Chuyện có hay không, dũng sĩ diệt lươn khét tiếng 20 năm về trước tại mãnh đất Yên Thành, Nghệ An, nay đã trở thành linh mục tại Pháp Quốc?
Tin đồn như thật, vào lúc 11h, ngày 15/ 01/ 2017, tại Giáo xứ Saint-Gabriel de Vase. Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon đã chủ tế Thánh Lễ tấn phong linh mục cho Thầy phó tế Phêrô Nguyễn Văn Hà.
Toạ lạc gần thung lũng Valpré, giáo xứ nơi Thầy thực tập nằm ở vành đai Antoine de Saint-Exupéry, trong một khu phố cổ, có nhiều người Ả-rập sinh sống. Hành Be, một người dân Thổ địa đã tự hào khẳng định : « đây là khu phố cung cấp thẻ sim điện thoại nổi tiếng và nơi bán thức ăn nhanh, rẻ « Kebabs» nhiều nhất vùng Nion. Đúng vậy, đời sống về đêm ở đây rất nhộn nhịp, mặc dù nhiều con đường chưa có điện!
Giá lạnh ở trời Âu như cắt đi từng thớ thịt, vẫn không làm giảm đi ngọn lửa huynh đệ của nhóm người AA (viết tắt cho hiệp hội : Anh-Ả) giành cho hiệp sĩ, Tân Linh Mục.
Từ rất sớm, chúng tôi theo bước chân của một nhóm gần khoảng 70 người AA. Họ đến từ nhiều vùng khác nhau ở Pháp, và mang theo nhiều sắc phục truyền thống. Đối với họ, đây là dịp để phô diễn nét đặc trưng Rú-Vạn « quần vải loe, dày trắng thể thao, hiệu Adidas » ; « Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy », Jn 13, 35. Đó là nét riêng biệt để chúng ta nhận ra người của vùng Rú, đất của 10 000 viên ngói. Quả thật, đây là một sự kiện rất hoành tráng có thể đem so sánh với lễ chầu lượt ở Nghèn.
Ngược dòng lịch sử, nhiều người trong chúng ta hẵn còn nhớ, cách đây 20 năm, ngành truyền thông Miền Trung đã tốn không ít giấy, mực nói về câu chuyện của dũng sĩ diệt lươn, Hà Ngẳng. Tạp chí Rú Đất & Tin Đồn, và tờ Vạn Ngói-Times đã từng gọi anh là ” Thần Lươn”. Đặc biệt là giới sinh viên Miền Nam cùng thời, nhà báo tự phong, Hổng Đệ của trung tâm Nguyễn Trường Tộ, hay còn gọi là A1 Văn Hiến, Q.1, Sài Gòn, đã phong anh là hiệp sĩ « Nhím-Lươn ».
Xuất phát từ đâu, thực hư thế nào, mời bạn cùng tôi, chúng ta cùng vi hành với Tân Linh Mục, để tìm lại 36 năm dấu ấn và hành trình ơn gọi mà Ngài đã đi qua.
Lộ trình : Vạn Ngói- Vinh
Sinh ra trong 1 gia đình 7 người con, là con thứ 2, anh của 5 người em, tại làng quê không quá lớn, chỉ khoảng 10.000 viên ngói là đủ để bao phủ, người dân ở đây chủ yếu làm nghề nấu rượu cấp hạng, vừa đi vừa nấu. Nếu bạn đã một lần uống rượu của họ Vạn, bạn mới biết trong rượu có tép. « Hà Ngẵng », cái biệt danh mà các đồng môn thời thơ ấu thường gọi. « Ngẳng » là người có cá tính, quyết đoán và nghị lực. Hơn 20 năm móc lươn, thâm chuyên về nghề nghiệp, Ngẳng được các doanh nhân về lươn và các chủ quán cháo tôn vinh như một dũng sĩ của vùng đất xứ Nghệ. Nếu bạn có dịp ghé qua Tp. Vinh, ăn một tô cháo lươn, bạn sẽ được tặng ngay một cuốn lịch Chúc Mừng Năm Mới, hình bìa không phải là Lý Hùng, Diễm Hương hay Việt Trinh, mà là Tân Linh Mục hôm nay và hình con lươn ngày xưa.
Là người nổi tiếng, hào hoa và hiệp sĩ, có được Hà Ngẳng là mơ ước của nhiều đóa hồng chân dài Rú-Vạn. Chưa kịp rung động về mảnh tình thời niên thiếu. Không may mắn như như bao chàng trai trong giới showbiz, bản tình ca « Nhỏ ơi » vẫn chưa đi vào đoạn kết, thì tiếng gọi dâng hiến lại đến bất chợt, làm mềm đi cả trái tim khát yêu bây lâu ! Cái nhìn chết lặng của các chân dài xứ Vạn, lúc xe khách mang biển số 37, từ chợ Rộc chuyển hướng về Vinh. Những bàn tay vẫy chào tạm biệt làm cho chàng trai không khỏi ngậm ngùi. Giọt nước mắt hiếm hoi đã nhỏ xuống của Hà Ngẳng, cùng với tiếng thở dài đau nhói xé nát tim anh. Phải chăng tài xế lái xe hiểu được phần tâm trạng, chiếc DC « Anh còn nợ em » (Quang Dũng), chính lúc để làm hài lòng hành khách. Ừ thì « Thà rằng như rứa» hay « Mỗi người một nơi » của Ưng Hoàng Phúc, xem như bản tình chia ly, không ngày tái ngộ.
Lộ trình : Vinh-Sài Gòn
Như Áp-ra-ham ra đi về vùng đất hứa, hy vọng đời sẽ đổi gió xoay chiều. Sài Gòn, mảnh đất đầy sữa và mật ong. Tuổi thiếu thời là vậy: tay sách bút; tay lươn đồng để phụ giúp bố mẹ và 5 đứa em ăn học.
Chưa báo xong tập 1 chữ hiếu, đặt chân đến Sài Gòn. Tháng 8 năm 2001 vào Trung tâm Văn hiến, hẻm 68, chào đón tân sinh viên đến từ xứ Vạn với dòng chữ hiếu khách, quen thuộc từ phía trên : « Khu phố văn hoá, kính chào quý khách !», nhưng phía dưới là cả núi kim tiêm và vỏ dầu gội đầu head & shoulders 500đ/gói, cứ ngổn ngang phải trái, thêm vài ba anh xăm trổ, rồng phượng khắp người với cái nhìn lờ đờ phê thuốc. Mở cửa vào nhà nhưng Ngẳng vẫn không ngừng dõi theo những khuôn mặt bặm trợn đang nhìn về phía mình.
Mặt dù đã là anh chàng sinh viên đại học, nhưng cái máu của nghề nghiệp vẫn còn âm ỉ. Trục đường Điện Biên Phủ và Xô Viết Nghệ Tĩnh, hướng về Đại Học Văn Hiến, là lộ trình thường nhật từ nhà tới trường. Ngày đó 2 bên vẫn còn có các ao rau muống, đường luôn trong tình trạng ngập, luôn là nỗi khiếp sợ cho người đi đường, nhưng lại là đất dũng võ của hiệp khách ngứa nghề. Đường Sài Gòn ngập lụt, chính là lúc ruột gan cồn cào, bởi theo chuyện môn « Pháp Vương », có nước là có lươn. Khả năng thiên bẩm lại có dịp trổ tài.
Cuộc sống luôn cho phép ta hy vọng, nếu gõ mạnh sẽ có ngày cửa mở toang. Khác với Trường Giang , đôi dép tổ ong vào sinh ra tử để kiếm sống, Thầy lại mang cho mình một nhãn hiệu Vina-Dày nổi tiếng tha thướt trên thảm đỏ. Nhờ vốn liếng anh ngữ nên nhà hàng Bách Việt 5 sao, Mạc Đĩnh Chi welcom. Giọng nói cũng uyển chuyển từ tiếng Vạn sang âm điệu Sài Thành, lúc nhà hàng khách đông nó lại thành Sài-Vạn.
Chiều thứ bảy và tôí chủ nhật, là khoảng thời gian đẹp nhất để sinh viên « cuốn chiếu » ghé vai bạn tình, như ta vẫn thường thấy thấp thoáng từ xa nơi dãy ghế số 15 ở công viên Lê Văn Tám (ghế này gần cái giếng người ta vẫn thường đập muỗi cho nhau). Nhưng đối với Hà Ngẳng là khoảnh khắc học thuộc lòng các món ăn, là lúc bội thu tốt nhất từ thảm đỏ. Bồi bàn là mộng tưởng của nhiều sinh viên A2 thời đó. Nhưng hiên thực chỉ thuộc về số nhỏ cho những ai đã lỡ có số đào hoa.
Lộ trình: Sài Gòn- Paris
Phía trước là màu hồng. Từ một dũng sĩ anh đã trở thành một Tu Sĩ.
Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng anh ngữ, nhưng nhà trường chưa kịp phát bằng, vì ông hiệu trưởng bị thủng lốp xe ngay bên cạnh Đinh Bộ Lĩnh. Dục hoãn cầu mưu, nhưng động từ to be không bị chia theo hoàn cảnh. Năm 2006, thầy Hà được bề trên Dòng Mẹ Về Trời cân nhắc và thuyên chuyển thầy qua Pháp để tiếp tục tu học.
Cuộc đời sang trang mới, với nhiều điều mới: văn hoá, ngôn ngữ, thức ăn, nếp sống… Khó khăn như nhân lên, nhưng niềm vui đèn sách, kinh sử càng gấp bội.
Sau năm nhà tập, thầy được chuyển về Tp. Lille miền Bắc nước Pháp để tiếp tục chương trình thần học. Không thơ mộng như Đà Lạt, sương mù, giá lạnh, điện không đủ sáng, nước không đủ tắm, năm thứ 4 của chương trình đại học, Thầy phải chuyển tới Tp. Lyon để tiếp tục theo hết chương trình thần học. Hơn ở Lille về giá sim điện thoại, lại có dòng sông Rhône thơ mộng để thả mình theo gió và ôn lại năng khiếu thiên bẩm. Đích cuối vẫn là thời gian.
Từ Vạn Ngói tới Paris, từ quê ra thành phố, từ đôi dép tổ ong nhuốm màu vàng cổ kính của phèn ruộng, đến biết đi vững vàng những đôi dày mũi nhọn, đế cao trên thảm đỏ, từ anh chàng thả trúm bắt lươn, nay đã trở thành môn đệ của Thầy Giê-su, « lưới người ». Khép mình trong ba lời khấn vĩnh viễn: vâng phục, biệt danh ngày xưa, nay sẽ đi vào quên lãng ; sống khiết tịnh, khi đã hát trọn vẹn bản thánh ca « Con nay thuộc về Ngài » ; Sống khó nghèo, vẫn đôi dày hiệu adidas và đồng phục quần loe ngày nào, nhưng thầy vẫn đau đáu chờ Iphone 19 ra đời.
Ơn gọi dâng hiến là hành trình tìm kiếm Chúa không có điểm kết, không tính toán, không quan niệm phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí. Phó thác, chính là bài thuốc an thần nội tâm. Dấu ấn ơn gọi của Tân Linh Mục là không biên giới, bởi một trong những đặc sủng của Dòng Mẹ Về Trời là hướng mình trong tinh thần quốc tế hoá.
Hành trình lịch sử ơn gọi của tân linh muc đã đi qua nhiều chặng đường. Vậy lộ trình tiếp theo, Ngài sẽ tới đâu ? Bạn và tôi không cần biết, bởi đi đâu cũng thế, cùng với Thánh Phaolô, Tân Linh Mục Phê rô Nguyễn Văn Hà đã khẳng định « Đối với tôi, sống là Đức Kitô”, Phil 1,21.
Điều phải làm cho TLM ngay lúc này, như một người bạn, là chúng ta hãy cùng nâng ly, và hát với nhau « Ai ngẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng ». Chuyện có hay không, « Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được », Mt 19,26.
Chèo Ngang