“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”[1]. Đó là những lời mở đầu cho lá thư mà Cha Tổng Quyền gửi cho mỗi tu sĩ về đời sống huynh đệ. Chúng ta được gọi là anh em theo một nghĩa hoàn toàn mới khi cùng nhau bước trên cùng một con đường, cùng một đích điểm. Chúng ta được gọi là anh em để cùng nhau thực hiện ý muốn của Thiên Chúa như câu châm ngôn của hội dòng “nguyện Nước Cha trị đến”. Vậy đời sống huynh đệ dòng Đức Mẹ Lên Trời được thể hiện như thế nào qua các mặt như: đời sống cộng đoàn, đời sống cầu nguyện, hay giữa thế giới ngày hôm nay?
1/ Huynh đệ trong đời sống cộng đoàn
Đức Mẹ Lên Trời là một hội dòng đề cao đời sống cộng đoàn. Chúng ta là những tu sĩ sống trong cộng đoàn (Luật sống, số 1). Chúng ta là những con người xa lạ, mỗi người trong chúng ta đến từ những vùng miền khác nhau, nhờ ơn Chúa, chúng ta xích lại gần nhau để được gọi là anh em. Có thể nói, đời sống huynh đệ là hoa quả của Chúa Thánh Thần. Vì mỗi người chúng ta chấp nhận sự khác biệt: từ vùng miền cho đến văn hóa, từ thôn quê cho đến thành thị, từ tính cách đến giọng nói … như thế, từ những khác biệt rất cá nhân, tất cả chúng ta hòa nhập vào để tạo nên một thể thống nhất như Chúa Giê-su hằng mong ước “để tất cả nên một” (Ga 17,21). Lắng nghe hay có thể là chịu đựng nhau cũng là hoa trái của đời sống cộng đoàn. Nếu chúng ta sống ở ngoài đời, giữa thế gian, nếu có ai đụng chạm vào cái tôi của mình thì phản ứng tất yếu là ta sẽ vùng lên đấu tranh bất chấp phải hay trái, đúng hay sai. Còn trong đời đu, nhờ đời sống cộng đoàn, chúng ta lắng nghe nhau để hiểu nhau nhiều hơn, lắng nghe chia sẻ của anh em để thông hiểu những ước muốn thầm kín của họ, lắng nghe những khó khăn trong đời tu hay khía cạnh khác (học tập, việc tông đồ, gia đình …) để đồng cảm hoặc chia sẻ với họ. Hay có thể nói, nhờ đời tu, chúng ta đã bỏ đi được phần nào cái tôi cá nhân để tạo nên một nhân đức là kiên nhẫn, nhẫn nhịn. Một ân sủng khác của đời sống cộng đoàn đó là bình an. Giữa một xã hội đầy biến động và ồn ào như ngày nay thì dễ gì tìm được bình an. Bước chân ra xã hội, chúng ta chỉ gặp sự lo sợ: sợ tai nạn, sợ cướp giật, sự bon chen ích kỷ ….
Cha Tổng Quyền nhấn mạnh rằng, chúng ta thích nói hội dòng của chúng ta giống như một gia đình[2]. Chúng ta có tổ chức, có người đứng đầu, có anh có em, có trên có dưới. Như trong một gia đình, người này gắn kết với người kia, cộng đoàn này liên kết với cộng đoàn khác, tỉnh dòng này gắn bó với tỉnh dòng khác, tất cả để tạo nên một chi thể giống như Chúa Giê-su là đầu của Hội Thánh. Trong cộng đoàn, chúng ta tổ chức họp cộng đoàn, có tu nghị cộng đoàn để lên kế hoạch cho cả năm, có bề trên, quản lý, ban cố vấn. Bề trên quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng chương trình cộng đoàn và tinh thần đối thoại với từng thành viên. Quản lý quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất của anh em. Mỗi thành viên luôn tìm được vị trí của mình trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn, người này kính trọng người kia, người nhỏ tuổi tôn trọng người cao tuổi, tu sĩ lâu năm giúp đỡ tu sĩ mới khấn … Tất cả những điều này nói lên điều gì? Đó là sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau theo gương Thầy Giê-su “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Cha Tổng quyền cũng nói đến tông huấn đời sống Thánh hiến của Đức Cố Thánh Cha Gioan – Phaolô II. Theo Cha Tổng Quyền, đời sống Thánh hiến nói về đời sống tu sĩ như dấu chỉ của tình anh em, đời sống huynh đệ trong tình yêu như hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Giáo Hội chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông, “đoàn dân được kết hiệp nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (87). Đời sống huynh đệ nhằm phản ánh chiều sâu và sự phong phú của mầu nhiệm này, bằng cách tạo ra một nơi cư ngụ cho Thiên Chúa Ba Ngôi giữa môi trường nhân loại, nhằm tiếp tục đưa vào lịch sử những ân huệ hiệp thông mà chỉ duy Ba Ngôi Thiên Chúa mới có. Trong đời sống Giáo Hội hẳn có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả tình hiệp thông huynh đệ. Chắc hẳn đời thánh hiến đã có công duy trì trong Giáo Hội đời sống huynh đệ như một cách tuyên xưng Thiên Chúa. Khi thường xuyên cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới dạng đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại, và tạo ra một kiểu tình liên đới mới. Nhờ thế, đời thánh hiến làm cho loài người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và của những con đường cụ thể đưa tới đó. Quả thế, những con người tận hiến sống “cho” Thiên Chúa và sống “bởi” Thiên Chúa”[3]. Quả thế, một Cha cố tên là Camille Durand đã nghiệm được phần nào đó điều này, Cha nói: Tôi càng ngày càng yêu mến hơn đời sống cộng đoàn. Vì sao? Bởi vì đời sống cộng đoàn là để chuẩn bị cho đời sống của Chúa Ba Ngôi vì đó là đời sống hiệp thông của mỗi người[4].
2/ Huynh đệ trong đời sống cầu nguyện
Đời sống huynh đệ tồn tại là cho sự hiệp nhất. Hiệp nhất không chỉ trong đời sống chung mà còn cả trong đời sống cầu nguyện. Tông huấn đời sống Thánh hiến đã nhấn mạnh đến khía cạnh này: Đời sống huynh đệ là một yếu tố cơ bản trong hành trình thiêng liêng của những người tận hiến, để họ tự canh tân thường xuyên và để họ hoàn tất trọn vẹn sứ mạng của họ trong thế giới. Xác tín này dựa trên những nền tảng thần học, và đã được chính kinh nghiệm củng cố. Vậy tôi khuyến khích những người tận hiến hãy nhiệt thành vun trồng đời sống huynh đệ, theo gương các Ki-tô hữu tiên khởi Giê-ru-sa-lem, chuyên cần trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, cầu nguyện chung, tham dự bí tích Thánh Thể, chia sẻ của cải vật chất và thiêng liêng (x. Cv 2,42-47). Tôi đặc biệt khuyến khích các thành viên của các tu đoàn tông đồ, hãy sống cho trọn tình yêu hỗ tương, diễn tả tình yêu ấy theo cách phù hợp với bản tính của mỗi tu hội, ngõ hầu mỗi cộng đoàn là một dấu chỉ sáng ngời của thành Giê-ru-sa-lem mới, “nhà của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại” (Kh 21,3).[5]
Tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời dù bận rộn đến đâu cũng không quên việc suy gẫm hàng ngày. Trong luật dòng cũng nói rõ: mỗi tu sĩ phải có ít nhất ba mươi phút cho giờ nguyện ngẫm (luật dòng, số 54). Chúng ta không nguyện ngẫm một mình mà cùng với các anh em khác trong cộng đoàn cùng chiêm niệm, một lòng một chí hướng về Thiên Chúa. Đỉnh cao của cầu nguyện là Thánh Lễ. Vì trong Thánh Lễ có đủ phương thức để cầu nguyện: từ đọc kinh phụng vụ đến lời nguyện giáo dân, từ phụng vụ Lời Chúa đến phụng vụ Thánh Thể, từ hiệp thông cộng đoàn đến hiệp thông cả giáo hội hoàn vũ…. Như thế, Thánh Lễ là trung tâm điểm của đời sống cầu nguyện (luật dòng số 47), là sự hiệp nhất của tình huynh đệ.
3/ Huynh đệ trong thế giới ngày nay.
Trong một thế giới đầy chia rẽ ngày nay, hai chữ “huynh đệ” có vẻ như đã mất dần đi ngữ nghĩa của nó. Nhưng, như đã nói ở trên, bởi đâu mà chúng ta nên một thể thống nhất như thế này? Đó là vì chúng ta có cùng một đức tin vào Chúa Giê-su Kitô, Ngài là nguyên lý để kết nối tình huynh đệ giữa người này với người kia, giữa thế hệ trước với thế hệ sau. Hơn nữa, Tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời là những con người của thời đại, chúng ta sống để làm chứng về tình huynh đệ, về sự yêu thương mà Thiên Chúa là cùng đích của tất cả.
Quả thế, Nước Trời là dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành riêng cho những người có đời sống thánh hiến. Vương Quốc Thiên Giới là thành tựu trọn vẹn của một gia đình thống nhất và được quy tụ bởi Đức Chúa Cha. Phải chăng chính vì vậy mà Thánh Phaolô Tông đồ đã quả quyết: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô y, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” (Gl 3,27-28)
Bên cạnh đó, Cha Tổng Quyền cũng mời gọi chúng ta hãy tiếp đón khách ngoại kiều. Đừng đóng khung với người lạ nhưng thay vào đó, anh em hãy dang rộng đôi tay tiếp đón họ, vì người ngoại kiều hay bất kể là ai đi nữa cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Hơn nữa, Tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời là những tu sĩ sống cộng đoàn quốc tế. Chính sự khác biệt đã làm nên đặc điểm riêng biệt của Đức Mẹ Lên Trời khi nói về tình huynh đệ.
Như vậy, tình huynh đệ trong cộng đoàn là một ơn nhưng không của Thiên Chúa. Sống huynh đệ thỉnh thoảng rất khó nhưng nó góp phần giúp triển nở Nước Trời trong mỗi người chúng ta và xung quanh chúng ta. Cha Tổng Quyền nhận thấy rằng đời sống cộng đoàn chính là cội nguồn của niềm vui Tin Mừng. Đó chính là hoa trái của sự hiệp nhất cũng như là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí Chúa cho phép chúng ta sống huynh đệ, anh em với nhau. Tổng quyền nhấn mạnh rằng mỗi cộng đoàn phải là những cộng đoàn biết trao đổi. Nghĩa là, cộng đoàn là nơi mà mỗi tu sĩ có thể nói lên tiếng nói của mình, có thể phát biểu chính kiến của mình một cách khách quan. Điều đó sẽ phản ánh thực trạng về khả năng lắng nghe người anh em mình, bởi vì họ phát biểu, họ nói những điều họ có, họ nghĩ để xây dựng đời sống chung một cách tốt hơn. Đời sống huynh đệ sẽ không thể tiến xa nếu không có khả năng lắng nghe cũng như không đặt dưới sự bảo trợ của Thần Khí. Chính Chúa Thánh Thần đã kết nối chúng ta thành anh em thì người cũng sẽ giúp ta tiếp bước trên con đường làm chứng về sự hiệp nhất bằng đời sống cộng đoàn.
Lược tóm
Ts Tiến Đạt, AA
[1] Dịch theo nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ.
[2] Nous aimons parler de notre congrégation comme d’une famille.
[3] Tông huấn đời sống Thánh hiến, số 41.
[4] La vie communautaire le préparait à vivre la vie trinitaire car celle-ci est une communion de personnes.
[5] Tông huấn đời sống Thánh hiến, số 45.