Sự Phi Lý Của Đời Tu

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Đời tu từ xưa tới nay vốn được đặt cho bằng cái tên, cũng là tựa của một cuốn sách, đó là « con đường chẳng mấy ai đi ». Dường như ngày nay tên gọi đó càng trở nên đúng hơn vì ơn gọi dâng hiến cũng ngày càng giảm dần nơi các nhà dòng. Bởi do đâu vậy ? Đó có phải do sự phi lý của nó mang lại ? Thật vậy, bước vào đời tu là chấp nhận bước vào một hành trình từ bỏ. Ở Việt Nam, đối với một số dòng tu, nhất là các dòng nữ, đó là một sự từ bỏ hoàn toàn. Thay đổi một diện mạo mới cả bên ngoài lẫn bên trong.

Bước vào đời tu, người tu sĩ chấp nhận từ bỏ con người cũ với vẻ bề ngoài dù cao sang hay khó nghèo, để mặc lấy những bộ quần áo với « style » đặc biệt, mộc mạc và giản đơn đến nỗi nó chẳng cần phân biệt là người già hay người trẻ, từ người khi trước giàu sang đến người nghèo khó, tất cả đều có chung một « style » đó. Từ bỏ việc tự do chi tiêu cá nhân, tích trữ tài sản cho riêng mình để đến với cuộc sống chung với việc chi tiêu có điều kiện rõ ràng, phép tắc cẩn trọng và mọi sự đều là của chung. Ôi sao thật phi lý thế ! Vậy sao ai có thể đi tu được. Bởi lẽ, con người trong thế giới hiện nay với nhu cầu chạy theo những xu thế thời thượng, ăn ngon, mặc đẹp, « đu » hết «  trend » này đến « trend » nọ, « style » này đến « style » khác. Một thế giới thích thể hiện mình là một người theo kịp thời đại. Từ bỏ nó ư ? Rồi sau đó nhận lại một cái nhìn « lạ lùng » vì sự « quê mùa » của mình. Sự phi lý như thế làm sao có thể chấp nhận được.

Bước vào đời tu, người tu sĩ học cách thu hẹp mối tương quan, nhất là mối tương quan khác phái. Từ bỏ tình yêu đôi lứa để chọn tình yêu đại đồng. Ôi cũng sao mà phi lý quá ! Ai chẳng muốn mình sẽ có một tình yêu đẹp, có được sự thương yêu, chăm sóc từ người khác, nhất là với lứa tuổi « nhí nhố » với những mối tình chóng đến mau qua, những ảnh hưởng của tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn. Một tương lai thơ mộng thế kia, ai mà dám từ bỏ cơ chứ. Trong con người, ai mà chẳng có những ham muốn, những đam mê vô tận về một tình yêu đẹp, ai chẳng muốn mình có thể yêu và muốn được yêu. Người nào từ bỏ nó dường như trở nên một anh hùng trong mắt người đời, vì dám chấp nhận sự phi lý đó, hay cũng trở nên một trò cười cho thiên hạ bởi sự điên rồ khi chấp nhận sống như người ăn « chay trường ».

Bước vào đời tu là bước vào hành trình từ bỏ ý riêng để sống vâng phục. Thật là điều phi lý. Trong cuộc sống ai chẳng cần đến sự tôn trọng, mong muốn mình là nhất, ý kiến của mình được đón nhận, và mình thích những điều mình làm chứ, sao ai lại có quyền ngăn cản. Mỗi ngày đều quanh đi quẩn lại cũng là những lời nhắc nhở, sửa bảo, những “lệnh truyền” phải làm. Bầu không khí ngộp thở đến khó tin, sự chán nản về một “sự tự do trong khuôn khổ”. Tại sao tôi phải chịu đựng và tự do của tôi ở đâu? Thế nhưng sự phi lý ấy lại thể hiện rõ trong đời tu, nhất là nơi giai đoạn thụ huấn. Đó là giai đoạn của sự tập tành trở nên người tu sĩ tương lai thực thụ, vâng lời luôn trở thành một yếu tố tiên quyết và thiết yếu cho việc chấp nhận tu tập. Đó không phải là sự cam chịu nhưng là một sự tôi luyện bản thân đứng trước những thách đố.

Ôi những điều phi lí như vậy sao có thể chấp nhận mà « tu » được ? Bởi đâu lại có những con người can đảm bước theo lý tưởng ngang trái như thế ? Sự phi lý đó không chỉ là những gánh nặng đè trên thể xác nhưng còn là tinh thần. Chấp nhận trở nên nhỏ bé, « quê mùa » trước một xã hội tân tiến, quay lưng lại với những ý tưởng của đại đa số con người trên trái đất này.

Câu trả lời chỉ có thể là người tu sĩ chắc hẳn luôn cần đến một « bước nhảy của đức tin » và « sức bật của lòng mến ». Chẳng có gì lý giải được tại sao đức tin và lòng mến có thể đem lại một sức mạnh phi thường giúp họ có thể vượt qua được những sự phi lý đó. Tự do có hay không trong sự lựa chọn đó hay không ư ? chắc chắn có, vì chẳng ai ép buộc nếu họ không muốn.

Đối với người tu sĩ mà nói cần lắm những giây phút thinh lặng, để họ tiếp thêm nguồn năng lượng cho đức tin và lòng mến của họ vào Đấng mà họ muốn bước theo bằng mọi cách. Thinh  lặng để nhận ra Thiên Chúa tôi luyện họ trong thử thách để họ lớn lên mỗi ngày, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi và thử thách quá sức chịu đựng của con người, Người luôn luôn dự liệu một lối thoát. Những lúc tưởng chừng gần như « đứt gánh giữa đường », nản chí đến tận cùng của sức chịu đựng, họ chạy đến với sự thinh lặng bên Chúa – Đấng thấu suốt mọi sự, nhiều lúc họ chẳng cần phải nói điều gì, họ chỉ cảm nhận có Chúa ở bên. Dường như lúc đó họ mới thực sự được ủi an, mới nhận được tình yêu, sự cảm thông thực sự. Ánh sáng leo lét nơi ngọn đèn chầu mới ấm áp làm sao và Lời Chúa lúc ấy thực sự trở nên lời hiệu nghiệm nhất.

Cũng chẳng phải trong đời tu chỉ có những tăm tối như thế, sự phi lý không chỉ mang lại đau khổ, nhưng còn là niềm vui, sự bình an. Nếu không đã chẳng có ai muốn hiến mình. Niềm vui của sự thân tình, niềm vui có nhau nơi tình bạn diệu kỳ của những con người cùng đồng hành, cùng lý tưởng. Quan trọng là con người có mở lòng để đón nhận nó hay không. Cánh cửa đóng kín, mà chìa khóa chỉ có một, chủ nhân chiếc chìa khóa mà không muốn mở thì chẳng ai có thể vào, ngoại trừ những kẻ trộm (sự dữ) muốn tìm cách mở khóa, lẻn vào và lôi kéo người chủ vào chỗ hoang mang, lo sợ.

Mary Phạm