Sứ điệp gửi người Muslim nhân Tháng Ramadan và Đại lễ ‘Id al-Fitr năm 1445 H. / 2024 A.D.

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

WHĐ (09.03.2024) – Nhân dịp tháng Ramadan – năm nay bắt đầu từ ngày 11 tháng Ba đến ngày 08 tháng Tư – và nhân dịp Đại lễ ‘Id al-Fitr 1445 H. / 2024 A.D., Bộ Đối thoại Liên tôn đã gửi một sứ điệp chúc mừng người Muslim trên toàn thế giới, với chủ đề “Kitô hữu và người Muslim: Dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thắp lên ngọn nến hoà bình”. Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng y Chủ tịch Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.J., và Đức ông Thư ký Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage.

Sau đây là toàn văn bản dịch Việt ngữ của Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam về sứ điệp này:

BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

SỨ ĐIỆP GỬI NGƯỜI MUSLIM
NHÂN THÁNG RAMADAN VÀ ĐẠI LỄ ‘ID Al-FITR
1445 H. / 2024 A.D.

Kitô hữu và người Muslim:
Dập tắt ngọn lửa chiến tranh và thắp lên ngọn nến hoà bình

Anh chị em Muslim thân mến,

Một lần nữa, với sứ điệp bày tỏ sự gần gũi và tình bằng hữu, chúng tôi gửi lời chào đến các bạn nhân tháng Ramadan. Chúng tôi ý thức tháng này rất quan trọng đối với hành trình tâm linh của các bạn cũng như đối với đời sống gia đình và xã hội của các bạn, trong đó có cả những tín đồ Kitô là bạn hữu và người thân cận của các bạn.

Chúng tôi rất vui khi biết rằng sứ điệp hằng năm của chúng tôi trong tháng Ramadan là một cách quan trọng để củng cố và xây dựng mối tương quan tốt đẹp giữa người Kitô hữu và người Muslim, khi phổ biến thông điệp này qua các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, nhất là mạng xã hội. Vì thế sẽ rất hữu ích nếu làm cho sứ điệp này được cả hai cộng đồng biết đến nhiều hơn.

Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn vài suy tư về một chủ đề khác với chủ đề mà chúng tôi đã chọn nói đến. Tuy nhiên, ngày nay số các cuộc xung đột ngày càng gia tăng, từ đấu tranh quân sự đến đối đầu vũ trang với nhiều mức độ, liên quan đến các quốc gia, các tổ chức tội phạm, các băng nhóm vũ trang và dân thường, đã trở nên thực sự đáng báo động. Gần đây Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhận định rằng sự gia tăng thù địch này thực sự đang biến “cuộc thế chiến thứ ba từng phần” thành “cuộc xung đột toàn cầu thực sự”.

Nguyên nhân của những xung đột này thì có nhiều, một số đã cũ, một số khác mới hơn. Ngoài ước muốn muôn thuở của con người là thống trị người khác, tham vọng địa chính trị và lợi ích kinh tế, một trong những nguyên nhân chính chắc chắn là việc tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí. Trong khi một phần gia đình nhân loại chúng ta phải chịu đựng những tác động huỷ diệt tàn khốc do việc sử dụng những vũ khí này trong chiến tranh, thì những người khác lại vui mừng một cách cay độc trước lợi nhuận kinh tế to lớn có được từ hoạt động buôn bán vô đạo đức này. Đức giáo hoàng Phanxicô đã mô tả điều này như là nhúng một miếng bánh vào máu của anh em chúng ta.

Đồng thời, chúng ta có thể biết ơn vì đã sở hữu những nguồn lực to lớn về nhân lực và đạo đức để thúc đẩy hoà bình. Niềm khao khát hoà bình và an ninh đã ăn sâu vào tâm hồn mọi người thiện chí, vì không ai lại không nhìn thấy những hậu quả bi thảm của chiến tranh trước những thiệt hại về sinh mạng, số người bị thương nặng và biết bao trẻ mồ côi và goá phụ. Sự tàn phá cơ sở hạ tầng và tài sản khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể sống được. Đôi khi hàng trăm ngàn người phải tản cư ngay trong đất nước của họ hoặc buộc phải chạy trốn sang các nước khác để tị nạn. Do đó, việc lên án và loại bỏ chiến tranh phải rõ ràng: mọi cuộc chiến đều mang tính huynh đệ tương tàn, vô ích, vô nghĩa và đen tối. Trong chiến tranh, mọi người đều thua. Một lần nữa, nói theo lời của Đức giáo hoàng Phanxicô: “Không có cuộc chiến nào là thánh thiện, chỉ có hoà bình mới thánh thiện”.

Tất cả các tôn giáo, mỗi tôn giáo theo cách riêng của mình, đều coi mạng sống con người là thánh thiêng và vì thế đáng được tôn trọng và bảo vệ. May thay, mỗi năm ngày càng ít quốc gia cho phép và thi hành án tử hình. Việc đánh thức ý thức tôn trọng phẩm giá cơ bản này, vốn là quà tặng sự sống, sẽ góp phần vào niềm xác tín rằng chúng ta phải từ bỏ chiến tranh và trân trọng hoà bình.

Dù khác biệt nhau, các tôn giáo đều thừa nhận sự tồn tại và vai trò quan trọng của ý thức. Việc huấn luyện lương tâm biết tôn trọng giá trị tuyệt đối của sự sống của mỗi người và quyền được toàn vẹn về thể chất, an ninh và một cuộc sống xứng đáng cũng sẽ góp phần lên án và bác bỏ chiến tranh, mọi kiểu chiến tranh và mọi cuộc chiến tranh.

Chúng ta hướng về Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa hoà bình, là nguồn hoà bình, Đấng đặc biệt yêu thương tất cả những ai cống hiến đời mình để phục vụ hoà bình. Như biết bao điều khác, hoà bình là một ơn thiêng, nhưng cũng là thành quả của những nỗ lực của con người, nhất là chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng và bảo vệ hoà bình.

Là những người có đức tin, chúng ta cũng là những chứng nhân của niềm hy vọng, như chúng tôi đã nhắc lại trong Sứ điệp nhân tháng Ramadan năm 2021: “Kitô hữu và người Muslim: Chứng nhân của hy vọng”. Hy vọng có thể được tượng trưng bằng một ngọn nến, ánh sáng của nó khuếch tán an ninh và niềm vui, trong khi ngọn lửa, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến sự tàn phá hệ động vật và thực vật, cơ sở hạ tầng và thiệt hại về nhân mạng.

Anh chị em Muslim thân mến, chúng ta hãy cùng nhau dập tắt ngọn lửa hận thù, bạo lực và chiến tranh, đồng thời thắp lên ngọn nến hoà bình mong manh, kín múc nơi những nguồn lực hoà bình hiện có trong các truyền thống tôn giáo và nhân bản phong phú của chúng ta.

Cầu chúc việc ăn chay và các thực hành đạo đức khác của các bạn trong tháng Ramadan và đại lễ ‘Id al-Fitr kết thúc tháng này, mang lại cho các bạn hoa trái bình an, hy vọng và niềm vui dồi dào.

Vatican, ngày 11 tháng Ba 2024

Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ
Bộ trưởng

Indunil Kodithuwakku Janakaratne Kankanamalage
Thư ký

Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-gui-nguoi-muslim-nhan-thang-ramadan-va-dai-le-id-al-fitr-nam-2024-a-d-1445-h–54638.