Hồng Thủy – Vatican News
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha được suy tư dựa trên đoạn Tin Mừng thánh Luca (4,17-21) thuật lại sự việc Chúa Giêsu vào hội đường Do Thái và mở cuộn sách ngôn sứ Isaia và gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Thánh Cha nhận định rằng ngay từ đầu sứ vụ công khai của Người, Chúa Giêsu đã mặc khải rằng, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia, Người đến loan báo tin mừng cho người nghèo và một năm hồng ân của Thiên Chúa (x. Lc 4,16-21). Do đó, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, như ngôn sứ Isaia đã tiên báo, là một sứ điệp cứu độ mang lại niềm vui lan tỏa, sự tự do đích thực, lời hứa tái sinh thiêng liêng làm con yêu dấu của Thiên Chúa, và sự chữa lành vĩnh viễn khỏi sự áp bức của tội lỗi và sự chết.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng chúng ta, những người nhờ ân sủng của Thiên Chúa, đã đặt niềm tin vào Chúa Giêsu và cảm nghiệm được sức mạnh biến đổi của lời Người, không những được kêu gọi để tạ ơn vì món quà kỳ diệu này, mà còn để chia sẻ nó một cách tự do và vui tươi với người khác. Đối với những người theo Chúa Kitô, mỗi ngày là một “thời gian ân sủng” và một cơ hội mới để làm chứng cho “tin vui” về lòng thương xót, sự tha thứ và sự sống mới của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Người.
Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha đã suy tư về năm điểm cốt yếu trong lời loan báo của Chúa Giêsu, những điều ngài cũng cho là những điều cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng; đó là: niềm vui, sự giải thoát, ánh sáng, sự chữa lành và sự ngạc nhiên.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã suy tư về Chúa Giêsu như mẫu mực của việc loan báo, về trái tim mục tử của Người luôn hướng tới những người khác. Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Chúa như là bậc thầy của việc loan báo. Chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn bởi câu chuyện Người giảng dạy trong hội đường làng Nadarét của Người. Chúa Giêsu đọc một đoạn sách của ngôn sứ Isaia (x. 61,1-2) và rồi khiến mọi người ngạc nhiên với một “bài giảng” rất ngắn, chỉ trong một câu. Người nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vi vừa nghe” (Lc 4,21). Điều này có nghĩa là đối với Chúa Giêsu, đoạn sách ngôn sứ đó chứa đựng điều cốt yếu của những gì Chúa muốn nói về chính Người. Vì vậy, mỗi khi nói về Chúa Giêsu, chúng ta nên theo lời loan báo đầu tiên của Người. Giờ đây chúng ta hãy xem nó bao gồm những điều gì. Chúng ta có thể xác định được năm yếu tố cốt yếu.
Niềm vui
Yếu tố đầu tiên là niềm vui. Chúa Giêsu công bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi; […] Người sai tôi đi báo tin vui cho người nghèo khó” (c. 18). Tin vui: chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời được chia sẻ. Làm chứng cho Chúa Giêsu, làm một điều gì đó cho người khác nhân danh Người, nghĩa là giữa dòng đời của cuộc sống, chúng ta nói về việc nhận được một món quà tuyệt vời mà không lời nào có thể diễn tả được. Ngược lại, khi thiếu vắng niềm vui, thì Phúc Âm không được loan báo, bởi vì chính từ ngữ này đã nói rằng đó là tin tốt lành, một lời loan báo về niềm vui. Một Kitô hữu buồn bã có thể nói về những điều rất tốt đẹp nhưng tất cả đều vô ích nếu lời họ loan báo không vui.
Sự giải thoát
Chúng ta đến với khía cạnh thứ hai, sự giải thoát. Chúa Giêsu nói rằng Người được sai đến “giải thoát cho những kẻ bị giam cầm” (ibid.). Điều này có nghĩa là người loan báo về Thiên Chúa thì không thể chiêu dụ tín đồ, không thể gây áp lực cho người khác, nhưng giải thoát họ; không đặt gánh nặng, nhưng cất đi gánh nặng; đem lại bình an chứ không phải cảm giác lỗi. Dĩ nhiên, theo Chúa Giêsu cũng có sự khổ hạnh, hy sinh; nhưng nếu mọi điều tốt lành đều đòi hỏi những hy sinh, thì thực tế quyết định của cuộc sống càng đòi hỏi nhiều hơn! Tuy nhiên, những người làm chứng cho Đức Kitô cho thấy vẻ đẹp của mục tiêu hơn là sự gian khổ của cuộc hành trình. Có thể là chúng ta kể với ai đó về một chuyến đi tuyệt vời mà chúng ta đã thực hiện: chúng ta sẽ nói về vẻ đẹp của những địa điểm, những gì chúng ta đã thấy và trải nghiệm, chứ không phải về thời gian để đến đó và về việc xếp hàng đợi ở sân bay! Vì vậy, bất kỳ lời loan báo nào xứng đáng với Đấng Cứu Chuộc đều phải loan báo về sự giải thoát.
Ánh sáng
Khía cạnh thứ ba là ánh sáng. Chúa Giêsu nói rằng Người đến để “người mù được thấy” (ibid.). Điều đáng chú ý là trong toàn bộ Kinh Thánh, trước Chúa Kitô, chưa bao giờ có việc chữa lành một người mù. Trên thực tế, đó là một dấu hiệu được hứa sẽ đến cùng với Đấng Mêsia. Nhưng ở đây không chỉ là cái nhìn thể lý mà còn là ánh sáng cho phép bạn nhìn cuộc sống của thế giới mới. Có một sự “đến với ánh sáng”, một sự tái sinh chỉ xảy ra với Chúa Giêsu… Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, đời sống Kitô giáo đã bắt đầu đối với chúng ta như thế: với Bí tích Rửa tội, mà thời cổ đại được gọi là “sự chiếu sáng”.
Chúa Giêsu ban cho chúng ta ánh sáng nào? Ánh sáng của con cái: Người là Con yêu dấu của Chúa Cha, hằng sống muôn đời; với Người, chúng ta cũng là con cái của Thiên Chúa được yêu thương mãi mãi, bất chấp những lỗi lầm và khiếm khuyết của chúng ta. Khi đó cuộc sống không còn là một bước tiến mù quáng về phía hư vô, nó không phải là vấn đề số phận hay may mắn, nó không phải là điều phụ thuộc vào cơ hội hay những vì sao, hay thậm chí vào sức khỏe và tài chính, nhưng vào tình yêu của Chúa Cha, Đấng quan tâm đến chúng ta, những đứa con yêu dấu của Người. Thật tuyệt biết bao khi được chia sẻ ánh sáng này với những người khác! Anh chị em có nghĩ rằng cuộc sống của mỗi người chúng ta là một hành động của tình yêu không, một lời mời gọi yêu thương không? Đã nhiều lần chúng ta quên điều này, khi đứng trước những khó khăn, những tin tức tồi tệ, trước tính thế gian, trước lối sống theo tinh thần thế gian.
Chữa lành
Khía cạnh thứ tư của lời loan báo là chữa lành. Chúa Giêsu nói Người đến “để trả lại tự do cho người bị áp bức” (ibid.). Những người bị áp bức là những người trong cuộc sống cảm thấy bị đè bẹp bởi một điều gì đó: bệnh tật, lao nhọc, gánh nặng trong lòng, mặc cảm lỗi lầm, tệ nạn, tội lỗi… Điều đang đè nặng chúng ta trên hết chính là sự dữ mà không thuốc men hay phương thuốc nào của con người có thể chữa lành: đó là tội lỗi.
Nhưng tin vui là với Chúa Giêsu, sự dữ ngàn đời này, thứ dường như bất khả chiến bại, không còn có tiếng nói quyết định. Chúa Giêsu chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi, luôn luôn và cách nhưng không. Người mời gọi những ai “khó nhọc và gánh nặng” hãy đến với Người (x. Mt 11,28). Và vì thế, đồng hành với ai đó đến gặp gỡ Chúa Giêsu là đưa họ đến với vị bác sĩ tâm hồn, Đấng nâng đỡ cuộc sống. Điều đó có nghĩa là: “Anh ơi, chị ơi, tôi không có câu trả lời cho rất nhiều vấn đề của bạn, nhưng Chúa Giêsu biết bạn và yêu bạn, đồng thời có thể chữa lành và xoa dịu trái tim bạn.” Những người mang gánh nặng cần một sự xoa dịu cho quá khứ, họ cần sự tha thứ. Và những người tin vào Chúa Giêsu có điều này để trao tặng cho người khác: quyền năng tha thứ của Thiên Chúa, thứ giải thoát linh hồn khỏi mọi món nợ.
Sự kinh ngạc của ân sủng
Kinh Thánh nói về một năm mà người ta thoát khỏi gánh nặng nợ nần: đó là Năm Thánh, năm ân sủng. Đây là điểm cuối cùng của lời loan báo.Thực vậy, Chúa Giêsu nói rằng Người đến “để công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,19). Đó không phải là một lễ kỷ niệm đã được lên kế hoạch, nhưng với Chúa Kitô, ân sủng làm cho cuộc sống trở nên mới mẻ luôn đến và gây ngạc nhiên. Và lời loan báo của Chúa Giêsu phải luôn mang lại sự kinh ngạc của ân sủng. Bởi vì không phải chúng ta làm nên những việc lạ lùng, nhưng chính ơn Chúa, ngay cả thông qua chúng ta, thực hiện những việc không ngờ. Và đây là những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Tin Mừng đem đến một cảm giác ngạc nhiên và mới lạ mang tên Giêsu.
Xin Chúa giúp chúng ta loan báo điều đó như Người mong muốn, bằng cách thông truyền niềm vui, sự giải thoát, ánh sáng, sự chữa lành và sự ngạc nhiên.
Chúa loan báo tin vui cho người nghèo
Một điều cuối cùng: lời loan báo vui mừng này, theo Tin Mừng, được nói “với người nghèo” (c. 18). Chúng ta thường lãng quên họ, nhưng họ lại là những người được Chúa Giêsu minh nhiên nhắc đến, vì họ là những người được Chúa yêu mến. Chúng ta hãy nhớ đến họ và nhớ rằng, để đón nhận Chúa, mỗi người chúng ta phải trở nên “nghèo khó trong tâm hồn”: nghĩa là vượt thắng mọi giả định cho rằng tự mình là đủ, để hiểu rằng mình cần ân sủng, luôn cần đến Chúa.
Nguồn: Vaticannews: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-01/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-chua-giesu-bac-thay-loan-bao.html