Nối Lại Tấm Áo Choàng Của Đức Kitô

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Tấm áo choàng trong của Đức Kitô – theo các Tin Mừng ghi chép – là một tấm vải lành lặn không có đường may, và quân lính lúc chia áo của Đức Giêsu đã phải “bốc thăm xem ai được thì lấy”. Như vậy, tấm áo này không bị nhàu nát bởi những người lính là dân ngoại vào những năm 30 của thế kỉ I, nhưng đã bị xé rách vào nửa đầu thế kỉ XI bởi chính dân Chúa.

Thật vậy, lịch sử Giáo Hội hoàn vũ về các cuộc ly giáo, đặc biệt là cuộc đại ly giáo Đông – Tây 1054, được đánh dấu chính thức vào năm 1024, có lẽ là bài học đắt giá cho cả Công Giáo La Tinh và Đông Phương Chính Thống. Một nghìn năm trôi qua từ mốc lịch sử 1024 ấy, sự cố gắng không ngừng nghỉ của Giáo Hội Công Giáo La Tinh cho “tấm áo choàng của Đức Kitô” được nối lại vẫn cứ kiên trì và hiện thực hóa qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại và hòa giải…

 

Khởi đi từ những kết án lẫn nhau về việc sử dụng thuật ngữ thần học Filioque; quan điểm về tòa tối thượng, quyền bính Phêrô và giám mục kế nhiệm; các khác biệt kéo theo liên quan đến vị trí địa lý và chính trị Đông Phương – Tây Phương như ngôn ngữ, văn hóa… đã khiến cho hố sâu chia cắt Đông – Tây ngày càng thăm thẳm. Chính vì liên quan đến những nguyên nhân này, mà có những Giáo Hội chỉ chấp nhận 3 Công đồng đầu tiên, hoặc có những Giáo Hội chấp nhận 7 Công đồng đầu tiên, và duy chỉ có Giáo Hội Công Giáo Rôma chân nhận tất cả 21 Công đồng tính từ Nicea I đến Vatican II.

Trong lời tuyên xưng gần cuối kinh Tin Kính: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, Giáo Hội Công Giáo Rôma không thể không bị thôi thúc phải làm việc cho sự hiệp nhất Giáo Hội Chúa. Qua các công đồng hợp nhất và đại kết lần lượt được triệu tập tại Lyon, tại Florence và tại Vatican, Giáo Hội Công Giáo Rôma tha thiết tìm lại sự hiệp thông với các Giáo Hội Chính Thống, như ý nghĩa vòng ôm của Phêrô – Anrê trong bức icon vẽ hai vị thánh đại diện cho hai Giáo Hội Đông và Tây này.

Sau nhiều nỗ lực, từ 1964 đến nay đã có ba cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai vị đại diện Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống: một cuộc gặp của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với Thượng phụ Athenagoras (tòa Constantinople), và hai cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Thượng phụ Batholomeo (tòa Constantinople). Tuy dù kết quả còn nhiều giới hạn, nhưng tất cả những gì đang được thực hiện cho việc hiệp nhất Kitô hữu là một tín hiệu đáng mừng trong thời đại chúng ta.

Như thế, với thời gian thường huấn ngắn ngủi (29-31/8/2023), cha Lucian Dinca truyền đạt cho anh chị em gia đình Đức Mẹ Lên Trời những nét chính yếu liên quan đến tính duy nhất từ Giáo Hội buổi ban đầu, những rạn nứt và ly khai của Giáo Hội, những cố gắng hòa giải không ngừng nghỉ của toàn Giáo Hội cho tâm nguyện của Đức Giêsu Kitô: “Xin làm cho tất cả nên một…”

Cuối cùng, nhắc đến việc hiệp nhất Kitô hữu, không thể không nhắc đến anh em Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời, bởi sứ vụ đại kết tựa như một điểm nhấn trên toàn bộ sứ vụ của Hội Dòng nói riêng và gia đình Đức Mẹ Lên Trời nói chung. Đây là một sứ vụ đòi hỏi phải có sự hoán cải và mở ra đầy thiện chí từ những “người thợ kiến tạo sự hiệp nhất”.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những ai đang thành tâm kiếm tìm sự nối kết cho các Giáo Hội Công Giáo – Chính Thống – Tin Lành – Anh Giáo. Và nguyện xin Thiên Chúa, cho tất cả những ai có chung niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, được ơn thông hiệp, vì dẫu có nhiều khác biệt, họ vẫn là những anh chị em của nhau trong cùng một mái nhà của Thiên Chúa.

M.J Tuyết Ny, OA