Trong bài giảng về sứ mạng truyền giáo trích từ Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”. Câu nói này đã đánh động tôi rất nhiều, đặc biệt là trong kì thực tập tông đồ tại Giòng Than vừa qua.
Ngẫm nghĩ lại cuộc đời, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ, tôi đã nhận được biết bao hồng ân nhưng không của Thiên Chúa: hồng ân được sinh ra làm người, hồng ân được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội, được có những điều kiện thiết yếu để lớn lên về thể xác và tinh thần và đặc biệt, ngay lúc này, hồng ân trở nên một tập sinh trong Hội dòng Augustinô Đức Mẹ lên Trời, và còn nhiều hồng ân khác nữa. Đức Giêsu Kitô, Đấng mà tôi đã và đang bước theo, đã dành hết thời gian, công sức và cả con người Ngài qua việc giảng dạy và gẫn gũi với con người hầu mong đón nhận ơn cứu độ qua giá trị Tin Mừng là những gì Ngài đã truyền giảng. Cũng vậy, tôi được Ngài mời gọi đi với Ngài và bước đến “vùng ngoại biên” Giòng Than để cùng chia sẻ đời sống thiếu thốn và nghèo khó với những anh em dân tộc Khmer về cả vật chất và tinh thần. Họ đang sống giữa sự oi bức của mùa hè cộng với mùi hôi thối của chất thải từ các nhà máy và khu dân cư. Như có điều gì thúc đẩy, tôi đã cố gắng bỏ lại sau lưng mình những tiện nghi vật chất để hòa mình vào những cảnh đời đáng thương này.
Cái vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền đã đẩy những anh em Khmer bỏ quê cha đất tổ Miền Tây đến Giòng Than làm việc trong các nhà máy chế biến cá. Họ mang theo cả gia đình cùng những tập quán và phong tục của mình. Cả gia đình mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người bố, còn người mẹ thì ở nhà trông giữ con cái. Thời gian rảnh rỗi, họ bóc vỏ hạt điều với thu nhập chỉ 20.000đ/ ngày. Thế nên, những đứa trẻ ở đây lớn lên với bao thiệt thòi, chẳng được ăn uống cũng như học hành đầy đủ. Mặc dù 14 tuổi, chúng đã phải làm việc tại các nhà máy để phụ giúp bố mẹ. Cái vòng luẩn quẩn này cứ thế tiếp tục.
May thay, các soeur Dòng nữ Tử Bác ái đã hiện diện. Các soeur đã quy tụ các em nhỏ để dạy cho chúng “cái chữ” với hy vọng phần nào sau này các em có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng đã cộng tác với các soeur trong việc dạy học và vui chơi với các em. Tiếp xúc với các em nhỏ, tôi nhận thấy sự thật thà, đơn sơ, hồn nhiên và vui tươi nơi các em. Đó cũng chính là những đức tính mà Chúa Giêsu mời gọi tôi trở nên những gì như trẻ nhỏ là để được dự phần vào Nước Trời.
Hội Dòng chúng tôi cũng đã giúp các em có những bữa trưa ngon miệng hơn. Chúng tôi đã phụ giúp các nhân viên Quán Cơm Nhân Ái trong việc chuẩn bị cho các em bữa ăn trưa này. Đó chính là những nỗ lực mà chúng tôi đã cố gắng bù đắp vào những thiếu thốn của các em nhỏ này.
Mỗi buổi chiều, chúng tôi đã cùng nhau dọn dẹp vệ sinh khu phố với mong muốn “lấy lại” cho nơi đây một môi trường sạch sẽ hơn. Thật vui, vì chính các em nhỏ là những người hăng hái nhất: đến thật sớm và đợi ở cửa nhà chúng tôi, thu gom rác thải và quét dọn vệ sinh cách vui vẻ và nhiệt tình. Chúng tôi cũng truyền cho các em thông điệp bảo vệ môi trường sống, Thông Điệp Laudato Si’. Hy vọng những nỗ lực nhỏ nhoi này của chúng tôi sẽ giúp cho mọi người ý thức hơn về việc bảo vệ ngôi nhà xanh của chúng ta.
Vừa dọn vệ sinh, chúng tôi vừa lân la đến thăm hỏi các gia đình anh em Khmer. Họ đã chia sẻ cho chúng tôi những câu chuyện về những trăn trở, băn khoăn trong cuộc sống của họ. Đơn giản, họ chỉ cần có ai đó ngồi xuống lắng nghe họ giãi bày tâm sự. Chính những chia sẻ đơn sơ của những người này giúp tôi nhìn lại cuộc sống của chính mình. Qua đó, tôi sẽ cố gắng biến đổi mình, trở nên giống Đức Kitô hơn và noi gương Ngài mang hết cả con người mình để phục vụ Chúa và chia sẻ chính con người mình và những gì mình có mà phục vụ tha nhân, để đáp lại biết bao hồng ân Thiên Chúa đã dành cho tôi trong cuộc sống.
Mặc dù, thời gian ở đây chỉ có 2 tuần lễ, nhưng tôi đã góp nhặt cho mình những kinh nghiệm quý báu. Những điều này giúp cho tôi trở nên nhạy bén hơn với những dấu chỉ của thời đại và các vấn đề của xã hội. Đồng thời, những trải nghiệm thực tế đó đã giúp tôi ý thức được đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.
Để kết thúc, tôi xin kể về 1 câu chuyện ở Giòng Than.
– Tôi: Này em, lớn lên, em sẽ làm gì?
– Em nhỏ: Thưa thầy, con muốn … à, …..ừ…
– Tôi: Nói đi em, ước mơ của em là gì? Em cũng muốn trở thành những công nhân làm cá như bố mẹ hay anh chị à?
– Em nhỏ: Dạ,…. không….
– Tôi: Không sao, chỉ là ước mơ thôi mà
– Em nhỏ: Con muốn trở thành một bác sĩ.
– Tôi ……….. ???
Tôi đã thinh lặng không nói nên được lời nào. Làm sao đây? Để trở thành bác sĩ, trước hết, em phải được học tập đầy đủ, rồi phải thi, phải học đại học,… chẳng có con đường nào khác. Những ý nghĩ ấy chợt xuất hiện trong đầu tôi nhưng tôi chẳng dám trả lời em. Tôi chỉ biết dâng lên Chúa với hy vọng một ngày nào đó cái vòng luẩn quẩn này sẽ có thể chấm dứt. Các em sẽ được sống trong môi trường tốt hơn, được ăn uống đầy đủ, được đến trường và được vui chơi lành mạnh. Ước mong những giấc mơ của các em sẽ thành hiện thực, nhưng để biến điều ấy thành hiện thực, hy vọng “người lớn” không lấy và loại bỏ đi “cái hoài bão” tốt đẹp ấy.
Phan Thông, tập sinh AA.