Vào ngày Chúa nhật, ngày 26 tháng 5 năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Plovdiv (Bulgaria) để phong chân phước cho ba vị tử đạo dòng Đức Mẹ Lên Trời. Ba tu sĩ đã bị chính quyền nhà nước Bulgaria kết án tử hình vào ngày 3 tháng 10 năm 1952, với cáo trạng (xin được trích nguyên văn) “phạm các tội vì đã thiết lập và điều hành ở Bulgaria […] một tổ chức bí mật, một cơ quan thuộc mật vụ tình báo của Giáo hoàng và của các đế quốc, nhằm mục đích là lật đổ và làm suy yếu chính quyền dân chủ nhân dân thông qua một cuộc đảo chính, một cuộc nổi dậy, các hành động khủng bố, tội phạm nguy hiểm và có sự can thiệp của nước ngoài “. Vào ngày 11 tháng 11 tiếp đó, lúc 11:30 tối, họ bị bắn cùng với Đức Giám mục Bossilkov trong sân nhà tù trung tâm Sofia. Các ngài được chôn vùi trong một ngôi mộ tập thể, thi thể của các ngài sẽ không bao giờ được tìm thấy.
Kamen Vitchev ( 1893- 1952 )
Sinh ngày 23 tháng 5 năm 1893, tại Srem, Bulgaria, trong một gia đình nông dân công giáo rất đạo đức. Trong số sáu cậu bé của gia đình này, có hai người sẽ trở thành linh mục dòng Đức Mẹ Lên Trời. Kamen Vitchev đã được rửa tội với tên gọi Petar (có nghĩa là Phêrô). Theo truyền thống của Dòng Đức Mẹ Lên Trời lúc đó, Petar đổi tên thành Kamen khi gia nhập Tập Viện tại Gempe, Bỉ quốc, vào ngày 18 tháng 9 năm 1910.
Trước đây Kamen đã từng theo học ở tiểu chủng viện Karagach, gần Adrianople và Phanaraki, phía bờ Châu Á của Biển Marmara. Cuối thời kỳ tập viện, chàng trai trẻ Kamen, được đánh giá là ngoan đạo, nghiêm túc và chăm chỉ, được gửi đến Louvain, Bỉ quốc, để học triết học và thần học. Những nghiên cứu của Kamen đã bị gián đoạn vì việc thực tập giảng dạy tại trường Trung học Thánh Augustin ở Plovdiv và trường khơi lửa ơn gọi ở Koum Kapou …
Kamen được thụ phong linh mục tại Constantinople vào ngày 22 tháng 12 năm 1921, theo Lễ nghi Đông Phương. Sau đó, cha Kamen trở lại Châu Âu để học thần học ở Strasbourg và Rôma … Cha Kamen nhận bằng tiến sĩ thần học ở Strasbourg năm 1929. Cha là chuyên gia lịch sử của Giáo hội ở Bulgaria, cha Kamen đã công bố nhiều nghiên cứu trên tạp chí “Echos d’Orient” (Tiếng vọng Đông Phương).
Từ năm 1930, cha được bổ nhiệm làm Giáo sư Triết học và Giám học trường Trung học Thánh Augustin ở Plovdiv cho đến khi chính quyền cộng sản đóng cửa vào ngày 2 tháng 8 năm 1948. Tất cả các học trò của Cha Kamen đều nhớ đến cha với tất cả sự xúc động, tôn trọng, biết ơn. Quả thế, trường trung học vĩ đại này của dòng Đức Mẹ Lên Trời đã trở thành lá cờ tiên phong của tầng lớp trí thức Bulgaria. Cha hoan nghênh đón nhận tất cả, không phân biệt thanh niên Chính thống giáo, Công giáo, Armenia, Do Thái hay Hồi giáo. Tất cả sống trong sự hòa hợp hoàn hảo mà không chối bỏ đức tin của họ. Đó là một thành công đại kết phi thường. Thế nhưng cơ sở tuyệt vời này nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của thể chê Cộng sản Bulgaria với tội danh liên hệ và tôn vinh văn hóa thực dân Pháp.
Sau khi trường trung học bị đóng cửa, cha Kamen trở thành Bề trên của Chủng viện Plovdiv. Mọi người tập trung dưới cùng một mái nhà, gồm mười lăm tu sĩ, năm sinh viên thần học và mười bốn chủng sinh. Năm 1949, tất cả các tu sĩ ngoại quốc đều bị trục xuất khỏi Bulgaria và cha Kamen được bổ nhiệm làm Phụ tá Giám Tỉnh dòng Đức Mẹ Lên Trời tại Bulgaria. Tỉnh dòng lúc đó có 20 thành viên, phụ trách 5 giáo xứ theo Lễ nghi Đông phương và 4 giáo xứ theo Lễ nghi Latin.
Tuy nhiên, những khó khăn dồn dập xảy đến. Tất cả đều được công an theo dõi chặt chẽ. Nhưng mối bận tâm về tài chính ngày càng trầm trọng. Vào tháng 8 năm 1950, một tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời đầu tiên bị bắt là cha Assen Tchonkov.
Cha Kamen Vitchev đã mô tả một tương lai khủng khiếp trong một bức thư viết cho cha Gervais Quenard, Bề trên Tổng Quyền dòng Đức Mẹ Lên Trời, vào ngày 24 tháng 11 năm 1949:
“Bức màn sắt ngày càng trở nên bất khả xâm nhập, và có lẽ người ta đang chuẩn bị hồ sơ cho các phiên tòa xét xử các linh mục Công giáo, các cha sẽ chung phận với các mục sư Tin lành khi thời cơ thích hợp đến.”
Cha Kamen bị bắt vào đêm 4 tháng 7 năm 1952 cùng lúc với cha Joseph Jidjov.
Là một tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời có đức tin mãnh liệt, nhiệt thành, trung tín. Cha Kamen còn là một nhà giáo dục tài năng và khả kính, hùng hồn, có tâm trí rất cương trực; một nhà đào tạo các linh mục, người phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội, luôn quan tâm đến người khác. Cha Kamen đã có một cuốc sống rạng rỡ và có một trách nhiệm quan trọng trong Giáo hội tại Bulgaria. Cha Kamen lúc đó trở nên mẫu người lý tưởng được những người cộng sản truy lùng để triệt hạ, một mục tiêu hoàn hảo cho sự thù hận của họ nhằm giảm uy tín của Giáo Hội và hàng giáo sĩ. Và trong các phiên tòa, mọi chuyện đã được thực hiện, nhằm mục đích triệt hạ uy tính, nhân cách của cha Kamen.
Pavel Djidjov ( 1919 – 1952 )
Cha Pavel Djidjov là người trẻ nhất. Cha cũng bị bắt vào đêm 4 tháng 7 cùng lúc với Cha Kamen Vitchev, lúc đó cha chỉ mới được 33 tuổi.
Sinh ngày 19 tháng 7 năm 1919 tại Plovdiv, người Philippoli trước đây, trong một gia đình Công giáo Lễ nghi Latin, Pavel đã được rửa tội vào ngày 2 tháng 8 với tên là Joseph. Tên gọi Pavel (nghĩa là Phaolô) chỉ được dùng khi cha gia nhập tập viện vào ngày 2 tháng 10 năm 1938 tại Nozeroy, ở Jura nước Pháp.
Khi còn trẻ, Pavel đã bày tỏ ước muốn trở thành linh mục. Anh vào chủng viện của các cha dòng Đức Mẹ Lên Trời và tiếp tục học trung học tại trường Thánh Augustin ở Plovdiv. Anh được ghi nhận là một học sinh giỏi, mạnh về toán học, sôi nổi, chơi thể thao trong câu lạc bộ kể từ khi trở thành “Locomotiv” của Plovdiv.
Sau khi hoàn tất năm tập viện, thầy Pavel đã học thần học ở Pháp trong Đệ Nhị Thế Chiến tại trường đại học Lormoy, gần Paris. Cuộc sống lúc đó thật khó khăn và người ta không có đủ lương thực, vì vậy, thầy Pavel đã chủ động nuôi thêm một vài con cừu để cải thiện bữa ăn thường nhật cho các sinh viên.
Nhưng vì lý do sức khỏe, năm 1942, thầy Pavel đã trở về quê hương Bulgaria, và đã học xong thần học tại đây. Pavel được phong chức linh mục theo Lễ nghi Latin vào ngày 26 tháng 1 năm 1945 tại Plovdiv.
Sau đó cha tiếp tục học ngành kinh tế và khoa học xã hội, và làm giáo sư tại trường đại học Varna. Cha Pavel ‘được’ cảnh sát theo dõi chặt chẽ vì cha có tầm ảnh hưởng lớn trên các sinh viên. Năm 1945, Cha Pavel được bổ nhiệm làm quản lý của trường Thánh Augustin ở Plovdiv cho đến khi ngôi trường bị chính quyền cộng sản đóng cửa vào tháng 8 năm 1948 và các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời tại Bulgaria đã bị tước đoạt hết mọi tài sản.
Các huynh đệ cùng dòng tại Pháp đã cố gắng giúp đỡ các anh em ở Bulgaria bằng cách gửi tiền thông qua Đại sứ Pháp.
Vào tháng 6 năm 1952, Cha Pavel, bình luận trong một lá thư về các vụ bắt giữ và kết án các linh mục, đã viết: “Xin cho thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện: chúng con đang chờ đến lượt của chúng con.” Và tháng sau thì cha bị bắt.
Tất cả những ai biết cha Pavel đều thán phục lòng đạo đức, khiếu hài hước, đức tin sâu sắc, tinh thần đại kết, sự kiên định của cha khi đối mặt với những người cộng sản. Cha không ngần ngại đối mặt với chính quyền để bảo vệ tài sản của Giáo hội; cha Pavel đến thăm viếng cha Assen Tchonkov, anh em cùng Hội Dòng, đang bị giam trong nhà tù ở Sofia và yêu cầu các công an giảm bớt sự đau đớn cho người anh em mình.
Josaphat Chichkov ( 1884- 1952 )
Trong số ba vị tử đạo dòng Đức Mẹ Lên Trời, Robert-Matthieu Chichkov (cũng như các tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời thời đó, đổi tên là Josaphat) là người lớn tuổi nhất.
Cha được sinh ra ở Plovdiv, vào ngày 9 tháng 2 năm 1884, trong một gia đình công giáo theo lễ nghi Latinh, gia đình đông con và rất nhiệt thành, Josaphat vào tiểu chủng viện dòng Đức Mẹ Lên Trời tại Karagach (Adrianople) khi chín tuổi, rồi theo học tiểu học và trung học cho đến năm 1899.
Khi chỉ mới 16 tuổi Josaphat đã được gia nhập tập viện ở Phanaraki, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 24 tháng 4 năm 1900. Josaphat được được thụ phong linh mục vào ngày 11 tháng 7 năm 1909 tại Mechelen, Bỉ quốc, sau khi học triết học và thần học ở Leuven.
Quay trở lại Bulgaria, nơi cha đã tiếp tục làm giáo sư tại trường Trung học Thánh Augustin ở Plovdiv, trường cao đẳng Thánh Michel ở Varna, Bề trên tiểu chủng viện “Saints Cyril và Methodius” ở Yambol và là quản xứ giáo xứ Latin tại Yambol. Đồng thời cha cũng là tuyên úy của các nữ tu Tận hiến Đức Mẹ Lên Trời. Sau đó, cha trở về ở Varna từ năm 1937 cho đến khi bị bắt vào tháng 12 năm 1951, bởi dân quân cộng sản.
Cha Josaphat là một người của công việc, một học giả lỗi lạc, một nhạc sĩ tài năng, một nhà thuyết giáo uyên bác, một nhà giáo dục giỏi, vui tính và hài hước. Luôn là người tiên phong trong công nghệ, cha Josaphat đã thiết lập một phòng hội thảo hiện đại đa phương tiện tại Yambol với một máy thu tín hiệu radio và một máy chiếu phim “Pathé-Baby” vào năm 1932. Ở Varna, cha Josaphat còn lập nên một ngôi nhà đa văn hóa Pháp-Bulgaria với hơn 150 thành viên.
Cha Josaphat thường đón tiếp Đức Giám mục Roncalli (sau này là Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII), khi ngài thực hiện các chuyến thăm viếng mục vụ tại Bulgaria, và người thường đến đây để nghỉ ngơi.
Cha đã viết trong một lá thư gửi năm 1930:
“Bằng tất cả sức lực, chúng con tìm cách làm bất cứ điều gì mà mọi mgười mong đợi nơi chúng con nhằm tự thánh hóa một cách âm thầm”
Mừng 13 tháng 11 năm 2019,
André Tuấn, AA
Chuyển ngữ