Các Thánh Tử đạo Hàn Quốc: Laurent IMBERT, André KIM, Paul CHUNG và các bạn

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Kitô giáo du nhập vào vương quốc Hàn Quốc vào năm 1784 bởi hai nhà trí thức, Yi Seung-Hun và Yi Byok.

Yi Byok, được coi là người đầu tiên sáng lập của Giáo hội Hàn Quốc

Yi Byok sinh năm 1754, xuất thân từ một gia đình quý tộc, nổi tiếng có truyền thống quân sự: ông nội và thân phụ cùng hai anh em của Yi Byok đều là tướng lĩnh trong triều. Tuy nhiên Yi Byok lại là người có hứng thú với nghiên cứu, anh đã có cơ hội đọc một số sách Kitô giáo được mang đến từ Trung Quốc bởi các quan đại sứ vì họ phải đi sứ Bắc Kinh hàng năm.

Vào tháng Giêng năm 1780, Yi Byok được 26 tuổi, anh được biết rằng tại ngôi chùa Phật giáo Chon Jin Am, trên núi khuất trong sơn cước thâm u, có một nhóm các học giả tổ chức một cuộc họp kín để nghiên cứu về tôn giáo. Yi Byok quyết định đi đến đó mặc dù lúc đó là cao điểm của mùa đông, từ Seoul Yi Byok đã đi bộ hơn 60 cây số, vượt qua những con đường phủ đầy tuyết, và đến nơi diễn ra cuộc họp vào lúc nửa đêm.

Cùng với các học giả, dưới ánh nến, chàng thanh niên Yi Byok đã thảo luận về những văn thư kinh điển của Nho giáo. Xuyên xuốt hơn mười ngày, Yi Byok và các học giả đã so sánh một cách khách quan các giáo lý trong các sách Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo với các chân lý Công giáo như đã được trình bày. Đặc biệt, họ tham khảo cuốn sách nổi tiếng của Matteo Ricci, một linh mục dòng Tên truyền giáo tại Bắc Kinh: “Diễn văn chân thực về Thiên Chúa”. Cuối cùng các học giả đã quyết định chấp nhận đức tin Công giáo và quyết tâm sống dựa vào đó. Mỗi ngày hai buổi sáng – tối, họ phục bái để cầu nguyện. Các học giả đã đọc được là cứ bảy ngày thì nên dành một ngày cho việc phụng sự Thiên Chúa, nên các ông tuyên bố Ngày của Chúa (Chúa Nhật) là các ngày mùng 7, 14, 21 và 28 của tháng âm lịch, đó là điều duy nhất họ biết vào thời điểm đó.

Trở về nhà, Yi Byok truyền bá giáo lý cho những người thân cận. Anh nhận thức rõ là anh thiếu kiến thức về giáo lý. Vào năm 1783, nhân dịp một chuyến đi sứ sang Trung Quốc, Yi Byok đã gửi người bạn Yi Seung-Hun đến một Giáo xứ ở Bắc Kinh để học hỏi và mang thêm sách về nước. Khi đã đến Bắc Kinh, Yi Seung-Hun đã đến giáo xứ Bắc Đường (Beitang), anh được cha de Grammont tiếp nhận. Cha Grammont đã đồng hành, dạy giáo lý và đã rửa tội cho Yi Seung-Hun với tên thánh là Pierre (Phêrô). Trở về Hàn Quốc, Yi Seung-Hun lần lượt rửa tội cho Yi Byok và một số người bạn của Yi Byok. Từ đó, Đạo Công giáo bắt đầu lan rộng đến các tỉnh.

Các Thánh Tử Đạo Hàn Quốc

 

Bốn cuộc bách hại tàn khốc từ 1785 đến 1881

Đến năm 1785, các học giả Nho giáo, nhận thấy giáo thuyết mới này đã làm đảo lộn truyền thống và quyền lợi của họ. Thế là họ ban lệnh bài trừ, quân lính đã bắt giữ một trong những Kitô hữu, Kim Beom-Woo, chủ của mảnh đất mà hiện là nhà thờ Chánh tòa Myong Dong Giáo phận Seoul. Kim Beom-Woo bị tra tấn và trục xuất, rồi chết vì bị thương. Còn Yi Byok, anh bị gia đình giam cầm tại nhà. Anh phải chịu đựng áp lực rất lớn từ thân phụ nếu anh không bỏ Đạo. Ông đã tự buộc một sợi dây quanh cổ và đe dọa sẽ tự sát ngay tại chỗ nếu con trai của ông cứ kiên trì tin Đạo. Nhưng Yi Byok đã làm chứng về đức tin của mình bằng cách nhịn ăn, suy niệm liên tục cả ngày lẫn đêm. Sau mười lăm ngày nhịn ăn, Yi Byok đã qua đời vào năm 1786, khi đang ở tuổi 32.

Sắc lệnh bắt Đạo đầu tiên được ban hành vào năm 1791. Lý do từ một lá thư của Giám mục Bắc Kinh đã cấm thờ cúng tổ tiên vì điều đó trái với giáo lý Công giáo. Mặc dù điều đó khiến họ phải trả giá rất nhiều, nhưng những người tân tòng đã chấp nhận vâng lời Đức Giám Mục và đã từ chối việc thờ cúng tổ tiên nên nhiều người trong số họ đã chết tử đạo.

Năm 1794, một linh mục người Trung Quốc, Jacques Chu, người đã bí mật xâm nhập vào Hàn Quốc và đã tìm thấy  không dưới bốn ngàn Kitô hữu, có dân số tín hữu tăng nhanh đến nỗi Triều đình đã ban sắc lệnh đàn áp vào năm 1801, Cha Jacques Chu đã bị xử tử cùng với 300 tín hữu đồng đạo. Rồi các cuộc bách hại tàn khóc khác liên tiếp nổ ra vào năm 1815 và năm 1827. Thế nhưng vào năm 1837, Giám mục Tông tòa tiên khởi Laurent Imbert cập bến, Đức cha đã tìm gặp được hơn 6000 Kitô hữu đang được Cha Pierre-Philibert Maubant và Cha Jacques-Honoré Chastan coi sóc, hai cha bí mật đến Hàn Quốc vào năm 1836.

Đức Cha Laurent-Joseph-Marius Imbert, sinh ra ở Marignane vào năm 1796. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở làng Calas (xã Cabriès, dọc eo biển Azur, miền nam nước Pháp). Ngài vào chủng viện của hội Thừa sai Hải ngoại Paris MEP năm 1818. Ngài được phong chức linh mục vào ngày 18 tháng 12 năm 1819 và được sai đến Trung Quốc năm 1820. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa của Hàn Quốc và làm giám mục hiệu tòa (in partibus) Capsa ở Byzacène (Tunisia). Ngài được tấn phong giám mục tại Seu-Tchouen và sau đó thâm nhập vào Hàn Quốc năm 1837. Sau ba tháng học tiếng Hàn, Đức Cha đã biết đủ tiếng Hàn để giảng đạo và ban bí tích giải tội. Vào lễ Phục sinh năm 1838m Đức Cha đã ban bí tích giải tội cho hơn 300 hối nhân. Mặc dù bị tố cáo và truy bắt nhưng cộng đồng Kitô hữu gia tăng nhanh chóng, vào tháng 1 năm 1839, có 9000 tín hữu.

Tôi chỉ ở lại hai ngày trong mỗi giáo điểm, nơi tôi quy tụ các Kitô hữu, và trước khi ngày mới xuất hiện, tôi chuyển qua một nhà khác. Tôi chịu nhiều đau khổ vì nhịn đói, bởi vì sau khi thức dậy lúc hai giờ rưỡi, chờ đến giữa trưa để thưởng thức bữa ăn tồi tệ và một chút thực phẩm thiếu dinh dưỡng, trong một khí hậu khô và lạnh thì thật là không dễ dàng chút nào. Sau khi dùng bữa, tôi nghỉ ngơi một chút, rồi sau đó tôi dạy lớp thần học cho các đại chủng sinh; Sau đó tôi ngồi giải tội cho đến đêm. Tôi đi ngủ lúc chín giờ, nằm trên nền đất phủ một tấm chiếu và một tấm thảm len của thổ nhĩ kỳ; ở Hàn Quốc, không có giường cũng không có nệm. Tôi vẫn thế, luôn có một cơ thể ốm yếu và lắm bệnh, sống một cuộc sống cần lao và quá bận rộn; nhưng ở đây, tôi nghĩ rằng tôi đã đạt đến đỉnh cao và sự tuyệt vời nhất trần đời của công việc. Bạn hãy suy nghĩ đi, với một cuộc sống quá khổ cực như thế, chúng ta sẽ không sợ nhát kiếm dứt điểm tí nào cả. – Trích thư Đức Cha Laurent-Joseph-Marius Imbert.

Bị phản bội, Đức Cha Laurent-Joseph-Marius Imbert  bị bắt vào ngày 11 tháng 8 năm 1839 và để không làm phiền các tín hữu, Đức Cha đã khuyến khích hai đồng môn khác cùng tự nộp. Luôn từ chối tố cáo các tín hữu, các ngài đã bị thẩm vấn và đánh đập trong hai ngày (15 và 16 tháng 9) tại Sai-nam-hte, gần Seoul. Vào ngày 21 tháng 9, những kẻ hành quyết lột trần các ngài đến tận thắt lưng. Chúng dí mũi tên xuyên qua lỗ tai và rắc nước lên mặt trước khi rắc vôi lên đó; Bị buộc vào các cột hành hình, bị bắt quỳ xuống, họ đã bị kết liễu bằng những nhát kiếm. Andrew Kim, linh mục người Hàn tiên khởi, được phong chức tại Thượng Hải vào năm 1845 cũng đã bị chặt đầu tại Hàn Quốc vào ngày 16 tháng 9 năm 1846.

Thánh Tử đạo Anrê KIM, linh mục tiên khởi người Hàn Quốc

Cuộc bách hại thứ tư và là cuộc bách hại lớn sau cùng tàn khốc nhất, diễn ra vào năm 1866. Có rất nhiều linh mục và tín hữu, bao người Hàn Quốc và người Pháp, đã bị xử tử vì đạo. Số nạn nhân ước tính khoảng tám ngàn, chưa kể tất cả những người bị lưu đày, chết vì đói khổ hoặc vì lạnh giá trên các vùng núi. Nhiếp chính gia Hàn Quốc, vào năm 1866, đã có lập một bia đá hoành tráng, dòng chữ Hoa được khắc lên đó là: “Giáo phái đồi bại của các Kitô hữu đã bị tiêu diệt”. Vào ngày 12 tháng 6 năm 1881, cuối cùng, Triều đình đã ra sắc lệnh tuyên bố chấm dứt đàn áp và nên khoan dung đối với Kitô giáo.

Đức Giáo Hoàng Piô XI và Gioan Phaolô II Tuyên Phong Hiển Thánh

Vào ngày 5 tháng 7 năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong chân phước cho 4 giáo sỹ và 75 tín hữu. Ngày 6 tháng 5 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh 103 vị tử đạo của Hàn Quốc, những người bị xử tử từ năm 1839 đến 1867.

Thành phần của các vị Thánh Tử Đạo Hàn Quốc như sau : 3 giám mục người pháp, 7 linh mục người Pháp thuộc hội thừa sai Paris, 1 linh mục người Hàn quốc (André Kim Taegon), 20 giáo lý viên và 72 giáo dân.

 

 

Nguồn http://missel.free.fr/Sanctoral/09/20.php

Chuyển ngữ
Fr. André Tuấn, AA