ông.
Ngày 23/11/2021 tại Paris/Pháp, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã thông qua trong danh sách “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023” để UNESCO cùng các nước vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhân vật lịch sử được công nhận, trong đó danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Đây là Danh nhân Văn hóa Thế giới đầu tiên của Nam Bộ.
[2] Tổng Tu Nghị Hội Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời (ACG), 2017, Tr. 39.
[3] Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, 21 tháng 11 năm 2014.