Vai Trò Của Nước Trong Đời Sống Kitô Hữu

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Dẫn nhập

Có thể nói, đời sống con người gắn bó mật thiết với nước ngay từ lúc tượng thai cho đến lúc rời bỏ thế gian này. Về mặt y học, nước là thành tố giúp loại bỏ một số chất không cần thiết và độc tố trong cơ thể ngang qua chức năng của một số cơ phận. Nếu nước là thành phần quan trọng trong vệ sinh thân thể giúp loại bỏ những bụi bẩn thì một số tôn giáo đã xem nước là thành tố quan trọng trong nghi thức thanh tẩy[1]. Kitô hữu Công giáo đã sớm du nhập một số tập tục, truyền thống thanh tẩy của Hy Lạp và Do Thái giáo nhưng đồng thời đã sử dụng nước làm thành tố quan trọng trong một số Bí tích, phụ tích và một số thực hành đạo đức bình dân.

Bài viết này khởi đi từ việc tìm hiểu ý nghĩa Thần học về nước được rút ra qua một số đoạn Kinh Thánh (I). Từ việc làm này, người viết muốn nhìn nhận giá trị của nước trong Thánh Kinh để trở thành Nước Thánh (hay Nước Phép) mà Giáo hội sử dụng trong một số Bí tích và Á Bí Tích. Kế đến, trọng tâm của bài viết sẽ trình bày giá trị của nước và Nước Thánh đối với Kitô hữu Công Giáo (II). Ở phần này, người viết sẽ cố gắng khai triển một số yếu tố như lịch sử, truyền thống, những nghi thức, ý nghĩa Thần học liên quan đến việc sử dụng nước và Nước Thánh trong Phụng vụ cũng như trong đời sống đạo của Kitô hữu. Cuối cùng, trong phần thực hành (III), như một kết luận, người viết hy vọng nêu lên những quan điểm của cá nhân trong việc làm thế nào để nước và Nước Thánh được sử dụng cho hợp lý để mang lại lợi ích thiêng liêng cho giáo hữu.

I. Nước Trong Kinh Thánh Và Trong Truyền Thống Giáo Phụ

Việc sử dụng nước và Nước Thánh trong cũng như ngoài cử hành phụng vụ Kitô giáo không chỉ là kế thừa truyền thống tốt đẹp của Giáo hội mà chúng được dựa trên nền tảng Kinh Thánh và suy tư Thần học. Dưới đây, chúng ta sẽ phần nào tìm hiểu ý nghĩa của nước và Nước Thánh trong Mạc Khải và Truyền Thống.

  1.  Nước Trong Kinh Thánh

a. Trong Cựu Ước

Ngay từ Sáng Thế ký, hình ảnh của nước đã hiện diện trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1, 1-2). Đến ngày thứ hai trong chuỗi ngày tạo dựng, Thiên Chúa đã thiết lập trật tự cho nước (St 1, 9) và ngày thứ năm đã có những sinh vật nhờ nước mà sinh sôi nảy nở (St 1, 20). Có thể nói, những đoạn Kinh Thánh này là điểm quy chiếu khi Giáo hội dùng Nước Thánh trong một số trường hợp để nhắc nhở công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chẳng hạn khi dùng Nước Thánh trong việc thánh hiến các đồ vật có ý nhắc nhở công dụng nguyên thủy của chúng là để phục vụ con người và những gì được rảy sẽ mang lại sự phong nhiêu[2]. Khi nói đến nước, người ta không thể không nhắc đến biểu hiện sự sống của nước mà Thiên Chúa đã ban cách nhưng không cho con người. Tiên tri Isaia đã nói lời của Thiên Chúa về điều này[3]. Đối với Thiên Chúa, đặc tính ban sự sống của nước chưa đủ nên Ngài còn trao ban Thánh Thần. Bởi thế, Isaia đã tiếp tục công bố sứ điệp song phương giữa nước và Thánh Thần của Thiên Chúa[4]. Chỗ khác, hình ảnh nước được tác giả Thánh Vịnh 42 sử dụng nhằm diễn tả nỗi niềm khao khát Thiên Chúa[5]. Sách Xuất Hành cho thấy chính ĐỨC CHÚA đã truyền cho Môsê làm cái vạc đồng để giữa Lều Hội Ngộ và Bàn Thờ, đổ nước vào chậu đó để ông Aharon và con cái ông này dùng nước đó mà tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết, hoặc các tư tế sẽ tẩy rửa trước khi tiến đến Bàn Thờ. Việc làm này ĐỨC CHÚA còn ra lệnh rằng phải xem nó là một điều luật cho Aharon và dòng dõi này qua mọi thế hệ (Xh 30, 18-21). Ngày nay, việc tẩy rửa trước khi vào nhà thờ hoặc trước khi dâng lễ vật của chủ tế vẫn còn in dấu ấn của điều luật vừa nói trên mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau của bài này. 

Công dụng thanh tẩy của nước còn được tìm thấy trong sách ngôn sứ Êdêkien “Rồi Ta sẽ vẩy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần” (Ed 36, 25). Cũng chính vị Ngôn sứ này đã loan báo khả thể của Nước Thánh sẽ ban lại sự sống và ơn tái sinh (x Ed 47, 1-9) được dùng làm bài ca trong nghi thức rảy Nước Thánh đêm vọng Phục Sinh. 

Trong Tân Ước, những điều được loan báo từ miệng các Ngôn sứ được Chúa Giêsu đôi lần nhắc lại. Hơn nữa, nước trong Tân Ước còn có những lối diễn tả vượt trên cả những thực hành bên ngoài nhằm hướng đến Bí tích Thanh Tẩy để người tin được sống đời đời mà nước được đóng vai trò là chất liệu, phụ tích không thể thiếu.   

b. Trong Tân Ước

Trước khi Chúa Giêsu thực thi sứ mạng, Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi con người thời của ông thực hiện phép rửa thống hối trong giòng sông Gio đan (Ga 1, 19-28). Tuy nhiên, Gioan cũng đã thừa nhận phép rửa trong nước của ông không phải là phép rửa trong Thánh Thần (Ga 1, 31-34). Đức Giê-su cũng đã tự hạ để chấp nhận dìm mình trong dòng sông Giođan và để Gioan thi hành sứ vụ làm phép rửa tỏ lòng sám hối cho Ngài, dù Ngài chẳng mắc tội gì. Phải chăng Giáo hội Công giáo cũng đã xem đây là gương sáng cho việc rửa tội? Phải chẳng nghi thức rửa tội của chúng ta được gợi hứng từ phép rửa này? Dĩ nhiên, phép rửa của Gio-an không phải là Bí tích vì nó không phải do Đức Ki-tô thiết lập. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải về một phép rửa sẽ được thiết lập trong Thánh Thần khi Ngài nói về nước hằng sống (Ga 7, 37-39) cũng là biểu hiện chính Ngài. Nước hằng sống có lẽ là chủ đề khó hiểu đối với người phụ nữ Samari khi Chúa Giêsu gặp bà này bên giếng Giacob (Ga 4, 10-14). Biểu hiện của Thánh Thần trong Bí Tích Rửa Tội đã trở nên dấu hiệu ơn tái sinh đem lại sự sống đời đời. Phép rửa trong Thánh Thần và mạch nước hằng sống chảy ra từ bên trong được Mạc Khải trọn vẹn qua mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu khi Ngài đổ máu và nước từ trái tim của Ngài. Thánh Phaolô đã cho thấy việc cử hành Bí Tích Thanh Tẩy là gắn liền với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô để thuộc về Ngài vì chúng ta cũng được dìm vào trong cái chết, được mai táng với Ngài và cũng được sống một đời sống mới (Rm 6, 3-4).

  1. Suy Tư Về Nước Của Một Số Giáo Phụ

Truyền thống dùng nước trong việc rửa tội đã có từ thời các Kitô hữu tiên khởi. Người ta tìm thấy các chỉ dẫn trong Didache như sau: “Hãy rửa tội nhân Danh Cha, Và Con, và Thánh Thần, trong dòng nước chảy…bằng cách đổ nước ba lần trên đầu” (Didache, chương 7). Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy những ý nghĩa của việc thần học của việc thanh tẩy trong sách này. Đến thời các Giáo phụ, trong Khảo Luận Về Bí Tích Rửa Tội, Tertuliano (160-220) đã nêu cao vai trò của nước trong việc thanh tẩy “Tất cả các loại nước, như chức năng độc quyền của nó được hiểu từ xưa đến nay, đều tham dự vào Bí tích thánh hóa của chúng ta, một khi danh Thiên Chúa được kêu cầu trên chúng[6]”. Thánh Justin trong First Apology mô tả phép rửa tội bởi sự dìm mình trong nước để được soi sáng và tâm trí được thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa[7]. Như vậy, nước là chất thể, một thụ tạo trong số muôn vàn thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên đã mang trong nó sứ vụ góp phần vào Bí Tích Thanh Tẩy. Dĩ nhiên, tự bản chất, nước không mang lại ơn cứu độ nhưng là nó thành phần không thể thiếu khi thực hiện Bí tích Rửa tội. Ngoài ra, nước và Nước Thánh còn được Kitô hữu sử dụng trong những trường hợp khác và dĩ nhiên, chúng không mang cùng một ý nghĩa và mục đích sử dụng cũng khác nhau.

II. Nước Đối Với Đời Sống Kitô Hữu

Với người chưa là Kitô hữu, trong vài trường hợp, họ lầm tưởng nước với Nước Thánh (Nước Phép) và có thể họ sẽ nghĩ Nước Thánh có đặc tính phù phép, ma mị, có phép mầu nên nó có sức xua đuổi tà thần, ma quỷ mà người Công giáo dùng. Thực ra tự bản chất nước và Nước Thánh được dùng trong Thánh lễ hoặc một số nghi thức ngoài Thánh lễ là phương tiện mang dấu chỉ tượng trưng cho hiệu quả của ân sủng của sự đổi mới bên trong tâm hồn của tín hữu.

  1. Phân Biệt Nước Và Nước Thánh

Nước Thánh (hay Nước Phép) của người Công giáo là cách gọi tắt của nước đã được làm phép. Làm phép ở đây cũng không có nghĩa là dùng phép thuật để “hô biến” nước thông thường thành nước có tính phép thuật. Do cách dùng từ, người ta thường nói nước được làm phép nhưng đúng hơn phải nói nước đã được ban phép lành theo phụng vụ dùng cho việc thanh tẩy, rẩy trên dân chúng hoặc được đổ vào các bình được gắn ở cửa nhà thờ[8]. Nước Phép trong La ngữ là Aqua Benedicta (tiếng Pháp là l’Eau Bénite, tiếng anh là Holy Water), từ gốc từ Benedicere (verbe transitif) là một từ ghép mang ý nghĩa là sự chúc lành (Benedicere: nói điều tốt)[9]. Đương nhiên, tự bản chất vị linh mục hay phó tế không thể ban phép lành cho nước mà các ngài chỉ khẩn khoản nài xin Thiên Chúa chúc lành, ban phúc cho nước đó.

Nước đã làm phép được sử dụng để rảy trên người, trên các đồ vật, nơi chốn vào các thời điểm khác nhau. Qua những việc làm này, Kitô hữu được tẩy luyện tâm hồn, thể xác, tẩy luyện các vết nhơ do tội lỗi mang lại, thậm chí là xua trừ tận căn của tội lỗi, tức là ma quỷ.

       2. Nước Thánh Trong Một Số Bí Tích

a. Bí tích Thanh Tẩy

Đối với Kitô hữu, Bí Tích Rửa tội là cửa ngõ vào các Bí Tích và là ân sủng Thiên Chúa ban để giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái sinh họ làm con Thiên Chúa và kết nạp họ vào Giáo Hội, làm cho họ nên giống Chúa Kitô. Giáo luật 1983 quy định Bí Tích này “chỉ được ban hữu hiệu bằng việc rửa bằng nước nguyên chất kèm theo việc đọc đúng mô thức” (s. 849). Như vậy, nước trong Bí tích Rửa tội là “nước nguyên chất”, nghĩa là chưa qua sự chế biến hoặc chưng cất. Nước là chất liệu không thể thiếu trong thực hiện nghi thức rửa tội của Bí tích. Ngày nay, các thừa tác viên chức thánh thường dùng nước đã được làm phép (Eau bénite) để rửa tội. Tuy nhiên trong một số trường hợp cấp bách thì có thể dùng nước chưa làm phép[10] và thậm chí mọi người (với ý hướng ngay lành) có thể làm nghi thức rửa tội trong trường hợp này[11].

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao và từ khi nào nước được dùng để rửa tội? Từ bao giờ người ta nghĩ rằng cần làm phép nước trước khi rửa tội? Tại sao phải làm như vậy?

Trong kinh nghiệm từ tự nhiên, chúng ta thấy nước vừa là thành phần của sự sống, sự sung mãn, sinh trưởng, nước làm tươi mát, nước để gột rửa và người ta cũng thấy nước vừa là thứ để cứu sống cũng là thứ hủy diệt. Những biểu tượng đó của nước đã được Kinh Thánh ghi lại từ kinh nghiệm của dân Do Thái trong Cựu Ước cho đến những suy tư của các Tông đồ trong Tân Ước. Thật vậy, Phụng vụ Canh Thức Vượt Qua, Giáo hội cho chúng ta nghe rất nhiều bài đọc diễn tả vắn tắt lịch sử cứu độ mà trong đó rất nhiều bài đọc nhắc đến nước[12]. Từ công trình Tạo dựng, nước là nguồn mạch sự sống và sinh trưởng và vì nó có bóng dáng Thần Khi Thiên Chúa (St 1, 2). Cơn Đại Hồng Thủy cho thấy sức mạnh hủy diệt của nước đối với những gì là tội lỗi nhưng con tàu của Nôê lại nên hình ảnh tiên báo ơn cứu độ[13] nhờ Bí tích rửa tội như thánh Phêrô nhắc tới trong thư của ngài (x. 1 Pr 3, 21-22). Đoàn dân Israel được cứu thoát khi vượt qua Biển Đỏ ráo chân dù hai bên họ là nước dựng như tường thành, họ tượng trưng cho dân tộc mới là những người được lãnh nhận Phép Rửa tội (GLCG, s,1221). Qua Tân Uớc, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa bởi Gioan trong dòng nước và Thánh Thần “Đấng xưa kia đã bay lượn trên mặt nước ở công trình tạo dựng thứ nhất, nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của công trình tạo dựng mới” (GLCG, s. 1224). Đến đây, chúng ta có thể hiểu tại sao Giáo hội làm phép nước cho việc Thanh Tẩy. Thực ra vào giữa thế kỷ thứ II, người ta bắt đầu làm phép nước cho việc rửa tội. Ý nghĩa của việc làm phép nước rửa tội là xin Chúa Thánh Thần làm cho nước có sức mạnh bởi thần linh nhằm tẩy rửa tội lỗi và biến đổi người được rửa thành tạo vật mới[14]. Phải chăng việc làm đó nhắc nhở tín hữu rằng chính Chúa Giêsu đã nói về ơn tái sinh bởi nước và Thánh Thần (Ga 3, 5)? Thật vậy, chính Ngài đã khai nguồn Bí tích Rửa tội bởi nước từ cạnh sườn và bởi Thần Khí được trao ban cho Giáo hội nơi Cuộc Vượt Qua của Ngài trên thập tự (GLCG, s. 1225).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các tông đồ đi làm cho muôn dân thành môn đệ và làm phép rửa cho họ (Mt 28, 19-20). Các Tông đồ đã thực thi lệnh truyền đó và phép rửa trở thành điều kiện thiết yếu để cứu độ con người (Cv 2, 38-41; 8, 4-25; 19, 1-5) và để người tin qua phép rửa “trở thành thụ tạo mới trong Thiên Chúa” như thánh Phaolô dạy (x. 2 Cr 5, 17). Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, chúng ta hầu như không thấy chỗ nào nói tới việc làm phép nước để dùng vào việc Rửa tội. Cũng vậy, người ta nhận thấy Giáo hội sơ khai chưa thực hiện việc rửa tội tại một nơi cố định nào. Chẳng hạn, việc rửa tội cho một viên thái giám người Êthiop được thực hiện đâu đó trên đường đi, chỗ có nước (Cv 8, 26-40); thầy cả Khanania làm phép rửa cho Saolô (Phaolô) ở trong nhà (Cv 9, 17-19); cả nhà viên cai ngục được rửa tội trong đêm (Cv 16, 33). Vào thời đó, người ta chỉ thấy ghi lại việc rửa tội bằng các loại nước như nước chảy, nước mát hoặc nước ấm (Didache, chương 7). Người ta không biết được cách rõ ràng rằng trong Didache có trình bày việc dìm mình vào nước khi rửa tội hay không. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào câu thứ 3 chương 7 có thể phỏng đoán việc đổ nước trên đầu được thực hiện khi không thể dìm mình trong nước[15]. Dựa vào thư gửi tín hữu Rôma, người ta có thể nghĩ rằng vào thời sơ khai, các tín hữu đã từng chịu phép rửa bằng cách dìm mình trong dòng nước như Đức Kitô đã bị chôn vùi trong lòng đất để được hưởng một đời sống mới như chính Ngài đã được Phục sinh vậy [16]. Chúng ta không có nhiều bằng chứng để nói cách tường minh về Nghi thức Rửa tội ở thời kỳ này. Tuy nhiên, thuật ngữ Rửa tội (Baptizein) theo Hy ngữ ở thể động từ βαπτίζω có nghĩa là “dìm xuống” chỉ việc người chịu phép rửa bị dìm xuống nước (GLCG, s.1214) vẫn được Giáo hội sử dụng dù việc “dìm xuống” ngày nay không hoặc ít áp dụng. Từ khi nào và lý do gì việc thực hành Rửa tội có sự thay đổi? Thực ra từ thế kỷ I đến thế kỷ nửa cuối thế kỷ thứ II, nghi thức Thanh Tẩy thường được cử hành ở bất cứ nơi nào có nước chảy như sông, suối, ao hồ và thừa tác viên dùng vỏ sò hoặc chén múc nước đổ lên đầu 3 lần kèm theo việc nhân danh Ba ngôi. Sang thế kỷ thứ III, người ta thấy xuất hiện những ngôi nhà rửa tội. Điều này có thể do ở thế kỷ này các Kitô hữu sơ khai đã có nơi thờ phượng. Đến thế kỷ thứ IV người ta chỉ thấy nhà rửa tội chỉ được đặt duy nhất tại khuôn viên nhà thờ chính tòa và chỉ Đức Giám Mục mới có quyền rửa tội. Sau đó, do có nhiều dự tòng nên thừa tác viên rửa tội cũng như nhà rửa tội gia tăng ở nhiều nơi khác[17]. Rất có thể trong các nhà rửa tội này đã đặt một Cantharus tức là Giếng Rửa Tội đựng nước đã làm phép để dùng cho nghi thức này. Nghiên cứu của Ilan Bradley cho thấy ở thế kỷ thứ IV một số Giám mục đã làm phép nước bằng cách ghi dấu thánh giá trên nước trong giếng rửa tội[18]. Lý do nào từ nhà rửa tội biến thành các giếng rửa tội và được di chuyển từ ngoài vào nhà thờ? Cha Phạm Đình Ái cho rằng từ khi phong trào theo Kitô giáo phát triển rầm rộ và do việc rửa tội cho trẻ em ngày càng đông. Hơn nữa, hình thức rửa tội dội nước trên đầu đang dần thay thế cho vệc dìm mình. Người ta nghĩ chỉ cần một cái chậu vừa tầm cho người ta cúi đầu là đủ thay vì phải làm một cái giếng lớn ngoài trời. Từ đó, Giếng rửa tội chỉ cần làm một cách hình thức nhỏ gọn và được đưa vào trong nhà thờ[19]. Ngày nay, một số nhà thờ không còn đặt Giếng rửa tội. Một số nơi, các thừa tác viên chỉ dùng một cái chậu nhỏ, có thể di chuyển được và một chiếc bình nhỏ để đổ nước trên đầu người lãnh nhận Bí tích này.

Theo thời gian, mặc dù hình thức rửa tội thay đổi nhưng công thức và ý nghĩa của Bí tích này không thay đổi. Nước vẫn đóng vai trò là chất liệu quan trọng và nó vẫn mang một ý nghĩa tượng trưng phong phú: sự sống, tẩy rửa, làm cho nên trong sáng. Nước trong Bí Tích Thanh Tẩy mang ý nghĩa lớn lao là làm tái sinh và trở nên trong sạch. Tuy nhiên sức thánh hóa đó không tự bởi nước, ngay cả khi nó được làm phép mà do hiệu quả của Bí Tích Thanh Tẩy mang lại. Qua phép Rửa Tội, ứng viên cùng chết với Đức Kitô và được mai táng với Ngài[20] và đặt chúng ta trên con đường mới của sự sống do được xóa bỏ tội Nguyên tổ và tha tội riêng (ứng viên lớn tuổi)[21]. Bí tích Thanh Tẩy làm cho ứng viên được trổi dậy, được phục sinh với Đức Kitô[22]. Nhờ đó, ứng viên trở thành “nghĩa tử của Chúa Cha, chi thể của Chúa Con và đền thờ của Chúa Thánh Thần” và tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô (GLCG, 1279). Như vậy, Bí tích Rửa tội mang lại hiệu quả không chỉ cho đời sống thiêng liêng của từng cá nhân, nhưng trước hết là cho toàn thể Hội thánh.

b. Bí Tích Hôn Nhân

Hôn phối trong Hội Thánh Công Giáo là một Bí tích và là dấu chỉ của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Thông thường, Bí tích này được cử hành trong thánh lễ nhằm diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tình yêu tự hiến mà vợ chồng trao cho nhau theo gương Chúa Kitô, Đấng tự hiến cho Giáo hội[23]. Mặc dù dấu chỉ của Bí tích này được diễn tả bởi lời hứa cam kết bền lâu của đôi hôn phối chứ không phải như các Bí tích khác là bởi các yếu tố vật chất như nước, bánh, rượu và dầu. Tuy nhiên, khi cử hành Bí tích này, chúng ta thấy vẫn có xuất hiện việc thừa tác viên có chức thánh rảy lên đôi nhẫn cưới của đôi hôn phối. Điều này có ý nghĩa gì? Tự bản chất, nhẫn cưới không phải là chất thể của Bí tích hôn phối mà lời cam kết mới là chất thể. Ở đây, nhẫn cưới đóng vai trò là bằng chứng của tình yêu, biểu tượng của sự trung thành. Khi những chiếc nhẫn của đôi hôn phối được rảy nước thánh nó mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn. Trước hết, Nước thánh trong trường hợp này không mang ý nghĩa thanh tẩy mà là sự chúc lành. Nước phép lúc này là một phụ tích được rảy trên một vật thể nhằm nhắc nhở người sử dụng nó trong ý định tốt đẹp như Thiên Chúa muốn[24]. Có thể nói, ý định của Thiên Chúa đối với đôi hôn nhân là tình yêu tự nhiên của họ được kiện toàn, được thánh hóa để nhau hướng tới đời sống vĩnh cửu. Kế đến, việc rảy nước thánh đôi nhẫn cưới còn mang ý nghĩa của phồn thịnh. Đối với Emilio Higglesden, rảy Nước Phép trên các nhẫn cưới tựa như “sương từ trên cao rơi xuống” muốn nói đến ơn lành của Thiên Chúa xuống trên đôi hôn nhân và ngự trong tâm hồn họ, đồng thời ban sự thịnh vượng cho đôi bạn[25]. Sự thịnh vượng này có thể ứng với lời mời gọi của Thiên Chúa qua Hội thánh rằng hôn nhân Công giáo là sự tự do ưng thuận, vĩnh viễn hiến thân cho nhau để giao ước tình yêu ấy sinh sôi nảy nở đức ái trọn hảo và là dấu chỉ của Đức Kitô yêu Hội Thánh của Ngài[26]. Cuối cùng, dù trong Bí tích hôn nhân có nghi thức diễn nghĩa và nhẫn cưới được rảy nước thánh nhưng nó không phải là yếu tố thiết định mà chính lời bày bỏ sự ưng thuận của hai người mới làm nên hôn nhân[27]. Bởi đó, cặp nhẫn cưới được làm phép đóng vai trò là biểu tượng của giao ước trung thành với nhau.

3. Các Á Bí Tích

Các á bí tích do Giáo hội thiết lập để thánh hóa một số thừa tác vụ trong Hội Thánh hoặc một số bậc sống, hoặc hoàn cảnh hoặc các đồ vật hữu ích cho con người (GLCG, 1668). Khi dùng nước thánh trong các trường hợp này, bao gồm 2 yếu tố: phép lành và trừ tà.

a. Khấn dòng

Đây là phép lành dành cho người. Tuy nhiên, trong khi cử hành á bí tích này, chúng ta thấy có làm phép áo dòng, làm phép nhẫn hoặc làm phép Thánh giá khi khấn dòng. Trước hết, việc rảy nước phép trên các vật thể này nhắc nhớ tu sĩ sử dụng chúng với mục đích tốt đẹp theo thánh ý Chúa[28]. Kế đến, tu phục của một tu sĩ có thể phép hoặc không làm phép, được trao cùng với nghi thức nhập tập viện hoặc trong dịp khấn lần đầu[29]. Tuy nhiên, cấu trúc một á bí tích luôn luôn bao gồm một lời nguyện và kèm theo một cử chỉ để xác định ý nghĩa như đặt tay, làm dấu Thánh giá, rảy nước thánh, xông hương (GLCG, s.1668). Bởi thế, tôi nghĩ việc làm phép áo dòng là cần thiết nói lên ước nguyện nài xin Thiên Chúa ban phước lành cho ý hướng tốt đẹp của người muốn dấn thân. Đồng thời, khi khoác áo dòng, tu sĩ ý thức sự chết đi cho những gì thuộc về thế gian, ý thức thuộc về hội dòng với tôn chỉ và đặc sủng riêng; đồng thời, áo dòng như nhắc nhở tu sĩ về Bí tích rửa tội là mặc lấy Đức Kitô và hiến thân mình cho Giáo hội qua sứ vụ của dòng. Sau cùng, nơi một số hội dòng nữ, khấn dòng được xem như cuộc kết hôn huyền nhiệm với Đức Kitô. Do đó, một số nghi thức diễn nghĩa được đưa vào như thay lúp (voile), xỏ nhẫn được rảy nước thánh nhằm nói lên sự thánh thiêng của việc này. Một số hội dòng còn thêm vào việc trao thánh giá, trao vòng gai để nói lên tinh thần chết đi chính mình.

b. Rảy nước thánh trên đồ vật, nơi chốn

Thông thường, nghi thức làm phép các đồ vật hoặc nơi chốn có sử dụng Nước thánh để rảy trên chúng. Mục đích của việc rảy Nước thánh trên các đồ vật này là để nài xin phúc lành của Thiên Chúa xuống thánh hóa các đồ dùng đó nhằm phục vụ lợi ích thiêng liêng cũng như vật chất của con người. Cách riêng, những đồ vật dùng trong phụng vụ như Chén thánh, Dĩa thánh, Hào quang, Bình đựng Mình Thánh Chúa, Nhà chầu, Khăn thánh, Áo lễ, Sách lễ…việc làm phép này tỏ lòng tôn kính và xác định giá trị thánh thiêng của đồ dùng cho phụng tự[30]. Tuy nhiên, mục đích cao hơn của việc này là nài xin Thiên Chúa dùng phép lành của Người để củng cố đức tin của tín hữu. Đồng thời, Giáo hội mời gọi tín hữu cử hành các Mầu Nhiệm Thánh cách sốt sắng hơn. Bởi thế, nghi thức làm phép các đồ dùng trong phụng vụ nên được cử hành trong Thánh lễ nhằm đề cao giáo dục đức tin[31]. Cách đặc biệt, Chén thánh và Dĩa thánh nên làm phép ngay trong nghi thức tiến lễ và sẽ sử dụng ngay trong Thánh lễ đó[32]. Do giới hạn của đề tài, bài viết sẽ không nhắc tới một số vật dụng phụng vụ có nghi thức và những lời nguyện làm phép riêng.

Vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu, Giáo hội còn cho phép các thừa tác viên chức thánh làm phép các ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ, Các Thánh và Chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, Giáo hội lưu ý rằng việc rảy nước phép (hoặc làm phép không rảy nước) không nhằm gán cho các vật thể này sức mạnh thần linh mà để nhắc chở các tín hữu nhờ sự tôn kính, yêu mến và noi gương các ngài mà nhiệt tâm sống đức tin[33]. Riêng Chuỗi Mân Côi, việc làm phép với lời nguyện rằng ước mong người dùng nó sẽ siêng năng đọc kinh Mân Côi và suy niệm các nhầu nhiệm của Chúa Kitô. Ngoài ra, một số phương tiện lao động cũng có thể được làm phép như: phương tiện giao thông, phương tiện nghiên cứu, công cụ sản xuất. Mục đích của việc này trước là để tạ ơn Chúa tác động qua bàn tay người sản xuất, sau là để xin Chúa gìn giữ, ban bình an và ban phước lành cho người sử dụng chúng để làm tăng tiến nhân loại[34]

Nước thánh còn được sử dụng để rảy lên nơi chốn từ nơi dùng cho việc thánh thiêng, thờ phượng (như đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường, cung hiến Nhà thờ, Đền thờ, Bàn thờ) cho đến làm phép nhà ở cho dân chúng. Trước khi xây dựng nhà thờ, Giáo hội qua việc cử hành nghi thức làm phép diện tích và đặt viên đá đầu tiên khẩn nài Thiên Chúa chúc phúc cho công việc được từ lúc tiến hành cho tới hoàn thành được tốt đẹp. Đồng thời, việc làm này cũng để giáo huấn dân Chúa ý thức ý nghĩa của thánh đường là hình ảnh Giáo hội được xây lên từ những viên đá sống động[35]. Trong nghi thức cung hiến Thánh đường và Bàn thờ, Giám mục làm phép Nước Thánh rồi rảy lên các tường của Thánh đường, trên dân chúng và rảy trên Bàn thờ mới. Mục đích của nghi thức rảy Nước Thánh trong trường hợp này là dấu chỉ thống hối và nhắc lại bí tích Thánh Tẩy; đồng thời cũng để thanh tẩy tường và bàn thờ mới[36]. Trong trường hợp làm phép nhà cho giáo dân, thông thường, cử hành nghi thức này là các thừa tác viên chức thánh. Nghi thức này kèm theo việc rảy Nước thánh lên những người tham dự và khắp nhà. Việc làm này trước là tạ ơn Thiên Chúa, sau là để xin Chúa chúc lành cho không gian sống của họ và đặt mọi sự dưới bàn tay của Chúa. Cha Dumont cho rằng việc làm phép nhà còn gợi nhắc gia chủ nhớ đến cuộc chiến đấu thiêng liêng và giải trừ những tác động của sự dữ[37]. Tuy nhiên, theo John Trigilio thì việc làm phép nhà thường gợi nhắc các thành viên của gia đình đó noi gương gia đình Nazareth sống các nhân đức[38].

  1. Nước Và Nước Thánh Trong Thánh Lễ và Một Số Cử Hành Ngoài Phụng Vụ

a. Trong Thánh lễ

Nước thánh gợi nhắc đến Bí tích Thánh tẩy. Do đó, trong Nghi thức thống hối, đặc biệt là Chúa nhật Phục sinh, chúng ta thường thấy nghi thức này thay đổi bằng việc rảy nước thánh trên giáo hữu[39]. Nghi thức này có nguồn gốc từ các Đan viện vào thế kỷ VIII và dần dần được áp dụng tại các nhà thờ bằng việc rảy Nước Thánh trên người tham dự trước khi cử hành Thánh lễ. Cử chỉ này giúp tín hữu nhớ lại hình ảnh và ý nghĩa của sự thanh tẩy và ban lại sự sống mới của nước trong Bí tích Rửa tội[40]. Nghi thức này được đưa vào trong Sách lễ Rôma năm 1570 ở phần dẫn nhập kèm theo Điệp xướng của Thánh vịnh 151. Theo Henry Theiler, vị Linh mục trước tiên sẽ rảy cho chính mình, rồi đến bàn thờ, sau đó rảy trên các tín hữu tham dự. Cũng theo vị này, việc rảy Nước Thánh còn mang ý nghĩa của sự hiệp nhất vì bàn thờ biểu trưng cho chính thân thể Chúa Kitô và là nơi cử hành hy tế vượt qua. Từ bàn từ tuôn chảy ân sủng của Chúa cho các tín hữu qua trung gian là Linh mục[41]. Tuy nhiên, theo Ủy ban Phụng Tự, việc rảy Nước thánh trong trường hợp rảy Nước Thánh trên các tín hữu nhắc nhở họ về Bí tích Tái sinh đã lãnh nhận, nhờ đó họ sẽ cùng chết, cùng mai táng và cùng phục sinh với Chúa Kitô. Nghĩa là họ được thông dự vào cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết. Đồng thời, Nghi thức này cũng đề cao “chức tư tế cộng đồng của tín hữu[42]” và nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa bí tích Rửa tội và việc tham dự Thánh lễ của họ[43]. Trong đêm Vọng Phục Sinh, các tín hữu cũng được rảy nước thánh sau khi đã lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Trong cử hành Thánh lễ, chúng ta thấy vị chủ tế (hoặc phó tế) đổ chút nước vào rượu. Nước trong trường hợp này không phải là Nước Thánh. Nghi thức này có thể có nguồn gốc từ thông lệ của người Hy Lạp được áp dụng ở Palestine vào thời Chúa Giêsu[44]. Thánh Giutinô tử đạo đã đề cập đến việc thực hành này vào thế kỷ thứ II[45]. Truyền thống đổ nước vào rượu được đưa vào Phụng vụ với những hướng dẫn chi tiết trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma số 141 và Nghi thức thánh lễ số 23. Giáo luật số 924 triệt 1 quy định rõ “Hy lễ Thánh Thể phải được cử hành bằng bánh và rượu có pha chút nước”. Trong phụng vụ Rôma, một ít nước được thêm vào rượu trong chén thánh trong khi truyền thống phụng vụ Byzantine thì nước ấm (trong tiếng Hy Lạp là zeon) được đổ vào chén rượu.

Các Giáo Phụ đã gắn ý nghĩa to lớn của việc hòa nước vào rượu này. Chẳng hạn thánh Cyprianô thành Cathage nói rằng nước tượng trưng cho các Kitô hữu, rượu tượng trưng cho máu của Đức Kitô, sự hòa quyện này nói lên sự hợp nhất[46]. Ngày nay, trong cử hành Phụng vụ, khi chủ tế đổ nước vào rượu, ngài đọc thầm “Như dấu chỉ nước hòa vào rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (RM, s. 142). Lời nguyện này lấy lại lời nguyện nhập lễ Giáng sinh nhằm nói lên sự hiệp nhất giữa hai bản tính của Chúa Giêsu Kitô.

Nghi thức Thánh lễ Rôma nói tới việc chủ tế cần rửa tay sau khi sau khi dâng lễ vật nhằm “biểu lộ lòng ao ước được thanh tẩy trong tâm hồn” (RM, s. 76). Trong khi đồng thời với hành động rửa, chủ tế đọc “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”. Lời nguyện này trở thành dấu chỉ diễn tả nhu cầu thanh tẩy tâm hồn của tư tế trước khi bắt đầu Kinh Nguyện Thánh Thể. Nghi thức này đã có từ thế kỷ IV và lời nguyện này có thể được lấy lại từ Thánh vịnh 25, câu 4. Thánh Cyrilô thành Giêrusalem đã nói cử chỉ này muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải sạch mọi tội lỗi và vì do đôi tay hành động nên việc rửa tay là thanh tẩy hành động của chúng ta[47].

Ngoài ra, sau Hiệp lễ, chúng ta còn thấy vị chủ tế hoặc phó tế dùng nước để tráng chén có thể để làm sạch Chén thánh. Tuy nhiên, lời nguyện của vị chủ tế có phần nói tới ý nghĩa của việc này: “Lạy Chúa miệng chúng con vừa rước Mình và Máu Chúa, xin cho chúng con tiếp nhận với tâm hồn trong sạch và xin cho ân huệ đời này nên linh dược cho chúng con được sống muôn đời”.

b. Trong Thực Hành Đạo Đức Bình Dân và Nghi Thức An Táng

Trong đời sống Giáo hội, một số thực hành đạo đức bình dân được giữ gìn và khuyến khích. Tại một số nhà thờ Phương Tây và một vài nhà thờ ở Việt nam. Chúng ta thấy giáo dân trước khi vào nhà thờ họ làm dấu Thánh Giá với nước thánh để sẵn trong các Con Sò hoặc các Lavabo. Cử chỉ này xuất phát từ truyền thống lâu đời của Giáo hội nhưng thực tế là một sự hội nhập văn hóa Hy lạp và Do thái.

Trở lại với Kinh Thánh, thánh Gioan cho thấy Do Thái đã từng đựng nước trong các chum đá dùng vào việc thanh tẩy (Ga 2, 6) và gần đền thờ Giêrusalem có hồ Silôac có thể giúp rửa cho anh mù được sáng. Trong văn hóa Hylạp và Rôma, người ta tìm thấy trước các ngôi đền thường có những giếng nước để người ta rửa chân tay trước khi vào đền[48]. Đối với dân tộc Do thái, các thượng tế trước khi cử hành cuộc hiến tế và dâng hương trong nơi cực thánh đều rửa tay chân trước khi vào đền thờ[49]. Về điều này, Sách Xuất hành đã rất rõ ràng và nó còn phải được xem như điều luật buộc đối với các tư tế (Xh 29, 4; 30, 19-20). Từ khi có nơi cử hành thánh lễ, các giáo hữu tiên khởi cũng đã thực hành việc này như nhận định của Bingham Joshep[50] và dần biến việc tẩy rửa bên ngoài thành tẩy rửa bên trong như đề nghị của Tertuliano (De Oratione 13)[51]. Như thế, có thể hiểu việc làm đạo đức này khởi đi từ việc tẩy rửa thân thể cho sạch bụi bẩn trở thành thực hành mang tính thánh thiêng. Thêm vào việc làm dấu Thánh Giá bởi Nước Phép người tín hữu tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa và nhờ đó, họ nhớ lại việc đổ nước trên đầu trong Bí Tích Rửa Tội. Hơn nữa, cử chỉ này diễn tả sự hiệp nhất giữa Bí tích Thanh Tẩy và Bí tích Thánh Thể. Bởi vì việc tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi của Kitô hữu qua cử chỉ làm dấu (với nước phép nhắc nhở tái sinh qua Bí tích Rửa tội) sẽ kết hợp với thực tại cứu độ của Thiên Chúa qua hiến tế vượt qua của Chúa Con trong Thánh lễ tại nhà thờ nơi họ quy tụ để cùng cử hành.

Trong một cử hành khác, chúng ta còn thấy các đan sĩ có thói quen đạo đức là rảy Nước Thánh trước khi đi ngủ. Có thể việc đạo đức này nhằm khẩn cầu Thiên Chúa che chở mình trước sự tấn công của ma quỷ và ác thần để có thể yên tâm nghỉ ngơi chăng[52]? Tôi không chắc về điều này vì để hiểu hơn về thực hành đó tôi cần nhiều tài liệu tham chiếu bởi các đan sĩ.

Khi một tín hữu lìa cõi thế, người ta thấy Nước Thánh được dùng để rảy trên thi hài, trên quan tài và cả phần huyệt của họ trước khi an táng. Việc rảy Nước Thánh trên thi hài người quá cố khi viếng xác, trong nghi thức phát tang, trong nghi thức tẩm liệm, tại Nghi Thức An Táng trong Thánh lễ và tại phần mộ người quá cố. Ai cũng có thể rảy Nước Thánh lên thi hài nhưng trong điều kiện có thể được thì vị linh mục hoặc phó tế sẽ cử hành các nghi thức cuối cùng. Nước Thánh dùng trong các trường hợp này nhắc nhở mọi người rằng nhờ được rửa tội bởi nước này, người tín hữu đã được ghi tên vào số những người đáng nhận được sống vĩnh cửu[53].

III. Những Đề Nghị Trong Thực Hành

Có thể nói, nước là yếu tố vật chất gắn liền với đời sống con người. Đối với Kitô hữu, nước gắn liền với nhiều cử hành phụng vụ, qua các Bí tích và nơi việc thực hành đạo đức bình dân. Dĩ nhiên, Nước Thánh là phụ tích được dùng nhiều hơn so với nước thông thường. Tự bản chất nước hay Nước Thánh không mang đặc tính cứu độ mà chỉ chúng là dấu chỉ bên ngoài để mang lại ẩn sủng của sự đổi mới bên trong. Nước Thánh làm cho tín hữu nhớ đến chính Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống được ban cho nhân loại và chính Ngài đã thiết lập Bí tích Thanh Tẩy để con người được tái sinh trong đời sống mới[54]. Phần lớn các Nghi thức chúng ta vừa tìm hiểu cho thấy việc sử dụng Nước Thánh rảy trên các tín hữu muốn nhắc nhớ họ nhớ đến Bí Tích Rửa Tội vì Nước thánh là biểu trung cho Bí tích này. Nhưng khi Nước Thánh được dùng để rảy trên nơi chốn hay đồ vật là để xin phúc lành của Thiên Chúa[55] và nhắc nhở tín hữu sử dụng các thực thể ấy cho đúng với mục đích tốt đẹp theo ý Chúa. Đồng thời rảy Nước Thánh trên ảnh tượng, trong gia đình hoặc một vật thể, một công cụ lao động còn diễn tả ân huệ của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng. Do đó, Giáo hội mời gọi con cái qua các cử hành Phụng vụ hoặc thói quen đạo đức có dùng Nước thánh hãy sống tâm tình tạ ơn và cầu xin ơn trợ giúp của Chúa để kiên trì sống đạo.

Qua cái nhìn lịch sử, Kinh Thánh và những suy tư thần học về nước cũng như Nước Thánh, kết hợp với truyền thống lâu đời và thực hành của Giáo hội, chúng ta nhìn nhận một giá trị to lớn của yếu tố vật chất ấy trong đời sống đức tin của mình. Tuy nhiên, trong thực hành, do chưa nắm bắt kỹ hoặc do thói quen và thậm chí quá mộ đạo, chúng ta có nguy cơ lạm dụng hoặc hiểu sai về Nước Thánh.

Nhiều tín hữu có thói quen sử dụng nước lấy tại các nơi hành hương như linh dược chữa trị bệnh tật thân xác mà quên mất phải chữa trị đúng liệu trình của bác sĩ. Đành rằng, phép lạ vẫn có thể xẩy ra nơi người tin nhưng đức tin và khoa học không hẳn tách rời nhau. Cũng không ít người nghĩ rằng Nước Thánh có thể chữa trị thân xác và có thể xua trừ ma quỷ. Người ta có quyền sử dụng nhưng cũng đừng quên rằng cần có chỉ dẫn mục vụ của các đấng chăm sóc phần linh hồn. Nước Thánh không phải là thực thể mang ơn xá tội (như có người đã nhầm lẫn) mà ơn tha tội chỉ qua Bí tích hòa giải. Nước Thánh sử dụng cho hành động Thống hối chỉ được dùng trong khuôn khổ Thánh lễ mà thôi. Do đó, khi được rảy trên nơi chốn hoặc vật thể ngoài Thánh lễ không thay thế được hành động thống hối.

Là ứng viên hướng đến thừa tác vụ Linh mục, tôi nghĩ rằng cần đào sâu về giá trị của Nước Thánh, nhất là qua Bí tích Rửa Tội. Để mỗi khi cử hành, tôi không thể chỉ thực hiện các nghi thức cách máy móc, sách vở mà còn với cả tâm hồn và lòng yêu mến những giá trị ẩn chứa sự cứu độ bên trong việc cử hành đó. Nếu được trở thành người đồng hành với tín hữu, tôi nghĩ nên thường xuyên có những bài nói chuyện hoặc những giờ giáo lý cần cho họ thấy ý nghĩa của các nghi thức và các cử hành có liên quan đến nước và Nước Thánh. Chẳng hạn, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc Linh mục đổ chút nước vào rượu khi tiến lễ.

Ngày nay do nhiều yếu tố, Giếng Rửa Tội không có trong nhiều nhà thờ, ít nhất là tại Việt nam. Đó là điều thật đáng tiếc! Vì nó mang một ý nghĩa tượng trưng vừa là ngôi mộ của Chúa vừa là Giáo hội vì khi rửa tội, người ta được dìm vào trong đó để cùng chết với Đức Kitô và được tái sinh với Ngài trong cung lòng Hội Thánh của những người tin. Người ta cũng không để các bình Nước Thánh ở các cửa ra vào nhà thờ. Dù không nên sử dụng trong khi có dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu ở trạng thái bình thường, bình Nước Thánh để giáo dân ra vào nhà thờ chấm nước và làm dấu thật ý nghĩa cho đời sống thiêng liêng của họ. Đôi khi, sự giản lược hoặc thậm chí khinh suất của người có trách nhiệm làm mất dần truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu trong Giáo hội.

Đoàn Văn Sinh, A.A.

Tài Liệu Tham Khảo

 

  1. Các Sách Nghi Thức

 

AT: Nghi Thức An Táng-1969

CP: Sách Các Phép

GL: Giáo Luật-1983

GLCG: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

GM: Nghi Thức Giám Mục (Coeremoniale Episcoporum)-1984

HP: Nghi Thức Hôn Phối

KD: Nghi Thức Khấn Dòng

LG: Hiến Chế Giáo Hội (Lumen Gentium)

PL: Sách Các Phép (De Benedictionibus)-1984

RM: Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma 2005

TE: Nghi Thức Thanh Tẩy Trẻ Em

UBPT: Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGM Việt nam

  1. Từ Điển và Sách                                                                                     

Bradley, Ilan. Water A Spiritual History. In Bloomsbury Publishing PLC. London: 50 Bedfort Square, WC1B 3DP, 2012.

BRIQUET, Jean. Le Symbole de l’eau dans Liturgie, V. Le lavement des mains, https://abbaye-de-cadouin.com/wp-content/uploads/2017/03/Le-symbole-de-leau-dans-la-liturgie.pdf

Cypriano, Thư 63, bản tiếng Pháp trong http://www.clerus.org/clerus/dati/2004-05/24-6/LET_2.html#_Toc73183320.

Darrigrand, Mariette. Eau Mythes et Symboliques. Paris: Etudes et Comportements, Edition 2015.

DE GENOUDE, Eugène Antoine. Oeuvre de Tertullien, Tome troisème, De l’oraison Dominicale, second edition. Paris: Publication, Louis Virès, 1852.

Dictionnaire de l’Académie Française, édition 9e, https://www.dictionnaire-academie.fr/article/A9B0841.

Donghi, Antonio. Words and Gesture In The Liturgy. Translate by William McDonough, Dominic Serre and Ted Bertagni, Collegeville Minnesota: Liturgical press, 2009.

Johnson, J. Lawrence. The Mystery of Faith, A Study of the Strctural Elements of The Order of Mass. Washington DC: FDLC, NE, 2003.

Joshep, Bingham. The Antiquities of The Christian Church, Vol. II, book VIII. Lon don: William Straker, 443 West Strand, 1840.

Nguyễn Thế Thủ. Phụng Vụ Tổng Quát. Tp HCM: CV Giuse, 2001.

Nguyễn Thế Thủ. Cẩm Nang Các Nghi Thức, Bí Tích và Á Bí Tích. Tp HCM: Cv Giuse, 2003.

Olivier de la Brose. Antoinin Marcel Henry và Philippe Rouillard, Dictionnaire Des Mots de la foi Chétienne. Paris: Esditions du Cerf, 1968.

Tertullianô, Traité du Baptême. Trans. by M. DROUZY, OP, trong Source Chrétien, Paris: Cerf, Tour Maubourg, 1953.  

Theiler, Henry. Holy Water and Its Significance for Catholics. edite by Sophia Institute Press, Manchester: New Hampshire, 2016.

Trigilio, John. The Catholicism Answer Book-The 300 most Frequently Asked Question. Naperville, Illinois: Sourcebook, Inc..2007.

Wnerl, Donald. Ronald Lawler, Thomas Cornerford Lawler và Kris D. Stubna, Các Bí Tích, Gặp Gỡ Liên Tục Với Đức Kitô, bản Việt ngữ bởi Trần Xuân Tâm, Huntington: In 46750, nxb Our Sunday Visitor, INC, 2010.

  1. Các Bài Bài Báo và Huấn Quyền.

Aletia. Làm Phép Nhà Mới Là Một Việc Quan Trọng, http://conggiao.info/lam-phep-nha-moi-la-mot-viec-quan-trong-d-56623.

Emilio Higglesden. “Signs and Symbols: A Reffection”, Sacred Music, Vol. 117, Number 4 (Winte 1900), 13.

Hội Đồng GMVN, Ủy Ban Phụng Tự, Giải thích Quy Định về Giảng Lễ, Đặt Tay và Rảy Nước Phép, tháng 3 năm 2019.  

Nguyễn Văn Hương. Thánh Giustinô, Người Tiên Phong Trong Việc Đối Thoại Giữa Đức Tin Và Lý Trí, trong https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Thanh-Giustino-Nguoi-Tien-Phong-Trong-Viec-Doi-Thoai-Giua-Duc-Tin-Va-Ly-Tri.html.

Phan Tấn Thành. Dùng Nước Thánh Để Làm Gì? Trong https://giaophanvinhlong.net/dung-nuoc-thanh-de-lam-gi.html.

Phan Tấn Thành. Phụng Vụ Khấn Dòng, Lịch Sử Và Thần Học, đăng ngày 17/11/2020 trên https://catechesis.net/phung-vu-khan-dong-lich-su-va-than-hoc/#_ftn4.

Phạm Đình Ái. “Đừng Lãng Quên Giếng Rửa Tội”, trong CG&DT, 28/08/2015.

[1] Kitô giáo sử dụng nước trong rửa tội, tuy nhiên một số tôn giáo xem nước là thành phần quan trọng trong nghi thức tẩy uế chẳng hạn như người Sikh coi việc tắm trong hồ Amritsar ở Harmandir Sahib (Golden Temple) nhằm được phục hồi, được thanh lọc nghiệp chướng; Nước cũng dùng trong việc thanh tẩy của theo đạo Hindu, Phật Giáo tại Ấn Độ khi họ xuống tắm ở sông Hằng. Người theo đạo Islam Sunni và Shia cho rằng có thể hòa tan nước với bụi ở các địa điểm thiêng liêng như Karbala và Najaf để chữa bệnh và tinh thần. Người Do thái giáo cũng xem nước là có thể tẩy rửa thân xác và làm sạch tâm hồn trước khi vào đền thánh.

 [2] Chẳng hạn việc rảy Nước thánh trên đôi nhẫn cưới trong Bí tích hôn nhân mà bài viết sẽ nói ở phần sau.

3] “Ta sẽ khơi nguồn những con sông trên các đỉnh cao hoang trống, cùng những suối nguồn nơi các cánh đồng bát ngát. Ta sẽ biến sa mạc trở thành ao hồ và đất khô thành các giòng suối nước” (Is 41, 18).

[4] “Ta sẽ đổ nước xuống trên miền khao khát và những mạch nước trên đất khô khan; Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên giòng dõi các ngươi…” (x. Is 44, 3-4).

[5] “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài, Lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan”

 [6] “toutes les espèces d’eau, du fait de l’antique prérogative qui les marqua à l’origine participent donc au mystère de notre santification, uen fois Dieu invoqué sur elles.” Tertullianô, Traité du Baptême, dịch bởi M. DROUZY, OP, trong Source Chrétien, (Paris: édition par Cerf, Tour Maubourg, 1953) 70.                                                                      

[7] “Để được ơn tha thứ lỗi lầm quá khứ, khi dìm mình trong nước, người ta kêu cầu cho những người muốn tái sinh và những ai sám hối tội lỗi mình, nhân danh Thiên Chúa là Cha và Chúa tể vũ trụ. Việc kêu cầu này được thực hiện do những người dẫn người rửa tội đến giếng thanh tẩy…Việc dìm mình này gọi là sự Soi Sáng, vì tâm trí của những tân tòng sẽ được tràn đầy ánh sáng. Và người được soi sáng cũng được thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô và nhân danh Chúa Thánh Thần, Đấng nhờ các tiên tri mà loan báo trước những gì liên quan đến Đức Giêsu” (First Apology, 61). X. Nguyễn Văn Hương, Thánh Giustinô, Người Tiên Phong Trong Việc Đối Thoại Giữa Đức Tin Và Lý Trí, trong https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Thanh-Giustino-Nguoi-Tien-Phong-Trong-Viec-Doi-Thoai-Giua-Duc-Tin-Va-Ly-Tri.html, (truy cập ngày 30/07/2021).

 [8] X. hạn từ Eau Bénite, trong Olivier de la Brose, Antoinin Marcel Henry và Philippe Rouillard, Dictionnaire Des Mots de la foi Chétienne, (Paris: Esditions du Cerf, 1968) 246. 

[9] Hạn từ Bénir, Dictionnaire de l’Académie Française, édition 9e, trong https://www.dictionnaire-academie.fr/article/A9B0841 (truy cập ngày 30/07/2021). Trong Sách Các Phép, hạn từ này luôn mang 2 ý nghĩa song song là Thiên Chúa chúc lành cho con người và con người chúc tụng Thiên Chúa. Hai sự việc này luôn được thực hiện trong suốt Lịch Sử Cứu Độ. Giáo Hội tiếp tục chúc tụng Thiên Chúa và lôi kéo ơn lành của Thiên Chúa xuống cho con người, đặc biệt qua các bí tích và việc làm các bí tích… (CP, ss. 1-15).

 [10] GL 1983, số 853. Trong Nghi Lễ Rửa Tội Trẻ Nhỏ của Ủy Ban Giám Mục Về Phụng Vụ cũng nói rằng trong trường hợp nguy tử thì người thực hiện nghi thức Rửa tội không cần sử dụng nước đã làm phép (x. Ủy Ban GM về Phụng Vụ, Nghi Lễ Rửa Tội Trẻ Nhỏ, (Sài Gòn, 1970), 91.

[11] GL 1983, số 862 triệt 2.

[12] Hồng y Donald W. Wnerl nói rằng cách tiếp cận tốt nhất với Bí tích Thanh Tẩy là qua Phụng vụ Canh Thức Vượt Qua (x. Donald W. Wnerl, Ronald Lawler, Thomas Cornerford Lawler và Kris D. Stubna, Các Bí Tích, Gặp Gỡ Liên Tục Với Đức Kitô, bản Việt ngữ bởi Trần Xuân Tâm, (Huntington: In 46750, nxb Our Sunday Visitor, INC, 2010), 54.

 [13] Nghi thức làm phép nước, RM, s. 283.

 [14] X. Phan Tấn Thành, Dùng Nước Thánh Để Làm Gì? Trong https://giaophanvinhlong.net/dung-nuoc-thanh-de-lam-gi.html (truy cập 30/7/2021).

 [15] “Nếu các cách trước không được thì hãy dùng cách đổ nước trên đầu ba lần nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” 

 [16] X. Rm 6, 3-4.

 [17] X. Phạm Đình Ái, Đừng Lãng Quên Giếng Rửa Tội, trong CG&DT, đăng ngày 28/08/2015 trên http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/du-ng-la-ng-quen-gie-ng-ru-a-to-i_a1604 (truy cập ngày 2/8/2021).

 [18] X. Ilan Bradley, Water A Spiritual History, Bloomsbury Publishing PLC, (London: 50 Bedfort Square, WC1B 3DP, 2012), 75.

 [19] X. Phạm Đình Ái, Ibid.

 [20] TE, Dẫn Nhập Tổng Quát, số 6.

 [21] Công đồng Lyon 1274; GLCG số 1279;  xem thêm trong Donald W. Wnerl, Ibid., 60.

 [22] “Họ được mai táng với Ngài, họ lại được ban cho sự sống với Ngài, và họ lại chỗi dậy với Ngài. Vì Thanh tẩy gợi lại những kết quả của chính Mầu Nhiệm Vượt Qua, bởi vì nhờ người nam người nữ vượt qua từ cái chết của tội lỗi vào trong sự sống” (TE, số 6.)

 [23] X. Nguyễn Thế Thủ, Phụng Vụ Tổng Quát, (TP HCM: CV Giuse, 2001), 192.

 [24] X. Antonio Donghi, Words and Gesture In The Liturgy, dịch từ tiếng Ý bởi William McDonough, Dominic Serre và Ted Bertagni, (Collegeville Minnesota: Liturgical press, 2009), 48.

 [25] “In the nuptial Mass, the wedding rings of the couple are blessed using holy water. One can view this not only as an act of purification, but also as a sign of the “dew from above.” That is, what dew is to the land—life giving and prosperous—let the blessing of God be in your soul: in this case, bringing prosperity within the marriage” [x. Emilio Higglesden, “Signs and Symbols: A Reffection”, trong Sacred Music, Vol. 117, Number 4 (Winte 1900), 13].

 26] X. GLCG, ss 1650-1666. 

 [27] X. Nguyễn Thế Thủ, Ibid., 196-197.

 [28] X. Antonio Donghi, Ibid., (footnote 21)

 [29] “Nghi thức này được cử hành trong hầu hết các dòng tu khi một người vào nhà tập theo giáo luật. Ngày xưa trong nghi thức này, người ta trao áo dòng cho các ứng sinh; nhưng ngày nay, vì áo dòng được coi như dấu hiệu của sự thánh hiến, nên với nhiều nơi, việc trao áo dòng được dời vào ngày khấn.” [x. Phan Tấn Thành, Phụng Vụ Khấn Dòng, Lịch Sử Và Thần Học, đăng ngày 17/11/2020 trên https://catechesis.net/phung-vu-khan-dong-lich-su-va-than-hoc/#_ftn4 (truy cập ngày 3/8/21).

 [30] PL – 1984, s. 831.

 [31] Ibid. , ss. 1074-1077.

 [32]  Nguyễn Thế Thủ, Cẩm Nang Các Nghi Thức, Bí Tích và Á Bí Tích (TP HCM: Cv Giuse, 2003), 207.

 [33] PL – 1984, s. 985.

 [34] Ibid., s. 651.

 [35] GM -1984, s. 840.

 [36] Nguyễn Thế Thủ, Cẩm Nang Các Nghi Thức, Bí Tích và Á Bí Tích, (TPHCM: Cv Giuse, 2003), 196.

 [37] X. Aletia, Làm Phép Nhà Mới Là Một Việc Quan Trọng, trong http://conggiao.info/lam-phep-nha-moi-la-mot-viec-quan-trong-d-56623

 [38] X. John Trigilio, The Catholicism Answer Book-The 300 most Frequently Asked Question (Naperville, Illinois: Sourcebook, Inc..2007), 167.

 [39] RM – 2002, s. 51.

 [40] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, A Study of the Strctural Elements of The Order of Mass, (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 15.

 [41] X. Henry Theiler, Holy Water and Its Significance for Catholics, edite by Sophia Institute Press (Manchester: New Hampshire: 2016), 26.

 [42]  LG, s. 10.

 [43] UBPT, Giải thích Quy Định về Giảng Lễ, Đặt Tay và Rảy Nước Phép, tháng 3 năm 2019. Đăng trên https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-phung-tu-giai-thich-quy-dinh-ve-giang-le-dat-tay-va-ray-nuoc-phep-35073 

 [44] Người ta tìm thấy một ví dụ trong sách Macabe “Cũng như chỉ uống nguyên rượu hoặc nguyên nước thì không tốt, nhưng uống rượu có pha chút nước thì mới ngon lành và thú vị” (x. 2 Mcb, 15, 39).

 [45] “Rồi một người sẽ mang bánh và một chén rượu đã hòa nước lên cho vị chủ tọa trên anh em” (Apol. 1.65, 67).

 [46] “En effet, comme le Christ nous portait tous, qu’il portait nos péchés, nous voyons que l’eau figure le peuple, le vin le Sang du Christ. Quand donc dans le calice l’eau se mêle au vin, c’est le peuple qui se mêle avec le Christ, et la foule des croyants qui se joint et s’unit à celui en qui elle croit. Ce mélange, cette union du vin et de l’eau dans le calice du Seigneur est indissoluble. De même l’Église, c’est-à-dire le peuple qui est dans l’Église et qui fidèlement, fermement, persévère dans la foi, ne pourra jamais être séparée du Christ, mais Lui restera attachée par un amour qui des deux ne fera plus qu’un.” [Cypriano, Thư 63, bản tiếng Pháp trong http://www.clerus.org/clerus/dati/2004-05/24-6/LET_2.html#_Toc73183320]

 [47] “Ce geste indique que nous devons eetre purs de tout péché. Ce sont nos mains qui agissent, laver nos mains n’est autre chose que purifier nos actions” (X. Jean BRIQUET, Le Symbole de l’eau dans Liturgie, V. Le lavement des mains, bản PDF, 10, trong https://abbaye-de-cadouin.com/wp-content/uploads/2017/03/Le-symbole-de-leau-dans-la-liturgie.pdf

 [48] X. Ilan Bradley, Ibid., 23.

 [49] X. Mariette Darrigrand, Eau Mythes et Symboliques, (Etudes et Comportements, Edition 2015), 41. https://www.cieau.com/wp-content/uploads/2017/06/LIVRET_mythes_symboles_280115.pdf

 [50] Tác giả Bingham Joshep đã viết “In the middle of which stood a Fountain for washing as they entered into the Church, called Cantharus and Phiala in some authors. It is further to be noted, that in the middle of the atrium, there was commonly a fountain, or a cistern of water, for people to wash their hands and face, before they went into the church” [x. Bingham Joshep, The Antiquities of The Christian Church, Vol. II, book VIII (William Straker, 443 West Strand, Lon don, 1840), 122].

 [51] X. Eugène Antoine DE GENOUDE, Oeuvre de Tertullien, Tome troisème, De l’oraison Dominicale, second edition, (Paris, publication, Louis Virès, 1852), 263.

 [52] X. X. Henry Theiler, Ibid., 32-33                                

 [53] AT – 1969, s. 10. 

 [54] PL – 1984, s. 1085.

 [55] GM1984, ss. 110-111.