Năm 1963 văn kiện Sacrosanctum Concilium (SC) ra đời với những nguyên tắc tổng quát và những chỉ dẫn cụ thể nhằm canh tân Phụng vụ. Trong văn kiện này, Công Đồng đã dành cả chương VI để bàn về Thánh nhạc với những đường hướng canh tân. Việc canh tân Thánh nhạc của Công đồng Vaticanô II kế thừa tự sắc Tra le sollecitudini (TLS) năm 1903 của Đức Giáo Hoàng Piô X và Thông điệp Musicae sacrae disciplina (MSD) năm 1955 của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Thật vậy, từ việc gọi Thánh nhạc là “nữ tỳ của phụng vụ[1]” trong TLS kết hợp với việc đề cao tiếng hát của linh mục và nhấn mạnh việc tham gia tích cực của cộng đoàn phụng vụ trong MSD[2], kể từ SC Thánh nhạc là “thành phần thiết yếu và hoàn chỉnh[3]” của phụng vụ. Cùng với đường hướng canh tân của Phụng vụ[4], Thánh nhạc từ Công đồng Vaticanô II cho phép sử dụng ngôn ngữ bản xứ, âm nhạc dân tộc và khuyến khích dành cho âm nhạc một vị trí thích hợp trong phụng vụ[5]. Tuy nhiên, việc sáng tác nhạc bằng ngôn ngữ bản xứ cho Phụng vụ có thể nảy sinh một số vấn đề như cưỡng âm, đa nghĩa, hữu ngôn vô ý, thậm chí sai tín lý. Mặt khác, sáng tác nhạc phụng vụ dựa trên những thang âm điệu thức dân tộc bản địa cũng có nguy cơ nặng hình thức, phải tuân theo quy luật hòa âm đặc trưng và phải sử dụng nhạc cụ địa phương thì mới phù hợp. Hơn nữa, một số ca nhạc sĩ có nguy cơ biến việc phục vụ Thánh nhạc thành nơi phô trương kỷ thuật, nặng tính biểu diễn. Ý thức được những vấn nạn này, Huấn quyền đã đưa ra nhiều văn bản[6] đề cập đến việc chấn chỉnh, hướng dẫn và khuyến nghị về việc sáng tác, sử dụng và phát hành các ấn phẩm âm nhạc sử dụng trong phụng vụ.
Trong bài này, tôi sẽ không đào sâu phân tích, cũng sẽ không giới thiệu chi tiết các bản văn của Huấn quyền nhưng chỉ dựa trên văn kiện Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc[7] và các văn bản khác có những hướng dẫn việc sử dùng ca từ trong Thánh nhạc Việt nam (1). Tiếp đến, tôi sẽ nêu một số quy định, các tiêu chuẩn để thẩm định một tác phẩm âm nhạc trong Phụng vụ (2). Cuối cùng, chúng ta cùng bàn luận về việc chọn một thánh ca trong phụng vụ, việc đọc và hát thánh vịnh trong cộng đoàn (3). Vượt trên các điều này, tác giả chỉ mong nêu bật giá trị kép của Thánh nhạc là để “vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu[8]” hợp với các tiêu chuẩn[9]: thánh thiện “sanctitas”, hình thức tốt đẹp (bonitas formae) và phổ quát (universalitas) của nó.
- Ca từ trong Thánh nhạc
Ngoài các yếu tố như Motif, giai điệu, thang âm điệu thức, hòa âm phối khí…thì ca từ đóng vai trò truyền tải hữu hiệu nhất ý tưởng của một tác phẩm âm nhạc. Khi sáng tác, nhạc sĩ cần chú ý đến việc đặt ca từ sao cho vừa mang yếu tố văn chương, vừa mang tính thánh thiêng trong thờ phượng. Trong Thánh nhạc, yếu tố lời ca được xem là quan trọng nhằm giữ tính thánh thiện, giúp tâm hồn tín hữu trong tâm tình tôn vinh Thiên Chúa và lời ca phải có tính thông đạt rõ ràng, nhất là khi muốn truyền tải Lời Chúa[10]. Để làm được điều này, Ủy ban Thánh Nhạc (UBTN) mong muốn các nhạc sĩ một mặt các sáng tác của họ cần dựa vào Thánh Kinh và tuân thủ các quy chuẩn của Huấn quyền. Mặt khác, các nhạc sĩ cần sáng tác các ca khúc thánh ca “không phải chỉ diễn tả đúng về giáo thuyết mà tự bản văn phải diễn tả đức tin công giáo[11]”. Do đó, những ca khúc thánh ca không bao giờ được phép dùng những ca từ khẳng định không đúng đắn về đức tin hoặc sai lạc tín lý[12]. Đường hướng của UBTN đã không ngoài Hiến chế Phụng vụ: “Lời của thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ nguồn mạch Thánh Kinh và các nguồn mạch Phụng vụ[13]”.
Chúng ta thử xét vài ví dụ cho thấy ca từ của bản nhạc có “vấn đề” về thần học. Chẳng hạn bài Đền Tạ Trái Tim Mẹ của tác giả Nguyễn Khắc Tuần trong đó có câu “con dâng mình đền thay tội lỗi muôn dân.” Con ở đây không thể đền thay tội lỗi của muôn dân được vì chỉ có Chúa Kitô mới có thể nói được như vậy. Ví dụ khác, Chúng ta nên hiểu thế nào câu “Thần khí Chúa đã sai tôi đi” trong bài cùng tên của Nguyễn Đức Tuấn? Phải chăng nên nói rằng, Chúa Cha xức bằng dầu Thánh Thần và sai đi, chứ không phải Chúa Thánh Thần xức dầu rồi sai đi như ta thường hiểu? Ngày nay UBTN đã sửa câu này là “Nầy chính Chúa đã sai tôi đi[14]”. Hơn nữa, theo cha Mi Trầm, chữ Thần Khí được dùng trong bổn cũ “Xin cho khỏi Thần khí mất mùa giặc giã” thường hiểu theo nghĩa tiêu cực, không thể dùng để chỉ Đức Chúa Thánh Thần[15]. Chúng ta thử xét thêm vài đề nghị thay đổi ca từ trong các bản thánh ca dùng trong Chầu Thánh Thể. Người ta đã từng đặt vấn đề nên chăng phải thay chữ “Cha” hiểu như là Chúa Giêsu trong một số bản thánh ca chầu Thánh Thể? Chẳng hạn, trước đây bài Đây phép nhiệm mầu của Hoài Chiên, trong phần điệp khúc viết “Ôi Cha nhân lành đoàn con kính thờ, Cha là Thần lương ban cho con cái” nay chữ “Cha” đã được thay thế bằng chữ “Chúa”. Bài Con thờ lạy của Hoài Chiên trước đây ở phần điệp khúc “Lòng con hân hoan mến tin một Cha” nay được thay bằng “Lòng con hân hoan mến tin ngợi ca”. Chỗ khác, trong bài này câu “Đời con tin yêu thắm trong tinh Cha” nay đổi thành “Hiệp thông tin yêu thế nhân gần xa”. Tương tự như vậy, bản nhạc Thờ lạy Chúa của Hoài Đức đã thay 2 chỗ có chữ “Cha” trong tiểu khúc 1 như sau “Hồi tưởng Chúa đã hy sinh năm Thánh giá” và “chúng xin tạ ơn thiết tha”. Người ta cũng đã đặt vấn đề rằng một số thuật ngữ được dùng để diễn tả việc hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể như “Chúa náu thân tù hãm”, “Chúa ẩn mình”, “Chúa nép mình trong bánh thánh”, những từ này đúng thần học không? Theo cha Mi Trầm vấn đề này người ta bàn cãi rất nhiều mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, dù vậy có vài chỗ vẫn có thể dùng được[16]. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy việc dùng các thuật ngữ này có thể làm người nghe hiểu sai ý dựa trên mặt chữ. Tôi lấy ví dụ câu “Uy quyền khả ái trong hình bánh náu thân” trong bài Thờ lạy Chúa của Hoài Đức có thể gây lầm tưởng rằng Chúa không hiện diện thực trong Bánh Thánh mà Ngài chỉ “náu thân” ở đó thôi. Gần đây, người ta đã đổi câu này thành “Uy quyền khả ái trong hình bánh hiến thân”. Chỗ khác, trong bài Phút than thở của Thiên Phụng và Tâm Bảo có câu “hằng náu thân tù hãm vì con” phải chăng có “vấn đề” nên mới đây người ta thay bằng “hằng xót thương tự hiến vì con”.
Cùng với đề nghị đặt ca từ phải hợp thần học, các nhạc sĩ Thánh ca còn được mọi gọi cần tránh đưa vào ca khúc của họ những ca từ đơn sơ, trôi chảy, tránh những từ quá ủy mị, lãng mạn và cấm đặt đặt lời cho bản nhạc đời rồi đưa vào phụng vụ[17]. Theo tôi, nhạc sĩ thánh ca cũng không nên đưa vào tác phẩm của họ những từ đã nghĩa; cẩn trọng khi dùng các tính từ so sánh, hoặc dùng những từ ngữ “đời”, thậm chí hữu ngôn mà vô ý. Chẳng hạn, nhạc sĩ của Bài ca dâng hiến có nên viết “Chúa ơi tình Ngài cao hơn Thái sơn” thay vì “Chúa ơi tình ngài cao như Thái sơn” không? Chỗ khác, việc UBTN đổi câu “Lòng Mẹ thương bao la và thiết tha vô ngần” thay vì “[…] tình ái ân vô ngần” của nhạc sĩ Trần Khắc Tuần trong bài Đền tạ trái tim Mẹ là cần thiết? Bài hát Tiếng hát thiên thu của Nhạc sĩ Thiên Tân phổ lời thơ của Dao Kim có câu “Xin yêu thương dẫn về chốn quê mộng mơ” phải chăng nên phải đổi lại là “chốn quê trời cao” hay “chốn quê hằng mơ[18]”. Trường hợp bài Bờ đá xanh tạ tội có lẽ không sai thần học, giai điệu hay và nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ca từ của nó chưa đáp ứng những tiêu chuẩn của một bài Thánh ca trong phụng vụ và có nhiều chỗ không tối nghĩa, sáo rỗng dễ gây cho cộng đoàn khó hiểu và ngộ nhận[19].
Ngoài các vấn đề vừa nêu, thiết nghĩ các nhạc sĩ cần cân nhắc việc sử dụng từ ngữ để không làm giảm bớt giá trị nơi những gì Giáo hội đã định tín, đã công bố; đồng thời họ cũng không nên thêm thắt những gì Bản quyền Giáo hội chưa minh xác. Ví dụ bài Kinh tin kính (cũ) của nhạc sĩ Hoài Đức chưa nêu đủ 4 đặc tính của Giáo hội khi ông viết: “[…] tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện vững bền”. Trong khi chúng ta tuyên tín Giáo hội Công giáo là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ví dụ khác, cho tới bây chúng ta chỉ nghe nói “nước Chúa hiển trị” chứ chưa thấy nói gì về “nước Mẹ hiển trị” như tác giả Huyền Linh đã viết trong bài Tận hiến cho Mẹ.
Vấn đề đặt lời Việt cho giai điệu nước ngoài hoặc ngược lại, UBTB lưu ý rằng cần xét kỹ về nguồn gốc, âm vực, cẩn trọng với các dấu bằng trắc trong Tiếng Việt[20]. Chẳng hạn, bài Here I am của Tom Booth được Phạm Tất Hanh dệt lời Việt[21] nhưng quên sử dụng các dấu hoa mỹ, do đó khi hát lên có vẻ các từ “ở” bị cưỡng âm thành “ớ” và từ “hãi” hát thành “hái”. Chúng ta thử lấy bài Vào đời của Nguyễn Văn Trinh làm ví dụ. Trong bài này, thầy Rufino Zaragoza dệt lời tiếng Anh nhưng không dễ gì để ghép cụm từ “enter of life” vào cụm từ “Vào đời” của các tiểu khúc được nên thầy để luôn “Vào đời when you keep the fist day of the week[22]”.
Chúng ta vừa chỉ mới tìm hiểu những kiến nghị của UBTN đối với các nhạc sĩ trong việc đặt từ cho ca khúc Thánh ca chứ chưa nói đến các thực hành đối với người sử dụng Thánh nhạc. Tôi sẽ nối kết việc đó trong phần 3 của bài này. Mặt khác, tôi cũng chưa đề cập những vấn nạn khác trong Thánh nhạc như giai điệu, hòa âm phối khí, việc sử dụng nhạc khí trong phần trên. Đây là các vấn đề liên quan đến chuyên môn, tôi thấy cần phải có hiểu biết nhất định cũng như phải có kinh nghiệm khi muốn đề cập tới. Hơn nữa, giới hạn của buổi chia sẻ tôi nghĩ thính giả sẽ không nắm bắt hết được vấn đề nếu chỉ nói cách sơ lược. Thay vì phải bước vào một “mê cung” của thuật ngữ âm nhạc và các vấn đề chuyên môn, tôi nghĩ chúng ta nên dành thời gian để tìm hiểu việc thẩm định một tác phẩm Thánh nhạc.
- Tiêu chuẩn và việc thẩm định một tác phẩm Thánh nhạc
Trong phần 1 chúng ta đã thấy có một số bài hát cần thay đổi ca từ mới hợp với phụng vụ. Như thế, chúng ta ngầm đoán được rằng cũng có một số tác phẩm âm nhạc không phải sáng tác cho phụng vụ. Một vấn đề phát sinh ở đây là phải chăng cho một số bản nhạc được dùng trong nhà thờ nhưng không được dùng cho phụng vụ? Bên cạnh đó, phải chăng cũng những bản nhạc không được sử dụng cho cả hai trường hợp trên, chúng chỉ thích hợp cho các sinh hoạt đoàn hội công giáo? Vậy, làm sao người ta có thể phân biệt? Những ai có quyền thậm định và phê duyệt các tác phẩm để đưa vào Phụng vụ?
Việc chuẩn nhận các bài thánh ca để sử dụng trong phụng vụ phải tuân thủ thông cáo số 2/1994 của UBTN được nhắc lại trong số 114 của bản Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc. Thực ra hai văn bản này dựa trên Tra le Sollecitudini của Đức Piô X và Hiến chế Phụng vụ số 112 rằng: “Bài ca phải thánh và phải là nghệ thuật đích thực”. Những ai có thẩm quyền để chuẩn nhận 2 đặc tính trên? Theo Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc thì các cung dành cho chủ tế và thừa tác viên chức thánh phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận còn các bài ca khác (Bộ lễ, ca nhập lễ, Thánh vịnh đáp ca, ca dâng lễ, ca hiệp lễ) thì do Đức Giám mục giáo phận chuẩn nhận. Khi thẩm định sự thích hợp của âm nhạc trong Phụng vụ người ta phải xét ba đặc tính: phụng vụ, mục vụ và về nghệ thuật âm nhạc. Ba tiêu chuẩn này phải được xét cùng lúc nhằm trả lời câu hỏi: “khi sử dụng phần nhạc cụ thể, (bài hát) này có thích hợp với phần phụng vụ ngay lúc này không?[23]”. Để biết một cách chi tiết về các quy định này, chúng ta cần đọc thêm các tài liệu liên quan trong phần phụ chú cuối bài này.
- Ứng dụng trong cộng đoàn
Chúng ta vừa tìm hiểu cách sơ lược về việc sử dụng ca từ và các đòi hỏi trong việc thẩm định ca khúc dùng trong Phụng vụ. Nhìn vào hoàn cảnh cụ thể, chúng ta ghi nhận rằng có một số nơi đã có sự thay đổi nhưng còn chậm chạp và việc áp dụng chưa thực sự hợp với tinh thần phụng vụ. Ở đây, tôi không nêu lên các nguyên nhân cho bằng xin đưa ra vài đề nghị để cộng đoàn thực hành Thánh ca hợp với việc canh tân Phụng vụ.
Trước hết, trong các cộng đoàn nên có các cuốn sách thánh ca đã qua thẩm định và phê duyệt của HĐGM. Chẳng hạn, Tuyển tập Thánh ca Việt nam gồm 3 quyển đã được duyệt và chuẩn nhận được sử dụng trong Phụng vụ. Tuy nhiên, công trình này vẫn có vài chỗ lỗi kỷ thuật đánh máy hoặc do việc đọc lại văn bản chưa kĩ[24] nên khôn ngoan khi sử dụng. Khi dùng một bản nhạc cho phụng vụ chúng ta nên xem bản đó là Nihil obstat (không gì trở ngại) hay Imprimatur (được phép in ấn) không? Ngày nay một số cuốn sách hát dùng trong Phụng vụ không có các chữ này, nghĩa là chưa qua thẩm định và chưa được chính thức đưa vào sử dụng. Chúng ta cũng nên khôn ngoan khi chọn mua các cuốn sách thánh ca mà sau trang bìa có chữ “Được phép dùng trong Phụng vụ”. Kế đến, người phụ trách phụng vụ của ngày trong tuần của cộng đoàn nên dùng thời gian để xem qua lời ca của ca khúc mình muốn dùng có điều gì bất ổn không? Chúng ta cần lượng định xem nên hát câu tiểu khúc nào thì hợp với ý hướng của buổi phụng vụ hoặc bản Kinh thánh của ngày đó. Chúng ta nên lưu ý đến nguyên tắc hát bậc lễ, thứ tự ưu tiên, những phần nên hát và những phần không nhất thiết phải hát, điều này đã quy định trong Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc[25]. Khi chọn bài hát cho từng phần vụ, cho các nghi thức khác nhau của một cử hành phụng vụ, chúng ta nên tham khảo các chỉ dẫn về phụng vụ và của UBTN[26]. Chẳng hạn người ta không thể chọn một bài hát về một vị thánh nào đó cho phần Ca tiến lễ hoặc Ca hiệp lễ được vì đây là phần phụng vụ Thánh thể.
Cuối cùng, chúng ta luôn ý thức Thánh nhạc có hai phần vụ kép của nó là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người. Thiết nghĩ việc hát thánh ca và cả việc đọc kinh phụng vụ trong cộng đoàn nên lưu tâm đến tính thánh thiện và nghệ thuật. Để làm được điều này, chúng ta nên coi trọng việc hát rõ lời, đọc rõ ràng và ở trong tình thần tham gia tích cực. Các cộng đoàn cần quan tâm đến vấn đề huấn luyện tác viên Thánh nhạc cũng như việc học hỏi Phụng vụ để vừa thăng tiến đời sống đức tin cá nhân; vừa giúp cho cộng đoàn cũng như trong việc truyền giáo.
Fr. Jacques Sinh, AA.
Giới thiệu các văn kiện đề cập đến việc chấn chính Thánh nhạc
- Đức Giáo hoàng Piô X, Tự sắc Tra le sollecitudini, 1903.
- Đức Giáo hoàng Piô XI, Tông hiến Divini Cultus, 1928.
- Đức Giáo hoàng Piô XII, Thông điệp Musicae sacrae Disciplina, 1955.
- Thánh bộ lễ nghi, Huấn thị Thánh nhạc, 1958.
- Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và CĐVAT. II, Hiến chế Phụng vụ 1963, Huấn thị về âm nhạc trong Phụng vụ thánh, 1967.
- Qui chế sách lễ Roma, 2002, (các số 32, 38)
- Huấn thị thứ 3 để thi hành đúng Hiến chế phụng vụ, 1970.
- Hòa nhạc trong Thánh đường, 1987.
- HĐGMVN, ba thông cáo về Thánh nhạc, 1994.
- HĐGMVN, UBTN, Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc, 2017.
[1] Tra Le Sollecitudini, số 1.
[2] Musicae Sacrae Disciplina, số 31.
[3] Sacrosanctum Concilium, số 112.
[4] Công Đồng Vaticanô II mở ra một hướng đi nhằm canh tân Phụng vụ là vừa trở về nguồn Thánh Kinh và Truyền thống, vừa hội nhập với các nền văn hóa nhằm mục đích là sự tham dự tích cực của cộng đồng dân Chúa (x. Kiều Công Tùng, Phụng vụ tổng quát, DCV Giuse, 2015, tr. 27)
[5] SC, số 119.
[6] Xem trong phần phụ lục
[7] Văn kiện Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc của Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt nam, là văn kiện mới nhất cho tới nay, được chấp nhận và áp dụng từ 28/4/2017.
[8] Instructio de Musica in Sacra Liturgia, số 4.
[9] Các tiêu chuẩn này do Đức Piô X đưa ra trong tự sắc TLS, số 2.
[10] X. Xuân Thảo và nhóm Quê Hương, Thánh nhạc nhập môn, 2017, tr. 32.
[11] HĐGMVN, UBTN, Hướng dẫn mục vụ Thánh Nhạc, số 78.
[12] Loc.cit.
[13] Sacrosanctum Concilium, số 121.
[14] Linh mục Nguyễn Duy trả lời thắc mắc của một bạn đọc: “bài hát Thần khí Chúa có sai tín lý không?”, trong http://bangiaoly.net/hoi—dap/bai-hat–than-khi-chua–co-sai-tin-ly-khong-/ (cập nhật 7h45 ngày 22/3/2020)
[15] Xem trong mục Hỏi đáp về Thánh nhạc, trong http://cdliengiaophan.bplaced.net/hoi-dap-ve-thanh-nhac/ (cập nhật 8h00 ngày 22/3/20)
[16] “Những kiểu nói Chúa ngự, Chúa ẩn mình trong hình bánh…Người ta bàn cãi thật nhiều nhưng chưa có lối giải thích nào thoả đáng. Chúng ta nên hiểu là những kiểu nói trên đây muốn nói đến sự hiện diện của Chúa. Do đó, ta có thể chấp nhận được.” x. http://cdliengiaophan.bplaced.net/hoi-dap-ve-thanh-nhac/ (truy cập lúc 8h00 ngày 22/3/20)
[17] X. Kiều Công Tùng, Ibid., tr. 79.
[18] Theo Thông cáo số 3/1994 của HĐGMVN về Hướng dẫn sáng tác và sử dụng bài hát trong Thánh Lễ, số 4.
[19] Ibid
[20] X. Kiều Công Tùng, Ibid., tr. 79.
[21] X. OCP, Thánh ca dân Chúa, bài Here I am, Nxb Tôn giáo, 2010, số bài 442.
[22] X. John J. Limb và nhóm biên soạn, bài Vào đời, trong tập Chọn Ngài, OCP, 2006, tt. 20-21.
[23] X. UBTN, Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc, 2017, tr. 49.
[24] Ví dụ bài Tận hiến cho Mẹ in trong Tuyển tập Thánh ca Việt nam, quyển 1 sai câu “Có Mẹ dắt dìu con tiến sĩ lên đường mới”
[25] Xin xem các số từ 98 đến 106.
[26] Các số 126-190.