Niềm Vui Tận Hiến

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

“Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được nhiều hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16)

Câu Lời Chúa trên đây như là một đoạn phác thảo về hành trình dâng hiến của một tu sĩ. Thật vậy, đời tu chính là được gọi, được huấn luyện, sai đi và để đem lại hoa trái. Đó là một tiến trình mà chất liệu gắn kết tiến trình ấy không gì khác hơn tình yêu, vì tu sĩ người là được yêu và mong ước đáp trả tình yêu. Dựa trên chất liệu ấy và sau những năm tháng phân định, ngày 08 tháng sáu vừa qua, bảy tu sĩ: Phaolô Nguyễn Văn Đức, Phêrô Phan Thanh Xuân, Phêrô Hà Hùng Cường, Đaminh Saviô Trịnh Viết Công, Phêrô Vũ Tiến Đạt, Giuse Nguyễn Văn Phúc và Phanxicô Xaviê Cao Minh Toàn đã xin được bước theo Chúa Kitô các vĩnh viễn trong dòng Đức Mẹ Lên Trời.

Thánh lễ đã diễn ra long trọng tại nhà thờ giáo xứ Bến Hải thuộc tổng giáo phận Sài gòn. 

Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Tiến Dưng, bề trên cộng đoàn học viện chủ tế thánh lễ. Cùng đồng tế với ngài có khoảng 50 linh mục trong và ngoài nhà dòng. Thánh lễ vĩnh khấn lần này có sự hiện diện của cha tổng quyền. Chính cha đã nhận lời khấn của các thầy kể trên. Đặc biệt trong thánh lễ khấn trọn lần này còn có sự hiện diện của quý cha, quý thầy trong ban cố vấn tổng quyền mở rộng. Ban cố vấn này mở rộng này gồm các cha cố vấn tổng quyền và các cha giám tỉnh như: cha Benoît BIGARD bề trên tỉnh dòng Châu âu, cha Luiz Gonzaga DA SILVA bề trên tỉnh dòng Brazil, cha Dennis GALLAGHER bề trên tỉnh dòng Bắc Mỹ, cha Joshep Etienne Ratalata bề trên tỉnh dòng Madagascar. Trong thánh lễ còn có sự hiện diện của cha Jean Luck ECKERT trưởng ban đào tạo tỉnh dòng Châu âu. Ngoài ra còn có sự tham dự của quý cha, quý thầy của dòng Đức Mẹ Lên Trời đến từ Mỹ, Philippines. Bên cạnh đó có sự hiện diện của quý cha giáo xứ Bến Hải, quý cha xứ nơi các thầy dạy giáo lý, cha nghĩa phụ và cha chánh xứ nơi gia đình các tân vĩnh khấn trực thuộc. Tham dự thánh lễ còn có sự hiện diện rất đông quý tu sĩ nam nữ thuộc nhiều hội dòng khác, quý thân nhân, ân nhân, thân hữu nhà dòng và bạn hữu của các tân vĩnh khấn.

Trong phần dẫn lễ, cha chủ tế đã mời gọi cộng đoàn hiệp thông với các tân vĩnh khấn để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho hội Dòng có thêm những anh em sẵn sàng dấn thân cho Triều Đại Nước Chúa. Kế đến, cha nói lời cám ơn sự hiện của quý thân nhân và ân nhân để cầu nguyện cho các tân vĩnh khấn; đồng thời cha cũng cảm ơn sự “can đảm” và quảng đại của anh em khi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa thể hiện nơi tinh thần của Hội dòng và của Đấng sáng lập. Qủa vậy, tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời là “những người thợ hăng say cho nước trời qua việc xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng quyền và nhân phẩm của con người.” Tinh thần này cũng được cha Benoît GRIERE nhắc lại một lần nữa trong bài giảng lễ. Dựa trên các bản văn Thánh Kinh anh em đã chọn cho Thánh Lễ này, cha Tổng quyền khuyến khích các tân vĩnh khấn hãy làm nổi bật những tố chất của một tu sĩ, cách riêng đối với tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời. Ngay trong phần dẫn nhập, cha nói: “Thánh lễ vĩnh khấn là khoảnh khắc quan trọng trong đời sống Giáo hội. Ngày này là ngày vui cho tất cả chúng ta, đó không chỉ là câu chuyện riêng của các thầy với Thiên Chúa nhưng là toàn thể chúng ta, những người đang chứng kiến việc tuyên khấn này.” Như thế, đời sống của tu sĩ phải là người mang niềm vui và lan tỏa niềm vui cho những người xung quanh. Kế đến, khởi đi từ câu chuyện của ông Samuel, cha nói rằng tu sĩ người có thể lắng nghe một cách cá nhân lời mời gọi của Thiên Chúa nhưng để thấu hiểu hơn thì cần có người hướng dẫn, như ông Êli đã hướng dẫn cho Samuel. Cũng thế, chúng ta “Cần phải khiếm tốn để được hướng dẫn bởi những người linh hướng và bởi người đào tạo của anh em. Người tu sĩ phải là người khiêm tốn chấp nhận rằng mình phải được huấn luyện. Lời thưa ‘này con đây’ của Samuel là đáp trả cách sẵn sàng để thực thi ý Chúa và đồng thời tận hiến cho Chúa tất cả con người của ông. Anh em cũng dâng lên Thiên Chúa toàn thể con người của anh em…Thiên Chúa không gọi một vị thánh nhưng mời gọi người ta từ kẻ yêu đuối trở nên một vị thánh.” Vâng, khiêm tốn là thái độ không thể thiếu đối với tu sĩ trong quá trình huấn luyện để trở nên “người thợ của nước trời”. Điều này được thánh Phaolô nhắc nhở trong thư gửi Côrintô “Khi anh em được Chúa kêu gọi thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời đâu…chính nhờ Thiên Chúa mà anh em mới được hiện hữu trong Đức Kitô, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em.” Cha nói tiếp thái độ kế tiếp của một tu sĩ là sẵn sàng để được sai đi. Thái độ sẵn sàng này được tìm thấy trong hai bản văn chúng ta nghe hôm nay: Samuel sẵn sàng đáp lời Chúa sau đó đó sẵn sàng để được huấn luyện và trở thành ngôn sứ; Phaolô cũng vậy nhưng ông còn nhắn nhủ các môn đệ một thái độ khiêm hạ để sẵn sàng được Chúa hướng dẫn. Cha nói rằng “tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời là những người sống trong cộng đoàn hoạt động tông đồ với những anh em không cùng nguồn gốc hay ngôn ngữ. Rồi đến lúc nào đó anh em cũng phải rời bỏ quê hương, rời bỏ những gì thân thuộc, gắn bó để ra đi đến nơi mà anh em không hề biết trước để làm chứng cho nước trời… Anh em hãy nhớ rằng mình là tu sĩ trong một hội dòng quốc tế.” Tuy nhiên, cha cũng nhắc nhở anh em nếu có những thành công nào đó trên con đường phục vụ thì phải có thái độ khiêm tốn như thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Chúng ta phải nhớ chính Thiên Chúa mới làm nên những thành công ấy, chúng ta chỉ là những cộng tác viên của Ngài.” Cuối cùng, cha tổng quyền đã dựa trên bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan để nhắc nhở các tân vĩnh khấn về mối dây chính yếu và là tâm điểm của tu sĩ đó là đó ý thức mình được yêu và hãy trao ban tình yêu. Chính tình yêu đã thúc đẩy anh em dấn thân vào dòng Đức Mẹ Lên Trời và anh em cũng được mời gọi yêu thương trước hết với anh em thân cận đó là người trong cùng cộng đoàn sau đó là đến những người xung quanh. Linh đạo chúng ta nhấn mạnh ba chiều kích tình yêu dành Cho Đức Kitô, cho Đức Maria và cho giáo hội. Điều căn bản của tu sĩ dòng chúng ta luôn ý thức “chúng ta hành động những nơi mà Thiên Chúa bị bách hại nơi con người và nơi đâu con người là hình ảnh Thiên Chúa đang bị bách hại.” Để kết thúc, cha mong ước rằng tình yêu của anh em vĩnh khấn với Chúa, với Hội Dòng và Giáo hội sẽ không ngừng tiến triển để tiếp tục làm cho Nước Chúa hiển trị.

Nghi thức vĩnh khấn được khởi đầu bởi việc xướng danh, thẩm vấn và cuối cùng là lời tuyên thệ sẽ sống vâng lời, khiết tịnh và vâng phục theo luật Thánh Augustinô và Luật sống của dòng. Tiếp đến là nghi thức làm phép Thánh giá, trao nhẫn lưu niệm. Trước khi Thánh lễ kết thúc, cha Benoît BIGARD bề trên tỉnh dòng Châu âu đã có lời cám ơn cha xứ Bến Hải, cộng đoàn và thân nhân các tân vĩnh khấn. Cha gửi tới bố mẹ các tân vĩnh khấn lời cám ơn các đặc biệt đã quãng đại dâng hiến, huấn luyện và cầu nguyện cho các khấn sinh cho tới nay. Cha cũng xin mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ các thầy trên con đường tận.

Ơn gọi dâng hiến là hành trình tìm kiếm Chúa không khi nào có điểm kết thúc. Đó cũng tâm niệm của các tân vĩnh khấn qua lời tri ân của thầy Phan Thanh Xuân: “vĩnh khấn không phải là kết quả của một tiến trình, cũng không phải là một thành công, lại càng không phải là nút gút cuối cùng của sợi dây đời dâng hiến nhưng là cơ hội mới được Thiên Chúa gợi mở để chúng con được tiếp tục hướng dẫn qua sự thương yêu của tất cả mọi người.” Nguyện xin tiếp tục tuôn đổ trên anh em long nhiệt huyết tông đồ và sự quảng đại cho triều đại Nước Chúa hiển trị trong và xung quanh chúng ta. 

(Hình ảnh: https://www.facebook.com/Mevetroi/photos/a.838169319892861/838172393225887/)

Fr. Jacques Sinh, AA.