Tôi và Chúa Cha là Một, được viết trong nguyên bản tiếng Hy Lạp Ἐγὼ καὶ ὁ πατὴρ ἕν ἐσμεν (Ego kai ho Pater en esmen), trong tiếng Anh bản dịch New American Bible PBS 2009 là “The Father and I are One”, hay trong tiếng Pháp là “Mon père et moi nous sommes un.” Khi dịch sát nghĩa: Tôi và Chúa Cha cùng là. Bản tiếng Pháp và tiếng Anh đã cùng dùng động từ être hoặc to be ở ngôi thứ nhất số nhiều, sát với bản văn Hy Lạp, động từ εἰμί được dùng thì hiện tại và chia ở ngôi thứ nhất số nhiều ἐσμεν. Có thể hiểu là chúng tôi (nous, we). Và ở đây chúng tôi là một để nhấn mạnh hơn về căn tính của Đức Giêsu là Thiên Chúa. Trong đó đại từ Ego hay I hay Je được viết trong Tân Ước được xuất hiện khoảng 352 và từ Chúa Cha (Pater) 112 lần. Đây là một câu nói khẳng định của Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại mà theo bản thân nó toát yếu bản chất con người của Đức Kitô và sứ mệnh của Ngài nơi dương thế này.
Có một giả thiết đặt vấn đề rằng: Đức Kitô phục sinh rồi mà Ngài vẫn còn hiện diện với các tông đồ 40 ngày nữa, đáng lẽ sau khi Ngài chết và phục sinh thì Phụng vụ phải đề cập đến những trang Tin Mừng mới sau phục sinh hay những điều mới lạ. Thế mà tại sao lại thuật lại những đoạn Tin Mừng mà Ngài đã sống? Phải chăng nó có ngụ ý gì về mặt thần học? Và câu nói “Ego kai hô Pater en esmen” ấy được lập đi lập lại nhiều lần trong các sách.
Thứ nhất, sự hiện diện của Đức Kitô sau ngày phục sinh, có thể là một sự củng cố đức tin cho các Tông đồ, mọi sự đã hoàn tất và giờ đây Ngài đã sống lại, điều này ứng nghiệm với Kinh Thánh đã chép về Người. Mà cách nào đó sự xuất hiện của Đức Kitô trong thời gian này rất quan trọng cho các tông đồ để nung ấm trái tim ngọn lửa nhiệt huyết của các ngài.
Thứ hai, sự tường thuật của Tin Mừng sau khi Ngài phục sinh là những cuộc gặp gỡ để khơi lại sự nhiệt huyết dấn thân của các tông đồ hãy ra đi rao giảng Tin Mừng như những gì Đức Kitô đã làm và trao ban lại cho các ngài, phá tan những nỗi sợ hãi, sự gông cùm của chế độ để mạnh dạn bước đi với đức tin mãnh liệt loan báo Đức Kitô đã phục sinh. Từ những tường thuật về ‘năm chiếc bánh và ba con cá’, bánh trường sinh và giờ đây là những lời Tin Mừng được miêu tả bởi chủ chiên, đàn chiên, chuồng chiên cửa chiên, những điều này nói lên sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa cha và Ngài, qua Đức Kitô chúng ta nhận biết được Thiên Chúa.
Thứ ba, Chủ từ Ego được lập đi lập lại nhiều lần như thế, là một sự khẳng định của một Ngôi vị, Thiên Chúa trọn 1 ngôi vị, mặc khải cho con người là 1 ngôi vị đồng hình đồng dạng với con người ngoại trừ tội lỗi. “Ego kai ho Pater en esmen” được thánh Gioan nói đến Đức Giêsu là Thiên Chúa. Nói như thế, Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu là một mối tương quan ngôi vị và con người được quyền liên ngôi vị với Thiên Chúa như trong những câu đầu của chương 1 trong Sáng Thế Ký con người được dựng như hình ảnh của Thiên Chúa, hình ảnh ở đây là một sự tự do, có mối tương quan ngôi vị, và điều quan trọng không kém là sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa vào ngày thứ 7, để nói lên Thiên Chúa đã trao quyền đồng sáng tạo cho con người qua việc đặt tên muôn vật. Và sự trao quyền ấy cho con người được Đức Kitô lập lại trao cho các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng. Sự hiện hữu của Đức Kitô được thánh Gioan khẳng định về căn tính của Đức Kitô “ lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), nghĩa là Đức Giêsu Kitô là Alpha và Omega.
Qua 3 điểm vừa nêu trên, sự củng cố đức tin, sự kết hiệp mật thiết nên một và một mối tương quan liên ngôi vị để làm sáng tỏ cho sự nhận biết của con người về Thiên Chúa “ chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Ga 10, 27. Nhà thần học Karl Rahner đã từng nói: Nhận biết để đi đến yêu. Và điều này đã được chứng minh qua tư tưởng thần học của ông về sự nhận biết và yêu mến Thiên Chúa khôn tả. Chỉ khi chủ chiên “yêu đủ” (chết đi vì đoàn chiên, hy sinh vì đoàn chiên) thì lúc ấy mới có thể là chiên ta thì nghe, biết và nhận ra chủ chiên.
Tóm lại, từ sự nhận biết ấy, mỗi người chúng ta, cách riêng anh em Đức Mẹ Lên Trời được kín múc và thụ hưởng bởi Đấng Sáng Lập và qua việc trao dồi kiến thức là một quá trình cần có nhưng chưa đủ nếu ta chưa nghe tiếng Chúa thật sự để từ đó qua công việc, cách sống của ta là một hành động mang hình ảnh của Thiên Chúa, hành động của chủ chiên là một sự nhân hậu trọn lành như những hành động của ông Saolo và Banaba “ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11, 24) để qua đó có nhiều người theo Chúa và được kín múc ân sủng của Thiên Chúa hầu Nước Cha được hiển trị.
Trong tuần lễ cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu,
mỗi người chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời tạ ơn
và xin ngài tiếp tục đồng hành gìn giữ chúng ta nên một trong Ngài.
Suy niệm Lời Chúa
ngày thứ Hai sau lễ Chúa Chiên Lành
Ts Saviô Viết Công, AA