Đức Thánh Cha Dâng Thánh Lễ Tại Baku, Azerbaijan

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

dtc-o-baku(Radio Vatican) Hôm Chúa nhật (2/10/2016), Đức thánh cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại trung tâm thành phố Salesian, Baku. Đây là sự kiện quan trọng của Đức Thánh Cha trong suốt chuyến thăm 10 tiếng tại Azerbaijan.

Trong bài giảng dành cho cộng đoàn dân Chúa đang quy tụ tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lời mời gọi của Đức Giê-su Ki-tô: Sống đức tin và phục vụ.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa hôm nay trình bày với chúng ta hai khía cạnh thiết yếu trong đời sống của người Ki-tô hữu, là đức tin và sự phục vụ. Liên quan đến khía cạnh đức tin, dựa trên những bài đọc hôm nay, chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa đã nhận được hai lời nài van.

Lời nài van đầu tiên của ngôn sứ Kha-ba-cúc, ông đã van xin Thiên Chúa can thiệp vào việc tái lập lại công bằng và bình an cho những người đang bị bách hại bởi bạo lực và những tranh chấp. Ngôn sứ Kha-ba-cúc nài xin rằng: “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe?” (Kb 1, 2). Thiên Chúa đã không can thiệp một cách trực tiếp, Ngài không giải quyết hoàn cảnh ấy một cách vội vã, Ngài cũng không xuất hiện trong sự dương oai sức mạnh. Ngược lại, Thiên Chúa mời gọi sự chờ đợi kiên nhẫn, không bao giờ đánh mất niềm hy vọng; và trên tất cả, Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đức tin, bởi vì người công chính sẽ sống nhờ trung tín (x. Kb 2, 4). Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta tương tự như vậy: Ngài không nuông chiều những ước muốn của chúng ta cách lập tức và lặp lại để thay đổi thế giới và tất cả mọi người. Thay vào đó, trước hết Ngài hướng đến việc chữa lành những tâm hồn, tâm hồn của tôi, tâm hồn của các bạn, và tâm hồn của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã thay đổi thế giới bằng cách biến đổi tâm hồn của chúng ta, và thật vậy, Ngài không thể làm việc này mà không có chúng ta. Thiên Chúa muốn mỗi người trong chúng ta rộng mở cánh cửa trong tâm hồn mình, để từ đó đi vào cuộc sống của chúng ta. Hành động mở tâm hồn, tin tưởng với tha nhân là hành động đúng, vì “mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (1Ga 5, 4). Khi Thiên Chúa tìm thấy những tâm hồn rộng mở và tin tưởng, Ngài có thể làm việc với tâm hồn kỳ diệu đó.

Nhưng để có đức tin và sống đức tin thì không dễ dàng; và vì vậy, chúng ta cần vượt qua lời van xin thứ hai, điều mà các Tông đồ đã thưa cùng Chúa Giê-su trong Tin mừng: “Thưa thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con!” (Lc 17, 6). Đó là lời cầu xin mà mỗi người trong chúng ta cũng nên dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày. Nhưng sự đáp trả nhiệm mầu của Thiên Chúa thật bất ngờ và cũng xoay quanh lời nài xin của các môn đệ: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải…”. Đây chính là lời mời gọi của Thiên Chúa, rằng chúng ta phải có đức tin. Bởi vì đức tin là quà tặng của Thiên Chúa và đó cũng chính là điều luôn được mời gọi cần nuôi dưỡng. Đức tin không phải là một sức mạnh kỳ lạ, điều mà có thể rơi xuống từ trời cao, đức tin cũng không phải là một “tài năng” điều mà được ban phát một lần và cho tất cả mọi người, và đức tin cũng không phải là một năng lực đặc biệt giúp giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Một đức tin chỉ để mưu cầu cho những lợi ích của cá nhân là một sự ích kỷ, điều chỉ tập trung hoàn toàn vào chính bản thân mình. Đức tin cũng không được hiểu là sự hạnh phúc, thịnh vượng hay những cảm giác tốt để an ủi trái tim chúng ta và mưu cầu cho một sự bình an nội tâm. Nhưng đức tin là sợi dây quý giá để liên kết chúng ta với Thiên Chúa, một niềm hạnh phúc truyền thống, được gắn chặt với Thiên Chúa. Thật vậy, đức tin là một món quà trong cuộc đời chúng ta, tuy nhiên, nó chỉ thực sự sinh hoa kết quả nếu chúng ta góp phần mình vào và liên kết với Đức Ki-tô.

Vậy chúng ta có thể liên kết với Đức Ki-tô bằng cách nào? Đức Giê-su Ki-tô giúp chúng ta nhận ra đó chính là việc phục vụ người khác. Trong bài Tin mừng, ngay sau khi giải thích sức mạnh của đức tin, Đức Giê-su nói về sự phục vụ. Đức tin và phục vụ là hai điều không thể tách rời. Nói cách khác, đức tin và phục vụ liên kết và gắn bó với nhau. Để giải thích vấn đề này, cha muốn lấy một ví dụ rất gần gũi với chúng con, đó là một tấm thảm đẹp. Tấm thảm là kết quả của lao động trong nghệ thuật và cũng có cả một sự thừa hưởng những nét đẹp từ tổ tiên. Đời sống của người Ki-tô hữu trong mỗi chúng ta đây cũng được thừa hưởng từ tổ tiên chúng ta. Đó là món quà mà chúng ta nhận lãnh từ Giáo hội, nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Ngài luôn mong ước làm cho mỗi người trong chúng ta trở nên một kiệt tác trong công cuộc tạo dựng của Ngài. Chúng ta biết rằng mỗi tấm thảm phải được làm bằng tất cả sợi chỉ ngang dọc, chỉ có như vậy tấm thảm mới được dệt cách hài hoà. Cũng vậy, trong đời sống đức tin của chúng ta, mỗi ngày phải được dệt cách kiên nhẫn, đan xen giữa những sợi ngang và sợi dọc, những sợi chỉ ngang dọc ấy như là đức tin và sự phục vụ của chúng ta. Khi đức tin được hòa quyện với phục vụ, thì trái tim chúng ta được mở rộng và tràn đầy sức sống. Và từ đó, trái tim ấy luôn mở ra với những công việc bác ái của mình. Vì thế, đức tin, như Chúa Giê-su đã nói với chúng ta trong bài Tin mừng, trở nên mạnh mẽ và thực thi những công việc phi thường. Nếu đức tin của chúng ta được liên kết với những hành động của phục vụ, nó sẽ được lớn lên và trưởng thành trong sự mạnh mẽ.

Nhưng thế nào là phục vụ? Chúng ta có thể nghĩ rằng nó chỉ bao gồm sự tận tâm trong những nhiệm vụ hay là thực hành một vài việc tốt. Với Đức Giê-su, phục vụ còn hơn thế nữa. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đòi hỏi cách rất chắc chắn và triệt để, là một cuộc sống hoàn toàn trao ban và phục vụ cách vô vị lợi. Tại sao Ngài lại  đòi hỏi nhiều như vậy? Bởi vì Ngài đã yêu thương chúng ta như thế, trao ban chính bản thân mình để yêu thương và phục vụ chúng ta đến cùng (x. Ga 13, 1), đến để phục vụ và trao ban chính mạng sống của mình (Mc 10, 45).  Và đều này luôn diễn ra trong Bí tích Thánh thể, Thiên Chúa đến giữa chúng ta, khi chúng ta ước muốn được phục vụ và yêu mến Ngài, thì tình yêu thương của Ngài đã đi trước, để yêu thương và phục vụ chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể tưởng tượng hoặc xứng đáng. Thiên Chúa trao ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta noi gương Ngài: “ Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy” (Ga 12, 26).

Và vì vậy, chúng ta không chỉ được mời gọi để đáp lại những ơn huệ, nhưng hơn thế nữa, chúng ta được mời gọi để noi theo gương của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã tự hiến thân mình cho tình yêu đối với chúng ta. Chúng ta cũng không phải được kêu gọi chỉ để phục vụ ngay lúc này, nhưng để sống trong sự phục vụ. Vì thế, phục vụ là cuộc sống. Quả vậy, phục vụ là toàn bộ cuộc sống của một người Ki-tô hữu: Phục vụ Thiên Chúa trong phụng thờ và cầu nguyện, luôn cởi mở và sẵn sàng; phục vụ con người trong yêu thương bằng những hành động thiết thực, cụ thể; phục vụ cách hăng say cho những lợi ích chung.

Là người Ki-tô hữu, những cám dỗ luôn hiện diện và lôi kéo chúng ta xa rời lối đi của phuc vụ và làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa. Chúng ta có thể xác định được hai hình thức của cơn cám dỗ này. Một là làm cho trái tim chúng ta trở nên lãnh đạm. Một trái tim lãnh đạm sẽ trở nên ích kỷ, chỉ biết quan tâm đến mình trong một lối sống lười biếng và nỡ dập tắt ngọn lửa của tình yêu thương. Con người lãnh đạm sống để thoả mãn những nhu cầu lợi ích của chính mình, cái mà không bao giờ đủ và như vậy nó sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được nhu cầu của họ. Cứ như vậy,  cuộc sống người Ki-tô hữu trở nên tầm thường. Con người lãnh đạm dùng Thiên Chúa và tha nhân như “mối lợi” cho họ. Họ không bao giờ dành thời gian và tình yêu cho tha nhân, hay nói đúng hơn họ luôn luôn muốn tiêt kiệm. Họ đánh mất niềm say mê của cuộc sống, điều đó giống như một tách trà thực sự ngon nhưng chúng ta không thể nếm được vị ngon của nó trong thời tiết lạnh. Dù vậy, cha chắc chắn rằng, khi các con nhìn vào những mẫu gương của những người đã đi trước chúng ta trong đức tin, các con sẽ không bao giờ để trái tim của các con trở nên lãnh đạm. Toàn thể Giáo hội trông chờ các con, và tiếp thêm sự can đảm cho các con, rằng: Các con là những con chiên bé nhỏ nhưng thật đáng quý trong mắt Thiên Chúa.

Sự cám dỗ thứ hai, là chúng ta có thể bị sa đà không phải bởi vì chúng ta thờ ơ, thụ động, nhưng vì chúng ta ngạo mạn, một thứ suy nghĩ cho mình là ông chủ, cho đi chỉ vì muốn được nhận lại, hay muốn được thêm, hay chỉ vì muốn trở thành một người nào đó. Trong trường hợp này sự phục vụ trở thành phương tiện chứ không phải là mục đích. Nó trở thành phương tiện để chiếm lấy uy thế cho chính mình; và sau đó nó trở thành một thứ quyền thế với tham vọng nên như một người quan trọng, vĩ đại. Như Chúa Giê-su đã nhắc nhở tất cả chúng ta rằng: “Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em” (Mt 20, 26). Đây là cách mà Giáo hội phát triển và lớn mạnh. Quay trở lại với hình ảnh chiếc thảm, và áp dụng nó vào chính nơi các con đang sống: Mỗi người chúng ta hãy trở nên như một sợi chỉ cao quý. Chỉ khi nào các con kết lại cùng nhau, mặc dù mỗi sợi chỉ có những nét đẹp riêng, nhưng nó sẽ trở nên vô dụng nếu nó là một sợi chỉ đơn độc. Vì vậy, hãy luôn hợp nhất cùng nhau trong sự khiêm nhường, nhân ái và tràn đầy niềm vui. Thiên Chúa, Đấng đã hoà hợp những sự khác biệt, sẽ bảo vệ các con.

Ước mong chúng ta luôn được trợ giúp nhờ lời cầu bầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và bởi các Thánh, đặc biệt là mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta, người đã sinh hoa trái trong đức tin nhờ phục vụ mọi người. Chúng ta hãy cùng nhắc lại một vài lời vàng ngọc của Mẹ để tóm tắt cho thông điệp của ngày hôm nay: “Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là sự phục vụ. Hoa trái của sự phục vụ là bình an” (trích trong Con đường đơn sơ, phần giới thiệu).

D.P., chuyển ngữ