Đức Giêsu và Nước Thiên Chúa

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc
  1. Trước Đức Giêsu: các vị vua và các ngôn sứ

Các vị vua, Đavít, Salômon và nhiều vị vua khác đã đánh dấu công trình lịch sử của Israel. Nhưng lịch sử đã ngăn cản sự phát triển và kinh nghiệm về vương quyền chấm dứt vào năm 578. Chính vì thế, một niềm hy vọng cánh chung về Nước Trời đã nảy sinh và sự mong chờ này sẽ là một yếu tố cấu thành của đời sống dân Do thái. Các ngôn sứ sẽ nói về việc tái thiết lập Vương quyền của Thiên Chúa. Vương quyền trở lại với triều đại Hasmonean không đem lại sự hài lòng và sự chiếm đóng của La Mã làm gia tăng gay gắt chủ nghĩa dân tộc với hy vọng rằng các dân ngoại sẽ bị nô lệ. Sự chờ đợi đặt vào một thực tại khác. Mọi người ở Israel chờ đợi ngày tận thế và quang lâm của Thiên Chúa-Vua hoặc người đại diện của Ngài. Chính với Đức Giêsu mà vương quyền của Đấng Thiên Sai sẽ tìm lại được vị trí ban đầu của nó, tuy nhiên, vẫn giữ những âm vang chính trị.

  1. Gioan Tẩy Giả

Vào năm 27-28, Gioan Tẩy Giả xuất hiện bên bờ sông Jordan. Gioan tuyên bố sự phán xét cánh chung sắp xảy đến, tận thế và cơn giận của Thiên Chúa. Ông thực hiện một phép rửa đánh dấu một nghi thức tháp nhập vào cộng đoàn cánh chung, vào Israel xác thực. Ông kêu gọi hoán cải. Gioan là một ngôn sứ « chửi rủa » những kẻ đi lệch Giao ước. Cái chết bạo lực của ông là sự minh họa cho sự quyết liệt của ông đối với các kẻ gian ác. Đức Giêsu đã thường lui tới với Gioan và đã nhận sự giảng dạy của ông. Nhưng như Daniel Marguerat nói điều này : « Gioan là người loan báo bình minh, trong khi Đức Giêsu là Đấng mà qua Ngài, ngày mới xuất hiện ».

  1. Nước Trời trong đời sống Đức Giêsu

Trọng tâm sứ điệp và hành động của Đức Giêsu là Triều Đại Thiên Chúa. Nhưng, Triều Đại này không được xác định. Đức Giêsu nói rằng Nước Trời đã đến gần và Ngài mời gọi hoán cải. Những dụ ngôn, các phép lạ, mọi hoạt động của Đức Giêsu mang dấu vết của Nước Trời. Lời loan báo về Nước Trời là đặc thù của Đức Giêsu và công thức « Triều Đại Thiên Chúa » hoặc « Nước Trời » được nêu 65 lần trong Tin Mừng. 

Nếu khái niệm Triều Đại Thiên Chúa không bao giờ được giải thích trong Kinh Thánh, thì bởi vì khái niệm này không cần phải giải thích trong thế giới Do thái. Các Thánh vịnh nói về vương quyền phổ quát của Thiên Chúa và Đền thờ, nơi mà phụng vụ được cử hành, là bằng chứng nhận biết Thiên Chúa như là Vua vũ trụ. Do thái giáo mong đợi toàn thể nhân loại nhận biết Thiên Chúa là Vua. Với việc Đức Kitô đến, thế giới Do thái sống trong cơn sốt mong đợi, bởi vì người La Mã đã xâm lăng lãnh thổ của họ và dân khao khát tái thiết lập những quyền của mình. Sự chiếm đóng của ngoại bang khơi dậy niềm hy vọng mãnh liệt về Triều Đại Thiên Chúa. Quaddish, một lời nguyện nghi lễ của thế kỷ I gần giống với Kinh Lạy Cha, được viết như sau : « Xin cho Triều Đại Chúa ngự trị »[1]. Triều Đại Thiên Chúa đến sẽ kèm theo sự giải thoát dân Israel và những kẻ thù của dân sẽ bị tiêu diệt. Gioan Tẩy Giả, trước Đức Giêsu, loan báo Nước Trời đến và cần phải chuẩn bị qua việc hoán cải để đón nhận Nước Trời.

Nhưng Đức Giêsu về phần Ngài, không loan báo một Nước Trời mang tính chủ nghĩa dân tộc. Triều Đại Thiên Chúa được mở ra cho hết mọi người và không được dành riêng cho con cái Abraham. Đức Giêsu không chia sẻ cái nhìn u sầu của Khải huyền, nghĩa là Ngài không nhìn thời gian hiện tại như bị thống trị bởi Satan. Thế giới hiện tại đã ở dưới cái nhìn chăm chú yêu thương của Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Giêsu không ấn định niên lịch : Nước Trời đã hiện diện ở đó. « Tính độc đáo nền tảng của Đức Giêsu là xem Triều Đại Thiên Chúa vừa ở tương lai và rất gần – chúng ta có thể nói : Nước Trời ở tương lai và hiện tại »[2]. Nếu Khải huyền của Do thái giáo nhìn tương lai để phát hiện những điềm báo về sự xuất hiện của Đấng Mêsia, thì với Đức Giêsu, có một cuộc cách mạng thật sự, một sự thay đổi tận căn về quan niệm. Đức Giêsu trả lời câu hỏi « Khi nào Triều Đại Thiên Chúa đến ? » rằng Triều Đại Thiên Chúa không đến như một sự kiện có thể quan sát được, mà người ta có thể nói : « Ở đây này » hoặc « Ở kia kìa ». Ngài nói thêm : « Thật vậy, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông ». Đức Giêsu loan báo Nước Trời đến trong sự kín đáo và nhỏ bé. Các dụ ngôn mà Đức Giêsu dùng mô tả xuất hiện trong đời sống thường nhật một thực tại vượt quá một cách vô hạn thế giới hữu hình.

« Điều quan trọng hơn hết đối với Đức Giêsu là Triều Đại Thiên Chúa mở rộng tính hiệu năng của Triều Đại ngay trong hiện tại. (…) Vì sự biến đổi theo cái nhìn của Khải huyền về thế giới đã không xảy ra. Triều Đại Thiên Chúa được hoàn tất một cách từng phần trong việc trục xuất ma quỷ. (…) Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ qua từng phần và không phải trong tổng thể và sức mạnh này được biểu lộ như một sức mạnh giải thoát thay vì hủy diệt. Chính vì vậy, Triều Đại Thiên Chúa đi vào thế giới, không phải bằng sức mạnh và bạo lực không thể chống lại, cũng không phải như một thảm họa thiên nhiên cuốn phăng mọi thứ cùng với nó, nhưng là với sức mạnh thuyết phục giải thoát mọi sức mạnh quỷ ám (…) Thời gian của Triều Đại Thiên Chúa thì hoàn toàn khác, nó được thực hiện trong thời gian trung gian hiện tại. »[3] Đức Giêsu làm cho Triều Đại Thiên Chúa đến qua việc rao giảng của Ngài. Việc xua đuổi ma quỷ là dấu chỉ của Nước Trời hiện diện và hoạt động. Chúng ta vẫn cần phải học cách nhìn những dấu chỉ như nó là và học biết rằng chính đức tin làm cho điều đó trở nên có thể. Cũng không phải để chạy trốn thực tại hiện tại của thế giới bằng cách ẩn náu trong một cộng đoàn chờ đợi ngày tận thế. Chính bởi vì thế giới có thể thay đổi mà nó cho phép chúng ta tin và hy vọng.

« Đối với Đức Giêsu, đó chính xác là tính chất hiện tại làm cho niềm hy vọng vào một điều tốt đẹp phổ quát trong tương lai trở nên xác đáng. Chính phần của điều Tốt trong hiện tại khiến Đức Giêsu đặt niềm hy vọng của Ngài vào Triều Đại Thiên Chúa »[4].

  1. Sau Đức Giêsu

Việc dùng chủ đề Nước Trời hoặc Triều Đại ngày càng ít đi nơi các Kitô hữu tiên khởi. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã sai các môn đệ của Ngài ra đi thi hành sứ mạng và Ngài mời gọi họ không chỉ « khắc ghi đời sống của họ dưới chân trời của Nước Trời, mà còn chia sẻ những giá trị và đòi hỏi của Nước Trời, (…) Ngài liên kết họ với sự hiển trị của Triều Đại bằng cách đòi hỏi họ rao giảng và ban cho họ quyền năng chữa lành »[5]. Các môn đệ của Đức Kitô tiếp tục sứ mạng mà Đức Giêsu đã khởi xướng trong khi biểu lộ cách cụ thể Nước Trời bằng Lời và hành động. Những người được Đức Giêsu sai đi là hiện thân của Nước Trời điều mà họ tin. Về phần Phaolô, ngài ít dùng chủ đề Nước Trời, giống như Tin Mừng Gioan. « Bản thống kê này đặt chúng ta vào một hoàn cảnh đặc biệt khi cảm nhận công thức đặc trưng của Đức Giêsu không còn được nhắc đến sau Ngài »[6]. Ngay cả khi Giáo hội ít dùng cách đặt vấn đề về Nước Trời, thì sứ mạng của Giáo hội vẫn là loan báo Nước Trời. Ngày nay, chúng ta là những người thừa kế của các Kitô hữu tiên khởi, và đời sống của chúng ta trong thế giới phải được phân biệt bằng khả năng của mình qua cách thức làm biểu lộ Nước Trời trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Câu trích dẫn thường bị hiểu sai của Alfred Loisy – Đức Kitô đã loan báo Nước Trời và chính Giáo hội đã đến – chỉ đơn giản nhắc nhở rằng sứ mạng của Đức Kitô được nối dài trong sứ mạng của Giáo hội. Đó không phải là đồng nhất Giáo hội với Nước Thiên Chúa. Hôm nay, niềm hy vọng của chúng ta còn nguyên vẹn : vương quyền của Đức Kitô được mở rộng trên thế giới mặc dầu những cản trở được dựng nên nhằm chống lại vương quyền của Ngài.

Vì thế, chúng ta có một công việc phải làm để hiểu rõ về Triều Đại Thiên Chúa. Để thực hiện điều này, chúng ta cần phải trung thành với Tin Mừng và cần phải theo lời giảng dạy của Đức Giêsu, khởi đi từ chính Ngài.  Lời giảng dạy của Ngài có thể được mô tả trong một vài khẳng định như sau :

  • Nước Trời không tương ứng với một quốc gia hay một dân. Nước Trời dành cho hết mọi người.
  • Nước Trời không phải cho ngày mai. Nước Trời bắt đầu hôm nay, theo mức độ mà mỗi người dấn thân cho Nước Trời bằng cách sống tinh thần các Mối Phúc.
  • Nước Trời được biểu lộ qua tất cả sự góp phần nhắm tới việc đẩy lùi sự dữ.
  • Triều Đại được đề nghị, không được áp đặt.

Chuyển ngữ : Phêrô Hồ Sỹ Cẩn,A.A.

[1] Marc PHILONENCO, Le Notre Père. De la prière de Jésus à la prière des disciples, Bibliothèque des Histoires, Gallimard, 2001, p. 79.

[2] Daniel MARGUERAT, « L’annonce du Royaume est propre à Jésus », in Joseph DORÉ (dir.), Jésus. L’encyclopédie, Albin Michel, 2017, p. 322.

[3] Hans WEDER. Présent et rènge de Dieu. Considérations sur la compréhension du temps chez Jésus et dans le christianisme primitif. Lectio divina, Cerf, 2009, pp. 34-35.

[4] Ibidem, pp. 58-59.

[5] Daniel MARGUERAT, Vie et destin de Jésus de Nazareth, Seuil, 2019, p. 178.

[6] Ibidem, p. 121.