Đức Thánh Cha Phanxicô Gặp Gỡ Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor unum) Và Những Tổ Chức Viện Trợ Ở Trung Đông

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

pope-francis-doveĐức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến những người đại diện đến từ các cơ quan cứu trợ Công giáo và các tổ chức từ thiện dưới sự lãnh đạo của Hội Đồng Giáo Hoàng có tên là “Cor unum” (Đồng tâm), đang làm việc tại I-rắc, Sy-ri-a và một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột đang diễn ở hai đất nước này.

Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor unum) là tổ chức đắc lực của Đức Giáo Hoàng trong việc thực hiện các sáng kiến nhân đạo, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người và hợp tác cho những sáng kiến của các tổ chức từ thiện Công giáo, khuyến khích các tín hữu làm chứng cho Tin mừng cách cụ thể thông qua các việc bác ái.

Sau đây là bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng:

Thưa anh chị em,

Cha cám ơn sự cộng tác của anh chị em về những đóng góp của anh chị em liên quan đến những sứ mạng chung của Giáo hội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở I-rắc và Sy-ri-a. Cha chào đón tất cả anh chị em là những giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân. Cách đặc biệt, tôi xin chào đón và cám ơn sự hiện diện trong ngày hôm nay của ông Staffan de Mistura, là đặc phái viên của tổng thư ký liên hiệp quốc ở Sy-ri-a. Cha muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với đức ông Dal Toso và Hội đồng Giáo hoàng Đồng tâm (Cor unum) trong việc hỗ trợ cách chu đáo và hiệu quả cho những việc mà Giáo hội đang dấn thân để xoa dịu nỗi đau của hàng triệu nạn nhân trong các cuộc xung đột này. Ở khía cạnh này, cha muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mọi người trong việc đổi mới sự phối hợp giữa tất cả các thành viên của lãnh vực này.

Chúng ta cần phải chú ý đến thảm cảnh kể từ cuộc họp cách đây một năm (2015), bất chấp những nỗ lực thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó những áp bức bóc lột, bạo lực, tham nhũng đang tàn phá những đất nước này. Ngay cả bây giờ, chúng ta không thể chấm dứt những hành động xúc phạm đến quyền con người đang diễn ra cách triền miên. Các hậu quả nghiêm trọng của những cuộc khủng hoảng này đã có thể được nhìn thấy và nó đã vượt ra khỏi biên giới. Điều này có thể được chứng minh nơi các cuộc di dân.

Bạo lực gây ra bạo lực, và chúng ta nhận thấy có một vết hằn của sự kiêu căng và trì trệ mà không có lối thoát. Sự ác này thách thức lương tâm và ý chí của chúng ta. Tại sao? Tại sao con người vẫn tiếp tục theo đuổi việc lạm dụng quyền lực, trả thù và bạo lực ngay cả khi có những tổn hại không kể xiết đến con người, tài sản và môi trường? Chúng ta nghĩ về cuộc tấn công gần đây vào những chiếc xe cứu trợ của Liên hiệp quốc… Đây là kinh nghiêm trái với đạo lý mà sự ác đã hiện diện trong con người và lịch sử, cần phải được đền bù. Sự hủy diệt này đang xảy ra với mục ích để hủy diệt. Và như vậy, trong suốt năm nay, năm của Lòng thương xót, chúng ta cần phải thanh luyện đức tin của chúng ta cách mạnh mẽ hơn vào Đức Ki-tô dựa trên lòng thương xót, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tôi nhớ đến lời của thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II về “những giới hạn áp đặt lên sự ác, cái mà trong đó con người vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, và cuối cùng là một “thông điệp” của Lòng thương xót. Nó chỉ là giới hạn mà thôi. Vâng, câu trả lời cho sự dữ nằm trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô.

Nhìn vào khuôn mặt đau khổ ở Sy-ri-a, I-rắc và các nước láng giềng, nơi mà những người tị nạn đang tìm nơi trú ẩn và sự bảo vệ. Giáo hội thì nhìn thấy khuôn mặt của Đức Ki-tô trong sự thương khó của Ngài. Chính anh chị em đang là những chứng nhân cho Lòng thương xót của Chúa khi anh chị em đang thực hiện những công việc này – là giúp đỡ những người tị nạn, để bảo vệ phẩm giá của họ. Và vì vậy, chúng ta nhận thấy rằng sự ác luôn có giới hạn của nó, khi chúng ta đang dấn thân để chống lại nó. Và đây chính là dấu hiệu của niềm hy vọng lớn lao. Cha muốn cám ơn anh chị em ở đây cũng như tất cả nhưng anh chị em đang âm thầm dâng lời cầu nguyện cho những nạn nhân trong các cuộc xung đột diễn ra ở hai quốc gia này trong năm thánh Lòng Chúa thương xót, cách đặc biệt cho những trẻ em và những người già yếu…Ở Aleppo, trẻ em đang phải uống nước bị ô nhiễm.

Bên cạnh những sự giúp đỡ cần thiết mang tính nhân đạo, những anh chị em ở Sy-ry-a và I-rắc cần hơn nữa sự bình an. Vì vậy, cha sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mõi khi đòi hỏi các cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực mang tính đổi mới và lớn lao để đạt được hòa bình ở Trung đông.

Chúng ta có thể đạt tới sự chấm dứt những cuộc xung đột này: Mỗi người chúng ta có thể và phải trở nên một người kiến tạo hòa bình, bởi vì tất cả những hoàn cảnh của bạo lực và bất công là những vết thương đối với toàn thể gia đình nhân loại.

Điều cha vừa đề nghị với anh chị em cũng là điều mà cha vẫn cầu nguyện mỗi ngày, để cảnh tỉnh không những tâm trí mà cả trái tim của những người có trách nhiệm trong những cuộc xung đột này, – điều mà họ có thể từ bỏ đi những lợi ích cá nhân của họ để có thể đạt được những điều tốt đẹp hơn: hòa bình.

Về vấn đề này, cuộc họp của chúng ta mang lại cho cha một cơ hội để cám ơn và khuyến khích những tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hiệp quốc, cho công việc hỗ trợ và hòa giải đối với chính phủ của các quốc gia, nhằm đạt được một thỏa thuận kết thúc những cuộc xung đột, và cuối cùng là mang lại những ưu tiên cho việc bảo vệ những người dân. Đó là con đường mà chúng ta cần cùng nhau bước đi trong sự kiên nhẫn và tin tưởng, nhưng cũng cần sự cấp bách, và Giáo hội chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp. Cuối cùng, những suy nghĩ của cha hướng về anh chị em tín hữu ở Trung đông – nơi đang chịu đựng những hậu quả của bạo lực và nhìn về tương lai với nỗi sợ hãi trong bối cảnh của rất nhiều bóng tối, Giáo hội đang giương cao ngọn đèn của đức tin, của hy vọng và của lòng nhân ái. Khi hỗ trợ cách can đảm và bình đẳng với tất cả những ai đang phải chịu đựng và làm cho sự tồn tại chung hòa bình, những Ki-tô hữu ở Trung đông là minh chứng rõ ràng cho lòng Chúa thương xót. Những người đang chịu cảnh áp bức này cần được thán phục, công nhận và hỗ trợ từ Giáo hội hoàn vũ. Tôi phó thác những anh chị em tín hữu này và những ai đang phục vụ các nạn nhân ở các cuộc xung đột này cho Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta, người là mẫu gương cho lòng nhân ái và lòng thương xót.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Maria, Mẹ của chúng ta gìn giữ anh chị em.

D.P., lược dịch

(Nguồn: http://en.radiovaticana.va/news/2016/09/29/pope_francis_address_to_cor_unum_and_mideast_aid_agencies/1261482)