Những Nỗ Lực Cho Phong Trào Đại Kết – Thường Huấn Gia Đình Đức Mẹ Lên Trời – Ngày Thứ 3

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Sau những diễn giải mang một chút buồn về những rạn nứt của Giáo hội trong ngày thuyết trình thứ hai, cha Lucian đã mời gọi các tham dự viên chiêm ngắm linh ảnh Đức Maria Cầu Nguyện.

Linh ảnh Đức Mẹ cầu nguyện trong truyền thống Đông Phương có màu đỏ và màu xanh da trời. Màu đỏ tượng trưng cho nhân tính. Màu xanh tượng trưng cho thần tính. Điều này cho thấy Đức Trinh Nữ Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ của con người. Ngoài ra, trong linh ảnh có ba ngôi sao. Đây là biểu tượng của sự đồng trinh vĩnh cửu nơi Đức Mẹ. Viền màu vàng nơi áo của Mẹ nói lên rằng Mẹ là Nữ hoàng của các tông đồ, là thành viên trong hàng các tông đồ, là Đấng trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại.

Mẹ đồng trinh. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Mẹ của con người. Mẹ trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại. Mẹ ở trong hàng ngũ các tông đồ… Tất cả các tước hiệu về Mẹ và những tâm tình cầu nguyện với Mẹ như đang thắp lên trong lòng các tham dự viên niềm hy vọng và niềm vui giữa những nỗi buồn của sự rạn nứt trong Giáo Hội, vốn là Thân Thể của Chúa Giêsu.

Các tham dự viên khoá thường huấn đã bắt đầu ngày mới bằng giờ nguyện gẫm và kinh sáng. Số lượng tham dự viên quá đông đến nỗi phải ngồi tràn ra ngoài hành lang của nhà nguyện trung tâm hành hành đã không những không làm ảnh hưởng đến những giây phút linh thiêng trong ngày, nhưng tạo nên sự ấm cúng và tràn đầy tình hiệp nhất. Những lời thánh thi, thánh vịnh và lời cầu được cất lên cùng cung, cùng nhịp như muốn nói rằng sự hiệp nhất có thể tạo nên sức mạnh trong đời sống thể xác nhưng cũng tạo nên sự thiêng thánh trong đời sống tinh thần.

Vẫn là sự điềm tĩnh trong phong thái và chắc chắn trong những kiến thức, cha Lucian đã mời gọi các tham dự viên đi vào trong những biến cố lịch sử của Giáo hội, nhất là những biến cố liên quan đến những nỗ lực của Giáo hội cho phong trào đại kết.

Sau cả ngàn năm với những cãi vã, đấu tranh, chia rẽ làm cho bao tín hữu phải khổ đau, thì vào năm 1964, trên ngọn đồi ở Megiddo, địa điểm Kinh Thánh nằm giữa Jerusalem và Tel Aviv Đức Phao-lô VI – Giám mục Roma và Thượng phụ Constantinopolis – Athenagoras đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi cái ôm hôn lịch sử. Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh mối dây liên kết sâu sắc gắn bó các Kitô hữu và người Do Thái, là “dân của Giao Ước”, mà “vai trò của dân ấy trong lịch sử tôn giáo của nhân loại” không thể bị lãng quên. Và theo đó, Giáo hội Đông Phương và Tây Phương đã bày tỏ sự hối tiếc về những lời chỉ trích và những xúc phạm lẫn nhau mà không có căn cứ; hối lỗi và xoá bỏ những ký ức không tốt nơi nhau và biểu lộ sự đau buồn về những gì đã xảy ra và những sự kiện sau đó làm ảnh hưởng nhiều đến sự đổ vỡ trong sự hiệp thông của Giáo hội. Đây là sự kiện rất quan trọng, mở ra những bước tiến mới cho những cố gắng của phong trào đại kết sau này.

Cha hướng dẫn đã tiếp tục trình bày những sự kiện quan trọng mà Giáo hội đã nỗ lực trong phong trào đại kết, trong đó phải kể đến việc thiết lập uỷ ban thường trực cho phong trào đại kết. Uỷ ban này có trách nhiệm truyền bá những ý tưởng về sự cần thiết để tiến tới sự hiệp nhất.  Sau đó, một Đại hội đã diễn ra tại Granzies-Geneve. Đại hội này hướng tới việc thành lập một cơ quan thường trực tại Lake Mohonk. Hội nghị lần thứ hai họp tại Jerusalem năm1928, và lần thứ ba tại Tamberam-Madras – Ấn độ vào năm 1938, rồi đến Whitby -Canada vào năm 1947, Willingen – Đức năm 1952, và ở Ghana vào năm 1958. Tất cả các đại hội vừa kể trên đều hướng tới việc tạo nên mối liên hệ giữa chứng tá và hiệp nhất trong các Ki-tô hữu.

Và cứ như vậy, theo dòng thời gian, với các cuộc gặp gỡ khác nhau, những nhà hữu trách và nhiều tấm lòng thiện chí đã cố gắng kiến tạo nên nhiều cuộc gặp gỡ khác để nơi đó, mọi Ki-tô hữu cùng nhau tuyên xưng một đức tin tông truyền ; cùng nhau nhìn nhận nơi các Giáo hội cùng có chung những yếu tố tông truyền, đặc biệt là bí tích rửa tội, Thánh thể và các tác vụ ; cùng nhau thiết lập những cơ chế chung nhằm bảo đảm việc cùng nhau làm chứng tá, cũng như những cơ quan có thẩm quyền quyết định đường lối hành động và giảng dạy.

Tất cả những cố gắng cho sự đại kết đó đã, đang và sẽ tiếp tục được tiếp diễn để mong từng ngày sống, các Ki-tô hữu được hiệp nhất nên một trong Đức Giêsu Kitô.

Buổi chiều cùng ngày, trong sự hiệp nhất, các tham dự viên đã quây quần bên bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Để ở đó, mọi người cùng nhau chia sẻ một tấm bánh và uống chung một chén.

Đặc biệt, trong thánh lễ, các tu sĩ trẻ đã lặp lại lời khấn. Mỗi anh em đến từ mỗi gia đình, vùng miền và hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đã nói lên một nói chung là lời thưa “vâng”. Thưa vâng để tiếp tục dâng hiến cuộc đời của mình cho Chúa trong đời sống tu sĩ của Dòng Đức Mẹ Lên Trời.

Nguyện cho triều đại của Thiên Chúa hiển trị trong chúng ta và xung quanh chúng ta.

Fx. Phan Dương, aa.