Cảm Nhận Về Chuyến Tông Đồ Hè 2017

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Lại một năm nữa trôi qua với biết bao hồng ân Thiên Chúa ban cho. Anh em nhà tìm hiểu kết thúc một năm học tiếng Pháp với kết quả tốt đẹp. Bao mệt mỏi, lo lắng về kỳ thi cuối khóa đã qua, giờ đây anh em đang trong tâm trạng phấn khởi, hồi hợp và một tinh thần sẵn sàng về chuyến đi tông đồ hè, không biết mình sẽ đi phục vụ ở đâu: cao su, giáo xứ truyền giáo hay phải ở nhà? Bao nhiêu sự tò mò đã được Cha phụ trách “bật mí”. Điểm đến của con và 2 anh em năm nay là được đi phục vụ ở một giáo xứ truyền giáo – Lộc Hiệp –  thuộc tỉnh Bình Phước gần biên giới Campuchia,  được biết đến là một giáo xứ khó khăn, với số giáo dân ít ỏi. Điểm đến đã biết, anh em chỉ nôn nóng được tới ngày “vác balo” lên và đi.

Xin được nói sơ lược qua về giáo xứ Lộc Hiệp nơi chúng con đến:  Giáo xứ được thành lập ngày 12 tháng 05 năm 2014, toạ lạc tại Xã Lộc Hiệp, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước, đây là giáo xứ xa thứ nhì trong Giáo Phận Phú Cường chỉ sau Gx Tân Thành. Số giáo dân hiện nay khoảng 609 người, chưa tính được hết những gia đình rối hay bỏ đạo, số hộ gia đình trên 165 hộ người Kinh, và một số khá đông anh chị em giáo dân thuộc dân tộc Stiêng, Khơme và Thái.

Là vùng truyền giáo nghèo, nơi mà cuộc chiến năm 1972 đã tàn phá hầu như bình địa, những người tín hữu công giáo nơi đây là những anh chị em nghèo từ mọi miền đất nước kéo về tìm kế sinh nhai, với những khó khăn khác nhau, đa phần sống bằng nghề làm mướn ở các Nông Trường cao su. Nơi đây, đời sống đức tin của bà con giáo dân gặp muôn vàn khó khăn thử thách, có đến 83% gia đình rối đạo, các em thanh thiếu niên chưa có nơi để cầu nguyện và học biết giáo lý.

Sau nhiều cố gắng, ngày 12 tháng 05 năm 2014, giáo xứ được chính quyền chính thức cho phép thành lập. Và sau đó, vào ngày 25 tháng 05 năm 2014, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo Phận Phú Cường đã bổ nhiệm cha Phêrô Maria Trần Thái Phong về phục vụ giáo xứ này. vâng lời Đức Cha, cha Phêrô đón nhận nhiệm vụ với nhiều lo âu, trăn trở. Bởi lẽ, đây là một giáo xứ mới, chỉ có một mảnh đất diện tích 40mx70m, ở vùng xa xôi hẻo lánh, lại chưa có nhà thờ, nhà xứ và nhiều điều cần cho sinh hoạt mục vụ nữa. Để dâng lễ hằng ngày, bà con phải nhờ nhà của một giáo dân, rồi thuê một cái vòm đám cưới làm nơi dâng lễ. Quả là một thách đố lớn đối với cộng đoàn giáo xứ !

Ngày 26 tháng 2 năm 2016 ( ngày 09 Tết Bính Thân) , cả giáo xứ vui mừng và vinh hạnh được đón tiếp Đức giám mục giáo phận Giuse Nguyễn Tấn Tước về dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa vì muôn Phúc lộc Chúa đã thương ban cho cộng đoàn cũng trong dịp này, đức cha trao ban bí tích Thêm sức đầu tiên cho con em trong giáo xứ, công bố nghị định thành lập giáo xứ theo giáo luật, làm phép ngôi nhà thờ tạm mới được làm nên do công khó của bao người, và làm phép các công trình phụ như quả chuông, khánh thành nhà xứ, đón nhận ban hành giáo mới và đặc biệt là chính thức bổ nhiệm cha Phêrô Maria Trần Thái Phong làm cha chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Lộc Hiệp để chăm sóc cộng đoàn.” – Trích kỷ yếu giáo xứ Lộc Hiệp

Anh em chúng con lên đường vào một ngày đầu tháng sáu và hành trang chúng con mang đi là một tâm trạng hồi hộp, lo lắng và bồn chồn: hồi hộp vì không biết nơi mình đến sẽ như thế nào, lo lắng vì không biết mình sẽ giúp được gì cho giáo xứ, bồn chồn vì những trải nghiệm mình sẽ có trong chuyến đi tông đồ này. Ngồi trên xe, mà lòng cứ hướng về nơi mình sẽ đến, cứ sợ rằng xe sẽ chở mình đi quá đích đến mặc dù xe chỉ mới lăn bánh và đã dặn bác tài rất nhiều lần… đang thiu thiu ngủ thì bác tài kêu lên: ba anh kia, dậy đi, tới nơi rồi. Ôi! Sao nhanh thế, xe phải chạy bốn tiếng cơ mà, nhìn lại đồng hồ thì đã hai giờ trưa, đã bốn tiếng trôi qua mà không biết. Bước xuống xe mà lòng hân hoan, trời lại mưa phùn, một cơn mưa làm se mát lòng người, như hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng con. Chúng con phải đi bộ thêm năm trăm mét nữa mới tới giáo xứ, vừa đi vừa tung tăng hát ca. Tới nơi, đó là một ngôi thánh đường nhỏ, hay nói đúng hơn đó là ngôi thánh đường di động, di động vì được rắp ráp tạm bợ, chúng con hiểu và cảm nhận về sự khó khăn của giáo xứ và sự hy sinh của Cha Chánh xứ.

Vừa bước vào thì có một người đàn ông trạc tuổi năm mươi ra đón, nhìn gương mặt phúc hậu và dáng vẻ thánh thiện thì chúng con đoán được là Cha Chánh xứ, nhìn Cha có nhiều suy tư và lo lắng, chắc là vì quá lo cho giáo xứ và giáo dân của Ngài. Chưa chào hỏi được câu nào thì có một phái đoàn từ thiện của các thầy phó tế vĩnh viễn ở bên Mỹ vào, sau này mới biết là họ về  giúp giáo xứ xây dựng hai ngôi nhà tình thương, đúng là một cuộc hội ngộ được sắp đặt bởi Thiên Chúa. Chúng con vào cất đồ và ra dùng cơm chung với cha và các thầy, thì ra cha đã đợi chúng con và phái đoàn từ sáng đến giờ, một bữa cơm đạm bạc mà đậm tình cha con.

Sau khi dùng cơm xong, cả đoàn được cha dẫn đi giới thiệu về hai gia đình sẽ được tặng nhà. Nhà đầu tiên là gia đình chị Na, một bà mẹ đơn thân phải nuôi hai đứa con nhỏ, phải chật vật lắm mới vô được tới nhà, chị vui mừng hớn hở mời cha và cả đoàn vào nhà , nhưng nhà thì nhỏ và dột nát, không có chổ để tiếp khách. Sau khi tìm hiểu thì mới biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, căn nhà nhỏ đó không nói lên hết Thánh Giá mà chị phải vác, mặc dù khó khăn như vậy, từ sâu trong mắt của chị vẫn toát lên được một niềm hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho các con, hy vọng sẽ có chổ che mưa che nắng cho gia đình nhỏ của mình, và niềm hy vọng  đó sắp trở thành hiện thực qua sự giúp đỡ của cha xứ. Gia đình thứ hai sắp được giúp đỡ, đó là gia đình của anh Tâm, gia đình anh Tâm may mắn hơn gia đình của chị Na một chút, vì gia đình còn hai vợ chồng, nhưng kinh tế cũng không khá hơn là mấy, kinh tế gia đình đè nặng trên vai của người đàn ông trạc tuổi bốn mươi, ban ngày anh đi làm công, ban đêm anh đi bắt cua cá để cải thiện bữa cơm gia đình, tất cả thu nhập anh có được điều phải lo cho đứa con bị bệnh hen xuyễn của mình, nhiều khi con nhập viện, nhà không còn tiền anh phải chạy vay mượn bà con hàng xóm cho nên đến tận bây giờ tuy vất vả và siêng năng làm ăn  nhưng anh cũng không có một căn nhà để ở, phải nhờ một túp lều của người hàng xóm. Hai gia đình, hai số phận nhưng vẫn chung một cái nghèo.

Ngày đầu tiên tông đồ kết thúc trong sự mệt lã của ba anh em, thật là nhiều điều muốn nói, nhiều thứ cần được diễn tả. Tất cả cảm xúc được gói gọn trong hai từ “ý nghĩa”.

Ngày thứ hai trong cuộc hành trình tông đồ, ba anh em đều dậy sớm vì đã quen giờ ở nhà tìm hiểu, nhưng hôm nay giáo xứ lễ buổi chiều nên nhà xứ vắng tanh, trong tinh thần đã chuẩn bị cho một ngày làm việc hăng say, nhưng cha xứ lại nói: “hôm nay cho các thầy nghĩ ngơi đấy, lấy tinh thần mà chiến đấu, các thầy ở đây còn dài mà”, hôm đó chúng con được hai em trong nhà xứ dẫn đi tham quan trong vùng.

Ngày thứ ba trong cuộc hành trình, lại một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Hôm nay cha xứ đi tĩnh tâm trong hạt, cha cho đi theo để biết các cha của giáo phận tĩnh tâm như thế nào. Tuy chỉ đi có nửa ngày nhưng chúng con cũng cảm nhận một phần nào về đời sống ơn gọi của các linh mục triều, một không khí đầy trang nghiêm và linh thiêng trong buổi tĩnh tâm. Sau buổi tĩnh tâm có bữa cơm thân mật cho các cha gặp gỡ và trao đổi, khác hẵn với không khí lúc tĩnh tâm, các cha bây giờ nói chuyện rôm rã và vui tươi, xua tan đi những mệt mỏi và lo lắng hàng ngày. Kết thúc buổi tĩnh tâm, cha xứ chở chúng con về trên một chiếc xe từ thời “vua Bảo Đại”, khi đi được nữa đường thì chú ấy lại dỡ chứng ương ngạnh, không chịu chạy nữa. Ôi! Rõ thật, đến cái xe cũng hạnh hạ cha, nhưng cha vẫn vui vẻ mà nói với giọng châm biếm: “cái xe biết các thầy mới nên nó làm nũng đó, chứ có mình cha nó không dám làm nũng đâu”, cha con cùng cười rôm rã, trước khi bước theo Chúa, cha tốt nghiệp và làm việc bên cơ khí, nên chỉ cần mười phút đã trị được con ngựa chứng rồi.

Mấy ngày sau cha phân công công việc của chúng con là giúp đỡ các em trong giáo xứ về học vấn, các môn tự nhiên và anh văn từ lớp một cho đến lớp mười. Các em trong xứ đa phần là con nông dân, nhà nghèo nên tỷ lệ bỏ học để phụ giúp gia đình rất cao, em nào còn học thì cha sẽ giúp hết mình, tuy nhiên, vì gia đình nghèo phải lo kiếm sống nên các cha mẹ không còn thời gian để theo dõi việc học của các em. Thế là chúng con có công việc rồi, không sợ bị thất nghiệp nữa. Các em học rất siêng và ngoan ngoãn, có nhiều em lớn phải phụ giúp ba mẹ công việc trút mủ cao su ban ngày, nên các em xin được học vào ban đêm.

Một giờ học của lớp hè

Vào cuối tuần cha thường tổ chức cho chúng con đi thăm các gia đình nghèo trong xứ để biết thêm về cuộc sống của giáo dân. Tuần trước, chúng con có dịp đi thăm một gia đình làm nghề đánh cá tại sông Măng – một con sông giáp ranh biên giới Campuchia, tuy đã được nghe nhiều về nghề sông nước nhưng hôm nay con mới cảm nhận được cuộc sống vất vả lênh đênh như thế nào, giữa một bên là nước bạn, một bên là nước ta, theo chia sẽ của gia chủ, lắm lúc các bạn Campuchia cũng kéo chài “giúp” chúng ta. Cuộc sống là thế, tuy có nhiều vất vả gian lao, nhưng con vẫn thấy trong thâm tâm hồn họ có một điều gì đó hy vọng, một điều gì đó tin tưởng và phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Tuy mới chỉ sống ở đây hơn 2 tuần nhưng chúng con cũng cảm nhận được một phần cuộc sống vất vả của một giáo xứ truyền giáo biên giới, của một người cha phải lo cho giáo dân của mình cả về kinh tế lẫn tinh thần. Chỉ còn 2 tuần nữa chúng con sẽ ra đi, thời gian còn lại tuy không nhiều nhưng con nghĩ còn rất nhiều điều để con khám phá và cảm nhận. Chúng con rất cảm ơn sự chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ của cha xứ để chúng con có thể hoàn thành được một chuyến tông đồ thật ý nghĩa. Xin Thiên Chúa ban ơn nâng đỡ, giữ gìn để cha có thể tiếp tục trên cánh đồng truyền giáo này.

Cam Bá Phúc