Truyền Giáo Trong Lãnh Vực Bác Ái Và Mục Vụ Di Dân

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Trong Thông điệp Redemptoris Missio năm 1990, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định dứt khoát: “Rao giảng Tin Mừng là ưu tiên thường hằng của sứ mạng. Giáo hội không thể trốn tránh mệnh lệnh rõ ràng này của Đức Kitô, và không thể lấy đi của mọi người “Tin Mừng” về việc họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu rỗi” (RM 44). Con đường Loan Báo Tin Mừng là con đường đi ngang qua con người và phục vụ con người: Con người là con đường của Giáo hội, Giáo hội không thể từ bỏ con người và“con người” là con đường đầu tiên Giáo hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình (Thông điệp Bách Chu Niên ‘Centesimus Annus’, Gioan Phaolô II, chương VI). Như vậy, bằng việc phục vụ con người, Giáo hội loan báo Tin Mừng cứu độ.

    

Khởi đi từ những giáo huấn trên, cùng với việc tham gia vào Năm Thánh Truyền giáo, cộng đoàn Học viện Augustinô Đức Mẹ Lên Trời đã cùng chia sẻ với nhau chủ đề “Truyền giáo trong lĩnh vực Mục vụ Di dân và Bác ái”. Đến với chuyên đề này, thuyết trình viên là cha Giuse Nguyễn Tiến Khiêm, C.S. – là một linh mục có thao thức và nhiệt tâm đối với những người di dân và người nghèo, và là người trung thành với tinh thần của Đấng sáng lập Gioan Baotixita Scalabrini – vị Tông đồ của người di cư và các sách giáo lý. Qua giờ chia sẻ của cha, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với những vấn nạn, thách thức, đòi hỏi, cơ hội và những kinh nghiệm mà cha đã kinh qua trong sứ vụ di dân và bác ái (cách riêng là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh). Từ đó cho thấy thực trạng đức tin Kitô giáo bị giảm sút và xã hội cần đến một “Giáo hội loan báo Tin Mừng” đúng nghĩa đến nhường nào.

Trong thông điệp Redemptoris Missio, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt các công việc bác ái trong chương 5 như là một hoạt động truyền giáo – để nhấn mạnh rằng: công việc bác ái cũng y hệt như việc giảng dạy. “Vì động lực của truyền giáo là tình yêu, mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Mà tình yêu là phải hành động, không nói suông. Vậy bất cứ cách nào thông chuyển tình yêu của Chúa, qua thái độ, tâm tình, cử chỉ, hành động… cũng là một hình thức truyền giáo vậy. Hơn nữa sự cứu rỗi nằm ở toàn diện con người, không phải chỉ cứu rỗi linh hồn hạnh phúc đời sau, mà cả thân thể hạnh phúc đời này nữa. Sự cứu rỗi toàn diện con người đòi hỏi phải giải phóng con người khỏi những gì là hạ thấp nhân phẩm: nghèo đói, dốt nát, bất công…”.

Ngày nay, phần đông các giáo xứ, dòng tu, hay các hội đoàn đều quan tâm thực hiện công việc bác ái xã hội, chăm lo cho những người nghèo khổ, tật nguyền, neo đơn, bị bỏ rơi… Nhưng truyền giáo không chỉ là việc bác ái! Người nghèo không bao giờ thiếu trong đời ta (x. Ga 12,8), nhưng chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội để mang đến cho họ chính Đức Kitô (x. 2Tm 5,2), trên hết phải mang sứ điệp cứu độ của Đức Kitô đến cho họ. Thánh Phêrô đã làm rõ sứ mạng đó: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3, 6).

Việc chăm sóc người di dân, cả về tinh thần lẫn vật chất, chính là cách Kitô hữu thể hiện lòng bác ái và sống theo Tin Mừng cứu độ. Qua hành động này, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng hiện diện trong những người bé mọn, nghèo hèn, bị bỏ rơi của xã hội. Đằng sau những người di dân, bơ vơ, bị chà đạp, chính là hình ảnh của Chúa Kitô, mà khi ta giúp đỡ họ, chúng ta đang giúp đỡ chính Chúa. Điều này được thể hiện rõ ràng trong lời Chúa Giêsu: “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù các ngươi đã đến thăm…” (Mt 25, 34-36).

Như vậy, bác ái là con đường, là chỉ dấu trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho hôm nay và mọi thời. Bác ái không chỉ chia sẻ cho anh em của mình những vật chất thế trần, mà là phương thế hữu hiệu mang con người đến hạnh phúc đích thật là Nước Trời. Chủ đề trên đây cũng đụng chạm đến những người mang trong trong mình trách vụ Loan báo Tin Mừng, là những người dấn thân trong ơn gọi thánh hiến; để nhắc nhở họ không bị trượt bởi những trào lưu của thế gian, mà quên đi căn tính của mình. Cách riêng, tôi, chúng tôi, những tu sĩ dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời, là những con người của đức tin và thời đại (Tu luật 2); qua cha Emmanuel d’Alzon, chúng tôi thừa kế tinh thần “ những người thợ hăng say cho Nước Trời” được thấy rõ trong Luật sống của Hội dòng: Tinh thần Đấng sáng lập thúc đẩy chúng ta làm những việc đại nghĩa của Thiên Chúa và con người, thúc đẩy chúng ta hành động ở đâu mà Thiên Chúa đang bị bách hại nơi con người, và nơi đâu con người là hình ảnh Thiên Chúa đang bị đe dọa (TL 4).

J.B Nguyễn Nhật, aa.