Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những chuyến đi xa, những chuyến đi đó có thể là những cuộc tham quan, hay dịp khám phá và học hỏi nơi những địa danh mới. Mỗi dịp trải nghiệm đó đều để lại ít nhiều những dấu ấn nơi tâm khảm của mỗi người. Và chúng tôi, Lớp Mục Vụ Truyền Giáo – Học Viện Công Giáo Việt Nam, đã đến với vùng đất truyền giáo Rạch Vọp – Giáo Phận Cần Thơ trong hai ngày 27 – 28 tháng 1 năm 2024.
Khi đặt chân đến miền đất này, chúng tôi là các linh mục và tu sĩ, dù đã có không ít những kinh nghiệm mục vụ truyền giáo, nhưng mỗi người trong chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thán phục và có những ấn tượng sâu sắc về cách thức truyền giáo mà cha sở họ đạo Rạch Vọp cùng những cộng tác viên đã thực hiện trên mảnh đất này để đem Tin Mừng cứu độ đến với muôn dân. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ chút cảm nghiệm trong hai điểm: (1) vài nét về họ đạo Rạch Vọp và những họat động tông đồ; (2) cảm nghiệm về những hoạt động Loan Báo Tin Mừng nơi đây.
Vài nét về họ đạo Rạch Vọp và những hoạt động loan báo Tin Mừng.
Nhà thờ Rạch Vọp nằm cạnh dòng sông Rạch Vọp. Đây là một nhánh của sông Hậu, cách thành phố Cần Thơ khoảng 30 km, là một họ đạo miền sông nước, thuộc ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Người dân trong vùng thuộc ba nhóm dân tộc Kinh, Khơ-me và Hoa.
Theo lời kể của cha sở, nhà thờ và khuôn viên giáo xứ cũng như một số gia đình sống cạnh dòng sông có nguy cơ sụp đổ do tác động của dòng chảy. Để có được như ngày hôm nay, năm 2016, cha sở Gioan Baotixita Trương Thành Công cùng với bà con giáo dân đã chung tay xây dựng lại bờ kè và mở rộng khuôn viên nhà xứ. Công trình xây dựng rất công phu với ba lớp bờ kè: lớp bê tông trong cùng để giữ đất, lớp thứ hai và ba cách nhau chừng 2m để làm giảm sức đập của nước. Và để chắc chắn hơn, cha sở đã cho đổ những cột trụ xếp đều nhau nhằm làm giảm sức phá của dòng nước.
Vừa bước vào khuôn viên họ đạo, chúng tôi bắt gặp tấm poster treo trước cửa sổ phòng khách như lời giới thiệu về những hoạt động của giáo xứ, và đây cũng là mô hình mà cha sở Gioan Baotixita giúp lương dân đến nhà thờ.
Số giáo dân giáo điểm: Số giáo dân tham dự lễ Chúa Nhật hàng tuần khoảng 350 – 400 người, đông hơn tổng số giáo dân giáo xứ đi lễ hiện nay (#300). Vào năm giờ sáng Chúa Nhật, khi bóng tối còn bao phủ toàn khu vực, ba chiếc ghe hay còn được người dân nam bộ gọi bằng hai tiếng thân thuộc – vỏ lái, đưa 22 thành viên đến một số điểm ở hai bên bờ sông, đón lương dân đến nhà thờ, điểm đón xa nhất khoảng 15-20km, ghe chúng tôi đón khoảng 40-50 người. Trên đất liền, cha sở cũng chuẩn bị hai chiếc xe đa dụng để đưa đón bà con lương dân và các em thiếu nhi đến nhà thờ.
Đường hướng truyền giáo và huấn luyện lương dân: Khi đến nhà thờ, bà con tranh thủ nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, thay trang phục tươm tất, xếp hành thứ tự thăm khám bệnh và nhận thuốc chữa bệnh. Họ được cha sở giới thiệu về Chúa Giêsu là Lương Y quyền năng, Đấng cứu chữa hồn xác và ban bình an cho tâm hồn, cho gia đình. Sau đó, họ cùng nhau tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Trong Thánh Lễ, cha sở hướng dẫn và giúp họ phụ trách các phận vụ trong thánh lễ như giúp lễ, đọc sách thánh, phụng ca, âm thanh, ánh sáng, … Những việc này được họ thực hiện cách nghiêm trang và chu đáo. Có lẽ, đường hướng mục vụ này đã được cha sở Gioan Baotixita học từ Đức Giêsu, được nói đến trong Tin Mừng. Chính Đức Giêsu, khi bắt đầu sứ vụ công khai, loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã giảng dạy và làm những phép lạ chữa lành các bệnh nhân.
Sau thánh lễ, giáo xứ phục vụ bữa ăn sáng cho bà con. Mọi người có một khoảng thời gian nghỉ ngơi và giải lao. Sau đó, họ lần lượt đi vào từng lớp giáo lý đã được chỉ định, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ người mới học biết Tin Mừng đến những người mới lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Chúng tôi được cha sở dẫn đến quan sát từng lớp giáo lý, bao gồm 11 lớp vào mỗi sáng Chúa Nhật. Đa phần những người lớn tuổi không biết chữ, họ phải học Lời Chúa theo kiểu nghe hiểu, một số người đã theo học giáo lý dự tòng từ 6 đến 8 năm.
Ngoài việc học Giáo lý, Kinh Thánh, họ còn được dạy về nhân bản, nhất là cách ứng xử, xưng hô trong nhà thờ và với nhau. Thêm nữa, người lương dân ở đây đều thuộc lòng lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu là lương y quyền năng và đầy lòng thương xót, xin thương cứu chữa hồn xác con.” Đó là những lời nguyện đơn sơ và dễ thuộc, họ dùng để cầu nguyện với Chúa. Trước khi về, mỗi người sẽ nhận được 3-5 kg gạo, đó là phần giúp họ giải quyết mối bận tâm về đời sống trong vài ngày tới.
Bên cạnh đó, cha sở còn tổ chức một số hoạt động không những hun đúc tinh thần đạo đức của bà con giáo dân mà còn giúp những ai còn thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Cụ thể, ngài quy tụ bà con đọc kinh tối “online”. Cứ bảy giờ tối, từ nhà thờ, cha sở và nhóm trẻ cầu nguyện gửi đường link trực tuyến vào zalo. Tại mỗi gia đình, bà con cùng nhau tham dự và hướng tâm tình cầu nguyện cách sốt mến; Phía trước cổng chính nhà thờ, cha sở làm gian hàng quần áo 0 đồng, phục vụ những ai có nhu cầu; Mỗi tháng, các phần quà cũng được gửi tới các gia đình nghèo, kém may mắn… Những “sáng kiến” truyền giáo này đã giúp cho đời sống đức tin của bà con nơi đây được nuôi dưỡng, lớn mạnh và sống động hơn.
Phương thức và thực hành truyền giáo: Phương thức truyền giáo “1-cặp-1”, mỗi lương dân là một tông đồ dẫn thêm anh chị em lương dân khác đến nhà thờ. Qua phương thức truyền giáo này, cha sở mời gọi bà con lương dân cùng thấu hiểu và chia sẻ với những anh em nghèo khác qua việc: Mỗi người nhận được hai phần quà, gồm một phần lớn và một phần nhỏ. Phần lớn họ đem về nhà sử dụng, phần nhỏ họ đem chia sẻ cho những người trong xóm còn khó khăn hoặc khó khăn hơn họ. Vào những dịp đặc biệt, giáo xứ sẽ phát cho mỗi lương dân một thư mời để chuyển đến những lương dân mới, mời họ đến tham dự Thánh Lễ, nhận quà và chia sẻ tâm tình với mọi người ….
Cảm nghiệm về những hoạt động loan báo Tin Mừng nơi đây.
Là sinh viên thần học năm thứ tư, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm trong việc dấn thân loan báo Tin Mừng, nhưng qua chuyến thực tế này, tôi cảm phục tinh thần dấn thân truyền giáo cách nghiêm túc, theo gương Thầy Giêsu của cha sở Rạch Vọp cùng những cộng sự viên của ngài. Họ nghiêm túc vì ai cũng làm tốt những công việc được giao, từ khâu chuẩn bị đưa đón bà con lương dân đến với Chúa hàng tuần, đến việc chuẩn bị những phần ăn sáng và phương thức truyền giảng đức tin. Nhờ đó, mỗi một lương dân dễ dàng dần nhận ra vị Thiên Chúa quyền uy, và giàu lòng trắc ẩn. Sự thân thiện đó được ẩn mình dưới những con người đang ngày đêm âm thầm phục vụ.
Điều đặc biệt, tôi thầm thán phục hình ảnh và tinh thần cầu nguyện tín thác nơi cha sở, một vị mục tử đã đến tuổi thất tuần (70 tuổi) nhưng vẫn hăng say, ân cần thực hiện bổn phận truyền giáo và những cộng sự viên yêu mến Thánh Thể và luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa trong mọi thời khắc của ngày sống. Cha sở Gioan Baotixita nói rằng, nhờ việc duy trì viếng Chúa, nên không xảy ra tình trạng người dân bỏ học giáo lý. Đây chính là điều đáng trân quý nơi vị cha già thân thương và đáng kính này.
Rạch Vọp là một xứ đạo không lớn mạnh như những giáo xứ khác, vẫn còn đó sự nghèo đói, khó khăn và thiếu thốn. Thế nhưng, những con người nơi đây đã làm việc cách say mê để lo cho đoàn chiên của Chúa. Đặc biệt, hình ảnh vị cha sở gần gũi, thấu hiểu và cảm thương trước những hoàn cảnh khó khăn của mọi người đã giúp cho bà con giáo dân cũng như lương dân cảm thấy được nâng đỡ, ủi an và bớt đi phần nào những gánh nặng cùng những lo toan trong cuộc sống. Như thế, hình ảnh của Đức Giêsu – Vị Lương Y nhân hậu đã được phản chiếu cách sống động và rõ nét nơi chính những con người ngày đêm đã và đang âm thầm phục vụ Nước Chúa ngay tại xứ đạo Rạch Vọp này.
Chúng tôi rời họ đạo Rạch Vọp đầy lòng cảm mến và phấn khởi. Cảm mến vì Chúa đã ban cho Giáo hội có những “thợ gặt lành nghề” với sự dấn thân đầy nhiệt tâm, hăng say và quảng đại. Niềm phấn khởi nơi mỗi người chúng tôi hệ tại lời mời gọi của Chúa: ““Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Lời đó vẫn hằng thúc bách chúng tôi – những nhà truyền giáo của Chúa – hãy can đảm và dấn thân trên cánh đồng truyền giáo còn rất bao la của Giáo Hội, như lời Đức thánh cha Phanxico mời gọi “‘hãy mở ra’, cũng hướng đến các Kitô hữu. Chúng ta hãy cùng để Chúa chạm vào và mở tai của chúng ta và giúp lưỡi của chúng ta không còn bị buộc chặt, để chúng loan báo sự hiện diện giải thoát và an ủi của Chúa cho mọi người, đặc biệt là những người đau khổ nhất. Chúng ta hãy mở tai lắng nghe Lời Chúa, và mở lòng đón nhận tha nhân”[1]. Dẫu rằng, công việc truyền giáo được hình thành theo những cách thức khác nhau nhằm phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa địa phương nhưng tôi tin chắc rằng tình yêu của Thiên Chúa sẽ hướng dẫn và thúc bách chúng tôi bước đi trong Thần Khí để đem Tin Mừng đến với mọi người.
Chuyến thực tế chỉ vọn vẹn trong hai ngày nhưng để lại trong chúng tôi những dấu ấn thật đẹp. Đẹp vì những con người nơi đây kiên vững trong đức tin và luôn say mê loan báo Tin Mừng. Ước gì, chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu sẽ luôn hăng say dấn thân để hoàn thành tâm nguyện của Ngài: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. (Ga 10,16)
Pierre Nguyễn, A.A.
[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-12/tiep-kien-chung-13-12-2023.html