Thiên Chúa đã tạo dựng con người có lý trí, khi ban cho họ phẩm giá cao quý của một ngôi vị, có khả năng khởi xướng và điều khiển các hành vi của mình.[1] Hơn hết, chúng ta chỉ có thể đạt tới sự tự do đích thực khi được thúc đẩy bởi ân sủng và sự tự do đó phải được quy hướng về Thiên Chúa. Chính vì thế, mối liên hệ giữa tự do và ân sủng luôn trở nên vấn đề gây tranh cãi giữa Hội Thánh và các lạc thuyết, nhất là với lạc thuyết Pêlagiô. Khi đó, vị tiến sĩ về ân sủng – thánh Augustinô đã đứng lên chống lại các lạc thuyết khi nói lên mối liên hệ giữa tự do và ân sủng qua câu nói:“Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người; nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”.[2]
Ân sủng
Trước hết, phải nhớ rằng con người được tạo dựng trong ân sủng. Vì ân sủng là một hồng ân, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban cho cho chúng ta để chúng ta đáp lại lời mời gọi trở nên nghĩa tử của Ngài và nhờ ân sủng chúng ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi[3]; thế nên, xét như một thụ tạo thì bản thân mỗi người chúng ta đã như là một ân ban nhưng không khởi phát từ sự tự do của Thiên Chúa.[4] Thật vậy, chẳng ai trong chúng ta có thể đòi cho mình quyền được hiện hữu nhưng là chính ý định tạo dựng của Ngài: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người”.
Khác với lạc thuyết Pêlagiô – không nhìn nhận sự tồn tại của ân sủng Thiên Chúa, Công đồng Carthage 418 [5] tuyên bố rằng con người tuyệt đối cần đến sự trợ giúp đặc biệt của ân sủng[6], con người đón nhận nó từ Thiên Chúa đến mức ân sủng biến thành cái bên trong họ.[7] Chính vì vậy, mà có khi chúng ta quên đi sự hiện hữu của hồng ân cao quý đó, chúng ta đánh mất giá trị hiện sinh của chính bản thân, hay nói cách khác đó là sự quên lãng phẩm giá cao quý của con người khi được tạo dựng.
Ân sủng cao quý mà chính Chúa trạo tặng cho con người là chính người Con Một yêu dấu của Ngài. Thật vậy, qua Đức Kitô – một ngôi vị trọn vẹn và với ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, chúng ta được giải thoát khỏi chính mình để sống trong tự do là con cái Thiên Chúa vì ta được dựng nên cách tự do và cho tự do[8], để từ đó nhân vị của chúng ta được hoàn trọn.[9]
Tự do và ân sủng
Sự tự do là “dấu chỉ tuyệt hảo của hình ảnh thần linh” [10] được ban tặng cho con người. Với sự tự do trong ý chí và lý trí con người “tự quyết định lấy” và có quyền trên chính mình nhưng không vì thế mà có sự mâu thuẫn giữa tự do và ân sủng.
Thật vậy, ân sủng hoàn toàn không làm mất đi tặng phẩm cao quý của con người là sự tự do vì Thiên Chúa – Ngài không mâu thuẫn với chính mình. Chính Thiên Chúa đã ban tự do và chính Ngài luôn tôn trọng sự tự do đó và kiện toàn nó bằng lời mời gọi của ân sủng. Nó như là một sự tự do mở, điều đó có nghĩa là con người hoàn toàn có thể khước từ ân sủng, nhưng điều này có thể đưa nó đến sự tự hủy diệt.[11]
Từ đó cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa tự do và ân sủng, ân sủng giải thoát tự do để tự do có thể hành động kết hợp với ân sủng mà không đánh mất đi giá trị vốn có của nó. Về phía con người, ân sủng vận hành như sự khai mở nỗ lực đi đến với Thiên Chúa;[12] về phía Thiên Chúa, sự tự do vận hành như sức mạnh mà Thiên Chúa khơi lên khát vọng bên trong con người.
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị của con người để đón nhận ân sủng cũng là một công trình của ân sủng. Chính điều này khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của chúng ta vì sáng kiến tự do của Thiên Chúa đòi hỏi sự đáp trả tự do của con người.[13] Hay nói cách khác, hành vi của Thiên Chúa luôn đi đôi với sự đáp trả của con người. Thêm vào đó, “công trình của ân sủng, sáng kiến của Thiên Chúa đi bước trước, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người.”[14]
Sự cộng tác của con người
Chính sự tự do trong việc đáp trả những ân ban của Thiên Chúa cũng là nguyên nhân biến con người trở nên một hữu thể được đánh dấu bằng tội lỗi và khả năng bị hư mất hoàn toàn[15] khi sống trong tình trạng phi tự do vì chối bỏ ơn được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Nhưng với sự trợ giúp của ân sủng, con người có thể quay về tình trạng nguyên thủy “không có khả năng phạm tội” và do đó mà được cứu độ.[16] Mà ân sủng là chính Thiên Chúa, Đấng tự thông ban chính mình cho con người trong Đức Giêsu Kitô và trong Thánh Thần đã giúp chúng ta được liên kết mật thiết với công nghiệp cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Để nhờ đó chính chúng ta được nhận lãnh ơn công chính hóa.
Tuy nhiên, chúng ta không phải là những con người thụ động trước ân sủng của Thiên Chúa ban vì khi suy tư về vị trí tối thượng của ân sủng và tự do Kitô giáo, thánh nữ Têrêsa đã liên kết lòng tin tưởng tuyệt đối vào ân sủng luôn ở vị trí hàng đầu cũng như việc thực thi trách nhiệm.[17] Vì vậy, khi Thiên Chúa cứu chuộc con người thì “Ngài cần đến sự cộng tác của con người… Người đã tạo ra con người mà con người không biết, Người không thể cứu giúp con người nếu họ không muốn điều đó”.[18] Thật vậy, con người cần phải “cộng tác” vào công trình công chính hóa chính mình và phải tự yêu thương lấy mình, bởi lẽ không ai có thể yêu thương thay được. Khát vọng yêu và được yêu sẽ thôi thúc con người hướng trọn về Đấng là Tình Yêu để được sống trọn trong tình yêu bất tận đó. Tắt một lời, tình yêu luôn luôn đòi hỏi cả hai bên, phải có tác động qua lại, không thể chỉ có một mình mà gọi là yêu thương được.
Nói tóm lại, như lời Chúa Giêsu dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21) và “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). Điều nhận thấy rằng, con người với lý trí, ý chí và tự do của mình phải tự tìm cho mình một hướng giải thoát khỏi những u mê của bản năng với sự cám dỗ của thế lực sự dữ. Chính lúc đó, lòng thương xót của Chúa mới thực sự trở nên hữu ích và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô cũng không phải là điều vô ích.
Tặng phẩm tình yêu trong cuộc sống
Ân sủng như là một tặng phẩm tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người nói chung và cho chính bản thân chúng ta nói riêng. Nhìn vào con người thụ tạo được Thiên Chúa cho hiện hữu nhưng mỏng giòn và yếu đuối cùng với thân phận một tội nhân trước mặt Đấng Toàn Năng, chúng ta nhận thấy rằng tất cả là tình yêu Chúa dành cho mình thật huyền nhiệm và thâm sâu.
Với sự tự do Thiên Chúa ban tặng, chúng ta có thể quyết định cho mình con đường chọn Chúa hay không. Nhưng chúng ta được điều gì khi chúng ta chối bỏ sự hiện diện của Chúa, chối bỏ ân sủng? Chắc hẳn là tình trạng như những người theo lạc thuyết Pêlagiô xưa nhưng mặc lấy một diện mạo mới trong xã hội ngày nay, đó là những người nhận ra rằng không phải sự hiểu biết làm cho ta tốt hơn hay làm cho ta thành thánh mà là một nếp sống nào đó ta sống.[19] Hay là một lối đi khác với con đường của sự công chính hóa bằng nỗ lực riêng, tôn thờ ý chí và các khả năng của con người hơn là ân sủng Chúa ban.[20]
Như vậy, với chúng ta, trước hết phải luôn nhớ rằng: mọi sự “không lệ thuộc ý chí hay cố gắng của con người mà lệ thuộc Thiên Chúa, Đấng luôn bày tỏ lòng xót thương” (Rm 9,16) và “Ngài đã yêu thương ta trước” (1Ga 4,19). Kế đến, với chính bản thân cũng phải hiến dâng thân xác như của lễ sống động, thánh thiện và tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa[21] cũng như mặc lấy đức ái trọn hảo để lớn lên trong đời sống ân sủng vì “nếu tôi không có lòng mến, tôi chỉ là không” (1 Cr 13,2).
Như lời thánh Phaolô đã tuyên xưng: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10) cũng là lời nhắc nhở về hồng ân huyền diệu của Thiên Chúa dành cho con người. Nhưng không vì thế mà chúng ta sống trong tình trạng ỷ lại vào ân sủng như những người nằm dưới gốc cây sung chờ quả rụng xuống mà ăn, trái lại, chúng ta hãy cùng cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa để chính chúng ta cũng được nhận lãnh ơn cứu độ trọn hảo. Đó là sự chủ động của người con cái Chúa, là người có được sự tự do trong ơn thánh. Quả thật, “những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.”[22]
Mary Phạm
Tài liệu tham khảo
Anh, Trần Ngọc. Nhân Học Kitô Giáo (Tập hai) – Tội Nguyên Tổ và Ân Sủng. TP.HCM: NXB Phương Đông, 2015.
Augustine. Sermon 169.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tông huấn Gaudete et Exsultate. Chuyển ngữ Đa Minh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2018.
Liêm, Phạm Thanh, S.J. Ân Sủng Và Biểu Tượng. December 02, 2020. https://dongten.net/liempham/ansung1.htm.
Rahner, Kark. Những nền tảng Đức Tin Kitô – tập 2: Kitô học. Biên dịch Phaolo Nguyễn Luật Khoa, OFM. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2013.
Scola, Angelo, Gilfredo Marengo và Javier Prades López. Nhân Vị – Nhân Vị Thần Luận. Chuyển ngữ Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2018.
Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009.
[1] Cf. GLHTCG 1730.
[2] Thánh Augustine, Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923.
[3] Cf. GLHTCG 1996 – 1997.
[4] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo (Tập hai) – Tội Nguyên Tổ và Ân Sủng (TP.HCM: NXB Phương Đông, 2015), 353.
[5] Chịu ảnh hưởng của Thánh Augustino.
[6] Ibid, 191.
[7] Ibid, 193.
[8] Kark Rahner, Những nền tảng Đức Tin Kitô – tập 2: Kitô học, biên dịch Phaolo Nguyễn Luật Khoa, OFM (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2013), 309.
[9] Ibid, 334.
[10] CĐ Vaticano II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 17:AAS 58 (1996) 1037.
[11] Ibid, 363.
[12] Ibid.
[13] Cf. GLHTCG 2001, 2002.
[14] Cf. GLHTCG 2022.
[15] Kark Rahner, Những nền tảng Đức Tin Kitô – tập 2: Kitô học, 315.
[16] Angelo Scola, Gilfredo Marengo và Javier Prades López, Nhân Vị – Nhân Vị Thần Luận, chuyển ngữ Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2018), 321.
[17] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo (Tập hai) – Tội Nguyên Tổ và Ân Sủng , 277.
[18] Thánh Augustine, Sermo 169, 11, 13: PL 38, 923.
[19] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate, chuyển ngữ Đa Minh Nguyễn Đức Thông, CSsR (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2018), số 47.
[20] Ibid, số 57.
[21] Cf. Rm 12,1.
[22] Sách Lễ Rôma, Lời Tiền Tụng chung IV.