Tuần Thánh

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Chúng ta đang trong “Tuần Thánh”, thời gian này được bắt đầu với Chúa Chật Lễ Lá đến lễ Vọng Phục Sinh. Một cách hiếu kì, tôi tự hỏi: tên “Tuần Thánh”, không phải là “Tuần Thánh” theo nghĩa thông thường chăng?
Trong tuần này có sự chất vấn về cái chết của một Người vô tội giữa hai người bị kết án khác, với một bản án ghê sợ: bị đóng đinh vào thập giá. Biến cố lịch sử của Con Người này chỉ cho thấy sự tàn bạo khủng khiếp nhất của con người dành cho đồng loại của mình: thù ghét, cáo gian, lừa dối, dùng mưu mẹo để loại trừ người khác, sử dụng mọi biện pháp kéo dài sự đau khổ đối với một Người vô tội không chống lại; Con Người này bị sỉ nhục và nhạo báng, bị phản bội, bị bỏ rơi bởi những người thân thiết và bạn bè. Nếu có sự thánh thiêng trong tuần này, đó là cách thức Con Người mang danh Giêsu đón nhận cái chết: Ngài im lặng, không trách mắng những người hành quyết mình; Ngài tha thứ và cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Cũng chính cách thức tha thứ mà người lính Rôma nhận biết Thiên Chúa trong thân phận khổ đau của con người: “Qủa thật Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39). Cùng chính ngay trong những khó khăn, đớn đau nhất của cuộc sống con người, liệu chúng ta có thể tìm thấy ở đó dấu vết của sự thánh thiêng chăng? Bằng cách nào?
Tuần Thánh cũng là thời gian của làn sóng sự dữ dâng trào nhất, nhưng chính trong thời gian này, giữa tất cả sự dữ, Đức Kitô đã mở ra một con đường mới. Con đường mà “cái chết đã bị chết”, nói theo triết gia Hegel, nghĩa là Ngài chiến thắng sự dữ cuối cùng, khai mở sự sống mới cho nhân loại, sự sống mà con người hằng khao khát khi họ đối diện trước cái chết thể lý.
Chiêm ngắm sự thánh thiêng của “Tuần Thánh”, điều này giúp mỗi người phân định sự “thánh thiêng” trong cuộc sống của mình và của thời đại mình đang sống? Đức Giêsu Kitô trải qua kinh nghiệm của con người: đơn độc, sợ hãi, bị cáo gian và bạo lực xảy đến với Ngài. Mặc dầu vậy, Ngài đã đón nhận tất cả. Hôm nay, thế giới vẫn còn biết bao người vô tội bị kết án oan trong các thể chế độc tài, những người dân vô tội tiếp tục bị giết chết dưới cơn bão bom đạn của chiến tranh; những người “bị biến dạng không còn hình tượng con người” vì sự nghèo đói; những người sống trong sự cô đơn và bị bỏ rơi. Một lần nữa Chúa Giêsu tiếp tục cuộc thương khó của Ngài trong cuộc đời họ. Ai sẽ giống như Simon, người Kyrênê vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu trong cuộc đời họ?
Trong Tuần Thánh, Tin Mừng cũng kể lại một số ít người với cách thức rất khiêm tốn. Họ trung thành tuyệt diệu, dấn thân không tính toán, đã hiện diện bên cạnh Đức Giêsu. Tất cả sự kín đáo trong tâm hồn của họ, họ tin vào những tiếng gọi mà họ đã nghe và tái nhận biết như một Lời hứa: “Bình an cho anh em (Lc 24, 36), chính Thầy đây đừng sợ (Ga 6, 20)”, Thầy đã sống lại. Khi đối diện với cái chết, dưới cái nhìn thuần lý, người ta không thể nhận biết và không có thể khẳng định cách chắc chắn sau cái chết con người sẽ đi vào hư vô hay cuộc sống vĩnh cữu. Một lần chiêm ngắm thánh giá, chúng ta tự hỏi: phải chăng niềm hy vọng của Kitô hữu đến từ thập giá? Và nếu niềm hy vọng đến từ thập giá, thì đức tin chính là sự chọn lựa giữa việc đi vào Sự Sống hay đi vào Hư vô. Một cuộc “cá cược thú vị, có chọn lựa, tự do và vô giá” của con người. Bạn có dám tin và bước theo con đường thập giá, yêu thương mà Ngài đã đi không?

Phêrô Hồ Sỹ Cẩn, A.A