Không ai là một hòn đảo trên hành tinh này. Danh ngôn có câu “sống mà không có tình bạn, chẳng khác nào cỏ cây thiếu ánh sáng mặt trời”. Nhưng ví người bạn như ánh sáng mặt trời có là quá lời hay không, vì kỳ thực có mấy ai tìm được người bạn chân chính của đời mình. Chỉ riêng cách hiểu về tình bạn thì cũng gây nên những bối rối, bởi mỗi người có một quan niệm khác nhau, nhưng sự bối rối đó không làm mất đi giá trị thiêng liêng mà tình bạn mang lại. Lịch sử cho thấy, không ít bậc thánh nhân đã tìm được cho mình những chân hữu đích thực nhưng cũng không ít người lẻ loi giữa biển người mênh mông. Đơn cử như Augustino, Ngài vẫn luôn khắc khoải đi tìm một tri kỷ của đời mình để cùng sẻ chia mọi xúc cảm trong đời. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Augustino lạc lõng trong sự cô đơn, thiếu vắng tình bạn. Trong Augustino đã bộc bạch về hành trình gian nan với những nổi khổ đau để đi tìm một người bạn chân chính của đời mình. Trong nội dung đoạn IV, cuốn IV của tác phẩm Les Confessions, người viết xin được làm rõ đôi nét về hành trình mà Giám mục thành Hippo khám phá về tình bạn đích thực đó.
Như bao đứa trẻ cùng trang lứa, Augustino lớn lên ở Thagaste và có những người bạn với những trò tiêu khiển mà anh coi đó là tình bạn êm dịu nhờ những sở thích nồng nàn như nhau.[1] Augustino đề cao giá trị tình bạn như một điều cao quý nhất trong số những gì anh có“trong những điều thuộc về trần thế, không có gì đáng yêu đối với con người nếu không có một người làm bạn.”[2] Trong số đó, có một người, mà có lúc ngài xem như một nữa của đời mình, đến mức ngài không thể sống nếu thiếu đi người bạn đó. Augustino đã có một người bạn thân thiết luôn bên cạnh trong bất cứ lúc nào, đến nỗi bạn thân của ngài đã nghe theo lời ngài mà chối bỏ đức tin: “Vì con đã làm anh bỏ đức tin chân thật, mà tuổi thanh xuân của anh chưa nắm vững được thật sự và sâu xa, để quay sang nhưng chuyện mê tín và nguy hiểm, đã làm cho mẹ con phải khóc vì con.”[3] Đây là kiểu tình bạn đầu tiên mà Augustino kinh nghiệm được từ những người bạn thời niên thiếu. Họ là những người khiến tâm hồn của Augustino mê say qua những câu chuyện đùa; những trang sách; đùa giỡn với nhau, tôn trọng lẫn nhau; thỉnh thoảng bất đồng ý kiến, nhưng không cay cú, và sự bất đồng ý kiến rất họa hiếm đó làm nổi bật sự đồng tâm nhất trí thường xuyên với nhau; những cử chỉ đó như lương thực nuôi sống tâm hồn, làm nhiều người hòa hợp nên một.[4] Tuy nhiên, kiểu tình bạn này lúc đầu thì ngọt ngào đằm thắm nhưng khi đối diện với sự chia ly của cái chết thì lại buồn rầu ảm đạm khiến “sự sống bị mất của kẻ chết trở thành cái chết của kẻ còn sống.”[5] Đối với Augustino, cái chết như những con mãnh thú xâu xé tâm hồn, vì tâm hồn quá gắn chặt với các sự vật. Augustino như thức giấc sau cơn mê về một tình bạn mộng mơ mà ngài coi sẽ gắn bó với mình suốt đời. Đặc biệt, sau cái chết của bạn hữu ngài, Augustino như bừng tỉnh về tình bạn này. Nhưng khi ý thức trỗi dậy thì đổi lại tâm hồn của Augustinô lại chết lặng trong cơn tuyệt vọng. Ngài trở nên bi quan, lạc mất phương hướng về cuộc sống này. Nỗi thương tiếc đã ám ảnh tâm hồn Augustinô, khiến mọi sự ngài trông thấy chỉ là cảnh chết chóc“quê hương trở thành hình khổ, nhà cha mẹ nên chốn sầu não quái kì”.[6] Augustino như người mất hồn, vì tâm hồn ngài đã lạc theo cái chết của người bạn; người luôn sẵn sàng lắng nghe và đón nhận tiếng lòng của ngài, người thân thiết và thấu hiểu ngài như ngài viết trong Lá Thư 110:“anh biết tôi như tôi biết chính tôi… anh là một linh hồn khác của tôi; còn hơn thế nữa, linh hồn anh và linh hồn tôi không gì khác hơn là chỉ có một.”[7] Do đó, Augustino cố tìm thụ tạo khác để thay thế, nhưng trông cậy vào Chúa thì sao hiện thực và tốt lành bằng một người bạn chân thực và thân thiết như ngài đã từng có. Ngài chỉ biết đắm chìm trong nước mắt, vì chỉ có nước mắt mới là liều thuốc êm dịu và làm vui sướng lòng ngài lúc này.
Liệu rằng có tình bạn nào bền vững và không bị điều gì chia cắt hay không? Augustino đã cố đi tìm lời giải đáp này nơi những người bạn sau đó. Ở Carthage, Augustinô thường lui tới với một số người bạn, điều quy tụ họ lại với nhau, chính là niềm yêu thích triết học. Dù ngài được an ủi nơi những người bạn, nhưng ngài cũng nhận thấy họ nói về điều hư cấu và sự dối trá về những giáo thuyết con người: “Con được nâng đỡ và phục hồi rất nhiều là nhờ sự yên ủi của các bạn hữu khác, cùng với họ, thay vì mến Chúa, con đã yêu điều con yêu, tức là một hư cấu khổng lồ, một truyện bịa đặt dài dòng, mà sự mơn trớn hủ bại làm hỏng tâm hồn chúng con, đang ưa thích những chuyện bùi tai”[8].
Augustino chưa nhận thấy tình bạn chân thực bởi vì ngài chưa nhận ra Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của tương quan con người. Cho đến khi đọc được tác phẩm Laelius de amicitia của Cicerone như là nguồn gợi hứng cho Augustino giải mã nỗi khắc khoải trong lòng.
Sau khi được ơn hoán cải và trở thành một Kitô hữu, Augustino đã Kitô hóa ngôn ngữ cũng như quan niệm về tình bạn trước đó. Ngài nghiệm thấy rằng tình bạn đích thực duy nhất chính là tình bạn mà Thiên Chúa ban cho những người yêu mến nhau ở trong Ngài “chỉ có tình bạn chân thật khi được Thiên Chúa thắt chặt con người với nhau bằng sợi dây ràng buộc của tình yêu mến được đổ đầy tràn trong tâm hồn chúng con, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần được ban cho chúng con.”[9]. Đối với Augustino tình yêu mến (agape) trước tiên đó là hạn từ để nói về tình yêu Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới sở hữu được loại tình yêu này. Thiên Chúa tặng ban tình yêu này cách nhưng không cho con người và chính nhờ nền tảng tình yêu này con người đáp trả lại Thiên Chúa cũng như dành cho tha nhân. Nói cách khác, nhờ tình yêu agape mà Thiên Chúa đổ tràn trên tâm hồn chúng ta là nguồn gốc và là hòn đá tảng để xây dựng “tình bạn đích thực”. Như thế, tình bạn trước tiên là một ân huệ của Thiên Chúa. Tình bạn trở thành một kinh nghiệm và thực tại về tình yêu agape. Tình bạn nhân loại không sinh hoa kết trái dồi dào, nhưng bất toàn nếu như không trở thành tình bạn Kitô giáo. Bởi tình bạn vì tình yêu con người thì khác tình bạn vì tình yêu đối với Thiên Chúa.[10] Tình yêu agape như chóp đỉnh của tình yêu bạn hữu, nghĩa là hoàn toàn ra khỏi cái tôi đóng kín để tự do dâng hiến, qua đó tìm lại được chính mình, và tìm được chính Thiên Chúa.
Khi đặt trong tình yêu agape tức là tình yêu Thiên Chúa, tình bạn trở nên viên mãn và trọn hảo. Augustino đã không cảm nghiệm được sự trân quý này trong tình bạn với những con người trong hoàn cảnh nhân loại, nghĩa là bị giới hạn bởi tình yêu do không thể thoát ra được cái tôi của chính mình – tình yêu chiếm hữu. Nhưng tình bạn sẽ cao vượt khi đặt Thiên Chúa là đích điểm tối hậu cho sự vươn lên để đạt tới tình yêu agape – tình yêu vô vị lợi. “Ai thực sự yêu bạn mình là người yêu Thiên Chúa ở trong người bạn của mình, bởi vì Thiên Chúa sống trong người ấy hoặc vì người ấy sống trong Ngài.” [11]. Như vậy, tình bạn dù trong thực tại nhân linh nhưng được thần hóa và trở nên vĩnh cửu trong tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đó vẫn trường tồn sau cái chết. Điều này gợi lên khía cạnh căn bản của đức tin: chính trong cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta được Ngài giải thoát, giải thoát khỏi tình trạng đóng kín lòng mình để mở ra đi vào trong chính mình để tìm gặp Thiên Chúa.
Cả cuộc đời Augustino được đong đầy bằng mùi vị tình bạn. Nhưng trong hành trình đi tìm tình bạn đích thực Augustino đã nếm không ít những trái đắng khiến tâm hồn anh bị giày xéo, nghiền nát vì cố gắng xây dựng và nuôi dưỡng tình bạn với hữu thể hữu hạn“mọi tâm hồn đều khốn nạn khi bị ràng buộc bởi tình yêu các sự vật hay hết và cảm thấy một sự xâu xé khi mất chúng.”[12] Nhưng điều đó không có nghĩa Augustino chối bỏ hay chê ghét tình bạn nhân loại, nhưng chính nhờ tình yêu Thiên Chúa nơi tha nhân, Ngài tìm thấy chính mình và nhờ tìm thấy chính mình, ngài tìm thấy Thiên Chúa. Thêm vào đó, nền tảng của mối dây liên kết tình bạn theo Augustino là tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, tình bạn đích thực cần được nối kết với nhau bằng sợi dây yêu mến do chính Thiên Chúa kết dệt nên, nhờ đó tình bạn thần hóa và không thể mất đi “Kẻ không mất người yêu quý nào khi kẻ yêu quý mọi người trong Đấng không thể mất.”[13] Hơn nữa, nhờ tình yêu agape, tình bạn không chỉ đóng khung với những kẻ yêu mình nhưng còn mở ra với những kẻ thù của mình: “Heureux qui t’aime et qui aime son amie en Toi, comme son ennemi à cause de Toi”[14] (Phúc thay cho kẻ mến Chúa, kẻ yêu bạn mình trong Chúa và yêu kẻ thù vì lòng mến Chúa). Đối với Augustino, tình bạn không chỉ thúc đẩy những người bạn hướng về nhau, nhưng hướng về Thiên Chúa là đích đến của tình bạn. Tình bạn được đặt trên nền tảng đức tin và đức ái. Mục đích của tình bạn là cùng nhau tìm kiếm Chân lý. Augustino ước mong có không phải là những người bạn của ngài, nhưng là những người bạn của Chân Lý. Như ngài đã nói điều này với thánh Jérôme: cũng cần có tự do trong tình bạn để nói cho nhau điều đã làm cho chúng ta không vui thích hoặc điều làm cho chúng ta cảm động trong tác phẩm của chúng ta. Tự do trong tình bạn được đòi hỏi bởi chân lý và tất cả độc giả của Augustinô phải thực hiện chân lý, ngay cả khi chống lại ngài.
Nguyễn Huy A.A
Tài liệu tham khảo
Augustino. Les Confessions. dịch từ tiếng Latin Louis de Mondadon, 1982.
Sáng, Đinh Thị. Tình bạn trong cuộc đời của Thánh Âu tinh. Nxb Phương Đông, 2013.
[1]. Augustino, Les Confessions, Cuốn IV, Đoạn IV, dịch Louis de Mondadon, 1982, 93.
[2]. Augustino, Lá thư 130, 4.
[3]. Augustino, Les Confessions, Cuốn IV, Đoạn IV, dịch Louis de Mondadon, 1982, 93.
[4]. Ibid, 98.
[5]. Ibid, 99.
[6]. Ibid, 94.
[7]. Augustino, Lá Thư 110, 2-4.
[8]. Augustino, Les Confessions, Cuốn IV, Đoạn VIII, dịch Louis de Mondadon, 1982, 98.
[9]. Ibid, 93.
[10]. Đinh Thị Sáng, Tình bạn trong cuộc đời thánh Âu Tinh, Nhà xuất bản Phương Đông, 2013, 28.
[11]. Augustino, Bài giảng 361,1, Lá thư 73,10.
[12]. Augustino, Les Confessions, Cuốn IV, Đoạn VI, dịch Louis de Mondadon, 1982, 96.
[13]. Ibid, 99.
[14]. Ibid, 99.