Sau những ngày bận rộn và lắng đọng của Tuần Thánh và Phục Sinh, anh em cộng đoàn Fatima-Bình Triệu đã dành ra ít ngày để ghé thăm và khám phá miền Tây Nam Bộ. Với mục đích thắt chặt tình huynh đệ cộng đoàn, và cũng là dịp để anh em nghỉ ngơi, tìm hiểu các địa điểm tôn giáo, văn hóa, khí hậu, thiên nhiên, và tính cách người dân tại khu vực dã ngoại. Với nhiều anh em trong cộng đoàn, trước đây họ chỉ nghe đến “thương hiệu”: người miền tây chân chất thật thà, có sao sống zậy… Thì nay họ đã được trải nghiệm, được cùng ăn, cùng giao lưu với những con người này.
Lúc 13h00 xe lăn bánh tại cổng nhà thờ Fatima Bình Triệu, trên xe chúng tôi mang theo những cảm xúc hào hứng để bắt đầu hành trình khám phá miền tây sông nước hữu tình.
Khoảng 16h30, chúng tôi đã đến Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đón tiếp chúng tôi là những nụ cười tỏa nắng cùng với sự chân chất, thật thà và dễ gần của một số bà con nơi đây, sự niềm nở đó đã khiến chúng tôi quên đi sự uể oải sau chuyến xe để cùng hòa chung niềm vui với họ. Tối cùng ngày, chúng tôi có bữa cơm ấm áp, thân mật, cũng là khoảng thời gian để các anh em cùng nhau vui ca, thưởng thức những câu tân cổ do các cô chú “thổ địa” thực hiện.
Lúc 05h00 sáng ngày 06 tháng 4 năm 2024, đoàn chúng tôi đến Chợ nổi Cái Răng. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, vì thế khoảng 4h45 sáng, các anh em trong đoàn đã tề tựu đông đủ trước bến để đợi ghe. Ghe chạy khoảng 15 phút thì tới chợ, trước mắt chúng tôi là khung cảnh tấp nập của ghe thuyền xuôi ngược, chở những đặc sản của vùng sông nước. Trong khi đang thưởng ngoạn thì có những ghe chở trái cây đến rao bán, có người thì mua vài ký xoài, có người mua ký nhãn, có người mua ly sữa đậu nành, có người mua vài quả dừa, tất cả những đặc sản này đều được rao bán trên ghe. Sau khi tham quan chợ nổi, nhiều anh em trong đoàn khá vui vì được trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng nơi đây. Riêng cá nhân tôi thì cảm nhận được cuộc sống giản dị và bình yên của vùng đất này, những điều đó làm tâm hồn tôi rộng mở, thư thái và tự nhiên hơn.
Cũng buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đến thăm dòng Chúa Quan Phòng, Trung Tâm Mục Vụ, Đức Mẹ Rạch Súc-Bình Thủy, tại những địa điểm này chúng tôi lại được cảm nhận cách sâu sắc hơn nét đẹp của tính cách người miền Tây. Đón tiếp chúng tôi là nụ cười thân thiện của các nữ tu và linh mục miền Tây, những lời chào nhẹ nhàng, lời dẫn vui tươi khi chúng tôi tham quan khuôn viên các điểm trên. Sau khi tham quan, chúng tôi nhận thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đã che chở và gìn giữ đức tin nơi đây qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, giữa những cơn sóng của lịch sử, đức tin nơi đây vẫn được bà con giữ vững, tiếp tục triển nở và thu được nhiều hoa trái.
Buổi tối cùng ngày đoàn chúng tôi đã đến Bến Ninh Kiều. Đây là địa danh du lịch nổi tiếng của Tp. Cần Thơ được hình thành từ thế kỷ 19. Nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều nét văn hóa truyền thống và chúng tôi được thưởng thức những món ăn dân dã như: canh chua, cá lóc kho, mắm kho quẹt… Cùng với lời mời chào đon đả của cô hai miệt vườn làm tình quê trở nên ấm áp hơn.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi trở về Tp. Mỹ Tho để khám phá “tứ linh miệt vườn”: cồn Long, Lân, Quy, Phụng. Từ trên cầu Rạch Miễu nhìn xuống, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự bát ngát, mênh mông của dòng sông Tiền thơ mộng. Đón tiếp chúng tôi là chất giọng ngọt lịm của em gái miền Tây, cô ấy đã đợi chúng tôi từ sớm để hướng dẫn những nét đặc sắc của miền tứ linh. Tại cồn Lân (còn có tên gọi quen thuộc khác là cồn Thới Sơn), chúng tôi được ngồi trên những chiếc xuồng ba lá đi len lỏi vào những con rạch nhỏ quanh co, ngắm cây bần, dừa nước. Chúng tôi cũng được ngồi trên chuyến xe ngựa chạy tung tăng khắp trong vài con ngõ nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe đờn ca tài tử, thưởng thức chất giọng trong veo của các cô thôn nữ miệt vườn, những điệu đàn điêu luyện của các nghệ sĩ nơi đây.
Đến cồn Phụng (tên gọi khác là Tân Vinh), chúng tôi được chiêm ngưỡng viện bảo tàng dừa, có nhiều đồ gia công mỹ nghệ làm từ dừa, ngay cả những vật liệu làm căn nhà này cũng bằng dừa. Nơi đây còn lưu lại sân Rồng, tháp Hòa Bình là những dấu tích còn sót lại của đạo Dừa do Nguyễn Thành Nam sáng lập. Ngoài ra, trên cồn Phụng chúng tôi được trải nghiệm các công đoạn của nghề làm kẹo dừa và bánh tráng truyền thống của Bến Tre.
Chuyến đi này để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng và có nhiều kỷ niệm với miền Tây miệt vườn. Những ấn tượng đó thật khó để nói về thiên nhiên sông nước, nét văn hóa và nhất là con người miền tây trong vài câu chữ. Chúng tôi sẽ lưu giữ kỷ niệm đẹp về thiên nhiên và con người miền tây trong tim, để mỗi khi nhớ lại nụ cười ấy, giọng nói ấy, khung cảnh ấy vẫn gợi lên cảm xúc vẹn tròn nơi chúng tôi.
Chuyến đi đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm về con người, thiên nhiên và những nét văn hóa truyền thống được lưu truyền tại đây mà vài câu chữ khó diễn tả, khó truyền tải hết được.
Micae Hoàng Tâm, A.A