Em đến thăm chị vào một chiều mưa. Hiện ra trước mắt em là căn nhà lợp bằng tôn, xung quanh được che chắn bởi những tấm bạt quảng cáo của ai đó treo bên vệ đường, cột nhà là những cây cao su lá vẫn còn xanh. Vì những cây cao su còn sống, nên mỗi khi có gió, cả căn nhà lung lay theo chiều gió; và, mỗi khi trời mưa, nước cứ chảy theo những cây cao su vào nhà. Cảnh tượng trong nhà chị lúc trời mưa chẳng khác ngoài cánh rừng kia là bao.
Gặp và nói chuyện với chị, em biết chị đang mang trên đôi vai gầy của mình nhiều gánh nặng.
Chị sinh ra ở Lâm Đồng, trong một gia đình nghèo. Sau đó, chị theo gia đình về sống tại một vùng quê nghèo ở Bà Rịa Vũng Tàu. Khi còn trẻ, chị là một cô gái xinh đẹp, lại chịu thương chịu khó, nên có nhiều chàng trai đến ngỏ ý xin cưới chị làm vợ. Trong số đó, chị chọn anh T., ở huyện cạnh bên. Cũng giống như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, anh chị sống những năm đầu của đời sống hôn nhân trong yêu thương và cảm thông, cho dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, càng về sau, chồng của chị càng thay đổi tính nết và thường xuyên đánh đập chị. Và ngày nào cũng thế, những trận đòn liên tiếp xãy ra. Đến một ngày kia (cách đây hơn mười năm), anh đã đuổi chị và bốn đứa con ra khỏi nhà mà không cho mang theo một đồ vật gì, dù chỉ là một chiếc áo của những đứa con. Chị ôm con đến nhà người quen xin ở tạm, nhưng anh đã không để chị và các con yên. Anh đã đến nhà họ quậy phá nhằm mục đích không cho họ cưu mang chị và những đứa con. Từ đó, chị và các con đi vào cánh rừng gần đó, dựng một túp lều bằng lá cây để sống tạm. Được một thời gian, anh phát hiện chị và các con đang sống ở đó, liền châm lửa đốt túp lều…
Gạt những giọt nước mắt, chị nói: “Đau khổ nhiều, nhưng chị vẫn cố gắng vì những đứa con nhỏ. Người chồng của chị đã cố làm tất cả để không cho chị và bốn đứa con một con đường nào để sống”. Sau khi túp lều bị chồng đốt, chị và những đứa con nhỏ đến nghĩa địa để ở tạm. Chị cho biết: “Lúc đó, trong nghĩa địa, có một gia đình mới di dời phần mộ của người thân, chị thấy có đất trống, liền san bằng đất, rồi dựng tạm một túp lều và ở đó. Túp lều đó chính là căn nhà này”. Chị kể thêm: “Khi thấy mấy mẹ con ở trong nghĩa địa, chồng chị không còn đến quậy phá nữa, tuy nhiên, mỗi ngày, chị đều phải đối diện với những sợ hãi: nào là những người nghiện ma túy vào đó để chích hút, nào là những người giang hồ, sau khi đã ‘hành nghề’ xong, vào nghĩa địa để thu giấu vũ khí… Tất cả những điều đó làm cho chị khiếp sợ. Nhưng chị vẫn may mắn, vì có Chúa nâng đỡ”.
Thời gian cứ trôi đi. Ban đầu, chị đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, chị phát hiện mình bị bệnh ung thư. Sức khỏe yếu, chị không thể đi làm thuê cho người khác, đành phải vay mượn một số tiền, mua xe máy để làm nghề xe ôm. Chị kể: “Lúc đó chỉ có thể làm được nghề xe ôm. Bởi một phần kiếm được một ít tiền, phần khác, chính mình cũng tự chạy xe tới bệnh viện để chữa trị”. Với một người phụ nữ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, lại phải nuôi bốn đứa con nhỏ, chị phải vay mượn tiền của người khác, thậm chị phải vay “nợ nóng”.
Sau một thời gian làm nghề xe ôm, dần dần không còn khách, chị chuyển sang nghề buôn bán nấm. Chị phải chạy xe hơn 100km để mua nấm. Mỗi ngày chị đi bốn lần. Như vậy, mỗi ngày chị phải chạy xe máy khoảng 800km.
Chị kính mến,
Em đã không tin vào tai mình khi nghe chị nói như thế. Và em nghĩ rằng những người đang nghe em kể về chị cũng không thể tin được. Tuy nhiên, chị đã thực sự như thế.
Em đã phải rùng mình khi nghe chị chia sẻ. Và giờ đây, khi ngồi viết lại những dòng này, tay em vẫn còn run. Em run cho một kiếp người gian nan, khốn khổ của chị, run vì trên đôi vai gầy của chị đã và đang chất đầy những gánh nặng, mà nghĩ tới, người ta đã cảm thấy khiếp sợ, chưa muốn nói là đối diện và sống.
Tuy nhiên, chị vẫn đang cố gắng từng ngày để vượt qua. Bởi như chị nói: “Nếu mình không cố gắng thì ai cố gắng cho mình. Mình đâu có sống cho riêng mình, nhưng là sống cho con và vì con. Nếu mình dừng lại, mình sẽ suy sụp, vậy thì tại sao mình không đi tiếp? Chúa vẫn đi với mình mà…”
Kính thưa chị,
Đến với chị chiều hôm nay, em cố chuẩn bị những điều cần thiết để mong có thể động viên và an ủi chị, thế nhưng, hoàn toàn ngược lại, chị đã ủi an em, chị đã trao cho em những bài học rất quý: bài học của niềm tin, của sự cố gắng và của hy sinh.
Vâng, chị đã cố gắng, đã hy sinh và đã tin tưởng. Vì thế mà cho tới hôm nay, sau hơn 10 năm với biết bao sóng gió, chị vẫn đứng vững. Và cũng vì thế mà dù chỉ một mình, nhưng chị vẫn nuôi dưỡng và giáo dục những đứa con nên người.
Em tạm biệt chị để ra về. Trời vẫn đổ cơn mưa. Căn nhà nhỏ của chị vẫn đung đưa theo chiều gió. Dưới nền nhà, nước chảy lênh láng. Thế nhưng, tất cả những điều đó không làm cho chị sợ hãi hay chùn bước. Điều làm chị lo lắng hơn là những món tiền nợ với lãi suất cao mà chị đã vay mượn để chữa bệnh, đứa con thứ của chị không thể tiếp tục đi học, vì trong nhà không còn gì để bán; chiếc xe máy chị dùng để kiếm sống qua ngày nay đã cầm ở tiệm cầm đồ, để lấy tiền cho đứa con thứ ba nộp học phí, v.v.
Những lo âu đó đã làm cho những giọt nước mắt rơi xuống trên khuôn mặt khắc khổ của chị. Lau vội những giọt nước mắt, chị cố mỉm cười để chào tạm biệt một người khách cũng đang nén lòng mình vì đã nghe, đã thấy những gánh nặng trên đôi vai gầy.
Fx. Phan Dương, a.a.