Hẳn là suy nghĩ đầu tiên đem đến cho mỗi người câu hỏi: tại sao đêm tối huy hoàng? Vâng tựa đề này vừa bao hàm nỗi u ám, sợ hãi, thất vọng, nhưng chính trong đêm tối ấy bừng lên ánh huy hoàng của Thiên Chúa, ánh sáng hy vọng cho số phận con người.
Thứ 6 Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngắm một Thiên Chúa đã trải qua kinh nghiệm của kiếp sống con người: bị phản bội của người môn đệ, cô đơn khi những người gần gũi nhất bỏ rơi, sự đớn đau và đau khổ lúc bị sĩ nhục và chịu những cực hình tàn khốc nhất của con người. Thiên Chúa trong khuôn mặt con người giờ đây không còn hình tượng con người. Tiếng kêu thảm thiết: “Lạy Chúa! Sao Ngài nỡ bỏ rơi con”. Tiếng kêu này đã khiến những người kết án Ngài xem chừng có lý: tên Giêsu này là kẻ phạm thượng, Thiên Chúa không bảo vệ nó và chúng ta đã đúng khi giết nó. Tiếng kêu của Đức Giêsu tiếp tục vang lên trong dòng lịch sử nhân loại nơi những người đang sống thử thách của đêm tối đức tin. Tuy vậy, trong đêm tối của bi thương đó, xuất hiện sự thánh thiện và tình yêu đến cùng của Thiên Chúa mang danh Giêsu dành cho mỗi người chúng ta.
Thứ 7 Tuần Thánh đưa chúng ta vào khung cảnh cô đơn tột cùng và nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất. Cô đơn và sợ hãi vì Con Thiên Chúa đã được mai táng. Cô đơn vì con người tiếp tục cảm thấy Thiên Chúa im lặng, vắng bóng trong lịch sử và trong cuộc sống của mỗi người. Hòn đá nấm mồ nơi chôn cất Đức Giêsu và những hòn đá thử thách khác như cô đơn, khổ đau đang đóng sập cuộc sống con người và làm biết bao người chấm dứt niềm hy vọng. Hòn đá nấm mồ đã đặt dấu chấm hết cho những hy vọng của các môn đệ vào vị Thầy Giêsu, Đấng đã làm bao điều phi thường, mới lạ, giờ đây đã nghỉ yên trong huyệt mã như bao người khác. Thứ 7 Tuần Thánh tiếp tục kéo dài trong kỷ nguyên chúng ta đang sống. Một kỷ nguyên mà nhiều người vẫn còn muốn Thiên Chúa im lặng và vắng bóng trong thế giới này.
Kỷ nguyên này dường như đúng với lời tiên báo của triết gia vô thần Nietsche: “Thiên Chúa đã chết và Ngài còn tiếp tục chết. Bạn và tôi, chúng ta đã giết Ngài”[1]. “Có bao giờ chúng ta ý thức rằng câu nói này đã được lấy ra, từng chữ một, từ trong truyền thống Kitô giáo, và trong khi đi đàng thánh giá, chúng ta cũng thường lặp lại câu nói ấy mà không hề nhận thức được hết cái sức nặng khủng khiếp của điều ta thốt lên? Chúng ta đã giết Ngài, khi giam hãm Ngài trong cái vỏ rệu rã của lối nghĩ suy cũ kỹ sáo mòn, khi đầy ải Ngài vào một cõi hình thức xót thương rỗng tuếch, khiến Ngài bị mất hút trong cái vòng tròn của những lời lẽ đạo đức, hoặc của những thứ của cải cổ lỗ. Chúng ta đã giết Ngài khi lối sống tha hóa của chúng ta trở thành bức màn màn tăm tối che lấp đi hình ảnh của Ngài”[2].
Tuy vậy, cùng một lúc, trong cái mầu nhiệm tăm tối nhất ngày thứ 7 Tuần Thánh, chính là dấu chỉ chói sáng nhất cho một niềm hy vọng vô tận. “Vì chỉ qua thất bại của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ qua sự thinh lặng của cái chết trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, các môn đệ mới được mở trí để thấu hiểu chân tính đích thực của Chúa Giêsu và chân lý sứ điệp của Ngài. Thiên Chúa phải chết cho họ, Ngài mới sống thực sự nơi họ. Cái hình ảnh không mấy tốt đẹp mà họ có về Thiên Chúa, Đấng có quyền năng giống như các thần thánh dân ngoại tưởng tượng phải bị xoá bỏ trong tâm trí họ. Để nhờ đó, qua đống hoang tàn của căn nhà đổ nát, họ có thể thấy được bầu trời cao xanh, và nhìn nhận Ngài mãi mãi vĩ đại, cao cả vô biên. Chúng ta cần đến sự im lặng của Thiên Chúa để có thể cảm nghiệm lại được cái hố thẳm nơi vẻ cao cả của Ngài và cái vực sâu trong nỗi hư vô của chúng ta, cái cõi thăm thẳm ấy sẽ cứ mãi ngoác to hơn và khoét sâu thêm, nếu không có Ngài”[3]. Thứ 7 Tuần Thánh, chúng ta sống kinh nghiệm của một Thiên Chúa đã đi tới nơi cô đơn tuyệt vọng nhất của con người để ở đó cùng với họ mà chúng ta gọi là “Ngục Tổ Tông”.
Thứ 7 Tuần Thánh cũng là ngày chúng ta chờ đợi một điều mới mẻ đã và đang ùa vào lịch sử nhân loại đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đến lăn tảng đá ngôi mộ đã chôn vùi con người trong sự chết và chôn vùi con người trong thế giới mong manh chóng qua này. Trong đêm tối thứ 7 của lịch sử, Thiên Chúa đã làm bừng sáng lên ánh huy hoàng Phục sinh của con Ngài: Đức Giêsu đã được phục sinh. Ngài đã sống lại thật rồi, Alleluia Alleluia! Số phận của con người giờ đây trở nên khác, một tương lai của ánh bình mình minh đang trước mắt họ. Cái chết giờ đây cũng trở nên khác. Cái chết không còn đưa con người vào hư vô và tuyệt vọng vĩnh viễn, nhưng chỉ là bước băng qua để đi vào sự sống mới, sự sống vĩnh cửu[4].
Để kết thúc, xin trích dẫn lời cầu nguyện của Đức giáo hoàng Biển Đức XVI làm thành lời cầu nguyện của cá nhân: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong bóng tối của cái chết, Chúa đã chiếu toả một tia ánh sáng rạng ngời; trong vực thẳm nỗi cô đơn tuyệt cùng, tình yêu bao dung đầy quyền lực của Chúa nay sống mãi muôn đời; trong nỗi thống khổ của việc Chúa ẩn mình, giờ đây chúng con có thể cất tiếng hát lên bài Allêluia của những kẻ được cứu thoát. Xin ban cho chúng con lòng tin khiêm tốn đơn sơ, để chúng con không lạc bước khi Chúa gọi chúng con trong những giờ phút tăm tối, lúc chúng con thấy như bị bỏ rơi, và khi mọi sự đều chất ngất khó khăn; xin ban cho chúng con, khi đang chới với giữa một cuộc chiến sống còn, nhuốm màu chết chóc, được nhìn thấy ánh sáng để không lạc mất Chúa; xin chiếu tỏa ánh sáng của Chúa trên chúng con để đến lượt mình, chúng con có thể dọi chiếu ánh sáng ấy đến những ai đang cần đến. Xin làm cho mầu nhiệm Niềm Vui Phục Sinh của Chúa bừng sáng lên như vầng hào quang của ánh bình minh, toả lan trên dòng đời chúng con đang sống; xin cho chúng con thực sự trở thành những con người của Phục Sinh ngay giữa ngày « Thứ Bảy Tuần Thánh lịch sử ». Xin ban cho chúng con, khi đang sống những chuỗi ngày của thời đại tranh tối tranh sáng hôm nay, được luôn thấy mình mang những trái tim vui tươi, tiến bước trên đường hướng về vinh quang ngày mai của Chúa Amen”[5].
Phêrô Hồ Sỹ Cẩn AA
[1] Marcel NEUSCH, Aux sources de l’athéisme contemporain, cent ans de débats sur Dieu, Le Centurion, 1980, Paris. Tr. 154.
[2] Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Suy niệm Thứ Bảy Tuần Thánh, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/suy-niem-thu-bay-tuan-thanh-voi-duc-benedicto-xvi29/03/2024
[3] Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Suy niệm Thứ Bảy Tuần Thánh.
[4] x. Đức BÊNÊĐICTÔ XVI XVI, Suy niệm Thứ Bảy Tuần Thánh.
[5] Đức BÊNÊĐICTÔ XVI, Suy niệm Thứ Bảy Tuần Thánh.