Sinh ra và lớn lên ở quận Kerry của Ailen, năm 12 tuổi, Donal Walsh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương. Em đã phải trải qua 9 tháng hóa trị và một cuộc phẫu thuật để thay thế đầu gối. Hai năm sau, căn bệnh ung thư lại tái phát, lần này đã lan đến phổi. Walsh lại phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một nửa lá phổi và chịu đựng nhiều đợt hóa trị khác.
Vào tháng 10/2012, Walsh được chẩn đoán lần thứ ba – và cũng là lần cuối cùng – với khối u xuất hiện ở năm vị trí khác nhau trên cơ thể.
Trong những tháng cuối đời, Walsh đã cố gắng hết mình để viết về cuộc chiến với căn bệnh ung thư và mô tả cách đức tin đã giúp em kiên trì trong điều mà em gọi là “leo lên những ngọn núi của Chúa”. Trong các trang giấy, em cũng diễn tả việc lấy làm tiếc khi chứng kiến sự gia tăng các vụ tự tử của thanh thiếu niên.
Biết được câu chuyện của em, đài truyền hình quốc gia Ailen đã mời Walsh tham gia một chương trình trò chuyện với nội dung hướng mọi người sống tích cực. Với sự khích lệ của nhiều người, em đã quyết định chấp nhận lời mời để, qua câu chuyện của chính mình, truyền thông điệp quý trọng cuộc sống nơi những người trẻ.
Walsh nói trong lần xuất hiện trên truyền hình chỉ vài tuần trước khi ra đi: “Nếu tôi trở thành một biểu tượng để mọi người biết quý trọng sự sống, không chỉ đối với hành vi tự tử, nhưng là thái độ biết quý trọng sự sống nói chung, thì tôi sẽ rất vui khi phải từ giã cuộc đời này.”
Walsh qua đời bốn tuần sau đó, vào ngày 12/5/2013, khi mới 16 tuổi.
Trong chương trình, Walsh chỉ nói khoảng 19 phút, nhưng những phút đó đã truyền cảm hứng cho cả một đất nước. Nhiều tháng sau, nhân viên điều tra của quận Kerry báo cáo số vụ tự tử đã giảm sau bài phát biểu của Walsh.
Vào ngày 11/5 năm nay, hơn 2.000 sinh viên Ailen đã tập trung tại đền thánh Đức Mẹ Knock của Ailen, để tưởng nhớ Walsh. Các sinh viên đã nghe nhiều diễn giả nói về các vấn đề ảnh hưởng đến thế giới ngày nay, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Cha mẹ của Walsh, ông Elma và bà Fionnbar cũng tham dự sự kiện này.
Bà Fionnbar nói trong một cuộc phỏng vấn: “Khi họ nói với chúng tôi rằng Walsh bị bệnh nan y, chúng tôi quay lại và hỏi ‘Tại sao lại là chúng tôi?’ Nhưng Walsh đã đổi câu hỏi thành ‘Tại sao không phải con?’”
Ông Elma nói thêm: “Walsh rất khó chịu trong vài ngày đầu tiên, nhưng điều này chỉ kéo dài vài ngày. Và con chúng tôi quyết định sẽ không để căn bệnh ung thư định đoạt cuộc đời mình. Walsh muốn làm điều gì đó với thời gian ngắn ngủi còn lại”.
Mẹ của Walsh khẳng định em có đức tin “phi thường”. Em thích lần chuỗi Mân Côi và Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Em xin mẹ làm sao để em được rước lễ mỗi ngày và ra đi với một “tinh thần thanh khiết”. Bà giải thích: “Đức tin của Walsh là một điều gì đó bẩm sinh trong chính em. Đức tin ở trong Walsh. Điều này thật khó để giải thích. Đó là cuộc sống của Walsh”.
Sau cái chết của thiếu niên, cha mẹ Walsh đã thành lập Quỹ Sự sống của Donald Walsh. Cho đến nay Quỹ đã quyên góp được hơn nửa triệu euro cho các tổ chức bác ái nhằm thúc đẩy sự sống. Mỗi năm một lần, học sinh tập trung tại Đền thánh Đức Mẹ Knock để dâng Thánh lễ và nhận được sự khuyến khích từ các diễn giả khách mời để nhắc nhở họ về giá trị của sự hiện hữu.
Một bạn trẻ tham dự sự kiện chia sẻ: “Tôi thấy nhiều người lo sợ khi nghĩ đến căn bệnh nan y, nhưng với đức tin và lòng dũng cảm, Walsh đã có thể chịu đựng rất nhiều khó khăn và vẫn giữ vững niềm tin, và điều đó đã truyền cảm hứng cho mọi người”.
Một sinh viên khác nói thêm: “Tôi nghĩ điều đó rất truyền cảm hứng. Walsh thực sự tạo ra ngọn hải đăng hy vọng cho giới trẻ, Walsh giữ cho hy vọng được sống”.
Cha của Walsh mong ước, sau khi tham dự sự kiện các bạn trẻ ra đi, ý thức được mình được yêu thương, nhận ra rằng cuộc sống rất quý giá và mong manh và không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Vì thế cần phải trân trọng những điều mình có trong cuộc sống.
nguồn: https://vaticannews.va/vi/church/news/2023-06/chung-ta-duc-tin-dona-walsh-ailen-ung-thu.html