Dẫn Nhập
Tục ngữ có câu “Đất lành chim đậu”. Trong cái nhìn chủ quan, câu tục ngữ đó đúng (nếu dùng nó) để chỉ về tính đa dạng và phong phú của các tôn giáo trên đất nước Việt Nam. Quả thật, hiện nay nước ta có tới 16 tôn giáo được chính phủ chính thức chấp nhận hoạt động. Sự phong phú đó kết hợp với bối cảnh xã hội đương thời (như sự phát triển của công nghệ thông tin, làn sóng di dân, kinh tế thị trường, giao thoa văn hóa…) đặt các tín đồ trước những bận tâm lớn. Một mặt các tín đồ của mỗi tôn giáo đặt mình trong tâm thế mở ra đón nhận sự hội tụ trong đa phức trước các giá trị tâm linh và giá trị sống khác nhau. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến chủ trương về một tôn giáo chung cho tất cả từ sự hội nhất các tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mọi người. Mặt khác, cũng có không ít người xác tín mỗi tôn giáo cần có “khoảng trời riêng” của nó và không thể chung chia dù sống trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo. Đồng thời, một số tín đồ chân chính không khỏi băn khoăn trước vấn nạn căn tính tôn giáo đích thực của mình khi đặt đối diện với các tôn giáo khác. Điều đó làm nảy sinh những nổ lực sống đức tin trong tư thế mở ra với các tôn giáo khác qua đối thoại để hiểu biết nhau, tôn trọng và cùng phát triển.
Bài viết này, trước hết chuyển tải những hiểu biết chưa đầy đủ của một Kitô hữu về Islam chính thống tại Việt Nam (1). Kế đến, dựa trên một số tài liệu và cuộc gặp gỡ trao đổi với một Muslim dân tộc Chăm, bài viết trình bày một số điểm quan trọng trong việc thực hành niềm tin của Muslim trong bối cảnh Việt Nam (2). Tiếp theo, người viết sẽ nêu lên một số khó khăn và hiểu lầm của một số người không phải là Muslim nghĩ về Islam (3). Sau cùng, dựa vào những điều ở các mục (2) và (3), người viết suy tư về thực hành niềm tin của một Kitô hữu nhờ đối thoại với anh em Islam (4). Với phần kết luận, bài viết gợi lên những khả thể mở ra cho việc đối thoại liên tôn giữa Islam chính thống với các tôn giáo khác tại Việt Nam.
Những Điều Cơ Bản về Islam
- Nguồn Gốc Hình Thành và Giáo Lý Căn Bản
الإسلام al-‘islām thuộc nhóm các tôn giáo có nguồn gốc từ Abraham. Mohamed là vị sáng lập đạo này vào thế kỷ thứ VII tại bán đảo Ả-rập. Islam là tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới (sau Kitô giáo) với số lượng tín đồ phát triển nhanh. Con số hiện nay là khoảng 1, 57 tỷ, chiếm 23 % dân số thế giới. Theo nguyên ngữ Ả-rập, từ Islam (الإسلام) vừa có nghĩa là phục tùng hay là quy phục Thượng đế; đồng thời còn là bình an, thuần khiết. Những người theo tôn giáo này được là Muslim[1].
Niềm tin hay sự tuyên tín chính yếu của một Muslim tóm gọn 2 điều trong câu “Không có một chúa nào khác ngoài đấng Allah và Mohamad là sứ giả của Người”. Muslim không chối bỏ rằng trước Mohamad, đấng Allah có dùng các ngôn sứ như Noah, Abraham, Môsê, David và cả Giêsu nữa nhưng Mohamad mới đích thị là sứ giả cuối cùng của Allah. Với Muslim, đấng Allah siêu việt, toàn năng và thống trị mọi loài. Ngài là Đấng sáng tạo, đầy yêu thương, chậm giận và mau tha thứ nhưng phán xét công thẳng, nhất là đối với những kẻ khước từ Ngài.
Đối với Muslim, Thiên Kinh Qur’an được chính Thiên Chúa (لله Allāh[2]) mạc khải cho Mohamad qua sứ thần Gabriel. Vì thế, Thiên Kinh Qur’an không là quyển sách thông thường mà là chính lời của Thiên Chúa. Do đó, không ai được phép xúc phạm Thiên Kinh này. Thậm chí, ngay cả việc phiên dịch ra các ngôn ngữ cũng chỉ mang tính chất thông ngôn chứ không phải là Thiên Kinh như nguyên nghĩa của nó[3]. Kinh Qur’an phần lớn dựa trên Kinh Thánh Do Thái và một vài chi tiết trong Tân Ước và được chia làm 114 surahs (chương) đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài Qur’an, Islam còn có sách Shariah chứa đựng những điều luật, nghĩa vụ và bổn phận của cộng đồng ummah và sách Hadith ghi lại những lời nói, những hành động của Mohamad mà Thiên Kinh chưa nói tới. Hadith như cẩm nang mẫu mực cho đời sống của Muslim. Theo kinh Qur’an, Muslim phải sống theo năm điều luật căn cốt, còn gọi là 5 trụ cột của Islam[4].
Thứ nhất là lời tuyên thệ “Không có chúa nào ngoài Allah và Muhamad là sứ giả của Ngài”. Lời này được dùng trong nghi thức tuyên xưng gia nhập Islam và được đọc trước ít là 2 nhân chứng. Lời tuyên thệ đó còn được đọc nhiều lần trong đời, nhất là những lần quan trọng. Tại các quốc gia Islam, các giáo chức thường lên tháp chuông hoặc chỗ trên cao để đọc lời này trước mỗi lần cầu nguyện nhằm hướng giáo hữu ý thức về niềm tin của mình.
Thứ hai, việc cầu nguyện đối với mỗi Muslim là nhiệm vụ rất quan trọng trong từng ngày. Mỗi Muslim phải cầu nguyện 5 lần trong ngày, hướng về Mecca và sau khi đã thanh tẩy sạch sẽ. Ngày thứ Sáu trong tuần được xem là ngày “lễ” quan trọng mà mọi tín hữu cần tới thánh đường để cầu nguyện và nghe thuyết giảng.
Thứ ba, việc chay tịnh có mục đích giúp Muslim tập luyện tính tự chủ, khả năng chịu đựng khổ hạnh. Islam dành cả tháng Ramadan theo lịch của họ để chay tịnh nhiệm nhặt: không ăn uống gì từ sáng đến lúc mặt trời lặn, không sinh hoạt tình dục, không hút thuốc.
Thứ tư, việc bố thí có hai loại: “sadaga” là việc bố thí tự nguyện và “zakat” là bắt buộc nhằm mục đích bác ái, như giúp đỡ các người nghèo, các góa phụ, các trẻ em mồ côi… Bố thí là cơ hội giúp Musilm cũng cố tình huynh đệ trong cộng đồng của họ. Hơn nữa, đối với họ tài sản không là của riêng ai mà là của Allah.
Thứ năm, mỗi Muslim trưởng thành ít là một trong đời phải hành hương (hadi) thánh địa Mecca một lần nhằm hồi tưởng những sự kiện quan trọng trong đời của Mohamed và cho họ được hưởng nếm trước cuộc hành hương sau cùng về Vườn Địa Đàng của Allah.
Ngoài năm trụ cột trên, Muslim còn đặt trong mình nghĩa vụ Jihad, nghĩa là thánh chiến, để chiến đấu chống trả những gì đi ngược lại sự tối cao của Allah. Islam tin rằng tự bản chất, con người được đấng Allah dựng nên để phản chiếu vinh quang của Ngài nơi thế giới. Loài người được tặng ban trí thông minh để biết được cách trọn vẹn bản tính của mình có mối tương giao với Thượng Đế. Tuy nhiên, do sự lơ đãng mà con người dễ đánh mất căn tính và sứ mạng của mình trên thế giới; đồng thời, sự ham muốn thấp hèn làm họ tách rời Thượng Đế. Sự quên lãng là do Iblis gây ra nhằm kéo con người vào cám dỗ dựa vào mình hơn là dựa vào Thượng Đế. Cho nến, luật lệ của Islam nhằm kéo con người khỏi u minh này. Đối với người Islam, không ai trên thế gian này có quyền tha tội và cũng chẳng ai để lại hậu quả tội lỗi cho người khác. Nghĩa là, không thể có chuyện Adam và Eva truyền lại tội cho các thế hệ loài người. Do đó, Muslim không chấp nhận việc rửa tội, cũng không ai có đủ thẩm quyền tha tội kẻ khác ngoại trừ Allah.
Mỗi Muslim sau khi trải qua cuộc sống trần thế, họ đều bị luận phạt công minh: phần thưởng cho người công chính và hình phạt cho kẻ bất tuân. Phần thưởng lớn nhất là được vào Thiên đàng, nơi niềm vui sướng và hạnh phúc được ca ngợi Thượng Đế, nơi đầy bóng mát, những con sông suối tinh tuyền[5]. Ngược lại, kẻ cố tình chống lại Allah thì bị vào hỏa ngục.
- Hồi Giáo[6] Chính Thống tại Việt Nam
Khoảng thế kỷ XI, XII, Islam được truyền vào khu vực Đông Nam Á bằng con đường “hòa bình” từ Ấn Độ bởi các thương nhân Ả-rập, Ấn Độ và Ba Tư. Riêng tại Việt nam, mãi tới 1470 người ta vẫn chưa thấy người Chăm theo đạo Hồi dù rằng các thương nhân Trung Cận Đông đã sớm giao thương với người Chămpa. Sang thế kỷ XVII, cuộc Nam tiến của Chúa Nguyễn đã đẩy một bộ phận dân cư Chămpa ly tán sang Malaysia, Indonesia, Campuchia. Tại những nước đó, người Chăm tiếp cận và tin theo giáo lý Islam. Đến thế kỷ XIX, nhiều người Chăm trở lại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và phát triển cộng đồng Hồi giáo ở đó. Do thời cuộc, nhiều người Hồi giáo đã di cư trở về Trung Nam Bộ, Sài gòn, Đồng Nai[7].
Trong phần này, sở dĩ người viết dùng Hồi giáo chính thống vì trong cộng đồng Chăm có nhiều tôn giáo như: Chăm cổ truyền, chăm Balamôn, Chăm Hồi giáo BàNi và Chăm Islam nhánh Malaysia, Cămpuchia và Chăm Islam chính thống. Trong đó, Hồi giáo Chăm Bàni được xem là một tôn giáo hỗn hợp vì không chỉ thờ duy nhất Thượng đế mà còn kết hợp với đa thần giáo của Ấn độ, trộn lẫn với văn hóa phong tục cổ truyền của người Chăm. Ngày nay, không những chỉ có người Chăm theo Hồi giáo mà người ta còn tìm thấy có những người Kinh đã tin theo, thậm chí ở Hà nội cũng có một gia đình người Kinh theo Hồi giáo. Theo thống kê của nhà nước, Hồi giáo Việt nam chỉ dưới 0.1% khoảng 70, 934 người.
- Thực Hành Niềm Tin của Muslim Chính Thống tại Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam, người theo đạo Hồi một mặt họ thực hành niềm tin chính thống theo 5 trụ cột nêu trên cách đầy đủ và nhiệm nhặt nhưng đồng thời họ cũng có những thay đổi cho phù hợp với luật dân sự, phong tục tập quán và văn hóa địa phương. Những tổng hợp dưới đây được thực hiện qua trao đổi với tiến sĩ Basirun người Chăm tại Sài gòn.
Trước hết, về 5 bổn phận và trách nhiệm (Sharia-the five Pillars of Islam) của một Muslim được ghi trong Qur’an và Sunna. Theo vị tiến sĩ, một Muslim chân chính không bao giờ được phép bỏ qua 5 trụ cột đó. Trong huấn giáo, Muslim được dạy phải chú trọng điều thứ nhất “Không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah và Mohamed là sứ giả của Ngài”. Điều này dễ hiểu trong bối cảnh Việt nam vốn dễ đánh mất lời tuyên thệ này vì đa tín ngưỡng và thói mê tín dị đoan. Tuy nhiên, Muslim chính thống tại Việt Nam có những thay đổi trong thực hành trong 4 điều còn lại. Về bổn phận cầu nguyện, một Muslim phải cầu nguyện ngày 5 lần nhưng không nhất thiết phải nhiệm nhặt đúng giờ giấc quy định. Ở Việt Nam, tín hữu Hồi giáo không nhất thiết cầu nguyện tại công sở hoặc ngoài đường phố. Họ có thể dùng giờ khác hoặc “gộp” số lần cầu nguyện trong ngày, miễn là đủ 5 lần. Việc chay tịnh của Muslim Việt Nam giữ rất tốt, nhất là tháng Ramadan. Người Hồi giáo chỉ ăn thịt các con vật do chính tay họ cắt tiết. Họ không bao giờ ăn thịt heo, thịt chó và họ không ăn tiết. Trong việc từ thiện, mặc dù luật Hồi giáo quy định nộp ít nhất 2.5% tổng tài sản để bố thí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một số gia đình tín hữu quá khó khăn thì không nhất thiết phải đóng. Với quy định của Hồi giáo, người ta phải làm từ thiện nhưng cho tới nay Muslim Việt Nam chưa muốn cộng tác làm thiện nguyện với các tổ chức nhà nước hoặc tôn giáo bạn vì những lý do sau. Thứ nhất, người Hồi giáo thích làm từ thiện cá nhân một cách âm thầm. Thứ hai, đấng Allah không muốn người ta làm người ta làm từ thiện vì nhân danh Ngài, vì yêu mến Ngài chứ không vì để tôn vinh cá nhân người làm từ thiện. Muslim Việt Nam khó có thể thực hành điều 5 là đi hành hương thánh địa Mecca vì họ gặp khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, họ có thể nhờ người khác đi thay và tâm ý phải khắc ghi rằng ước muốn hành hương.
Thứ đến, đối với người Hồi giáo, mối trẻ em sinh ra bởi người nữ Muslim tức khắc là tín hữu của đạo này nên không cần nghi thức gia nhập đạo. Tuy nhiên, nếu có một người khác muốn gia nhập Islam thì cần được giáo huấn, cần tuyên thệ giữ đức tin và được chứng thực bởi những người có trách nhiệm. Người gia nhập đạo không cần ghi vào sổ bộ như Kitô giáo. Người Hồi giáo cần thực hiện đầy đủ và nhiệm nhặt nghi lễ trưởng thành (tầm 14 tuổi) cho nam giới (Karơh) và nữ giới (Katắt) đúng như giáo lý. Các em này được cắt bao quy đầu và cắt âm hộ thực sự chứ không mang tính hình thức như Islam BàNi ở Bình Thuận và Ninh Thuận.
Thứ ba, hôn nhân trong Hồi giáo không giống như một số tôn giáo khác. Tất cả đàn ông Hồi giáo đều cần thiết phải lập gia đình khi đến tuổi trưởng thành và họ có thể lấy đồng thời 4 người khác phái làm vợ. Tuy nhiên, do áp dụng luật quốc gia, Muslim Việt nam chỉ có thể đăng ký kết hôn theo luật với duy nhất 1 người phụ nữ làm vợ. Hôn nhân Hồi giáo đóng vai trò như là phương tiện đáp ứng nhu cầu nhục dục, cảm xúc, tình cảm và duy trì nòi giống. Muslim không khuyến khích độc thân, chức sắc Islam không buộc phải giữ độc thân vì Mohamad đã quy định như thế. Hơn nữa, hôn nhân có tính trách nhiệm tôn giáo vì nó giúp việc kế thừa đức tin do con cái sinh ra là người Hồi giáo. Điều kiện của hôn nhân trước tiên là 2 người phải thực sự ưng thuận cưới nhau. Khi làm hôn lễ, cả hai người đều phải có của hồi môn và phải được thực hiện nghi lễ cách công khai trước mặt người làm chứng. Cứ sự thường, bố của cô dâu là người chứng hôn[8]. Tuy nhiên, trong các trường hợp cụ thể (giả sử bố cô dâu chết sớm) thì có thể nhờ những người có trách nhiệm trong tôn giáo mình. Luật Hồi giáo cấm việc ăn ở như vợ chồng trước hôn nhân. Một người đàn ông Muslim có quyền được cưới vợ thuộc tôn giáo Kinh Thánh nhưng nữ giới Hồi giáo không được phép lấy người khác đạo. Chỉ có người chồng mới có quyền ly dị. Tuy nhiên, trong những trường hợp riêng về khó khăn trong đời sống hôn nhân thì người vợ có quyền đòi tiêu hôn. Ở Việt nam, người Islam thường bị đặt vấn đề về hôn nhân đa thê và có những hiểu lầm xung quanh vấn đề này. Người viết sẽ trình bày cách người Muslim giải đáp trong phần 3 của bài này.
Thứ tư, vấn đề tang chế trong Hồi giáo có nhiều điều cần lưu ý. Trước hết, một người qua đời cần được an táng càng nhanh càng tốt vì nếu tốt lành thì họ nên sớm được hưởng nhan Allah, nhưng nếu ngược lại, kẻ xấu xa cũng càng được an táng sớm để “nó” đi vào hỏa ngục nhằm tránh gây nhiễm thói xấu cho người đồng đạo. Ở Việt Nam, do bối cảnh di cư và đạo hiếu, người ta có thể để xác người chết tại nhà lâu hơn nhằm chờ người thân về tiễn biệt. Vải trắng và mới thường được dùng trong nghi thức tẩm liệm vì người chết cần nên tinh tuyền trước khi đối diện với Allah. Người Muslim vẫn có thể để hình người chết trong nhà nhưng không phải để thắp nhang cúng vái mà chỉ mang tính tưởng nhớ. Họ cũng có thể cầu nguyện hàng năm, giỗ chạp cho người chết theo đạo hiếu truyền thống nhưng cũng hợp với luật hiếu nghĩa của đạo Hồi.
Thứ năm, nữ Muslim tại Việt nam ngày nay có thể thực hành việc trùm khăn[9] (Hijab), nhất là nơi một số vùng mà người Hồi giáo sinh sống với số lượng đông. Tuy nhiên, ở Sài gòn, họ có thể không cần thực hành để tránh cái nhìn khó chịu và thắc mắc của người khác tôn giáo. Về thân phận và những hiểu lầm xoay quanh địa vị của người phụ nữ Hồi giáo sẽ tiếp tục được triển khai trong phần tiếp theo của bài viết này.
Có 5 điều quan trọng người Hồi giáo không bao giờ đánh đổi bằng bất cứ giá nào đó là: Tài sản mình nắm giữ, sức khỏe mình có, tôn giáo, trí tuệ và nòi giống của mình. Người Hồi giáo Việt Nam rất chú trọng đến việc đào tạo trí thức cho các thế hệ tiếp nối. Do đó, việc học tập, nghiên cứu của con em được coi trọng và khuyến khích, nhất là học chữ Ả-rập. Về sức khỏe, tín hữu Hồi giáo quan tâm đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe. Điều đáng chú ý là họ khuyến khích việc tự nuôi trồng để tạo ra thực phẩm sạch. Người Hồi giáo tuyệt đối kiêng ăn huyết vì trong nó chứa nhiều mầm mống độc tố. Vì thế, mọi con vật (được phép dùng) phải do chính người Hồi giáo cắt tiết và tiết đó phải đổ vào đất và chôn nó.
Hồi giáo dù là tôn giáo lớn của thế giới nhưng không tránh khỏi những hiểu lầm dẫn đến những nghi kỵ, xa lánh hoặc bị vu khống. Tín hữu Islam ở Việt nam cũng không tránh khỏi thực trạng chung đó. Do giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ nêu lên vài vấn nạn then chốt và những giải đáp đứng từ phía người Hồi giáo.
- Muslim Việt Nam Đối Diện với Những Hiểu Lầm
Trước hết, nhiều người cho rằng Islam là một tôn giáo bạo lực. Trong Thiên Kinh Qur’an có đoạn viết “Vậy hãy giết các bọn đa thần ở nơi nào các ngươi gặp”? Để hiểu điều này, người ta phải đặt chúng trong bối cảnh lịch sử. Thực sự trong thời đầu của Islam ở Mecca nhiều chiến dịch nổ ra của người ngoại giáo nhằm tiêu diệt các Muslim. Dù đã có nhiều nỗ lực hòa hoãn nhưng người ngoại giáo vẫn cố tình vi phạm thỏa ước nên người Muslim được lệnh chống trả. Do đó, người ở phe trung dung hoặc người đương thời quy kết Islam bạo lực là không công bằng. Islam cho phép chiến tranh khi mọi nỗ lực hòa bình và công lý bị chà đạp. Hơn nữa, một số quốc gia hoàn toàn là người Islam có thể dùng quân sự để bảo toàn lãnh thổ của họ. Đức Mohamed là thiên sứ của đức khoan dung nhưng ngài bắt buộc phải quay về Mecca để chiến đấu khi những nổ lực khoan dung bị thất bại. Chính ngài chiến đấu vì sự tồn tại của Muslim và đó là sứ mạng của ngài[10]. Ngoài ra, có người cũng cho rằng Hồi giáo bành trướng tôn giáo bằng vũ lực. Năm 712, quân Hồi giáo chiếm Iran và dùng nước này làm bàn đạp tấn công các nước Trung Á từ phía Nga. Sau đó họ chiếm vùng Bắc Ấn và xâm nhập Trung Hoa. Tuy nhiên, quân Hồi giáo bị quân nhà Đường chận ở sông Talas nên phải rút quân về Trung Á. Từ đó, họ quyết định dùng con đường hòa bình để truyền giáo sang Châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế, nói Hồi giáo hoàn toàn dùng vũ lực để bành trướng tôn giáo e rằng quá thiên kiến. Về nhà nước Hồi giáo cực đoan (Is) cũng thế. Người ta không thể quy kết toàn bộ trách nhiệm của một phe nhóm cực đoan cho toàn thể một tôn giáo[11].
Kế đến, người Hồi giáo Việt Nam trả lời thế nào về các vấn đề liên quan đến niềm tin, luân lý, hôn nhân đa thê và thân phận người phụ nữ?
Theo luật Sharia, nếu một người dám chỉ trích, bôi nhọ hoặc phủ nhận bất kỳ một phần nào của Kinh Qur’an thì phải chết. Người Hồi giáo không được phản bội niềm tin của mình như phủ nhận Allah, chỉ trích Mohamed đều phải chết. Nếu một Muslim dẫn dắt một đồng đạo của mình phản bội đức tin thì cũng bị xử tử. Về các điều này, người Hồi giáo Việt Nam không lo ngại cũng không thể thực hiện hoàn toàn theo luật. Lý do Islam chính thống đa phần là người Chăm nên ít thấy và cũng khó có việc chối bỏ đức tin của họ. Hơn nữa, một khi người có đức tin mạnh và đã qua học hỏi đầy đủ và ý thức luật thì khó phạm tội.
Về hôn nhân, người Hồi giáo thường bị chỉ trích là đa thê? Thực ra ở quốc gia nào thì họ phải sống theo luật dân sự của quốc gia sở tại. Trước kia, khi Ngôn sứ nói có thể lấy 4 người phụ nữ làm vợ đã là nhân đạo và đã là tiến bộ trong thời của ngài. Thời đó người ta sống luật đa thê, thậm chí người ta có thể lấy cả hơn 10 người (hoặc nhiều hơn) phụ nữ, thê thiếp và nô lệ gái. Tuy nhiên, người ta cần nhớ rằng, nếu người đàn ông không đủ sức khỏe, tiền bạc và không đủ trách nhiệm thì không thể lấy nhiều vợ. Hơn nữa, trong một vùng số lượng nữ giới hạn chế thì phải trù liệu sao cho có sự công bằng giữa các ông và các bà. Thực ra, người ta nên hiểu rằng Islam tránh chuyện ngoại tình, đồng tính luyến ái, sinh sản vô trách nhiệm nên luật đa thê cũng có thể giúp giải quyết các vấn nạn đó. Với Hồi giáo, giết hại kẻ vô tội và không thể chống trả như trẻ em, phá thai…là kẻ xấu đáng bị Allah trừng phạt[12].
Về một số luật buộc khác mang tính răn đe như: không được trộm cướp, không cho vay, không được uống chất có men, không được dùng thuốc lá và chất kích thích khác…Ở Việt nam, những điều này được thực hiện nghiêm túc không chỉ vì luật buộc nhưng còn để nâng cao sự sống, tri thức và sự công bằng. Do đó, người ta không thể nói rằng Muslim Việt Nam quá “giữ mình”. Thay vào đó, hãy nói răng họ đã rất cẩn trọng để các chất kích thích kia không làm ra ô uế một đấng nam nhi với trách nhiệm lớn trong cộng đồng và gia đình họ.
Cuối cùng, Islam là một tôn giáo khép kín hay tư tưởng bại trừ các tôn giáo khác? Nếu ở Việt Nam, người ta dễ nhận ra sự thầm lặng của Islam ở các thành phố lớn nhưng ở những làng quê nơi nhiều người Islam sinh sống thì khác. Do đó, không thể nói họ khép kín. Có chăng là do phần đa người Hồi giáo là dân tộc Chăm và vì thế, lúc đầu họ rất ít giao lưu với người Kinh. Người Hồi giáo ở Việt nam ý thức họ là một tôn giáo chiếm tỉ lệ nhỏ và cũng không có ý cạnh tranh chỗ đứng với các tôn giáo khác vì ai theo đạo nào nên giữ đạo ấy. Tư tưởng bại trừ tôn giáo có chăng là do họ nhìn Islam ở những quốc gia khác. Ở các quốc gia mà đạo Hồi là quốc giáo có tên gọi là Dar al-Harb (nghĩa là Land of Islam) được mệnh danh là Nền Hòa Bình Hồi giáo (Pax Islamica). Ở đó mọi người đề cao tình huynh đệ đồng đạo và nghiêm cấm việc bỏ đạo đúng như luật của quốc gia. Ở Việt Nam, Muslim không có tư tưởng lập quốc gia Hồi giáo và cũng không thích cạnh tranh. Về một hiểu lầm lớn xuất phát từ thuật ngữ “Jihad” là thánh chiến. Người Việt thấy chữ “chiến” dễ lầm tưởng việc chiến đấu trong chiến tranh, chiến đấu bảo vệ mình…Muslim hiểu việc thánh chiến với 3 lớp nghĩa: Chiến đấu nội tâm, chiến đấu với sự dữ và chiến đấu bảo vệ niềm tin như đấng Allah mời gọi. Trong thập điều của Hồi giáo có luật điều thứ năm: “Cấm giết người, ngoại trừ trường hợp đặc biệt”. Các trường hợp này gồm việc chống cự khi kẻ ác có tình cưỡng bách bỏ đạo. Tuy nhiên, nếu Muslim chiến thắng thì hãy noi gương ngôn sứ Mohamed mà tha thứ và đối xử nhân đạo với kẻ bại trận. Trường hợp khác có thể giết người đó là trừ hại những tên sát nhân để giúp đỡ dân lành. Do đó, người ngoài Hồi giáo không nên hiểu Jihad như một luật có tính cách bạo lực và tàn ác với đồng loại[13].
- Những Suy Tư của Kitô Hữu Về Chính Mình Qua Đối Thoại với Islam
Thần học gia H. Lammens đã cho rằng: “Hồi giáo có lẽ là một giả dạng của ma quỷ, bằng một mưu kế tế vi, nó đã thúc dục Mohamed liên kết với giáo lý Kinh Thánh và loan truyền điều đó theo cách thức ảo tưởng về địa vị của ông ta nhằm đánh đổ Do Thái và hơn nữa là đạo Kitô[14]”. Có thể nói, vào thời Trung Cổ, Lammens đã “hộ giáo” đến mức gọi một tôn giáo khác là do thế lực ma quỷ dựng nên. Lý luận này hợp với một số quan niệm vốn cho rằng các tôn giáo ngoài Kitô giáo không có giá trị cứu độ. Tuy nhiên, lý luận đó không hợp với thời sau Công đồng Vatican II[15]. Ở đây, người viết không bàn đến những lý luận mang tính thần học cho bằng suy tư về lối sống đạo của mình trước một tôn giáo đang tồn tại trên quê hương Việt Nam.
Trước hết, niềm tin độc thần của Hồi giáo giúp Kitô hữu nhận định đúng đắn niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, niềm tin vào Thiên Chúa của Muslim không giống xác quyết của chúng ta về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu nghe qua, chúng ta nghĩ rằng sẽ có điểm tương đồng nào đó về một nguồn gốc đức tin vào Thiên Chúa cùng điểm xuất phát là Abraham. Tuy nhiên, Hồi giáo không chấp nhận Thiên Chúa Ba Ngôi và do đó, không thể có Mầu Nhiệm Nhập Thể và hẳn là không thể có việc Mạc Khải. Về điều này, một Kitô hữu có thể đứng vững hơn vào niềm tin rằng Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là tối cao và là đỉnh điểm của giáo lý mà mình tin nhận. Nhưng chúng ta học được gì khi Hồi giáo một mực xác tín rằng cần tin một Thiên Chúa độc nhất? Nếu một Kitô hữu không nắm chắc giáo lý về Chúa Ba Ngôi sẽ có nguy cơ mơ hồ và rơi vào tình trạng xem Thiên Chúa là Cái Một (không có ngôi vị) như Hồi giáo hoặc Ngài thể hiện qua từng từng ngôi vị một cách riêng lẽ như Ấn Độ giáo.
Thứ đến, anh chị em Hồi giáo tin có sự sống lại và luận phạt công minh. Kitô cũng tin như thế! Tuy nhiên, khi nói về Thiên đàng, Muslim cho thấy một cảnh tượng đáng mơ ước như trong Kinh Qur’an 56, 22-4 với thức ăn ngon, trái cây, trinh nữ…có thể đã bị lạm dụng để biện minh cho những cái chết tử đạo nhằm sớm đạt tới đó. Đối với người Công giáo Thiên đường của Hồi giáo chưa phải là Thiên đường đúng nghĩa mà nó chỉ là diễn tả vẻ bên ngoài mang tính trần thế. Kitô hữu tin rằng nhờ ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô và nhờ thực hành giáo lý của Ngài mà có công trạng mới được thưởng xứng đáng trên Thiên đàng. Thiên đàng là tình trạng mà Kitô hữu được phúc kiến hưởng nhanh Thiên Chúa và được sự sống đời đời chứ không chỉ là những điều mô tả trong Kinh Qur’an. Vì thế, Kitô hữu được cứu độ bởi Thiên Chúa qua Đức Kitô chứ không tự mình cứu. Hơn nữa, phục sinh thân xác với Kitô là thân xác nên trọn lành như thân xác Phục sinh của Đức Kitô. Tuy nhiên, bài học ở đây là Kitô hữu có còn nghĩ nhiều và mơ ước trở nên Thánh qua việc sống lời mời gọi của Thiên Chúa nữa không? Trên thực tế, nhiều Kitô hữu quên mất điều này và mãi mê chạy theo lời mời gọi của thế gian.
Tiếp theo, trong việc thực hành niềm tin của người Hồi giáo cũng đáng để Kitô hữu nên noi gương. Mỗi Muslim cần sống trọn 5 trụ cột giáo luật nêu trên và họ thực hành với trọn xác quyết lẫn luật lệ. Kitô hữu luôn tuyên xưng phẩm tính trổi vượt của Thiên Chúa đó là Thiên Chúa là tình yêu. Tuy nhiên, người ta dễ dàng quên những đòi hỏi của tình yêu là nên trọn lành như Chúa muốn (x. Mt 5, 49) và hãy thương xót như Chúa (x. Lc 6, 36). Nếu Kitô hữu sống những đòi hỏi đó thì việc thờ phượng, kinh nguyện, cử hành phụng vụ hoặc làm bác ái thì hãy làm vì đó thực sự là yêu mến Thiên Chúa và yêu những gì Ngài yêu. Bởi đó, Kitô hữu có thể ý thức những việc bác ái không phải để nêu danh mình mà làm vì “yêu người thân cận như chính mình” đúng như lời Chúa dạy[16].
Cuối cùng, Thiên Chúa mời gọi Kitô hữu sống tình liên đới với cả những ai chúng ta gặp gỡ. Tuy nhiên, trong thực hành có lúc chúng ta chưa có tình huynh đệ như Muslim đối với nhau. Ngày nay, có bao nhiêu người Công giáo đến nhà thờ có thể bỏ ra vài câu để chào hỏi nhau như người Hồi giáo “Assalamu alaikum”? Hơn thế nữa, người Hồi giáo rất coi trọng luân lý tính dục, chống phá thai và có thể tử hình đối với kẻ phạm tội. Kitô hữu tôn trọng sự sống, tôn trọng con người vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cần hành động xác thực hơn trong thực hành, nhất là các vụ lạm dụng tình dục luôn gây nhức nhối trong Giáo hội.
Kết luận
Ngày nay, anh em Islam chính thống Việt nam cũng có những văn phòng đại diện và có tham gia tổ chức đối thoại liên tôn. Tuy nhiên, người ta nhận thấy các tín hữu Islam vẫn chưa có nhiều động thái tích cực trong đối thoại. Một mặt, Muslim ở Việt nam chiếm tỉ lệ khá nhỏ và đa phần là người Chăm. Mặt khác, do hoàn cảnh thời cuộc trước 1975 khiến người Hồi giáo gặp không ít những khó khăn. Do đó, dù Islam có ảnh hưởng lớn đối với người Chăm nhưng vẫn chưa thể khẳng định rằng họ đã có được tầm ảnh hưởng lớn đối với các tôn giáo lớn khác và rất ít mở ra với các tổ chức tôn giáo trong nước. Trong bài này, người viết không muốn đi sâu phân tích các yêu tố trên cho bằng nhìn nhận và tôn trọng niềm tin và các việc thực hành của anh em Hồi giáo. Hơn nữa, là sinh viên thần học trước sứ vụ tham vấn cho tín hữu về đối thoại liên tôn, tôi tạm nêu vài kiến nghị như đã được đào luyện trong môn thần học các tôn giáo dưới đây.
Đứng trước một Muslim, người Kitô hữu hãy mở ra để tiếp thu và đón nhận họ con người họ, phẩm giá của họ thì vượt trên các quan điểm giáo thuyết và lập trường. Nhờ đó, Kitô hữu không khép kín mình với những thành kiến về giáo lý hay lập trường đức tin. Vì thế, tôi thấy mình là Kitô hữu hơn khi sống đúng lời Chúa dạy “yêu đồng loại như chính mình”. Kế đến, để đối thoại, Kitô hữu cần đặt vào cuộc đối thoại một sự tin tưởng và khả năng đón nhận những yếu tố tích cực, những điều tốt đẹp từ Muslim và đồng thời ý thức bổn phận loan báo Tin mừng như Công Đồng mời gọi[17]. Hơn nữa, đứng trước anh em Muslim, Kitô hữu hãy chấm dứt đã kích, biện bác, tranh luận có tính gây hấn. Thay vào đó, chúng ta nên khiêm tốn cũng như hoán cải để cùng nhau xây dựng hòa bình thế giới và hạnh phúc của nhân loại. Do đó, Kitô hữu cần lắng nghe, trao đổi với cả con tim biết yêu thương và rung động trước những nỗi thống khổ của kiếp người mà tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể gặp phải. Cuối cùng, khi đối thoại là lúc người Kitô hữu có dịp đào sâu giáo lý và đức tin của chính mình nhờ vào niềm tin của người anh em khác tôn giáo. Có như thế, Kitô hữu thực hành đối thoại liên tôn trong nhãn quan luôn ý thức rằng có Thiên Chúa hiện diện và mời gọi mọi người hoán cải. Đồng thời, đối thoại liên tôn là cuộc trao đổi các ý tưởng của các tôn giáo để loại ra những khác biệt ngõ hầy tiến tới sự đồng tâm nhất trí và hiểu biết lẫn nhau.
Đoàn Văn Sinh, A.A.
Thư mục Tham khảo
Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium
Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes
ARABIA, SAUDU, Clear Your Doubts About Islam, (Published by Peace Vision at Smashwords), Việt ngữ: Xóa Tan Các Ngờ Vực về Islam, do Dohamide Abu Talib biên dịch, Hà nội, Nxb Tôn giáo, 2015.
Baaren, Th. Van, Hồi giáo, Trịnh Huy Hóa dịch, Tp. HCM, Nxb. Trẻ, 2002.
GIMARET, Daniel, L’islam trong Encyclopédie des religions, France: S.A., Encyclopaedia Universalis, 2002.
Karim, Hassan Bin Abdul, Lời Giới Thiệu trong Thiên Kinh Qur’an và Bản Dịch Ý Nghĩa Nội Dung Bằng Tiếng Việt (bản PDF).
Lammens, Mahomet Fut-il Sincère, trích lại của Phạm Thanh Liêm, S.J, Tôn Giáo Ngoài Kitô, đăng trong https://dongten.net/liempham/tongiao1.htm#_ftn21.
Nhân, Nguyễn Thọ, Đạo Hồi & Thế Giới Ả Rập, TP. HCM: Nxb Tổng Hợp, 2004.
Varillon, François, Un Chrétien Devant les Grandes Religions, do Charles Ehlinger, A.A dàn dựng và trình bày, bản việt ngữ Một Kitô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn, Hà nội: Nxb Tôn Giáo, 2009.
- Dựa theo https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93i_gi%C3%A1o
- Allah là danh xưng được chính Chúa nói với Mohamed. Danh xưng này có thể hiểu như trong ngôn ngữ Do Thái là Elohim. X. Daniel GIMARET, L’islam trong Encyclopédie des religions (France: S.A., Encyclopaedia Universalis, 2002), 281.
Hassan Bin Abdul Karim, Lời Giới Thiệu trong Thiên Kinh Qur’an và Bản Dịch Ý Nghĩa Nội Dung Bằng Tiếng Việt (bản PDF).
- Nguyễn Thọ Nhân, Đạo Hồi & Thế Giới Ả Rập, (TP. HCM: Nxb Tổng Hợp, 2004) 33-37.
- Kinh Qur’an dùng ngôn ngữ hình ảnh để miêu tả thiên đường như: người ta ngả mình trên ngai có cẩn ngọc, chung quanh lại có các kẻ hầu trẻ đẹp, những cô gái đẹp và còn trinh hầu hạ; họ uống thứ nước tinh khiết bằng ly pha lê và ăn thực phẩm được chọn lựa các tốt nhất. Daniel GIMARET, Ibid., 287.
- Ở phần trên, người viết không dùng từ Hồi giáo vì nó không mang tính phổ thông như từ Islam để chỉ về tôn giáo này. Tuy nhiên, trong phần b này, người viết chủ yếu giới thiệu về Islam tại Việt nam do đó sẽ xử dụng từ Hồi giáo. Thực ra danh từ Hồi giáo được xử dụng ở Việt nam có nguồn gốc từ Trung Hoa. Từ thế kỷ XII, Islam được truyền vào Trung Quốc qua con đường tơ lụa. Dân tộc Hồi Hồi của Trung Quốc gần Afghanistan nên sớm theo Islam. Người Trung Quốc phân biệt tôn giáo với dân tộc này và xem đó là thứ tôn giáo chỉ dành cho tộc người đó mà thôi. Do đó, họ gọi những người Hồi theo đạo Islam là đạo của người Hồi. (x. Th. Van Baaren, Hồi giáo, Trịnh Huy Hóa dịch, (Tp. HCM, Nxb. Trẻ, 2002), 18.)
Dựa theo https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93i_gi%C3%A1o_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam
- Nghi thức thành hôn khá đơn giản. Trong trường hợp cha của cô dâu là người chứng hôn sẽ nói “Tôi gả con gái của tôi, tên….cho anh, tên….với của hồi môn gồm….”. Chú rể đáp trả: “Tôi, tên…nhận cô….làm vợ với của hồi môn gồm…”.
Theo Kinh Qur’an, đấng Allah phán dạy rằng: “Ngươi hãy bảo họ chớ phô bày vẻ đẹp của họ ra ngoài, ngoài trừ những bộ phận nào lộ ra tự nhiên như mặt, bàn tay” (Chương 24, Annur, câu 31). Tuy nhiên, khi lý giải về điều này, giáo lý Hồi giáo diễn nghĩa theo một cách khác, đó là nhằm tránh cho người phụ nữ bị nhòm ngó các bộ phận có thể làm người nam phạm tội gian dâm. Mặt khác, việc trùm khăn cũng giúp người phụ nữ giữ được phẩm giá và sự trong trắng.
- SAUDU ARABIA, Clear Your Doubts About Islam, (Published by Peace Vision at Smashwords), Việt ngữ: Xóa Tan Các Ngờ Vực về Islam, do Dohamide Abu Talib biên dịch, (Hà nội, Nxb Tôn giáo 2015), 56.
- Tóm ý các câu trả lời của tiến sĩ Basirun.
- Trích ghi nhận từ cuộc trao đổi với tiến sĩ Basirun.
- H. Lammens, Mahomet Fut-il Sincère, trích lại của Phạm Thanh Liêm, S.J, Tôn Giáo Ngoài Kitô, đăng trong https://dongten.net/liempham/tongiao1.htm#_ftn21
Thực ra, từ Công đồng Trento với tuyên bố “rửa tội bằng ước muốn” cũng phần nào khẳng định khả năng người ngoài Kitô giáo được lãnh ơn cứu độ nhưng chỉ tới Vaticano II mới có các bản văn chính thức.