Phép Rửa Cho Kẻ Chết Đối Với Các Tín Hữu Côrintô Tìm Hiểu 1 Cr 15, 29

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Dẫn nhập

Chương 15 trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô kết thúc bằng một tin vui cho toàn thể Kitô hữu đó là thân xác kẻ chết sẽ được sống lại. Xác tín này của thánh Phaolô khởi đi từ những khẳng định căn bản rằng qua phép rửa tội, tín hữu được nên giống Chúa Kitô. Vì thế, nếu Đức Kitô đã chết và phục sinh thì đến lượt “các chi thể” của Ngài cũng được phục sinh do ân huệ của Chúa ban cho. Giáo huấn về sự sự phục sinh được Phaolô khai triển trong nhiều thư khác, nhưng 1 Cr 15 được xem là mạch lạc nhất[1].

Tin mừng đó ra đời trong bối cảnh đặc biệt. Nó được đặt trong sự căng thẳng, chống đối lẫn phỉ báng của những người theo văn hóa Hy lạp vốn khinh dễ thân xác và cả những bổn đạo mới với đức tin chưa đủ mạnh. Trong khi đó, niềm tin vào Đức Kitô phục sinh và sự sống lại của thân xác là trung tâm đời sống đức tin Kitô giáo. Chính vì lẽ đó, trước những khó khăn của cộng đoàn Côrintô phải đối diện, Phaolô đã viết thư này[2]. Một mặt giáo huấn này vừa cũng cố đức tin cho giáo hữu nhưng cũng để trả lời cho các chất vấn của những người không tin. Tuy nhiên, người đọc sẽ không khỏi ngạc nhiên về lời của Phaolô rằng có người chịu phép rửa thế cho kẻ chết trong 1 Cr 15, 29.

Thánh Phaolô muốn nói gì về vấn đề này? Phải chăng trong thời của ngài, Kitô hữu sơ khai nói chung và người ở Côrintô nói riêng có tập tục hoặc quá đạo đức đến nỗi rửa tội thay cho kẻ chết? Phải chăng có người cho rằng trong Giáo hội từng thực hành việc rửa tội cho người chết? Liệu rằng một số bản dịch Kinh thánh và chú giải câu này ủng hộ cho lập trường trên? Nếu không, thực ra Phaolô ám chỉ điều gì khi viết câu này trong chuỗi suy tư về việc phục sinh thân xác?

Bài viết này là một cố gắng truy tìm về nguồn gốc của 1 Cr 15, 29 nhằm tìm hiểu và đào sâu tư tưởng của Phaolô. Cách tiếp cận của bài viết này theo phương pháp truy nguyên bản văn Hylạp[3] đặt đối chiếu các bản dịch[4]. Mặc dù người ta không nên chỉ lấy duy nhất một câu Kinh thánh để hiểu toàn bộ Mặc khải hoặc phi bác nó. Tuy nhiên, câu 1 Cr 15, 29 có thể là một “nút thắt” quan trọng để hiểu toàn bộ chương suy tư về việc thân xác con người sẽ sống lại. Như vậy, phương pháp péricope có thể hiệu quả khi muốn hiểu câu Kinh thánh này.

Mặc dù chỉ tìm hiểu, phân tích duy nhất 1 Cr 15, 29 nhưng nó sẽ không vô hiệu nếu đặt ra ngoài toàn thể suy tư của Phaolô trong chương 15. Do đó, trước hết, bài viết sẽ truy tìm bối cảnh bản văn (1) với những lưu ý về các khối bao quanh nó. Thứ đến, bằng việc phê bình bản văn (2), chúng tôi cố gắng so sánh, phê bình vài bản dịch để thấy sự khác biệt của chúng so với bản văn Hylạp. Mục đích của việc làm này nhằm tìm hiểu xem có phải Phaolô ủng hộ việc “rửa tội thay cho kẻ chết” như một số bản dịch không. Sau đó, bằng việc phân tích bản văn (3) chúng tôi muốn nêu lên đâu là nghĩa phù hợp nhất mà Phaolô muốn nói qua bản văn này. Sau cùng, qua các bước trên, người viết cho thấy câu 1 Cr 15, 29 đáng để suy tư phản tỉnh về đời sống đức tin và xác tín hơn về tín điều “xác kẻ chết sống lại” (4). Nhờ đó, người viết hy vọng làm sáng tỏ được phần nào những chất vấn xoay quanh 1 Cr 15, 29 và để hiểu được tư tưởng của Phaolô muốn dạy người Kitô hữu đương thời.

  1. Định Vị và Bối Cảnh của 1 Cr 15, 29

Bản văn chúng tôi đang nghiên cứu nằm trong chương 15, thuộc phần III của thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô[5]. Có sự khác nhau trong việc đặt tiêu đề của đề mục của chương này trong các bản dịch Kinh thánh cũng như một số nhà nghiên cứu[6]. Tuy nhiên, nhìn chung các đề mục ấy xoay quanh giáo lý về sự phục sinh của Đức Kitô và về vấn đề kẻ chết sống lại bao trùm toàn bộ chương 15. Thật vậy, trong chương này, trước hết thánh Phaolô triển khai những điểm nòng cốt về sự kiện phục sinh của Đức Kitô. Biến cố đó chạm nền nền tảng Tin Mừng mà ngài rao giảng. Kế đến, Phaolô trình bày những luận điểm cho thấy nhờ sự phục sinh của Đức Kitô mà các tín hữu cũng sẽ được sống lại. Điều thứ nhất là điểm tựa để loan báo và đảm bảo cho điều thứ hai[7]. Câu 1 Cr 15, 29 được đặt vào đoạn cuối của dãy các lý luận xoay quanh hai vấn đề vừa nêu và trước khi ngài khai triển Cách Thức Kẻ Chết Sống LạiKhải Hoàn Ca[8] kết thúc chương 15. Để nghiên cứu về đoạn văn có nhiều tranh luận[9] này chúng ta nên hiểu bối cảnh ra đời của nó. Điều này cần được đọc trong tổng thể nội dung của chương 15 nhưng đồng thời cũng cần tìm những cứ liệu khác xoay quanh vấn đề này.

Chương 15 này có thể chia làm sáu tiểu đoạn[10] dựa vào những lập luận của thánh Phaolô xoay quanh vấn đề liên quan giữa sự phục sinh của Đức Kitô và niềm tin thân xác con người sẽ sống lại. Dựa theo cách phân chia này thì câu 1 Cr 15, 29 nằm trong tiểu đoạn thứ tư.

Đoạn thứ nhất (câu 1-11) nhắc lại biến cố Phục sinh của Đức Kitô. Hai mục tiêu mà Phaolô nhắm tới: (1) nhắc lại điều căn bản đức tin của Giáo hội mà Phaolô gọi là Tin Mừng, đó là cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô (câu 1-5); (2) Phaolô liệt kê những lần và những người Chúa Giêsu đã hiện ra với họ. Điều này cho thấy Phaolô muốn nhấn mạnh tính cách lịch sử của biến cố đó như là những chứng cớ để tín hữu có thể kiểm chứng (câu 6-11).

Đoạn thứ hai (câu 12-19) nói lên mối liên hệ giữa biến cố Phục sinh của Đức Kitô và sự phục sinh của kẻ chết. Mệnh đề quan trọng “nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Kitô cũng không trỗi dậy” (câu 13) để nói rằng phủ nhận kẻ chết sống lại đồng nghĩa với sự Phục sinh của Đức Kitô là vô nghĩa.

Đoạn thứ ba (câu 20-29) khẳng định trung tâm của lập luận về sự sống lại của Đức Kitô và kẻ chết sống lại nhờ đến thẩm quyền của Kinh thánh. Đức Kitô là “trái đầu mùa” (câu 20), sự phục sinh của chúng ta sẽ xẩy ra ở Parusia (câu 23) và lúc hoàn tất mọi sự (câu 24).

Đoạn thứ tư (câu 29-34) nói về những hệ luận đạo đức luân lý do niềm tin vào sự sống lại. Điểm đặc biệt chú ý là lập luận: nếu không có sự sống lại thì việc rửa tội là vô lý, ngay cả tin rằng có thể rửa tội thay cho kẻ chết (1); nếu không có sự sống lại thì việc hãm mình ép xác cũng vô nghĩa (2) và nếu không tin có sự sống lại, con người có nguy cơ sống như kẻ vô luân, ăn chơi sa đọa vì cho rằng chết là hết (3).  

Đoạn thứ năm (câu 35-49) Phaolô muốn trả lời cho một câu hỏi khó khăn: Kẻ chết sẽ trỗi dậy thế nào? Trả lời cho vấn nạn thân xác trước và sau phục sinh có cùng một thể thức hay không. Để trả lời, thánh Phaolô phân biệt thân thể xác phàm “sinh hồn” với thân thể “thần khí”. Chính thân thể “thần khí” có mỗi liên hệ với thân thể Phục sinh của Đức Kitô bởi Thần Khí Chúa mới là niềm hy vọng về sự sống lại của thân xác.

 Đoạn thứ sáu (câu 50-58) đối diện với vấn nạn khi Chúa đến, ngày cánh chung thì người sống có phải chết để được sống lại hay không? Thánh Phaolô trả lời rằng không phải tất cả sẽ chết mà tất cả cần được biến đổi (câu 51-52) và thân xác phục sinh sẽ bất tử (câu 53). Thánh Phaolô kết luận cho những gì đã triển khai trong chương này (câu 54-58) bằng Khải Hoàn Ca.

Thoáng đọc câu 1 Cr 15, 29, người đọc nghĩ rằng trong câu này chứa một câu hỏi tu từ kép xoay quanh hai đối tượng: người chịu phép rửa thay kẻ chết thì được ích lợi gì và việc làm đó có ý nghĩa gì không nếu không tin rằng kẻ chết được sống lại? Người ta cũng không khỏi thắc mắc rằng Phaolô đề cập đến tập tục nào và muốn ám chỉ điều gì[11]. Khi viết 1 Cr 15, 29 có lẽ thánh Phaolô đang ám chỉ một thực hành đạo đức của giáo hữu Côrintô về việc chịu phép rửa thay cho kẻ những người đã chết[12]. Một số bản dịch cho rằng đây là phong tục rửa tội cho người chết[13]. Vậy, đâu là những lập trường cho rằng 1 Cr 15, 29 xoay quanh vấn đề rửa tội thay thế hoặc thậm chí rửa tội cho người chết? Nếu các lập trường vừa nêu không khả thi hoặc không đủ thuyết phục thì đâu là lập trường thay thế? Trong phần Phê Bình Bản Văn chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra lời giải đáp.

2. Phê Bình Bản Văn 1 Cr 15, 29

Trước hết, chúng tôi trưng dẫn bản văn Hylạp, đặt nó trong thế so sánh với một số bản dịch. Sau đó, chúng tôi đưa ra vài điểm khác biệt để tìm hiểu xem nên dùng bản dịch nào thì 1 Cr 15, 29 có thể phù hợp với toàn bộ tiến trình của chương này và hợp với lý luận của Phaolô về điều đang bàn tới. Khi đặt so sánh giữa các bản dịch, chúng tôi chú ý sự khác biệt cụm từ “phép rửa thay cho người chết” hay “phép rửa cho người chết”.

Trước hết, chúng tôi nhận thấy bản Interline English-Greek (IEG) và bản English Standard Version (ESV) khác nhau khi dịch cụm từ ὑπὲρ τῶν νεκρῶν trong Hy ngữ. Khác biệt chủ yếu khi dịch giới từ Chúng được biểu thị dưới những đoạn gạch chân trong bảng so sánh sau[14].

Hy ngữ IEG ESV
Ἐπεὶ τί ποιήσουσιν οἱ βαπτιζόμενοι ὑπὲρ τῶν νεκρῶν εἰ ὅλως νεκροὶ οὐκ ἐγείρονται τί καὶ βαπτίζονται ὑπὲρ αὐτῶν Otherwise what will they do who are baptized for the dead? If at all [the] dead not are raised, are they baptized for them?  “Otherwise, what do people mean by being baptized on behalf of the dead? If the dead are not raised at all, why are people baptized on their behalf?

 

Tuy nhiên cụm từ ὑπὲρ τῶν νεκρῶν giữa bản dịch Interline English-Greek (IEG) và bản King Jame Bible Version (KJV) chúng giống nhau.

Hy ngữ IEG KJV
Ἐπεὶ τί ποιήσουσιν οἱ βαπτιζόμενοι ὑπὲρ τῶν νεκρῶν εἰ ὅλως νεκροὶ οὐκ ἐγείρονται τί καὶ βαπτίζονται ὑπὲρ αὐτῶν “Otherwise what will they do who are baptized for the dead? If at all [the] dead not are raised, are they baptized for them?  “Else what shall they do which are baptized for the dead, if the dead rise not at all? why are they then baptized for the dead?”

 

Điều này Goerge T. Montague đã nhận xét trong nghiên cứu của ông rằng có sự khác biệt giữa các bản dịch: baptized for the dead (NAB, NIV, JB), baptized on behalf of the dead (NJB, NRSV)”[15].

Cụm từ ὑπὲρ τῶν νεκρῶν trong bản dịch La Bible de Jérusalem (NJB)[16] cũng tương tự như bản IEG và bản KJV.

IEG NJB KJV
“Otherwise what will they do who are baptized for the dead? If at all [the] dead not are raised, are they baptized for them? S’il en était autrement, que gagneraient ceux qui se font baptiser pour les morts? Si les morts ne ressucitent absolument pas, pourquoi donc se fait-on baptiser pour eux?  “Else what shall they do which are baptized for the dead, if the dead rise not at all? why are they then baptized for the dead?”

Khi chuyển ngữ qua Tiếng Việt, cụm từ ὑπὲρ τῶν νεκρῶν có sự khác biệt lớn giữa bản dịch của NPD/CGKPV và bản của cha Nguyễn Thế Thuấn ở 2 giới từ “thế cho” và “”. Ở đây, chúng tôi nhận thấy giới từ “thế cho” nhắm tới việc hoán đổi vị trí của chủ thể. Trong khi đó giới từ “vì” nhằm vào ý hướng thực thi một hành động bởi ước muốn cho chính chủ thể. Chúng ta xem đối chiếu hai bản dịch này với bản Hy ngữ.

Hy ngữ NPD/CGKPV Lm. Nguyễn Thế Thuấn
Ἐπεὶ τί ποιήσουσιν οἱ βαπτιζόμενοι

 ὑπὲρ τῶν νεκρῶν εἰ ὅλως νεκροὶ 

οὐκ ἐγείρονται τί καὶ βαπτίζονται ὑπὲρ αὐτῶν

 

“Chẳng vậy, những người chịu phép rửa thế cho kẻ chết thì được gì? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không trỗi dậy, thì tại sao người ta lại chịu phép rửa thế cho kẻ chết?[17] “Chẳng vậy, những người chịu thanh tẩy vì kẻ chết, thì họ làm như thế thì được gì? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không sống lại, thì tại sao lại chịu thanh tẩy vì kẻ chết?[18]

 

Đọc những đoạn trên, chúng tôi nhận thấy có những khác biệt cơ bản khi dịch giới từ ὑπὲρ. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi giới từ này được đặt giữa οἱ βαπτιζόμενοι ὑπὲρ τῶν νεκρῶν βαπτίζονται ὑπὲρ αὐτῶν (Adj.). Tranh cãi có thể xẩy ra khi đặt vấn đề rằng ở câu này thánh Phaolô ám chỉ điều gì? Phải chẳng đó là một tập tục đang diễn ra ở Côrintô có những người đã chịu phép rửa thay cho những kẻ đã chết mà chưa kịp rửa tội. Đó là một dạng phép rửa thay thế. Hoặc giải pháp khác, Phaolô đang ám chỉ việc rửa tội như cho kẻ chết. Nghĩa là rửa tội trên chính xác chết. Cũng có thể có phương án thứ ba rằng, Phaolô chỉ ám chỉ việc rửa tội là chết đi cho con người cũ để mặc lấy con người mới như Đức Kitô phục sinh. Ngoài ra, người ta cũng có thể nghĩ đến một giải pháp khác cho rằng ở đoạn này thánh Phaolô chỉ muốn khai triển thần học về sự phục sinh chứ không ám chỉ tới một nghi lễ hay một tập tục mang tính địa phương.

3. Phân Tích Bản Văn 1 Cr 15, 2

3.1 Một Số Lập Trường Ủng Hộ Mô Hình Phép Rửa Thay Thế

Cụm từ οἱ βαπτιζόμενοι ὑπὲρ τῶν νεκρῶν tương ứng với Baptism for the sake of the dead trong 1 Cr 15, 29 là lần duy nhất trong Tân Ước sử dụng để tham chiếu cho vấn đề chịu phép rửa tội vì quyền lợi của người đã chết[19]. Nếu chúng ta chấp nhận lập trường cho rằng Phaolô có ý nói tới một phép rửa tội nhằm thay thế hay vì lợi ích của người đã chết bởi một người đang sống thì đâu là hệ luận? Phép rửa thay thế này chiếm một chỗ quan trọng đối với thần học Mặc Môn[20] (Mormon Church). Joseph Smith tin rằng Đức Kitô có thể ban ơn cứu độ cho kẻ chết trong trường hợp chưa rửa tội. Tuy nhiên, để được cứu, người thân hoặc bạn bè của kẻ chết ấy nên chịu phép rửa thay cho họ[21]. Đối với nhiều học giả, 1 Cr 15, 29 đề cập đến một dạng phép rửa gián tiếp như thế[22]. Với Arthur Carr thì đây là đoạn duy nhất trong Tân Ước đề cập đến một phép rửa thay cho người khác. Arthur Carr nói rằng Cộng đoàn Côrintô gồm những người Do Thái và những người biết kính sợ Thiên Chúa, những người này luôn trông đợi sự an ủi cho Israel, Những Kitô hữu này đã phát triển việc rửa tội gián tiếp (hoặc thay thế) cho những người thiện cảm với Giáo hội nhưng không có cơ hội trước khi chết. Đối với những người ủng hộ lập trường này thì Phaolô đã biện minh để công nhận sự phép rửa tội ấy có thể tồn tại và sẽ dùng việc đó như là lý lẽ tốt để chống lại những kẻ coi thường sự phục sinh[23]. Mặt khác, những người theo lập trường này có thể nghĩ rửa tội thay cho người chết là vì phần rỗi cho chính kẻ chết lẫn cho người thay thế. Tuy nhiên, lấy gì đảm bảo rằng Phaolô ủng hộ việc rửa tội thay thế? Vậy, nếu đó không phải là điều ngài đề cập để ủng hộ việc rửa tội thay thế thì Phaolô nêu vấn đề này ở đây để làm gì? Phải chăng đó là một tập tục có tính cách mê tín mà Phaolô muốn bác bỏ?

Có vẻ như người ta khó có thể khẳng định đây là điều mà Phaolô muốn nói tới. Thật vậy, dường như trong thần học của Phaolô không triển khai một giáo thuyết nào về phép rửa tội thay thế. Nếu xét đoạn 1 Cr 15, 29, chúng ta có thể thấy nó nằm trong mạch văn từ câu 19, sau khi tạm gián đoạn trong khai triển về sự sống lại của Đức Kitô và sự cầm quyền cai trị của Ngài (20-28). Ἐπεὶ ở đầu câu này có thể hiểu rằng, nếu không có sự sống lại của những người đã chết thì ngay cả việc chịu phép rửa thế cho kẻ chết cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Như vậy, giả như ở Côrintô đang có thói quen đạo đức đó thì cũng không nên cổ xúy nó nếu họ chỉ làm như một hình thức mà thiếu niềm tin tận căn.

3.2 Một Số Lập Trường Chống Lại Phép Rửa Thay Thế

Để xem xét lập trường chống lại phép rửa tội thay thế trong đoạn 1 Cr 15, 29, nhiều người nghĩ rằng nên để tâm vào tầm quan trọng của phép rửa tội trong thần học Kitô giáo. Hơn nữa, xét số lần xuất hiện của cụm từ này, người ta thấy tần suất của nó là quá ít, dường như chỉ một lần duy nhất xuất hiện. Do đó, họ nghĩ rằng có thể hiểu đoạn Kinh Thánh này ngang qua việc đọc nó trong mối liên hệ với phép rửa tội bằng nước[24].

Một số nhà chú giải như Maria Reader hoặc Joachim Jeremia chấp nhận lập trường này[25]. Họ tập trung vào giới từ ὑπὲρ. Nó xuất hiện hai lần trong câu Kinh Thánh này. “Ἐπεὶ τί ποιήσουσιν οἱ βαπτιζόμενοι ὑπὲρ τῶν νεκρῶν εἰ ὅλως νεκροὶ οὐκ ἐγείρονται τί καὶ βαπτίζονται ὑπὲρ αὐτῶν” (1 Cr 15, 29). Những người theo lập trường này cho rằng nên dịch giới từ này là “for” hay “pour” thay vì dịch là “on-of” hoặc là “sur le compte de”. Cũng theo đó, những người theo lập trường này cho rằng cộng đoàn Côrintô lúc bấy giờ phép rửa tội có thể là một sự thúc đẩy bởi sự khao khát cho những người thân yêu đã chết được sống lại[26]. Tuy nhiên, theo Reaume thì người ta nên tập trung vào động từ βαπτίξω thay vì giới từ ὑπὲρ. Ông nghĩ rằng nên hiểu động từ này theo nghĩa đen của nó[27]. Theo đó, ông chống lại việc đọc 1 Cr 15, 29 và hiểu theo nghĩa phép rửa thay thế. Như vậy, “οἱ βαπτιζόμενοι” ám chỉ một phép rửa thực thụ đã được thực hiện ở cộng đoàn Côrintô. Nếu đó là điều Phaolô muốn nói thì chúng ta có thể liên hệ đến phép rửa trong nước. Vì đoạn này ám chỉ những kẻ đã được làm phép rửa tội như là đã chết[28].

Ở đây, phải chăng Phaolô ám chỉ rằng việc dìm mình vào nước tức là như đã chết đi cho tội lỗi và con người trong quá khứ để được phục sinh, trở nên một thụ tạo mới? Chúng tôi nghĩ nên xem xét bản văn Hylạp để may ra trả lời điều này.

Thứ nhất, οἱ βαπτιζόμενοι đặt ở đoạn này mang tính chất hoàn cảnh, nó dường như không phi lôgic khi dùng để chỉ về một thực hành ở cộng đoàn Côrintô. Oἱ βαπτιζόμενοι được dùng ở đây là phân từ, giống đực, số nhiều ở thể chỉ định. Nó là danh động từ, có giới từ xác định, ám chỉ “những người (hay những ai) đã chịu phép rửa”. Điều này liên hệ đến phần mở đầu của thư thứ nhất này (1 Cr 1, 2) nói về những người ở Côrintô đã được hiến thánh trong Đức Kitô. Tuy nhiên, cộng đoàn ở đó dẫu đã tin, giả định đã chịu phép rửa nhưng lại sống không đúng với giáo lý đã được dạy nên xẩy ra những điều không xứng hợp[29]. Oἱ βαπτιζόμενοι được dùng ở đây dường như vang vọng những điều sẽ triển khai trong 15, 12 và phi bác những người nghĩ rằng họ khôn ngoan theo thế gian (1, 26) nên thánh Phaolô muốn cho thấy lý luận của họ là phi lôgic. Bởi vì, họ đã tin Đức Kitô phục sinh như lời các tông đồ giảng dạy nhưng lại phủ nhận thân xác sống lại và phi lý hơn khi thực hiện phép rửa thay cho kẻ chết.

Thứ đến, xét động từ ποιήσουσιν chúng tôi thấy nó được chia ở ngôi thứ 3 số nhiều ở thì tương lai chỉ hành động sẽ thực hiện. Nếu liên kết động từ này với động từ βαπτίξω thì nó sẽ là hành động sẽ thực hiện trong tương lai chỉ phép rửa tội sẽ được thực hiện[30].

Tiếp theo, xét cụm từ ὑπὲρ τῶν νεκρῶν chúng ta thấy giới từ ὑπὲρ theo sau mạo từ xác định genitive ở số nhiều, giống đực và danh từ νεκρῶν genitive số nhiều, giống đực. Có thể dịch là “vì những kẻ đã chết” hoặc “cho những kẻ đã chết”. Điều này ủng hộ lập trường rằng phép rửa không phải thay cho kẻ chết mà trực tiếp cho kẻ chết. Như thế, phép rửa gián tiếp hoặc phép rửa thay thế không có giá trị. Mặt khác τῶν νεκρῶν đối với Jean de Chrysostome còn mang dụng ý về cái chết của những người ở Côrintô khi không tin vào sự phục sinh[31]. Hơn nữa ở đây xuất hiện tính từ chỉ định (ὅλως νεκροὶ), trong đó, ὅλως có thể dịch nghĩa là cái đã “hoàn toàn”. Tính từ đó đứng kề trước danh từ νεκρῶν cho thấy rằng cái chết hoàn toàn hữu hiệu.

Cuối cùng εἰ ὅλως νεκροὶ οὐκ ἐγείρονται τί καὶ βαπτίζονται ὑπὲρ αὐτῶν là mệnh đề ở thể phủ định được sử dụng để đối lại với mệnh đề trước đó ở thể khẳng định. Ở đầu mệnh đề phủ định chứa liên từ điều kiện (εἰ) tiếp đến là hai động từ bị động ở ngôi thứ ba số nhiều, thì hiện tại và cuối câu là giới từ theo sau nó là một đại từ ở dạng genitive số nhiều, giống đực. Mệnh đề phủ định này như chống lại mệnh đề khẳng định trước đó, trong cùng một câu văn. Ở đây, thánh Phaolô lật lại ý tưởng cho rằng có thể làm phép rửa tội cho kẻ chết hoặc thế cho kẻ chết nào có ích gì nếu như họ không tin vào sự sống lại đời sau. Chúng ta có thể diễn nghĩa khác rằng, cứ cho là có những người đã chịu phép rửa (hoặc thậm chí chịu phép rửa thay cho người chết) đi nữa thì cũng chẳng sinh ích lợi gì nếu không tin vào sự sống lại.

Tóm lại, người ta khó chấp nhận quan điểm rằng Phaolô ủng hộ thực hành phép rửa thay thế vì nó ngược với Tân Ước vì có chăng đó chỉ là những sáng kiến cá nhân. Chúng ta không có nhiều tài liệu chắc chắn để khẳng định rằng vào các thế kỷ ban đầu của Kitô giáo có duy trì việc rửa tội thế cho kẻ chết hoặc cho kẻ đã chết. Tuy nhiên, một số tài liệu cho thấy rằng thực hành đó đã không được thực hiện từ năm 393 và được xác quyết đó được lập lại năm 397 ở công đồng Carthage[32]. Phép rửa trong Tân Ước là một cách thức quan trọng của tiến trình Kitô giáo để chứng thực rằng các Kitô hữu tham dự cách tích cực vào tác động cứu độ qua cái chết và Phục sinh của Đức Kitô[33]. Thánh Phaolô đã xây dựng học thuyết về phép rửa tội khởi đi từ chính lời dạy của Chúa Giêsu trong Tân Ước (Mc 10, 38; Lc 12, 50) và việc thực hành trong Giáo hội (Rm 6, 3). Như vậy có thể nói rằng trong 1 Cr 15, 29, Phaolô không cổ xúy việc thực hành một phép rửa thay thế vì nó không mang tính phổ quát trong Giáo hội. Người ta cũng có thể dựa vào suy tư của Phaolô để ủng hộ lập luận rằng câu 1 Cr 15, 29 có ý nói về phép rửa cho người còn sống. Thứ nhất, đối với Phaolô, phép rửa được ban là tin và nhân danh Đức Kitô (1 Cr 1, 13) và khi dìm mình vào nước tượng trưng cho cái chết, mai táng và phục sinh của Ngài (Rm 6, 3; Col 2, 12). Người chịu phép rửa là chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô (Rm 6, 11). Cái chết ở 1 Cr 15, 29 phải chăng mang ý hướng của thần học về Bí tích Rửa Tội hơn là nói về cái chết thể lý?

4. 1 Cr 15, 29 Trả Lời Cho Những Bài Xích về Sự Phục Sinh

Trong chương 15 này, thánh Phaolô triển khai cách sâu rộng về sự sống lại đối với những kẻ chết. Đó là niềm hy vọng đích thật trong niềm tin của Kitô giáo được viện dẫn dựa trên Kerygma. Lập luận của Phaolô xoay quanh ba luận điểm chính yếu: Chúa Kitô đã sống lại (1 Cr 1, 1-11), việc không tin vào sự phục sinh là phi logic và phi chính thống (1 Cr 12-33) và cuối cùng, sự sống đó của Đức Kitô có ảnh hưởng lớn đến thân xác loài người sẽ sống lại (1 Cr 35-38). Sở dĩ thánh Phaolô phải dùng cả chương này để nói về vấn đề kẻ chết sống lại do có những tư tưởng đương thời cả trong và ngoài Kitô giáo không tin hoặc bài xích[34]. Chính vì niềm tin vào sự phục sinh mà tính mạng của Phaolô bị đe dọa (Cv 23, 6) nhưng đó lại là niềm hy vọng lớn lao đối với một môn đệ Gamaliel phái Pharisiêu (Cv 24, 15). Tuy nhiên, 1 Cr 15, 29 trả lời như thế nào hay đem lại ích lợi gì trong việc bảo vệ niềm tin và thân xác phục sinh?

Qua những phân tích trong phần 3, gợi cho tôi những suy tư liên quan đến hiểu và sống Bí tích Rửa Tội cũng như xác tín về việc kẻ chết sẽ sống lại. Thật vậy, câu Kinh Thánh 1 Cr 15, 29 mặc dù đặt trong bối cảnh chương nói về sự phục sinh của Đức Kitô và sự sống lại của kẻ chết nhưng nó đồng thời trả lời cho vấn nạn liên quan đến phép rửa. Nhiều học giả vẫn cho rằng Phaolô ám chỉ một tập tục rửa tội thay cho kẻ chết vì mưu cầu phần rỗi cho kẻ ấy. Tuy nhiên, một thực hành như vậy không còn phù hợp ngay trong thời đại của ngài cũng như trong thời đại chúng ta. Thậm chí, ngày nay không ít lần chúng ta vẫn được chất vấn rằng có thể làm phép rửa thế cho kẻ chết (hoặc thậm chí cho kẻ chết), rửa tội cho thai nhi trong bụng mẹ và ngay cả các con vật nuôi chăng?

Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng cử hành bí tích nói chung và bí tích Rửa tội nói riêng không phải là làm một phép thuật. Việc cử hành bí tích là việc mang chiều kích thần linh, Kitô học, cho và do Giáo hội và bí tích mang tính nhân học. Như thế, những gì vượt ra ngoài những đặc tính đó thì không thể thực hiện.

Thứ đến, nói về bí tích Rửa tội trong đoạn 1 Cr 15, 29 có lẽ thánh Phaolô không nhắm tới một thần học về bí tích này cho bằng mối liên hệ của nó đối với đời sống Kitô hữu mà đỉnh cao là sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Thật vậy, nếu một người đã chịu phép rửa, nghĩa là đã chết đi cho tội lỗi và con người cũ của mình thì sẽ sống nên giống với Chúa Kitô hơn hầu tránh xa những lỗi phạm luân lý mà các chương trước của thư này trình bày.

Cuối cùng, trong 1 Cr 15, 29, nên hiểu câu của thánh Phaolô không phải ở nghĩa đen cho bằng hiểu nó trong tương quan với bí tích Rửa tội. Nếu việc chịu phép rửa là chết đi con người cũ của mình để được sự sống đời đời trong Chúa. Tuy nhiên, cuộc sống Kitô hữu không phải ai cũng ý thức đủ về điều này. Phải chăng có nhiều người đã chịu phép rửa nhưng vẫn sống như những người chưa có niềm tin? Phải chăng có một số người chịu phép rửa chỉ vì do hoàn cảnh ngoại tại (chỉ vì để lấy vợ, lấy chồng) hoặc thậm chí do ép buộc? Thánh Phaolô sẽ tiếp tục vế thứ hai của câu này “nếu tuyệt nhiên kẻ chết không trỗi dậy…” nghĩa là những người đó không tin vào Kerygma mà các ngài rao giảng. Nếu người ta không tin vào sự phục sinh của Đức Kitô thì không thể tin thân xác loài người sẽ sống lại và do đó, họ có chịu phép rửa thì cũng không sinh ích gì vì nó chỉ là một thứ hình thức nhập đạo. Hoặc giả như nếu chúng ta theo đạo (đã chịu phép rửa) chỉ vì mưu cầu lợi ích ở đời này thì chưa đủ vì theo Phaolô đời sống mới phải hủy diệt tội lỗi và them dự vào đời sống của Đức Kitô Phục sinh (Rm 7, 4). Do đó, phép rửa có liên hệ mật thiết với sự phục sinh của Đức Kitô vì nếu Ngài không sống lại thì tội lỗi vẫn còn đó mà hậu quả của nó chính là sự tiêu vong (1 Cr 15, 18).

Trở lại tranh luận trong 1 Cr 15, 29, tôi nghĩ đến xác tín về thân xác sống lại trong ngày cánh chung. Thực ra câu văn không nói gì đến việc này nhưng nó được đặt trong bối cảnh Phaolô trình bày giáo huấn về sự phục sinh và thân xác con người cũng sẽ sống lại. Câu hỏi đặt ra là tại sao thánh Phaolô đưa vấn đề phép rửa vào đoạn này? Trong thời của ngài, triết thuyết về sự bất tử của linh hồn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thánh Phaolô nói về sự phục sinh không khởi đi từ nguyện vọng bất tử của linh hồn theo cái nhìn của triết học cho bằng quy Kitô. Giữa lúc người ta nghĩ rằng niềm tin thân xác phục sinh là điều gì quá kỳ lạ thì Phaolô khai triển nó. Thật vậy, chương 15 này nhấn mạnh đến sự không có mối tiếp nối giữa thân xác đời này với thân xác vinh hiển ở đời sau. Trong khi đó, giáo hữu Côrintô dường như sai lầm khi hiểu sự sống lại là cuộc hồi sinh. Sự sống lại của Chúa Kitô chính là chìa khóa để giải thích cho vấn đề thân xác con người sẽ sống lại và là niềm hy vọng vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Vì sự sống lại của con người là nhận lấy vinh quang của Đức Kitô. Từ đó, chúng ta có thể mạnh dạn trả lời cho vấn nạn rằng thân xác con người phục sinh không mang tính cách thế tục như các niềm tin khác nhưng nó trở nên thiêng liêng như thân xác của Đức Kitô.  

Kết Luận

Những luận điểm vừa khai triển trên đây cho thấy việc dịch câu 1 Cr 15, 29 mang nghĩa một phép rửa thay thế không đủ thuyết phục. Dẫu rằng có những lý giải cho rằng Phaolô không ủng hộ cũng không phi bác tập tục đó cho bằng ý hướng nhắm đến đề cao sự Phục sinh của Đức Kitô và khát vọng được cứu độ của con người khiến giáo hữu Côrintô thực hành nó. Tuy nhiên, theo lập luận của Phaolô thì dẫu người ta có thực hành việc rửa tội thay cho kẻ chết mà không tin vào sự phục sinh thì thực hành đó cũng vô ích.

Việc chú giải dựa trên nghiên cứu thần học của Phaolô, kết hợp với Tân Ước về phép rửa tội cho phép chúng ta khẳng định rằng 1 Cr 15, 29 không có ý đề cao việc rửa tội thay thế. Đi sâu vào giáo lý về sự phục sinh mà Phaolô triển khai, chúng ta có thể đoan chắc rằng tin mừng mà ngài loan báo đó là trong Đức Kitô, người Kitô hữu không còn là tù nhân của sự chết. Phép rửa tội là cách thức diễn tả cuộc vượt qua của Kitô hữu tháp nhập vào cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Điều này gợi cho chúng ta thấy trong câu này ẩn ý của Phaolô là về bí tích Rửa Tội.

Sự Phục sinh của Đức Kitô công bố với thế giới rằng từ rày về sau quyền lực của sự chết không thể thống trị những người tin và chịu phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, người đã chịu phép rửa sống niềm hy vọng sẽ thân xác họ sẽ được phục sinh trong ngày Chúa quang lâm. Niềm hy vọng đó chắc chắn và có cơ sở vững chắc chứ không phải là thứ hảo huyền hoặc sai lầm vì chúng ta chiến thắng là nhờ Đức Giêsu Kitô (1 Cr 15, 27).

Đoàn Văn Sinh, A.A

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Các Bản Dịch Kinh Thánh

 Bản dịch IEG trong https://biblehub.com/interlinear/study/1_corinthians/15.htm.

Bản dịch ESV trong https://biblehub.com/esv/1_corinthians/15.htm.

Bản dịch KJV trong https://biblehub.com/kjv/1_corinthians/15.htm

Kinh Thánh Ấn Bản 2011, Bản Dịch và Chú Thích, bởi Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011.

Kinh Thánh Trọn Bộ, dịch bởi Lm. Nguyễn Thế Thuấn. Hà nội: Nxb. Tôn Giáo, 2007.

La Bible de Jérusalem, dịch bởi R. De VAUX, P. BENOIT, D. BARRIOS, L.M. DEWAILLY, R. TOURNAY et M.E. BOISMARD. Paris: Cerf, Desclée De Brouwer, 1975.

 Các Tài Liệu Chú Giải và Điển Ngữ Thánh Kinh

 Adams, Edward và David G. Horrell, eds., Christianity at Corinh: The Question for the Pauline Church, 1st ed,. Louisville, Ky: Westmister John Knox Press, 2004.

BOGAERT, Pierre-Maurice (chủ biên), “Le baptême des morts” in Dictionnaire Encylopédique de la Bible. Belgique: Brepols, 1987.

 CARREZ, Maurice, “5e partie, Christ Ressusité Vainquer de la Mort, dans La Première Épitre aux Corinthiens”, Cahiers Evangile 66 (Décembre 1988), 43.

Collins, Raymond F., Firt Corinthians, trong Sacra Pagina, vol. 7 do Daniel J. Harrington editor. American: Collegeville, Minnesota, The Liturgical Press, 1999.

Conzelmann, Hans, First Corinthians: Acommentary on the First Epistle to the Corinthians, First edition by George W and S.j. MacRae, (Philadelphia: Fortress Press, 1988), 252.

Godet, Frédéric, Commentaire sur la Première Épitre aux Corinthiens, (Lille de France: Soleil d’Orient, 2008), 647.

Hull, Michel. F. “Baptism on Account of the Dead (1 Cr 15:29), An Act of Faith in the Resurrection”, Society of Bibliceal Literature Academia Biblica, No.22 (ISSN 1570-1980), 3.

Jean de Chrysostome, La première épître de Saint Paul aux Corinthiens, Homily 40. Truy cập ngày 25 tháng 5, 2022. bản PDF trong http://www.documentacatholicaomnia.eu/03d/0345-0407,_Iohannes_Chrysostomus,_Homilies_on_First_Corinthians,_EN.pdf.

KEE, Doyle, Baptiser pour Les Morts, in Texte Bibliques, 9-11. Truy cập ngày 24 tháng 5, 2022. Bản PDF ebook trong https://digitalcommons.acu.edu/cgi/viewcontent.cgi?referer=https://www.google.com/&httpsredir=1&article=1552&context=horizons_chretiens.

Montague George T., First Corinthians. American: Baker Academic, 2011.

Ngô Ngọc Khanh, Thư Phaolô Văn Chương và Nội Dung. Tp. HCM: Học viện Phanxicô, 2020.

Paul de Surgy et Maurice Carrez, Les Épitres de Paul, I Corinthiens, Commentaire Pastoral. Paris: Bayard, 1996.

Phan Tấn Thành và Đinh Thị Sáng, Cánh Chung Học. Tp. HCM: Hv Đa Minh, 2014.

Vocabulaire de Théologie Biblique, 2eme édit, (Paris: Cerf  Édutions, 1971), Việt ngữ: Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh III, dịch bởi Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X-Đà Lạt. SàiGòn: Nxb Nguyễn Bá Tòng, 12-1975.

Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Các Thư Phaolô, tái bản lần thứ nhất. Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2014.

 

  1. Về điều này, người viết đồng quan điểm với Lm. Phan Tấn Thành bởi vì giáo lý về sự phục sinh của Đức Kitô và con người được tìm thấy trong hầu hết các thư của Phaolô. Tuy nhiên, 1 Cr 15 bàn cách mạch lạc nhất [x. Phan Tấn Thành và Đinh Thị Sáng, Cánh Chung Học (Tp. HCM: Hv Đa Minh, 2014), 184].

 

  1. Côrintô là một thành phố lớn với sự pha trộn của 2 nền văn hóa: Hylạp và Rôma. Sự giao thoa này nảy sinh những trào lưu tư tưởng về tôn giáo khác nhau. Cư dân của thành phố này phần đa là người nghèo, nô lệ giữa những người giàu có và bóc lột. Cộng đoàn được lập bởi thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo lần thứ 2 của ngài, từ cuối năm 50-52 (x. Cv 18, 1-8). Khi viết thư 1 Côrintô, Phaolô nhận thấy có nguy cơ các tín hữu ở đây sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần sống đạo của họ do du nhập các lề thói và lối sống vô luân của sự hỗn tạp văn hóa. [x. Edward Adams và David G. Horrell, eds., Christianity at Corinh: The Question for the Pauline Church, 1st ed, (Louisville, Ky: Westmister John Knox Press, 2004) 82].

 

 

  1. Dựa theo https://biblehub.com/text/1_corinthians/15-29.htm.

 

  1. Bản dịch tiếng Anh ESV, bản tiếng Pháp: La Bible de Jérusalem. Bản dịch tiếng Việt Kinh Thánh Ấn Bản 2011 của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (NPD/CGKPV) và bản Kinh Thánh Trọn Bộ Nguyễn Thế Thuấn, C.Ss.R. dịch.

 

 

  1. Tác giả bài viết dựa theo cách phân chia các chương và từng phần nhỏ của chương theo NPD/CGKPV [x. Dẫn Nhập Thư 1 và 2 Côrrintô, trong Kinh Thánh Ấn Bản 2011, Bản Dịch và Chú Thích do NPD/CGKPV thực hiện, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2011), 2519]. Bản dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn đặt chương 15 trong phần IV [x. Kinh Thánh Trọn Bộ, dịch bởi Lm. Nguyễn Thế Thuấn, (Hà nội: Nxb. Tôn Giáo, 2007) 393]. Trong khi bản dịch La Bible de Jérusalem không để đề mục theo số Lamã mà để số Ả-rập [x. La Bible de Jérusalem, dịch bởi R. De VAUX, P. BENOIT, D. BARRIOS, L.M. DEWAILLY, R. TOURNAY et M.E. BOISMARD (Paris: Cerf, Desclée De Brouwer, 1975), 1990].

 

  1. Kẻ Chết Sống Lại (x. NPD/CGKPV, cit.), Vấn Đề Kẻ Chết Sống Lại (x. Nguyễn Thế Thuấn, Loc.cit.), La Résurrection des Morts (x. La Bible de Jérusalem, Loc.cit.). Linh mục Ngô Ngọc Khanh đặt tựa đề của phần III này là Niềm Hy Vọng Kitô Giáo [x. Ngô Ngọc Khanh, Thư Phaolô Văn Chương và Nội Dung, (Tp. HCM: Học viện Phanxicô, 2020), 115]. Linh Mục Vũ Phan Long nghĩ rằng nên để là Giáo Lý Về Sự Phục Sinh [x. Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Các Thư Phaolô, tái bản lần thứ nhất, (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2014), 130].

 

  1. “La résurrection touche au fondement même de l’Évangile: comme le Christ esr ressucité, les croyants ressuciteront; le premier de ces faits anncoce et garantit le second” (x. Doyle KEE, Baptiser pour Les Morts, bản PDF ebook, truy cập ngày 24 tháng 5, 2022, https://digitalcommons.acu.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1552&context=horizons_chretiens.

 

 

  1. Đây là đề mục do cho đoạn giữa chương 15 từ câu 35-53 theo bản dịch của NPD/CGKPV.

 

 

  1. Doyle KEE nói rằng có tới chừng 30 giải thích hoặc trình bày khác nhau về câu này. Đáng tiếc là ông không trưng dẫn các cứ liệu. Nếu nói cách phỏng đoán như thế thì người viết cũng có thể nói rằng không những 30 mà cả trăm hoặc nhiều hơn nữa các cách giải thích và trình bày về vấn đề này. Tuy nhiên, dẫu sao điều đó cũng phần nào cho thấy có rất nhiều cách giải thích khác nhau. (x. Doyle KEE, cit.,).

 

  1. Người viết đồng thuận với cách phân chia chương 15 này thành 6 tiểu đoạn dựa theo cách phân đoạn của linh mục Phan Tấn Thành (x. Phan Tấn Thành, , 180-183). Maurice CARREZ chia ra nhiều tiểu đoạn hơn nhưng trong đó cũng bao hàm các vấn đề như chúng tôi khảo sát [x. Maurice CARREZ, “5e partie, Christ Ressusité Vainquer de la Mort, trong La Première Épitre aux Corinthiens”, Cahiers Evangile số 66 (Décembre 1988), tr.43 (Paris: Cerf, 69e année, 1988]. Về cách phân đoạn này có thể đọc thêm bài La Resurrection des Morts (15) [x. Paul de Surgy et Maurice Carrez, Les Épitres de Paul, I Corinthiens, Commentaire Pastoral, (Paris: Bayard, 1996), 117-133].

 

  1. Chú thích o, trong Kinh Thánh Ấn Bản 2011 dịch bởi NPD/CGKPV, Ibid., 2548.

 

  1. Maurice CATTEZ, Ibid., 51.

 

  1. “Le baptême des morts. Dans 1 Co 15,29, Paul évoque une étrange practique sans se proponcer à son sujet: certains Corinthiens se font baptiser pour (à la place) des morts…” [x. Pierre-Maurice BOGAERT (chủ biên) “Le baptême des morts” trong Dictionnaire Encylopédique de la Bible, (Belgique: Brepols, 1987), 185]. Tác giả George T. Montague cũng cho thấy có những khó khăn trong dịch và chú giải câu này: “This verse has proved to be a very difficult one for the exegetes. Translations differ only slightly: baptized for the dead (NAB, NIV, JB), baptized on behalf of the dead (NJB, NRSV)”. (x. George T. Montague, First Corinthians, (American: Baker Academic, 2011), 275.]

 

  1. Các bản văn được trích trong đoạn phân tích này được lấy trong https://biblehub.com/interlinear/study/1_corinthians/15.htm.

 

  1. Xem trích dẫn số 13.

 

  1. La Bible de Jérusalem, Ibid., tr. 1992.

 

  1. Kinh Thánh Ấn Bản 2011, Ibid., 2548.

 

  1. Kinh Thánh Trọn Bộ, Ibid., 395.

 

  1. Raymond F. Collins, Firt Corinthians, trong Sacra Pagina, vol. 7 do Daniel J. Harrington editor, (American: Collegeville, Minnesota, The Liturgical Press, 1999), 556.

 

  1. Mormon Church trong tiếng Việt là Mặc Môn hoặc là Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giêsu Kitô, viết tắt là LDS Church tin rằng Joseph Smith là vị ngôn sứ thời sau cùng. Họ thực hiện phép rửa cho người chết. [x. Bernadette Rigal CELLARD, La Religion des Mormons, (Paris: Albin Michel, 2012), 26-34.]

 

  1. Michel. F. Hull, “Baptism on Account of the Dead (1 Cr 15:29), An Act of Faith in the Resurrection”, Society of Bibliceal Literature Academia Biblica, No.22 (ISSN 1570-1980): 3-10. Vào thế kỷ thứ 2-3 A.D các nhóm thuộc phái Macione và Montane thực hành việc rửa tội cho kẻ chết. Giáo phụ Hylap, Chrysostom nói về điều này như sau: “Khi có một người người chết, người ta giấu một người còn sống dưới quan tài của người chết và người đó tiếp xúc với thi hài người chết để hỏi kẻ chết có muốn rửa tội không. Nếu người chết không phản kháng thì người được dấu dưới quan tài sẽ nhân danh người chết để xin rửa tội. Người ta rửa tội cho kẻ sống ấy thay vì rửa kẻ chết” (x. Ngô Ngọc Khanh, Ibid., 117).

 

  1. Hans Conzelmann, First Corinthians: Acommentary on the First Epistle to the Corinthians, First edition by George W and S.j. MacRae, (Philadelphia: Fortress Press, 1988), 252. Đọc thêm Paul de Surgy et Maurice Carrez, Ibid., 126. Và Raymond F. Collins, Ibid., 557.

 

  1. Michel. F. Hull, Ibid., 13.

 

  1. Michel F. Hull, Ibid., 21-23.

 

  1. “In contrast to Jerome Murphy-O’Connor, there are exegetes who believe that 15:29 has everything to do with ordinary baptism. Maria Raeder, Joachim Jeremias, and J. K. Howard are proponents of “baptism by example”. They focus on the most disputed word in 15:29: ὑπὲρ. Raeder, Jeremias, and Howard read ὑπὲρ in its final sense, i.e., “for the purpose of”. Each of them considers the baptism referred to in 15:29 to have been ordinary, wherein only the living receive baptism and only for their own sake.” (X. Michel F. Hull, , 29).

 

  1. cit.,

 

  1. Michel F. Hull, Ibid., 31-32.

 

  1. Jerome Murphy O’Connor nói rằng “to be baptized” is metaphor for “to be destroyed” (x. Raymond F. Collins, , 557). Paul de Surgy cũng nghĩ rằng đoạn 1Cr 15, 29 không nên hiểu đó là một phép rửa thay thế nhưng nên hiểu đây là phép rửa ngâm mình trong nước đúng theo nghĩa đen của nó. Cũng theo đó, mỗi Kitô hữu khi dìm mình vào nước tức là họ đã chết đi để được phục sinh với Đức Kitô và trở nên một với Ngài. (x. Paul de Surgy et Maurice Carrez, Ibid., 126).
  2. Thánh Phaolô đã chỉ cho họ thấy các vấn đề đang xẩy ra ở cộng đoàn này: tranh chấp (1, 11-12), ghen tuông (3, 3-4), kiêu ngạo (4, 18), loạn luân (5, 1), tranh chấp đến nỗi ra tòa án công cộng (6, 1), nghi ngờ các tông đồ (9, 1) dùng Tiệc Thánh cách bất xứng (11, 18-20), không tin vào thân xác phục sinh (15, 12).

 

  1. Frédéric Godet, Commentaire sur la Première Épître aux Corinthiens, (Lille de France: Soleil d’Orient, 2008), 647.

 

  1. Jean de Chrysostome, La première épître de Saint Paul aux Corinthiens, Homily 40, bản PDF ebook, truy cập ngày 25 tháng 5, 2022, trong http://www.documentacatholicaomnia.eu/03d/0345-0407,_Iohannes_Chrysostomus,_Homilies_on_First_Corinthians,_EN.pdf .

 

  1. Dictionnaire Encylopédique de la Bible, Ibid., 185. Trong luật số 4 của Thượng Hội Đồng Hippo, năm 393 tuyên bố: “Không được ban Thánh Thể cho các xác chết, cũng không ban phép rửa tội cho họ”. Bốn năm sau, 973, trong điều luật thứ 6 của Công Đồng Carthage đã tuyên bố: “Hãy cẩn thận để sự thiếu hiểu biết của anh em không khiến cho họ tin rằng người đã chết có thể được làm phép rửa”. (x. Trích dẫn số 9 trong bài Baptême pour Les Morts, đăng trên https://fr.wikipedia.org/ )

 

  1. Vocabulaire de Théologie Biblique, 2eme édit, (Paris: Cerf , 1971), Việt ngữ: Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh III, dịch bởi Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X-Đà Lạt (SàiGòn: Nxb Nguyễn Bá Tòng, 12-1975), 261.

 

  1. Trong hành trình truyền giáo, thánh Phaolô gặp nhiều sự chống đối quanh giáo lý về sự phục sinh. Có lẽ ngài không gặp phải vấn đề từ phía phái Xa Đốc như Luca nói tới (Lc 20, 27) và cũng chẳng phải từ phía những kẻ vô thần nhưng là từ phía các triết gia HyLạp khi chạm trán với họ tại Athènes (x. Cv 17, 32). Đối với những người theo trường phái Platon thì linh hồn vốn ở thượng giới bị đọa đày trong thân xác của người phàm ở hạ giới. Vì thế, hồn mong được giải thoát khỏi “nhà tù thân xác” ấy để trở về cõi bất tử. Do đó, giáo lý về sự phục sinh thân xác không những khó hiểu mà còn phi lý.

Vào thời của Phaolô một số Kitô hữu hiểu vấn đề phục sinh ở các cấp độ khác nhau. Thứ nhất, họ nghĩ rằng sự phục sinh đã diễn ra rồi, như trường hợp ông Hymênê và ông Philêtô (2 Tm 2, 18). Tuy nhiên, họ dường như chỉ nghĩ sự phục sinh theo nghĩa linh hồn bất tử. Thứ đến, có những người phủ nhận giáo lý phục sinh. Điều này có thể dựa trên lời nhận định của Phaolô nhiều lần rằng “không có chuyện kẻ chết sống lại” (cc 12, 13, 15, 16, 29, 32). Vấn nạn thứ ba được cho là Côrintô có những luồng tư tưởng thắc mắc xoay quanh chủ đề: thân xác sẽ sống lại như thế nào? Họ sống lại bởi thân xác nào? Dựa trên câu “Kẻ chết chỗi dậy như thế nào? Họ lấy thân thể nào để trở về?”(1 Cr 15, 35).  (x. Phan Tấn Thành và Đinh Thị Sáng, Ibid., 179-180).

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.