Tu sĩ đương thời, chứng nhân trong mọi lĩnh vực
Sự việc được bắt đầu từ câu trả lời:“Em bỏ đạo lâu rồi anh!”
Câu trả lời dõng dạc của một anh bạn đồng nghiệp làm tôi không tránh khỏi ngạc nhiên và sốc. Lý do có câu trả lời ấy là từ việc tôi nhìn thấy chuỗi tràng hạt anh ta đeo trên cổ. Tuy nhiên trong thời gian làm việc cùng, tôi lại thấy anh ấy không có biểu hiện là người Công giáo, mỗi khi tôi hay có ai đó nói về đạo Công giáo anh ta dường như rất dửng dưng. Một hôm nọ, tranh thủ giờ giải lao của công ty, trong lúc hai anh em trò chuyện tôi đã gạn hỏi:“Thiện, em là người Công giáo phải không?”
“Em là người theo đạo Công giáo nhưng bỏ đạo lâu rồi anh!” câu trả lời làm tội chết lặng đi một lúc. Tìm hiểu thêm tôi mới biết được lý do chỉ là sự mâu thuẫn giữa anh ta với cha xứ. Qua chia sẻ tôi lại được biết thêm:“Gia đình em có đạo, bên vợ em đời ông bà cũng là người theo đạo Công giáo. Nhưng vì rối đạo, rồi từ từ bỏ đạo luôn cho đến nay, hai đứa con của em một đứa đã được rửa tội, một đứa vẫn chưa rửa tội cũng chỉ vì sự khó khăn của cha xứ nơi em ở, có lẽ vì gia đình em nghèo nên cũng không được cha quan tâm, tiếp đón nữa. Rồi từ đó em không còn đến nhà thờ, gặp gỡ linh mục, cũng như xa cách với các tu sĩ Công giáo, xa cách Chúa cho đến nay”. Đó là những gì theo anh ấy kể lại, chưa nói đến việc hai vợ chồng ở với nhau cũng không có bí tích hôn phối. Nghe những gì anh ta kể lại mà sao tôi thấy buồn và cảm thông quá đỗi. Với tôi có thể nói đây là trường hợp khá phức tạp, điều trước tiên mà có thể làm đó là cầu nguyện: dâng họ cho Chúa và gia đình Thánh Gia. Ý thức mình là một ngôn sứ “làm cho nước Chúa hiển trị” tôi đã gợi lên trong anh một cái nhìn thiện cảm hơn về người tu sĩ, linh mục bằng chính đời sống chứng tá của mình trong nơi làm việc. Sau một năm, nhờ ơn Chúa trợ giúp, với sự chân thành, hòa đồng và quan tâm của tôi, anh và gia đình đã có cảm tình tốt hơn về tu sĩ. Hoa trái được trổ sinh qua việc cả gia đình con cái đã đến nhà dòng, dùng cơm với anh em trong hội dòng của tôi. Anh ta đã tâm sự rằng: “Giờ em ao ước cho vợ học giáo lý, theo đạo, vợ chồng em được chịu phép hôn phối và con cái được rửa tội đầy đủ thôi anh”. Một ước nguyện xem ra rất đỗi bình thường với một gia đình Công giáo, nhưng với tôi sao nó thật đáng trân trọng biết dường nào. Đó là trải nghiệm đầu tiên khi tôi “bước ra” khỏi bốn bức tường tu viện làm việc truyền giáo, cũng như việc mình bứt phá ra khỏi những phương thức truyền giáo truyền thống như: việc dạy giáo lý, sinh hoạt giáo xứ, hay đến những vùng nghèo khổ – xa xôi… đây là môi trường truyền giáo mà tôi thấy khá năng động, đa dạng và có thể nói là khá mới mẻ ở Việt Nam, khi một tu sĩ là một nhân viên văn phòng. Nhắc đến sự đa dạng tôi không thể không kể đến gia đình của một chị tên Oanh cũng là nhân viên cùng công ty, quê ở Cà Mau lên Sài Gòn làm việc. Cả gia đình này đều là phật tử, bố đã qua đời từ lâu, chỉ còn ba mẹ con nhưng gia đình rất sùng kính Đức Mẹ. Năm trước, chị Oanh có chia sẻ với tôi rằng: “em và mẹ em muốn tìm hiểu và theo đạo Công giáo lắm, nhưng em vừa sợ, vừa ngại cha xứ nên không biết phải làm sao”.
Không bỏ lỡ cơ hội tôi đã hướng dẫn ngay: “Em cứ đến gặp cha xứ trình bày nguyện vọng cách chân thành là được, không vấn đề gì đâu em đừng ngại. Nếu có gì khó khăn thì nói anh giúp cho”. Và quả là hồng ân thật lớn lao, cách đây vài tháng người mẹ già và hai chị em gia đình này đã được rửa tội, họ rất hạnh phúc và hân hoan trong đời sống mới, đời sống được làm con Chúa. Kể từ đó, tôi được nghe chị kể nhiều về giáo xứ quê nhà rất quan tâm đến mẹ của chị. “Thầy biết không! từ lúc mẹ em theo đạo mẹ em vui và khỏe hẳn ra đó thầy”. Chị ấy nói với tôi mà trong lòng không dấu được niềm vui sướng. Cũng từ đó anh em chúng tôi thường trò chuyện, chia sẻ về tình yêu của Thiên Chúa và Đức Mẹ nhiều hơn đến mọi người xung quanh.
Cuối năm nay, tôi chuyển qua văn phòng mới, nơi đây chỉ mình tôi là người Công giáo. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thỉnh thoảng tôi cũng không quên mời các anh chị em đồng nghiệp tôn giáo bạn đến thăm cộng đoàn, cũng có lúc dùng cơm chung với cộng đoàn vào dịp cuối năm. Tôi đã thấy được niềm vui, sự thiện cảm của họ với người Công giáo rất rõ, cách riêng là với người tu sĩ. Các bạn đã kể lại với tôi là gia đình các bạn cũng rất ngạc nhiên về điều này. Gia đình họ không nghĩ con của họ quen biết và được dùng cơm chung với tu sĩ Công giáo…Cuối năm 2021 vừa qua, một lần nữa làm tôi xúc động, tôi thực sự cảm thấy dường như “Nước Chúa” đang hiển trị nơi những anh chị em ngoại giáo. Tôi không nghĩ chính những anh em ngoại giáo này lại nhờ tôi dẫn họ đi hành hương Đức Mẹ Tà Pao. Nhìn thấy hình ảnh những phật tử, anh chị em theo đạo Tin Lành cung kính và chăm chú viết từng ý nguyện dâng lên Đức Mẹ mà lòng tôi thổn thức. Đây chỉ là một số trải nghiệm thực tế bé nhỏ chia sẻ tại môi trường tôi đang dấn thân. Nếu không ra ngoài làm việc tôi nghĩ sẽ chẳng thể có được cơ hội quý báu này.
Vẫn còn đó vô số những ước nguyện, còn đó những hoàn cảnh ngang trái của một số gia đình gặp khó khăn để đến với Chúa mà tôi vẫn chưa được tiếp cận, chưa được chia sẻ, giúp đỡ. Cũng qua quá trình làm việc bên ngoài, tôi cũng thấy được rằng có rất nhiều anh em tôn giáo bạn muốn biết về Chúa, muốn được tiếp xúc với anh em tu sĩ Công giáo chúng ta mà không có cơ hội. Tôi nghĩ rằng ngoài biển đời mênh mông kia đang còn biết bao con người, biết bao gia đình đang còn muốn đến gần bên Chúa mà còn bị rào cản về phân biệt tôn giáo, mặc cảm về sự nghèo nàn, mặc cảm tri thức, địa vị xã hội…. Và chúng ta, là tu sĩ thời đại hôm nay rất cần “Ra đi đến vùng ngoại biên” mới có thể gặp được họ, họ đang chờ chúng ta đâu đó trong các nhà máy, nơi công trường và ở những cơ quan… Họ là những người công nhân, họ là những nhân viên, những kỹ sư, giáo viên…cũng như những đồng nghiệp của tôi, họ rất muốn được gặp gỡ quen biết tu sĩ Công giáo để được chia sẻ về cuộc sống, giao lưu tôn giáo, hiểu về Giáo lý Công giáo cũng như việc ta hiểu biết thêm về tôn giáo bạn…chính nơi vùng ngoại biên ấy ta sẽ tìm thấy anh em Công giáo chúng ta đang xa rời Chúa, đang chờ anh em tu sĩ chúng ta tìm đến dẫn đưa về. Tôi vẫn thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi được gặp gỡ những anh em ấy, cho tôi được trải nghiệm, được chia sẻ và được yêu thương.
Thế giới ngày nay với nhiều phát triển, cuộc sống con người cũng được mở ra với nhiều hy vọng, nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên nó cũng chất chứa nhiều thách đố và không ít rủi ro bởi: chủ nghĩa vô thần, duy vật, cá nhân, hưởng lạc và kể cả đa thần… Là ngôn sứ cho Triều Đại Thiên Chúa trong thời đại hôm nay, ở mỗi tu sĩ thiết nghĩ cần phải có sự đa dạng hơn truyền giáo, và sống chứng tá nhiều hơn. Mà cách riêng ở Việt Nam, rất cần đời sống chứng tá đích thực của người kitô hữu, cách đặc biệt là ở nơi những linh mục, ở nơi những người tu sĩ Công giáo. Bởi lẽ, đời sống chứng nhân của linh mục và tu sĩ có sức ảnh hưởng rất lớn đối với những người ngoại giáo và cũng có sức ảnh hưởng không kém với kể cả chính những người đồng đạo trong việc loan báo Tin Mừng. Ngược lại, không có gì nguy hại bằng đời sống phản chứng nơi linh mục, tu sĩ.
Thế nên người tu sĩ đương thời không chỉ đơn thuần là trau dồi những tri thức, nhưng cũng rất cần trang bị vốn đạo đức và tình yêu tha nhân thật sâu sắc. Sứ mạng làm cho Nước Chúa hiển trị luôn đòi hỏi sự hiện diện thánh thiện của các tu sĩ và linh mục, cũng như ở mỗi giáo dân. Điều đó được thể hiện rất rõ qua ba tháng tôi đi chăm sóc bệnh nhân covid vừa qua. Hình ảnh những linh mục và anh em tu sĩ chúng tôi tận tụy phục vụ nơi tuyến đầu đã dẫn đưa được hàng trăm người trở về bên Chúa. Hơn lúc nào hết tôi thấy được ý nghĩa thâm sâu của câu nói “Ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy.” (ĐGH Phaolô VI)
Thầy Phaolo. Trịnh Ngọc Lâm. AA