Chặng Đường 4 Tuần Mùa Chay Cùng Tôn Giáo Bạn

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

CHÚT TÂM TÌNH SAU CHUYẾN THĂM CÁC TÔN GIÁO BẠN

TRONG MÙA CHAY

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12, 24) Đức Giêsu thật tinh tế khi sử dụng hình ảnh hạt lúa mì để diễn tả quy luật tất yếu của vạn vật: “có sinh có tử, có tử lại có sinh”. Phải chăng, chết là một hình thức phát sinh sự sống mới? Mùa chay là cơ hội thuận tiện giúp chúng ta trở vào “sa mạc tâm hồn”, sống cô tịch hầu nhìn nhận con người đầy yếu đuối và bất toàn của mình. Vì thinh lặng là con đường tìm lại bản thân một cách rõ ràng nhất. Từ đó, chúng ta chết đi con người cũ, để “nảy mầm” sự sống mới nơi Đức Kitô Phục Sinh. Mùa Chay, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta sống ba chiều kích: ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và làm việc bác ái; để rồi cùng với Đức Kitô, chúng ta vác thập giá lên đồi Golgotha, và vinh thắng khải hoàn trên Thiên Quốc.

Trong sứ điệp mùa chay 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Khi làm điều thiện, đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9-10a). Đáp trả lời mời gọi của Đức Thánh Cha, anh em Tập sinh dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời được cha Giáo tập hướng dẫn, đồng hành và giúp đỡ sống tâm tình mùa Chay như: giữ chay, nguyện ngắm, tĩnh tâm, làm việc bác ái… Đặc biệt là chuyến thăm quan và học hỏi về kiến trúc, văn hóa, giáo lý…của các tôn giáo bạn trong suốt mùa Chay.

Chúa nhật I, anh em được thăm thánh thất Cao Đài – Tân Hòa. Theo giải nghĩa của đạo Cao Đài thì “thánh thất” có nghĩa là nhà thờ Đức Chí Tôn (Đấng Cao Đài) và các Đấng: Thần, Thánh, Tiên, Phật (hay còn gọi là “Ngôi nhà của Chư Thánh”). Người tu theo đạo Cao Đài chia thành 3 bậc thực hiện việc giữ giới khác nhau: Hạ thừa, Trung thừa, Thượng thừa. Cách bố trí nơi thờ tự như sau: dưới Thiên Nhãn là Thích Ca, rồi đến Lão Tử, Khổng tử (Tam Giáo), rồi đến Quan Âm, Lý Thái Bạch, Quan Thánh (Tam Trấn), Đức Giêsu Kitô, Khương Thái Công. Đạo Cao Đài có một số ngày đại lễ trong năm theo âm lịch như ngày 09 tháng Giêng lễ vía Đức Chí Tôn, ngày 15 tháng 8 lễ vía Diêu Trì Kim Mẫu, ngày 15 tháng 10 lễ kỷ niệm khai đạo…từng hệ phái có ngày lễ kỷ niệm riêng. Các tín đồ của đạo Cao Đài có một đức tin vào Đấng tạo dựng nên vạn vật, Đấng đạt đến tâm linh viên mãn. Và trong vũ trụ chỉ có một tâm linh viên mãn tuyệt đối là Thượng Đế. Đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các Đấng Thiêng Liêng qua linh cơ để giác ngộ khải mê, giúp tín hữu Cao Đài thức tỉnh tiến bước hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Mục đích của đạo Cao Đài nhằm hoàn thiện hóa con người và xây dựng xã hội bình đẳng, thế giới đại đồng. Về mặt tâm linh, đạo Cao Đài có mục đích giải thoát luân hồi sinh tử. Nói gọn, mục đích của đạo Cao Đài là “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát”.

 

Chúa Nhật II, anh em được đến thăm quan tịnh xá Ngọc Sơn Dinh toạ lạc ở thôn Hội Bài, xã Tân Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tịnh xá này có nguồn gốc từ năm 1986 do Đại đức Thích Giác Nhi đến đây khai khẩn, mở mang biến vùng đất này thành nơi canh tác trồng trọt và sinh sống. Năm 1989, Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh mới chính thức được thành lập dưới sự trụ trì của Thượng Toạ Thích Minh Hùng. Tịnh xá thuộc hệ phái khất sĩ- giáo đoàn Sơn Lâm Ca Diếp (họ xin lương thực trong các khu dân cư và tu luyện trên núi, trong rừng). Linh hồn của tịnh xá Ngọc Sơn Dinh là Thượng tọa trụ trì Thích Minh Hùng vì những ảnh hưởng và đóng góp to lớn của ông với tịnh xá. Nơi đây có Phật Quan Âm Lộ Thiên cao 11 mét trên núi Ngọc Sơn, xung quanh là khung cảnh thiên nhiên vẫn tồn tại vẻ hoang sơ của rừng núi. Phía dưới khu vực Ngọc Dinh là vườn lộc uyển cây cối xanh tươi, có tượng Bồ Tát Di Lặc to lớn với hình tượng của hòa thượng Bố Đại đứng trên địa cầu và Đức Phật nằm, mới được khánh thành. Giảng đường rộng lớn, tịnh xá gồm nhiều ngôi tịnh thất nhỏ dành cho những vị lớn tuổi đạo và chuyên tu, nhiều dãy nhà rộng và dài, mỗi dãy gồm nhiều phòng dành cho ni chúng. Hằng năm, ngoài những ngày lễ truyền thống như Lễ Vu Lan, Phật Đản Sanh…Ngọc Sơn Dinh còn tổ chức ngày lễ Tổ vào mùng 01 tháng 02 và ngày lễ Phật Thành Đạo ngày 15 tháng Chạp. Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh là điểm du lịch tâm linh còn nguyên vẻ hoang sơ của núi rừng.

Chúa Nhật III, anh em được thăm quan chùa Đại Tòng Lâm. Tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự. Là một ngôi đại tự có nhiều công trình quy mô lớn và hiện đại. Chùa tọa lạc trên đường Quốc Lộ 51, thuộc khu Quảng Phú, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chùa Đại Tòng Lâm thuộc tông phái Bắc Tông. Người sáng lập là Thích Thiện Hòa. Trụ trì là Thích Quang Hiền. Hằng năm, chùa Đại Tòng Lâm là nơi tổ chức khóa “An cư kiết hạ” cho chư Tăng trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bên trong có tượng đài Bồ tát Quan Âm, phía sau điện Phật là bàn thờ Tổ sư Đạt Ma, có tháp, tượng, bia tưởng niệm cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Bên trái chùa là nhà giảng, sau tượng đài có nhà tăng, nhà phương trượng và nơi lưu trú cho khách hành hương. Ngôi chùa do Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907-1978) đến khai sơn vào năm 1958 với mục đích xây dựng nơi đây thành một Đại Tòng Lâm có quy mô lớn, tiến đến mở học viện Phật giáo, quy tụ tăng ni khắp nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa thực hiện sự nghiệp “Hoằng pháp độ sinh”.

Chúa Nhật IV, anh em được thăm quan miếu Bà Ngũ Hành Phước Hòa (hay còn gọi là Đình Thần Phước Hòa), tọa lạc ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi đây thờ một vị tướng đã có công “lập làng”. Hằng năm, bà con đến thắp hương, dâng cúng để tưởng nhớ công ơn người đã “khai sinh” ra ngôi làng. Ngoài những điểm thăm quan là nơi thờ tự và sinh hoạt của các tôn giáo bạn thì miếu Bà là nơi để hậu thế tri ân đến các bậc tiền nhân. Một nét đẹp văn hóa đáng được gìn giữ và phát huy của dân tộc Việt Nam.

Mùa Chay là cơ hội thuận tiện mà cha Giáo tập đã chọn, giúp anh em tập sinh hiểu biết chính mình hầu phân định để nhận ra thánh ý Chúa. Đồng thời, cũng là cơ hội để khám phá và mở mang tầm hiểu biết về những nét đẹp văn hóa, kiến trúc, giáo lý…của các tôn giáo bạn. Qua đó, giúp anh em nhận ra rằng: “Hạt giống Ngôi Lời đã cắm sâu và bén rễ trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.” Vì thế, chúng ta không ngừng đối thoại, tạo mối tương quan thân thiện với các tôn giáo bạn; hầu làm cho “hạt giống ấy” được triển nở và phát sinh nhiều bông hạt. Đúng với kim chỉ nam của hội Dòng « Nguyện Nước Cha trị đến – Adveniat Regnum Tuum ».

                                                       Anh em Tập sinh khóa XIII