Chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập bạo lực. Quả vậy, vấn nạn bạo lực có thể được nhận thấy trong mọi môi trường : từ các mối tương quan mang tính vi mô như đời sống gia đình, nhà trường, cho đến các mối quan hệ vĩ mô, như quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Đáng buồn hơn, bạo lực đã len lỏi từ bao giờ và trở thành một vấn đề nhức nhối ngay trong lòng Giáo Hội. Ngoài ra, bạo lực cũng là một thực tế quan trọng trong Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước. Người ta thống kê rằng các hành động mang tính bạo lực xuất hiện ít nhất 600 lần trong Kinh Thánh. Một cách nào đó, chúng ta có thể hiểu bạo lực như một phần ăn sâu vào bản năng tự nhiên của con người, như Bernard Quelquejeu, triết gia người Pháp đã minh định : « Con người luôn có thiên hướng dùng đến bạo lực. Cần phải thừa nhận rằng trong bản chất tự nhiên của mỗi chúng ta luôn tồn tại một sự « khát máu » [1]». Thực tế này được củng cố bởi René Girard, nhà nhân học và triết học nổi tiếng người Pháp, cha đẻ của lý thuyết « Khao khát bắt chước » (mimetic desire) : « con người là miếng mồi béo bở của « bản năng bạo lực » [2]». Theo đó, nạn bạo lực đã, đang và sẽ là thách đố lớn nhất cho nền văn minh của chúng ta. Vì thế, hơn bao giờ hết, nhân loại cần một hình mẫu tuyệt vời, một kim chỉ nam soi đường vượt qua thách đố này.
Chúa Giêsu, là « ánh sáng muôn dân [3]», luôn là điểm quy chiếu tối thượng của mọi suy tư thần học và nhân học của Giáo Hội. Với xác tín đó, trong bài này, người viết muốn gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu như mẫu gương hoàn hảo của lối sống bất bạo động theo tinh thần Tin Mừng, mời gọi chúng ta noi theo Ngài để biến chuyển bản thân theo hướng thanh thuần hơn nhằm vượt qua bức tường bạo lực vốn đã ăn sâu vào xã hội đương thời. Để làm được điều đó, đầu tiên, cần định nghĩa lại khái niệm « bất bạo động » vốn thường chưa được hiểu đúng mực. Sau đó, chúng ta sẽ đi vào trọng tâm bằng cách khám phá các chiều kích khác nhau của lối sống bất bạo động mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã gợi ra cho chúng ta.
Vậy bất bạo động là gì ? Một cách chung chung, chúng ta thường có xu hướng giản lược hóa bất bạo động như từ trái nghĩa của bạo lực. Cách hiểu này không sai, nhưng chưa đủ. Chiếu theo lịch sử, khái niệm bất bạo động xuất hiện tương đối gần đây. Quả vậy, dù đã được thực hành từ rất lâu trước đó, bất bạo động chỉ trở thành một khái niệm học thuật tiếng Anh được Gandhi tạo ra vào năm 1920, trước khi được Romain Rolland và Louis Massignon sử dụng trong cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1921. Bất bạo động có thể được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau. Thông thường, khái niệm này diễn tả « quyết định từ chối mọi suy nghĩ, hành động và thể chế có thể gây tổn hại đến cuộc sống và nhân phẩm của tha nhân[4] ». Một cách chủ động hơn, Gandhi định nghĩa bất bạo động như « một quy tắc hành xử cần thiết phải có trong xã hội, bởi nó bảo đảm sự tôn trọng nhân phẩm của tha nhân [5]». Theo nghĩa đó, bất bạo động phải lấy tình yêu làm nền tảng, như René Girard đã khẳng định[6]. Vì lấy tình yêu làm nền tảng, tinh thần bất bạo động trở thành một quy chuẩn không thể thiếu trong mọi học thuyết của tất cả các tôn giáo đích thực. Nói cách khác, tinh thần bất bạo động « phán xét » các tôn giáo[7]. Một cách tất yếu, Kitô giáo, vốn xuất phát từ tình yêu và lấy lấy tình yêu làm trung tâm điểm của mọi học thuyết[8], không thể nằm ngoài logic này. Vậy, đâu là những khía cạnh giúp chúng ta nhận thấy nơi Chúa Giêsu mẫu gương hoàn hảo của tinh thần bất bạo động ? Trong chừng mực nào mà Ngôi Hai Thiên Chúa, dù cách xa thời đại chúng ta hơn 2000 năm, vẫn luôn là hệ quy chiếu tuyệt đối khi suy tư về tinh thần bất bạo động trong xã hội hôm nay ?
Nhằm trả lời câu hỏi then chốt trên, trước hết, người viết muốn khái quát qua bối cảnh lịch sử của xã hội Do Thái đương thời mà Chúa Giêsu dự phần, nhằm giúp độc giả dễ nắm bắt hơn vì sao Chúa Giêsu là người sống hết mình cho tinh thần bất bạo động. Cũng như ngày nay, xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu chìm ngập trong bạo lực. Trước tiên, cần biết rằng dân Do Thái thời bấy giờ chịu đựng ách đô hộ La Mã. Dưới sự cai trị của đế quốc La Mã, người dân phải chịu cảnh bạo lực, áp bức, thu thuế nặng nề[9]. Bên cạnh đó, dân Do Thái còn đối diện với các vấn đề bạo lực xuất phát từ chính trong nền văn hóa của mình. Một cách cụ thể, chế độ phụ quyền (patriarchy) vốn cho rằng nam giới nắm tất cả mọi quyền lực và trách nhiệm, là căn nguyên gốc rễ của nạn bạo lực trong đời sống gia đình Do Thái. Sống trong hệ tư tưởng sai lệch này, nữ giới bị coi như nguồn gốc của ô uế, tội lỗi, và cám dỗ[10] ; họ bị rẻ rúng, thậm chí bị giản lược hóa thành một tài sản của nam giới.Theo đó, người cha có thể bán con gái mình, và người chồng có thể rẻ rúng xua đuổi người vợ. Chút phác thảo hai yếu tố chính yếu của nạn bạo lực vừa qua giúp chúng ta có thể hình dung một cách tổng quát bối cảnh bạo lực của xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu. Đối diện với những vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã sống tinh thần bất bạo động như thế nào ? Dưới đây, người đọc muốn nêu ra bốn khía cạnh của lối sống bất bạo động theo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Đầu tiên, một cách tiên quyết, ta cần nhắc đến « kénose[11] » hay « tự xóa chính mình » trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Đây là thái độ chìa khóa mà nền tảng là là sự bỏ đi chính mình của một Thiên Chúa quyền năng đã mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận mọn hèn với chúng sinh. Cần phải nói rõ rằng, « kénose » không chỉ được thực hiện duy nhất trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, nhưng tiếp diễn liên lỉ trong suốt 33 năm trần thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Quả vậy, trong suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu không ngừng bỏ đi quyền năng của mình để chấp nhận sự yếu đuối của thân phận nhân loại, được thể hiện qua nhiều chi tiết trong Tin Mừng. Có thể nói đến việc Ngài chọn lựa một cách tự do không dùng đến sức mạnh nội tại của mình khi bị quân lính La Mã vây bắt trước cuộc chịu nạn. Lựa chọn này của Ngài được nhấn mạnh 2 lần liên tiếp : « Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm » (Mt 26, 52) ; « anh tưởng rằng thầy không thể kêu cứu với Cha thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần ! » (Mt 26, 53-54). Không đơn thuần là việc từ chối sử dụng quyền năng của mình để chống lại bạo lực, lựa chọn này của Chúa là một sự làm chủ bản thân tối thượng, ngang qua việc từ chối làm chủ tha nhân bằng sức mạnh của mình. Ngoài ra, « kénose » còn thể hiện qua việc Chúa « đưa má bên kia » (Mt 5, 39b). Ngài không phản kháng khi bị đánh đập, bị sỉ nhục ; Ngài lặng lẽ khiêm nhường để quân lính chà đạp, thóa mạ. Chẳng phải « kénose » – « tự xóa mình đi » chính là điều kiện tiên quyết để theo Chúa hay sao : « Ai muốn theo tôi, hãy bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ? » (Mc 8, 34) ? Chẳng phải « kénose » cũng chính là nguồn sức mạnh lớn lao tự giấu mình trong yếu đuối, được chọn lựa trong tự do mà thánh Phaolô đã trải nghiệm đó sao : « Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi » 2 Co 12, 9) ?
Khía cạnh thứ hai của tinh thần bất bạo động nơi Chúa Giêsu là lựa chọn đặt tha nhân làm trung tâm điểm. Nói cách khác, với Ngài, mỗi nhân vị là một cùng đích (telos) : « Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta » (Mt 7, 12). Quả vây, trái ngược với bạo lực vốn tìm cách phủ nhận và hạ thấp giá trị của tha nhân, tinh thần bất bạo động nơi Chúa Giêsu tìm cách đặt nhân phẩm cá vị của tha nhân vào trung tâm điểm của hành động. Một cách rõ nét nhất, khía cạnh này được thể hiện qua ánh nhìn của Chúa. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, ánh nhìn được dùng để biểu hiện sự dịu dàng và quan tâm của Thiên Chúa hướng về con người (Tv 11, 4b). Trong Phúc Âm, ta có thể thống kê 79 lần Chúa nhìn, hoặc quan sát. Ánh nhìn của Chúa không bị giới hạn trong chức năng thể lý của đôi mắt, nhưng được mở rộng ra với một tình cảm và một thái độ thiêng liêng : Ngài nhìn bằng con tim[12]. Phúc Âm không thiếu những cảnh Chúa Giêsu đặt tha nhân làm trung tâm điểm thông qua ánh nhìn của mình. Thánh sử Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu nhìn Simon, con ông Gioan để kêu gọi ông theo Ngài (Ga 1, 42) ; Ngài trao ban ánh mắt yêu thương với chàng thanh niên giàu có (Mc 10, 21) ; etc. Nếu như nữ giới bị khinh miệt rẻ rúng trong xã hội đương thời, thì Chúa Giêsu, ngang qua ánh mắt xót thương của mình, trả lại cho họ nhân phẩm vốn có. Thật vậy, ta có thể kể đến hình ảnh người phụ nữ góa bụa trong đền thờ (Mc 12, 41-44). Trước ánh nhìn chăm chú và tràn ngập yêu thương của Chúa, bà đã tìm thấy được nhân phẩm tưởng như đã đánh mất. Có thể kể thêm người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11). Đối diện với người phụ nữ ngoại tình, bị sỉ nhục, vứt bỏ, kết án ném đá đến chết, ánh nhìn vừa êm ái vừa mạnh mẽ của Chúa là xuất phát điểm của quá trình tha thứ, hòa giải, giải thoát bà khỏi bạo lực. Cũng cần nói thêm đến ánh mắt chia sẻ và đón tiếp mà Chúa dành cho những người thu thuế (Mt 9, 9-13). Ánh mắt dịu dàng của Chúa cho phép họ bước vào tiến trình hòa giải với Thiên Chúa, được người khác đón tiếp và chia sẻ với tha nhân. Cũng vậy, ánh mắt này của Chúa là điểm xuất phát của cuộc hoán cải nội tâm nơi Giakêu (Lc 19, 1-10), được bắt đầu bằng một sự chối bỏ mang tính quyết định : chối bỏ của cải và địa vị để theo Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Tuy nhiên, ánh mắt sâu sắc nhất, ấm áp và thanh khiết nhất phải là ánh mắt mà Chúa trao cho Phêrô. Đối mặt với một Phêrô tội lỗi và hèn nhát sau khi chối Thầy ba lần (Mc 14, 66-72), ánh mắt của Chúa Giêsu không mang tính trách móc hay kết án, nhưng thương xót và tha thứ. Đối mặt với một Phêrô tuyệt vọng và mất phương hướng, Chúa không trao cho ông ánh nhìn khinh khi, ghét bỏ, nhưng là một ánh nhìn êm dịu. Ánh mắt này của Chúa mở ra cho Phêrô một chân trời mới, giúp ông tái sinh trong ân nghĩa. Cũng như với Giakêu, ánh mắt đầy êm ái và dịu dàng của Chúa Giêsu là xuất phát điểm cho hành trình hoán cải của thánh nhân.
Khía cạnh thứ ba của tinh thần bất bạo động nơi Chúa Giêsu được gắn liền với quyết tâm đấu tranh mạnh mẽ cho sự thật và công lý: « Tôi sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi » (Ga 18, 37) ; « tôi là đường, là sự thật và là sự sống » (Ga 14, 6). Thiết nghĩ cần nhắc lại rằng Chúa Giêsu mang lấy bản tính nhân loại đích thực. Vì thế, không nên lý tưởng hóa Ngài như một siêu nhân mạnh mẽ, không run sợ trước cường hào ác bá. Là người, Chúa Giêsu cũng biết sợ hãi. Nỗi sợ vốn là một phần của bản năng con người. « Sự cao cả của con người là khả năng đối diện với sợ hãi, vì thế, không nên tìm cách phủ nhận chúng [13]». Kinh Thánh khắc họa cho chúng ta một Giêsu rất « người », một Giêsu cũng biết lo lắng, sợ hãi như chúng ta (Mt 16, 21 ; 17, 22-23 ; Mt 20, 22). Nhưng nỗi sợ không ngăn được việc Chúa dẫn thân bảo vệ cho công lý và sự thật. Quả vậy, Chúa giận dữ chống lại những người Pha-ri-sêu để bảo vệ sự sống và chữa lành người bị bại tay (Mc 3, 1-6) ; Chúa đuổi bọn lái buôn ra khỏi đền thờ, được thuật lại trong cả bốn Tin Mừng (Mt 21, 12-13 ; Mc 11, 15- 17 ; Lc 19, 45-48 ; Ga 2, 13-17) ; etc. Tuy nhiên, nếu như trong Tin Mừng Nhất Lãm, hành động của Chúa chỉ dừng lại ở việc lật đổ bàn ghế và đuổi phường lái buôn ra khỏi đền thờ, Tin Mừng theo thánh Gioan lại kể việc Chúa dùng chiếc roi mà xua đuổi họ. Cần phải giải thích điều này như thế nào ? Phải chăng chi tiết này phá vỡ đi hình tượng hoàn hảo của một Giêsu sống triệt để tinh thần bất bạo động ? Thánh Tô-ma Aquino giúp chúng ta hiểu rằng giận dữ là một cảm xúc đa diện và lẫn lộn giữa hai thái cực đối lập : khi đứng lên chống đối bất công, thì giận dữ là một điều thiện hảo ; nếu nhắm đến tha nhân, thì cơn giận là một sự dữ[14]. Theo đó, chúng ta cần hiểu rằng sự giận dữ này của Chúa nhắm đến hành động bất chính của những người lái buôn, chứ không chống lại nhân vị của họ. Ngài không khép kín họ lại trong những hành động bất chính. Họ vẫn luôn là một nhân vị với đầy đủ quyền tự do và nhân phẩm. Trái với sự giận dữ của con người vốn có xu hướng hủy hoại tha nhân[15], cơn giận của Chúa Giêsu là một cơn giận thánh, bùng lên để chống lại sự dữ, chứ không phải chủ thể gây ra sự dữ. Quả vậy, cơn giận của Chúa trong đền thờ xuất phát từ khao khát đấu tranh cho chân lý, hoàn toàn không mang thuộc tính của bạo lực. Theo nghĩa đó, sống tinh thần bất bạo động Tin Mừng theo Chúa Giêsu đòi hỏi khả năng đứng lên để đấu tranh cho công lý, cho sự thật và nhân phẩm của tha nhân. Cuối cùng, đừng quên rằng tinh thần bất bạo động của Chúa được xây dựng trên nền tảng một tình yêu không biên giới, đòi buộc yêu thương đến tận cùng, dẫu cho đó là kẻ thù của mình : « Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ thù ghét anh em » (Lc 6, 28). Đó cũng chính là xác tín được minh định trong khía cạnh cuối cùng của tinh thần bất bạo động theo Chúa Giêsu : biến cố thập giá.
Khía cạnh cuối cùng, cũng là đỉnh cao của của tinh thần bất bạo động nơi Chúa Giêsu, được biểu lộ trọn vẹn nơi biến cố thập giá. Nếu như nền tảng của bất bạo động được tìm thấy trong tình yêu, nền tảng này vươn tới đỉnh cao nơi Ngôi Hai Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại. Cần hiểu rằng biến cố thập giá là quy chuẩn tối thượng của danh tính người tín hữu[16], vì thế không nên gói gọn biến cố thập giá duy nhất trong giây phút Chúa trút hơi thở cuối cùng. Theo đó, chúng ta sẽ khái quát lại những thời khắc mấu chốt nhất theo thứ tự thời gian trong tiến trình chịu nạn của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhằm chỉ ra trong chừng mực nào mà con đường thập giá của Chúa lại trở nên nguồn gốc định danh Kitô hữu cho chúng ta.
Biến cố thập giá bắt đầu bằng hình ảnh Chúa Giêsu khiêm nhường ngồi trên lưng lừa khi tiến vào thành Jerusalem (Mc 11, 1-11). Hình ảnh này tóm gọn sự khiêm cung và lựa chọn chối bỏ quyền năng của bản thân mà Chúa đã sống trong suốt cuộc đời dương thế. Thời khắc thứ hai của biến cố thập giá là lúc Chúa giằng xé nội tâm khi đối diện với cái chết : « Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con ! » (Lc 22, 42a), trước khi chuyển hóa thành một sự đón nhận thập giá với hoàn toàn tự do và trí hiểu : « Dầu vậy, xin đừng theo ý con, nhưng xin ý Cha được nên ! » (Lc 22, 42b). Theo nghĩa đó, tinh thần bất bạo động của Chúa không đơn thuần chỉ là từ chối việc dùng bạo lực, hay đứng lên đấu tranh cho sự thật và chân lý. Sâu xa hơn, tinh thần bất bạo động của Chúa còn đòi hỏi việc trao ban chính mình, hiến dâng bản thân cho sự sống và nhân phẩm của nhân loại. Đó là một hành động tối thượng vượt qua mọi ranh giới và quy chuẩn thường thấy của tinh thần bất bạo động của xã hội loài người. Biến cố thập giá được tiếp tục bởi hình ảnh Chúa bị nhục mạ, đánh đập và điệu ra chất vấn trước Phi-la-tô (Ga 19, 5). Trước bạo quyền, Ngài đón nhận đau khổ và sỉ nhục trong bình an và tự do nội tâm. Không một tiếng phàn nàn hay phản kháng, Ngài bỏ qua quyền năng của bản thân, đón nhận tất cả trong khiêm cung và tự hạ đến tận cùng.
Biến cố thập giá tiến gần đỉnh cao với hành động tha thứ của Chúa : « Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34). Chúa Giêsu, vốn là hình mẫu hoàn hảo của người công chính bị bách hại, đã không kết án một ai. Ngài không đi vào vòng luẩn quẩn không hồi kết của hận thù và bạo lực. Trái lại, Ngài tha thứ tất cả và trao phó trọn vẹn cho Chúa Cha. Bằng sự thinh lặng và tha thứ của mình, Ngài đặt dấu chấm hết cho vòng xoáy căm hận và bạo lực, đồng thời mở ra con đường cho sự tự nhận thức tội lỗi nơi kẻ thù của ngài. Nói cách khác, Ngài mở ra tiến trình hoán cải cho quân dữ.
Biến cố thập giá đạt đến đỉnh cao bằng cái chết của Chúa Giêsu. Biến cố này, được nhà thần học Karl Rahner xem như « hành động hoàn hảo qua đó toàn bộ cuộc sống nhân sinh được vươn đến đỉnh cao nhất [17]», là tinh hoa của tất cả những giảng dạy và chứng tá về tinh thần bất bạo động của Con Một Thiên Chúa. Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu « chỉ ra cho chúng ta quyền năng của tình yêu hòa giải nơi Thiên Chúa. Trên thập giá, Đức Kitô bị biến dạng bởi tội lỗi của chúng ta, nhưng đồng thời, Ngài cũng biến đổi khi chúng ta khám phá ra nơi Ngài vẻ đẹp và vinh quang của một tình yêu tự hủy đi chính mình, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá[18] ». Cái chết trong nhục nhã đến tận cùng của Chúa giúp chúng ta không chỉ nhận ra mặc khải về nhân tính của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng còn giúp chúng ta khám phá ra chiến thắng của tình yêu với lòng thù hận, của bất bạo động với bạo lực. Cái chết này cũng cho phép nhân loại nhận ra yếu đuối, tội lỗi của mình trước khi khiêm cung hòa giải với Thiên Chúa. Chẳng phải hình ảnh người trộm lành gục đầu chết bên cạnh Chúa sau khi đã tuyên xưng đức tin (Lc 23, 43), hay anh lính La Mã thừa nhận trong thinh lặng sự công chính của Chúa dưới chân thập giá (Lc 23, 47) là minh chứng rõ nét nhất cho xác tín này sao ?
Chúng ta vừa khám phá ra chân dung của một Giêsu bất bạo động mà đỉnh cao được tìm thấy ngang qua agapé – hình thái đỉnh cao của tình yêu : Ngài yêu cho đến tận cùng, hiến dâng cả mạng sống mình vì yêu. Một mặt, tinh thần bất bạo động của Ngôi Hai Thiên Chúa được diễn tả ngang qua Bát Phúc (Mt 5, 3-11) : « phúc thay ai hiền lành, họ sẽ có đất hứa » ; « phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương » ; « Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là là con Thiên Chúa » ; etc. Mặt khác, khác với chủ nghĩa hòa bình (pacifism) vốn hướng đến một sự thu mình và bị động nhất định trước bạo quyền, Chúa Giêsu không ngần ngại lên tiếng cho sự thật và công lý. Quả vậy, trong xã hội Do Thái tràn ngập bạo lực và bất công, Ngài không ngừng dẫn thân bảo vệ sự sống và khôi phục lại nhân vị cho những người cô thế, bằng cách đặt họ vào trung tâm điểm của lời nói và hành động của mình. Cuối cùng, tinh thần bất bạo động của Chúa Giêsu đạt đến đỉnh cao với biến cố thập giá, được xem như « sự trổi vượt của sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa được ẩn mình dưới những dấu chỉ yếu đuối và điên rồ [19]», nơi Ngài tha thứ tất cả và hiến dâng chính bản thân mình cho nhân loại.
Theo chân Chúa Giêsu, hình mẫu hoàn hảo của bất bạo động theo tinh thần Tin Mừng, người tín hữu hiểu rằng mình cần nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Họ hiểu rằng cần từ chối việc sử dụng bạo lực, vốn là dấu chỉ của sự yếu đuối. Chỉ có kẻ yếu mới dùng đến bạo lực. Sâu sắc hơn, tinh thần bất bạo động của Chúa mời gọi người tín hữu lên tiếng bênh vực kẻ cô thế. Vượt trên khái niệm của một bất bạo động vốn thường bị giản lược thành quy tắc vàng « đừng làm những gì mà anh không muốn người ta làm cho anh », tinh thần bất bạo động của Chúa Giêsu còn mời gọi người tín hữu « đối xử với tha nhân như thể đó là chính Chúa Giêsu, tôn trọng cuộc sống của tha nhân như thể đó là cuộc sống của Chúa Giêsu, tôn trọng quyền lợi của tha nhân như thể đó là quyền lợi của Chúa [20]». Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu cần nhận thấy nơi một Giêsu trần trụi, tủi hổ trên thập giá chỉ vì tình yêu như kim chỉ nam trong cuộc sống thường ngày. Chỉ khi theo chân Chúa trong tinh thần bất bạo động Tin Mừng, thì người tín hữu mới thật sự sống căn tính môn đệ của Thầy Chí Thánh. Có lẽ đó cũng là lời mời gọi mà Ngôi Hai Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta trong Mùa Vọng, Mùa Chờ Đợi, Mùa An Bình này.
Khắc Trầm, Aa
[1] Bernard Quelquejeu, Sur le chemin de la non-violence. Études de philosophie morale et politique, Paris, Librairie philosophique J. Vrin, 2010, tr.125.
[2] René Girard, La violence et le sacré, Paris, Grasset, 1972, tr.203.
[3] Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium, số 1.
[4] Bernard Quelquejeu, Sur le chemin de la non-violence. Études de philosophie morale et politique, Paris, Librairie philosophique J. Vrin, 2010, tr.14.
[5] Gandhi, Tous les hommes sont frères, Paris, Gallimard, 1969, tr. 161.
[6] Marc Crépon, L’épreuve de la haine : essai sur le refus de la violence, Paris, Odile Jacob, 2016, tr.169.
[7] Bernard Quelquejeu, Sur le chemin de la non-violence. Études de philosophie morale et politique, Paris, Librairie philosophique J. Vrin, 2010, tr.129.
[8] Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Thông điệp Deus caritas est, 2005.
[9] Để biết rõ hơn, có thể tham khảo Jose Antonio Pergola, Jesus. Approche historique, Paris, Cerf, 2012, tr.27-28.
[10] Ibid, tr.57.
[11] Kénose là một khái niệm thần học Kitô giáo, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, chỉ việc Thiên Chúa tự xóa mình đi. Một cách cụ thể, khái niệm này diễn giải mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa từ bỏ quyền năng Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm.
[12] Đây cũng là một suy tư của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, có thể xem qua Fratelli tutti, số 281.
[13] Olivier Rousseau, L’inconnu en chemin : la spiritualité chrétienne en cinq étapes, Paris, Desclée de Brouwer, 2008, tr.162.
[14] Xem Tổng Luận Thần Học, Ia IIae, qu.46, art.2.
[15] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Vices et vertus : entretien avec Marco Pozza, Nouan-le-Fuzelier, Béatitudes, 2021, tr.72.
[16] Jean-Louis Souletie, La Croix de Dieu : eschatologie et histoire dans la perspective christologique de Jürgen Moltmann, Paris, Cerf, 1997, tr.40.
[17] Xem Olivier Rousseau, L’Inconnu en chemin : la spiritualité chrétienne en cinq étapes, Paris, Desclée de Brouwer, 2008, tr.168.
[18] Bernard Sesboüé, Réconciliés avec le Christ, Paris, Cerf, 1988, tr.162-163.
[19] Jean Lassère, Les chrétiens et la violence, Lyon, Olivétan, 2008, tr.146.
[20] Thomas Merton, La terreur ou la paix, Paris, Lethielleux, 2006, tr.100.