I. Dẫn nhập:
Biến cố phục sinh của Đức Kitô là chóp đỉnh của toàn bộ đức tin Công giáo. Biến cố này khiến cho người Kitô hữu hy vọng về cuộc sống trường sinh, hạnh phúc, viên mãn, và tròn đầy. Thật thế, người Kitô hữu không mong đợi những điều phi lý, ảo huyền, hay giả tưởng, nhưng là mong chờ các thực tại cánh chung. Các thực tại đó thôi thúc người Kitô hữu mong chờ đến mức cháy bỏng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Tuy nhiên trước khi đến với cuộc sống vĩnh sinh, người Kitô hữu đang phải đối mặt với các sự kiện hiện tại, các chiều kích của hiện sinh. Niềm hy vọng vào thực tại mai sau đang vấp phải sự chống đối với thực tại cảm nghiệm. Tức là đau khổ, rên xiết, bất công, dập nát, đang giày vò người Kitô hữu ở đời này.[1] Tuy nhiên, sự chất vấn của các thực tại đời này không làm mất đi ý nghĩa về thực tại cánh chung, trái lại khiến cho các thực tại cánh chung đời sau lộ ra ở đời này. Bởi lẽ, Đức Kitô nhập thể đã đem vô hạn vào hữu hạn, đem siêu nhiên vào tự nhiên, đem thần linh vào phàm nhân. Hơn nữa sau biến cố Vượt Qua và phục sinh Đức Kitô đã đem vật chất lên trời cao. Từ nền tảng đó, người Kitô hữu xác tín về niềm hy vọng thân xác của mình sẽ sống lại và trở nên như thân xác của Đức Kitô phục sinh. Như vậy, bài viết sẽ khai triển ba nội dung liên quan đến ý nghĩa đời sống Kitô hữu dưới ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu, dưới lăng kính của Cánh Chung Học. Đầu tiên, nói về sự sống tình yêu trong nước Thiên Chúa, là thực tại mà Đức Giêsu đã rao giảng để mọi người có thể chạm tới, hy vọng tới hầu đạt được ơn cứu độ. Thứ hai, nói về tình yêu là sự sống, sống là tình yêu, đời sống người Kitô hữu được bao bọc trọn vẹn bởi tình yêu của Thiên Chúa. Thứ ba, đích đến của con người là kết hiệp với Thiên Chúa, đây chính là ý nghĩa của Phục Sinh, phàm nhân được ở trong thế giới của thần linh, bởi lẽ “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”.[2]
II. Sự Sống Tình Yêu Trong Nước Thiên Chúa
Khởi đi từ biến cố phục sinh của Đức Giêsu, người Kitô hữu quan niệm cánh chung không đơn giản là bàn luận về điểm kết thúc đời này là sự chết, mà đúng hơn là quan niệm về sự khởi đầu, là sự sống vĩnh cửu, hướng đến thực tại sau khi chết, là Nước Thiên Chúa. Nhưng Nước Thiên Chúa là thực tại “đã rồi” mà “vẫn chưa”. Nghĩa là Nước Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời, nhưng vẫn chưa hoàn toàn được tỏ lộ. Từ đây người Kitô hữu suy tư và khảo sát chiều kích quan trọng của đời sống, đó là chiều kích về tương lai, chiều kích của hy vọng. Chiều kích đó được suy tư dựa trên tình yêu trong nước Thiên Chúa, và tình yêu đó bao bọc niềm tin Kitô hữu để có thể đạt tới điểm hoàn tất, đạt tới hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa chính là ở trong nước của Ngài. Điều này đã được khẳng định trong thư Hípri: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11, 1). Như vậy, kinh nghiệm hy vọng trong đời sống của người Kitô hữu, được quy chiếu vào Đức Giêsu Kitô như là khuôn mẫu, chuẩn mực từ Thiên Chúa được ban cho tất cả nhân loại. Do đó, bất cứ ai muốn được trở nên như Đức Giêsu, được sống lại như Ngài, và được ở trong vương quốc của Thiên Chúa, thì phải dùng tình yêu để đáp lại tình yêu. Vì trong toàn bộ đời sống cũng như sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu chỉ nhấn mạnh đến tình yêu. Nhờ tình yêu mới có niềm tin, có niềm tin mới được cứu và đạt được sự sống trong Vương Quốc Thiên Chúa. (x. Ga 13-19).
III. Tình Yêu là Sự Sống, Sự Sống là Tình Yêu
Thực tại được mong đợi nhất của người Kitô hữu là được ở trong Nước Thiên Chúa, là nơi mà vương quyền Tình yêu Thiên Chúa bao trùm và che chở. Tình yêu đó làm cho mọi hiện hữu trong vương quốc đạt được sự sống vĩnh cửu. Như thế, có thể nói tình yêu trong Nước Thiên Chúa là sự sống và sự sống là tình yêu. Nhưng tình yêu mang đến sự sống đó không phải là điều xa lạ với con người, vì tình yêu trường sinh đã đến với thế giới hiện tại. Tình yêu đó làm cho tâm hồn con người trở nên quảng đại, bao dung, và giải thoát con người khỏi mọi tình trạng tội lỗi, vong thân, tha hoá, thù hận, bóc lột, bất công, tù ngục, ích kỷ. Người Kitô hữu trong thế giới hiện tại được mời gọi khai mở tình yêu và đáp trả tình yêu bằng việc hoán cải từ bỏ nếp sống cũ, và hướng lòng về Thiên Chúa là nơi mà tình yêu không phân biệt, loại trừ, kỳ thị bất cứ ai. Và đó là kiểu mẫu, cách thức, thái độ sống mới, mời gọi mọi Kitô hữu đảm nhận và thực thi. Vì thế, Nước Thiên Chúa mang tình yêu phổ quát, siêu việt và bao trùm tất cả nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa đã hoà giải muôn loài thụ tạo trong Đức Ki-tô (x. Ep 5, 6; Cl 4, 5). Do đó, những ai đặt niềm tin nơi Đức Kitô phục sinh, sẽ chẳng hề thất vọng. Vì Đức Kitô đã hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa “một lần cho tất cả” (x. Hr 9, 26) trong Mầu nhiệm Vượt Qua – Phục Sinh của Người. Mầu nhiệm này trở thành nền tảng hy vọng của người Kitô hữu về các thực tại cánh chung: “Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người sao?” (x. Lc 24, 26-27, 44-45).
Như thế, khi người Kitô hữu đảm nhận lối sống mới, tức là để cho tình yêu của Đức Kitô giải thoát và đặt mình vào trong ân sủng của Thiên Chúa (Rm 4, 25). Và để trở nên như Ðức Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng được sống đời sống mới” (Rm 6, 4). Cuối cùng, sự phục sinh của Ðức Kitô, là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của người Kitô hữu mai sau: “Ðức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người, nhờ liên đới với Ðức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (x. 1Cr 15, 20-22).[3] Và trong lúc chờ đợi sự hoàn tất đó, Ðức Kitô Phục Sinh sống trong lòng mọi tín hữu.
Như vậy, khi người tín hữu đặt tình yêu và niềm tin của mình vào thực tại tối hậu phổ quát là biến cố hoàn tất lịch sử cứu độ, sự “Phục Sinh Kẻ Chết”, cuộc “Thẩm Phán Chung” và “Thiên Đàng – Vương Quốc Thiên Chúa”, cõi vĩnh hằng trong “Trời Mới, Đất Mới” – “Cuộc canh tân hoàn vũ” biến cố tình yêu này mang đến niềm hy vọng sự sống cho người Ki-tô hữu.[4] Thì niềm hy vọng cánh chung được Đức Kitô bảo đảm và che chở. Hơn nữa, niềm hy vọng cánh chung soi chiếu cho thực tại về thể lý con người vẫn phải mang là cái chết, là sự chia lìa với cuộc sống hiện tại. Từ đây, cái chết đối với người Kitô hữu được đặt trong chân trời đức tin và siêu việt, cái chết trở nên cánh cửa để bước vào thế giới vĩnh sinh, vô hạn là nơi mà Thiên Chúa và con người ở với nhau và ở trong nhau.
IV. Kết Hiệp với Thiên Chúa, Ý nghĩa của Phục Sinh
Khi người Kitô hữu đặt niềm tin và tình yêu nơi biến cố phục sinh, đồng nghĩa với việc thiết lập tương quan chủ vị với Thiên Chúa. Khi đó, những hứa hẹn mà “Thiên Chúa đã và đang chuẩn bị cho những ai yêu mến Người” được thực hiện (x. 1Cr 2, 7; Rm 8, 28). Thiên Chúa cho họ thông dự vào tình yêu sung mãn phong nhiêu và sự sống thần linh vĩnh hằng của Ngài, để cuối cùng Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong mọi sự” (x. 1Cr 15, 28). Nhờ kết hiệp với Thiên Chúa, con người đạt được những điều mình hy vọng, và sức mạnh để nhận ra các nghịch lý, những thách đố nơi cuộc sống nhân thế chỉ là sự mong manh vô thường, và chóng qua.
Nhờ sự kết hiệp với Đức Kitô Phục sinh mà tương lai của người Kitô hữu được mở ra tới tuyệt đối của Thiên Chúa, và đưa con người tới nguồn mạch sự sống vĩnh cửu. Từ đó Phục sinh đem đến cho con người nụ cười chiến thắng, trên tất cả mọi khổ đau chết chóc. Vì vậy, con người được hoàn tất lịch sử trong vinh quang chứ không phải kết thúc trong đau khổ. Như thế, Mầu nhiệm phục sinh là nền tảng cho tất cả niềm hy vọng Kitô giáo. Đức Kitô sống lại từ cõi chết, Người còn mang thương tích, không phải vì không thể chữa lành, nhưng vì Người mang trên mình cuộc khải hoàn vinh thắng trên chính khổ đau đó cho đến muôn đời.[5] Do đó, khi đối diện với cái chết, người Kitô hữu hiểu theo bối cảnh của mầu nhiệm vượt qua như là những hạt lúa: “gieo xuống thì hư nát” nhưng “trỗi dậy thì bất diệt”, “gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang”. Chính trong Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại khải hoàn, Thiên Chúa sẽ cho con người được chỗi dậy. Và mọi người sẽ được phục sinh cùng với Đức Kitô, Đấng Cánh Chung, Con yêu dấu của Thiên Chúa (x. Ep 2, 6).
V. Kết luận
Như vậy, biến cố phục sinh của Đức Kitô khiến cho những người tin vào Ngài thấy sự hiện hữu trường tồn, điều này như mỏ neo vững bền cho cuộc sống mong manh vô thường của phận người. Đồng thời, Đức Giêsu Phục sinh đã thắp lên sự sống tình yêu trong nước Thiên Chúa trong lòng mỗi người, tạo cho mọi người phương thế để đạt được ơn cứu độ. Và trong sự sống của Đức Kitô người tín hữu không cô đơn trên hành trình đến cõi vĩnh hằng, nhưng được bao bọc trọn vẹn bởi tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ đó, con người cảm nghiệm được sự kết hiệp với Thiên Chúa ở trong thế giới của thần linh ngay khi còn sống ở đời này. Từ đó, người Kitô hữu ấp ủ niềm tin về sự sống vĩnh cửu tương lai, mặc dù điều đó nằm ngoài tầm với, vượt lên khả năng suy nghĩ, và tưởng tượng của con người. Như thế, tương lai của con người và thế giới tạo thành được đặt nền tảng trọn vẹn nơi mặc khải trong Đức Kitô. Quà tặng đức tin đã khai mở viễn tượng bình an của ơn cứu độ và niềm hy vọng được thông dự vào sự sống, vào vinh quang của Đức Kitô, dù người Kitô hữu phải trải qua những thử thách trong đời sống hiện sinh. Trong các thử thách, điều giằng xé con người nhất chính là sự chờ đợi “thời gian viên mãn”, thời gian có sức thâu hội và soi sáng cả quá khứ lẫn tương lai. Hơn nữa, sự sống vĩnh sinh là thực tại đã được ban cho con người rồi, mà vẫn chưa hoàn tất, nên người Kitô hữu còn mang trong mình cuộc thương khó hay sự chết của Đức Kitô và chờ mong ngày phục sinh. Và đây là lời giải đáp có ý nghĩa cứu độ chung cuộc cho mọi thử thách gian truân và đau khổn khốn cùng nơi con người. Do đó, người Kitô hữu luôn ý thức mạnh mẽ rằng đời sống hiện tại được bao trùm bởi ơn cứu độ cánh chung, vì có sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, đặc biệt là hồng ân của Thánh Thần đã được tuôn đổ vào lòng các tín hữu. Niềm hy vọng này càng thêm chắc chắn khi được thánh Phaolô khẳng định: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11).
Micae Hoàng Tâm
[1] Cf. Joseph Ratzinger, Cánh Chung Luận- sự chết và đời sống vĩnh cửu, Nxb Tôn Giáo, 2013. 80. (Bản dịch Việt ngữ của Lm Aug Nguyễn Văn Trinh).
[2] GLHTCG. 469. (Thánh I-rê-nê, Adversus haereses, 3, 19, 1: SC 211,374 (PG 7,939))
[3] Cf. GLCG, 654.
[4] Cf. Phao Lô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Luận “Đạo Lý về niềm hy vọng Ki-tô giáo”, tài liệu lưu hành nội bộ, 2021. 10-11.
[5] Cf, Tôma Aquina, S. Th 3, q.54,a.4.