Khái Niệm Về Thời Gian Theo Thánh Augustinô

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Từ lâu, thời gian đã là một chủ đề nghiên cứu lấy đi biết bao công sức và nỗ lực suy tư của nhiều triết gia. «Vậy thời gian là gì? Nếu không có ai hỏi, thì con biết ; nhưng nếu muốn giải thích cho người nào hỏi con, thì con hết biết». Dẫu vậy, bằng nỗ lực suy tư và ơn soi sáng của Thiên Chúa, thánh Augustinô đã cố gắng đưa ra những quan điểm nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến thời gian trong thời bấy giờ. Và dựa trên những gì thánh Augustinô viết trong quyển số XI, tác phẩm Tự Thuật, người viết sẽ trình bày một số quan điểm của thánh Augustinô về vấn đề thời gian, cũng như cách mà ngài đặt nền móng cho các tư tưởng triết học sau này.

Trước khi đi vào các vấn đề mà thánh Augustinô đã đặt ra, chúng ta cần hiểu rõ hệ thống nền tảng trong suy tư của ngài. Với tư cách là một vị giám mục thành Hippo, Augustinô luôn đặt Thiên Chúa lên trên hết trong mọi vấn đề. Đới với ngài, Thiên Chúa là đấng đã tạo ra thế giới; mọi thứ trên thế giới đều xuất phát từ Thiên Chúa; và đến một lúc nào đó, thế giới phải chịu sự hủy diệt. Ngài cũng tin rằng Thiên Chúa là toàn thể, bất biến và thánh thiêng. Thiên Chúa, từ trong bản thể, muôn đời không thay đổi và bản thể ấy đã luôn và sẽ luôn như vậy. Đó là một bản thể tồn tại vô tận và bất tử. Ngược lại, tất cả các thụ tạo đều hữu hạn và bị mắc kẹt trong thời gian.

Mối liên hệ giữa chuyển động và thời gian trong triết học của Augustinô

Để có thể hiểu rõ khái niệm về thời gian của thánh Augustinô, chúng ta cần phải đánh giá mối quan hệ giữa chuyển động và thời gian trong tư tưởng của ngài. Trong tác phẩm Tự Thuật, ngài đã nêu rõ quan điểm của mình với những người cho rằng “thời gian là đại diện cho chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao”

“Con đã được nghe một người thông thái nói là thời gian chỉ là sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Và con đã không chấp nhận. Vì nếu như vậy, thì sao họ không đồng hóa thời gian với sự vận hành của tất cả mọi vật thể? Và nếu các tinh tú trên trời ngừng lại và bàn quay của thợ gốm tiếp tục hoạt động, thì không còn thời gian nữa để chúng con đo lường các vòng quay của nó và nói được rằng: chúng quay cách quãng bằng nhau, hay có vòng chậm hơn, có vòng nhanh hơn, có vòng lâu nhiều, có vòng lâu ít, hay sao? Hoặc, khi nói như vậy, chúng con không nói trong thời gian hay sao? Chớ thì trong lời nói của chúng con, không có những vần dài, những vần ngắn, vì tiếng kia vang lâu hơn, tiếng này vang chóng hơn, hay sao?”

Augustinô không chấp nhận những quan điểm cho rằng chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú cấu thành nên thời gian. Ngài bác bỏ việc chúng ta có thể xác định được thời gian là kết quả sau khi quan sát các chuyển động của tinh tú trên trời; hay những ý kiến coi sự hiện hữu của thời gian như là chuyển động của các vật thế. Đối với Augustinô, thuật ngữ thời gian phản ánh nhiều khía cạnh hơn là sự chuyển động của các thiên thể hay những vật thể trên thế giới này. Ngài tin rằng thời gian là một khái niệm trừu tượng và là kết quả của chuỗi các sự kiện xảy ra trên thế giới. Những chuyển động và dòng chảy của các sự kiện đó có thể được đo theo trình tự thời gian trôi qua. Nghĩa là, mọi vật thể và sự kiện đều chuyển vận trong thời gian và nhờ thời gian ta đo lường sự vận hành của các vật thể. Ngoài ra, những đối tượng mang tính tương đối có thể chuyển động với các tốc độ khác nhau và đôi khi là dừng lại. Vì thế, theo thời gian, chúng ta không chỉ đo thời gian chuyển động của chúng mà còn đo thời gian không chuyển động của chúng. Hay nói cách khác, chúng ta không thể coi sự chuyển động của vật thể là tương đương với thời gian và quy định sự hình thành thời gian.

Khi xét đến mối liên hệ giữa chuyển động và thời gian, Augustinô nhấn mạnh rằng thời gian cụ thể phụ thuộc vào sự trôi qua của chính nó. Chính những chuyển động và thay đổi của thời gian này là cơ sở giúp ngài phân biệt giữa thời gian và vĩnh cửu. Như vậy, Augustinô chỉ chấp nhận hai vấn đề cơ bản khi xét đến chuyển động và thời gian: thứ nhất, thời gian có mối quan hệ mật thiết với chuyển động nhưng không được quy định bởi những sự chuyển động; thứ hai, thời gian là một loại kỳ gian (duration), nghĩa là có tính thời lượng.

Quan điểm của Augustinô về tính vĩnh cửu và sự sáng tạo.

Augustinô đặt Thiên Chúa trên đỉnh kim tự tháp của sự tồn tại. Thiên Chúa là Đấng vô hạn và vĩnh cửu, không có bất kì sự thay đổi hay biến chuyển nào trong bản chất của Ngài. Vì là Đấng tồn tại vĩnh cửu nên Ngài không phụ thuộc vào thời gian. Ở điểm này, thánh Augustinô đã kế thừa khái niệm vĩnh cửu của Parmenides: sự tồn tại hay hiện hữu không phải được tạo ra, mà nó là vĩnh cửu, cổ xưa, lâu dài, nhất quán và nằm ngoài thời gian. Do đó, khái niệm tương lai và quá khứ là vô nghĩa, vì tồn tại luôn tồn tại ở hiện tại. Như thế, đối với Augustinô, vĩnh cửu ám chỉ Thiên Chúa theo nghĩa chặt và ngay cả vương quốc nước trời cũng bị coi là thế giới có thể đi đến hủy diệt.

Một phần khác, bị ảnh hưởng bởi Plato, Augustinô cho rằng thời gian hình thành cùng với sự sáng tạo thế giới, hay nói cách khác thời gian là một tạo vật; và ngài nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa tạo ra thế giới từ con số không. Điều này nhằm phản bác lại các câu hỏi như “Thiên Chúa đã làm gì trước khi tạo dựng thế giới?”. Augustinô tin rằng thời gian thì đòi hỏi sự thay đổi, và từ quan điểm Thiên Chúa là bất biến trong bản chất của Ngài và không thể di chuyển trong bản thể của Ngài; cũng như, không có thời gian trước khi tạo ra thế giới. Thánh nhân đã khẳng định rằng sự sáng tạo là hành động của Thiên Chúa và là kết quả của ý chí tự do, không thay đổi và không đột biến. Nghĩa là trong ý chí tự do, ý chí quyết tâm thay đổi điều gì đó không có nghĩa là thay đổi ý chí, bởi vì không có bất kỳ sức mạnh ý chí mới nào được hình thành.

Tóm lại, sự khác biệt cơ bản giữa vĩnh cửu và thời gian theo quan điểm của Augustinô là dựa trên sự nhất quán và thay đổi. Thiên Chúa là vĩnh cửu có nghĩa là Thiên Chúa tồn tại bên ngoài thời gian, bởi vì Ngài vốn dĩ không phụ thuộc vào thời gian. Ngược lại, bản chất của thời gian là thay đổi và có điều kiện.

Thời gian từ một nghịch lý của thực tại đến một khía cạnh của linh hồn.

Augustinô thừa nhận những nghịch lý khi bàn đến tính thực tại của thời gian theo quan điểm của các triết gia đương thời. Theo họ, nguyên nhân quan trọng nhất của những nghịch lý này bắt nguồn từ bản chất của thời gian vốn bị chia cắt thành ba vùng riêng biệt: quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong ba phần này, quá khứ và tương lai có tính thời lượng nhưng hiện tại lại thiếu đi tính thời lượng. Vì thế, nói về “một thời gian dài đã qua” hoặc “một thời dài sắp tới” là hợp lý, nhưng khi nói về khoảng thời gian ngắn hay thời gian dài của hiện tại là vô nghĩa. Mặt khác, giữa ba miền thời gian, chỉ có hiện tại là mang tính thực tại. Quá khứ, cũng như tương lai thì không tồn tại, và hiện tại cũng thiếu thời lượng để tồn tại. Như vậy, làm thế nào để thời gian có thể tồn tại và được hiện thực hóa.

Đứng trước vấn đề này, Augustinô đã cung cấp một cách giải thích mới và hiện đại về thực tại của thời gian khi coi thời gian là một khía cạnh của linh hồn và tâm trí. Augustinô coi thời gian là phần mở rộng của linh hồn hiện diện trong ký ức (quá khứ) và sự kỳ vọng (tương lai) của con người. Ở đây, thời gian không phải là sự tưởng tượng của con người nhưng là một khía cạnh của bản chất và linh hồn con người; nó chính là kết quả của khả năng nhận thức nơi con người về sự nhất thời và biến đổi. Theo quan điểm của ngài, bản ngã của con người là một hiện tượng có thời gian, tức là trong số tất cả những hữu thể bình thường, chỉ có con người xâm phạm được thời điểm hiện tại để bước vào cả quá khứ lẫn tương lai. Hiện tượng được gọi là thời gian này được hình thành bằng cách con người nắm lấy quá khứ và tương lai trong sự mở rộng tâm trí để nhớ lại những hồi ức, cũng như dự đoán những gì sắp xảy đến. Con người có thể nhớ là do kí ức của họ, và có thể nói về tương lai là bởi vì họ phải đối mặt với những gì mà họ mong đợi.

Augustinô cho rằng con người và thời gian là song hành với nhau vĩnh viễn, và như vậy, con người  hiện hữu với thời gian. Mọi kế hoạch, mong muốn và tiến bộ đều phụ thuộc vào kì vọng của con người trước tương lai đang đến. Mặt khác, sự tồn tại của thời gian phụ thuộc vào con người. Quá khứ và tương lai sẽ không thể được hiểu nếu không có con người. Bên cạnh đó, không có sinh vật tự nhiên nào khác ngoài con người có tương lai hay quá khứ bởi vì họ không hiểu gì về trạng thái hiện tại của họ chứ đừng nói đến quá khứ hay tương lai. Mặt khác, Vì thời gian là một hiện tượng của con người nên chỉ có con người mới có lịch sử. Tất cả mọi thứ đã xảy ra trong quá khứ và mọi thứ được mong đợi sẽ xảy ra trong tương lai thực sự được hiển thị trong tâm trí con người. Vì vậy, Augustinô xây dựng một tri thức đặc biệt về tính chủ quan trong lịch sử tư tưởng tôn giáo Phương Tây. Chính quan điểm này sẽ mở đường cho một hệ tư tưởng dẫn lối cho Descartes và các nhà triết học khác đến một nhận thức mới về con người và thế giới; nó tạo tiền đề để con người có thể suy ra các quan điểm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là triết học đương đại. Như vậy, như thánh Augustinô đã nói: “bất cứ khi nào chúng ta học được kiến thức của Thiên Chúa, chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống mới và trở nên giống như đấng đã tạo nên chúng ta”.

Hơn thế nữa, khái niệm thời gian của Augustinô gắn chặt với đức tin Kitô Giáo. Ngài cho rằng trí nhớ của con người là dấu hiệu của sự sáng tạo và quá khứ của người đó; lý trí của con người cho họ thấy tình trạng tội lỗi của mình; và những kì vọng của con người là dấu hiệu cho thấy người đó có hy vọng được cứu rỗi. Theo quan điểm này, nguồn gốc và sự kết thúc của con người đều ở nơi Thiên Chúa. Trong khi đó, tội lỗi lại bắt nguồn từ chính bản thân người đó. Vì thế khi liên hệ quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ mở đường cho sự đi lên của con người từ chính bản thân họ. Hàm chứa sâu bên trong ký ức của con người là một cửa sổ hướng về Thiên Chúa. Tuy nhiên, cánh cửa sổ đó đã trở nên mờ đục vì nguyên tội của con người. Vì phớt lờ Thiên Chúa và chỉ chú ý đến những hoạt động nhất thời, con người đã rơi vào tình trạng tự ghẻ lạnh, xa rời đặc tính “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Sự giải thoát khỏi tình trạng này chỉ có thể thực hiện được khi có sự can thiệp từ Thiên Chúa. Vì vậy, ân điển vô tận của Thiên Chúa một lần nữa được ban cho con người tội lỗi; và để đạt được sự cứu rỗi, con người không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở về với Thiên Chúa. Trong cuốn Tự Thuật, Augustinô đã minh họa con đường đạt đến sự cứu rỗi đó nhờ Đức Giêsu Kitô. Qua đó, khái niệm thời gian của Augustinô nhấn mạnh sự cứu rỗi như sự mở rộng của bản thân con người trong những vấn đề thoáng qua và thay đổi nơi trí nhớ (quá khứ), và kỳ vọng (tương lai) của họ. Nếu sự mở rộng thời gian trong tâm trí con người tập trung vào những hữu thể hữu hạn và thoáng qua, thì con người sẽ tự sa vào vũng lầy tội lỗi vì nó cổ súy cho những điều thiếu sự tồn tại. Trái lại, trong chừng mực bản chất con người cho phép, con người có thể tham gia vào cuộc sống vĩnh cửu bằng cách suy ngẫm về Thiên Chúa đang tồn tại. Sự ngụp lặn và dìm mình trong bản thể vô tận của Thiên Chúa giải phóng con người khỏi sự yếu đuối và giới hạn, đồng thời đảm bảo hạnh phúc và sự viên mãn cho họ.

Tạm kết

Động lực giúp thánh Augustinô phát biểu ra khái niệm về thời gian, trước hết, là nhằm trả lời cho những sự hoài nghi và quan niệm sai lầm thời bấy giờ liên quan đến sự sáng tạo, ý chí tự do, khoa học và quyền năng của Thiên Chúa. Ngài đưa ra một khái niệm mới khi coi thời gian là một khía cạnh của linh hồn và tâm trí. Điều này có nghĩa là thời gian không có tính thực tại bên ngoài tâm trí. Chính quan điểm này đã tạo ra một cuộc cách mạng giúp các nhà triết học để tâm đến mối quan hệ chặt chẽ giữa các hiện tượng đang vận động và thay đổi với tâm trí con người. Bằng cách đưa khái niệm về thời gian, một lần nữa, Augustinô đã đặt Đấng vĩnh cửu và trường tồn là khởi đầu và là kết thúc của thời gian vào trung tâm của vũ trụ. Khái niệm thời gian của thánh Augustinô còn đóng vai trò giải thích cho các thế hệ sau về tiến trình hoán cải của chính ngài .Vì trong thời gian đó, linh hồn con người không ngừng khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa, Đấng là khởi đầu và cùng đích của thời gian.

Mạnh Tuân, AA

Tài liệu tham khảo

  1. St. Augustinô, Tự Thuật, (NXB Tôn Giáo, 2007).
  2.  Akhlaghi, A., 1995. Time in Augustine’s Thought, M.A.Thesis, Tehran university, Iran.
  3.  Mojtahedi, Karim, 2000, Philosophy in Middle Ages, Amir Kabir Publication.