Mùa Chay là thời gian Giáo Hội mời gọi mỗi người Kitô hữu bước vào cuộc vượt qua trong tâm hồn để tiến vào sự sống vĩnh cữu. Những phương thế để sống tốt tâm tình này là: sám hối – ăn chay – cầu nguyện – làm việc tông đồ. Đáp lại lời mời gọi đó, vào Chúa nhật I Mùa Chay, Giới trẻ Đức Mẹ Lên Trời (ĐMLT) đã đi vào tĩnh tâm tại dòng Phanxicô, Thủ Đức. Mục đích của những ngày tỉnh tâm là để nhìn lại chính mình, để cầu nguyện, đối thoại với Chúa. Sau 2 tuần (22/03/2019), theo bước chân và mẫu gương Thầy Giê-su, Giới trẻ ĐMLT tiếp tục tổ chức Chương trình bác ái, đi đến với những những mảnh đời khó khăn, chia sẻ tình yêu thương giữa con người với con người, khơi dậy tình bác ái theo tinh thần Tin Mừng.
Trong chuyến hành trình này, có sự tham gia của 135 thành viên. Không chỉ các Thầy các Sr, các sinh viên Giới trẻ DMLT mà còn có sự góp mặt của nhóm sinh viên Phaolô, nhóm sinh viên GP Long Xuyên, các bạn cựu sinh viên, nhóm sinh viên trưởng thành (ân nhân, thân nhân) và cha tuyên úy Cha Phêrô Phạm Văn Dương. Chuyến đi này đưa chúng tôi đến với giáo xứ Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng, một cái tên chắc còn xa lạ với rất nhiều người.
Vào lúc 21h15p, các đoàn xe di chuyển đi đón các thành viên đã tụ lại thành các nhóm ở những địa điểm đã được thông báo. Đến lúc 22h, các đoàn xe đã gặp nhau tại điểm hẹn xuất phát và cùng nhau lên đường. Trên khuôn mặt của các bạn trẻ, ai cũng hiện lên vẻ háo hức, mong đợi chuyến hành trình này. Trước khi nổ máy, đoàn chúng tôi dâng lên Chúa những lời kinh, lời nguyện xin cho chuyến đi được bình an, gặp nhiều niềm vui và gặt hái được nhiều thành quả. Sau khi đã sắp xếp, điểm danh đầy đủ chúng tôi bắt đầu di chuyển, từ Sài Gòn đến xứ Nam Ban hết khoảng 6 tiếng, khoảng thời gian khá dài, đường đi ngoằn ngoèo, dốc lên, dốc xuống trùng điệp nối nhau trong sương mù. Dù khó khăn như vậy nhưng các bác tài xế vẫn vui vẻ, bình tĩnh để đưa chúng tôi tới nơi bình an. Bước chân xuống đất giáo xứ Nam Ban, chúng tôi cảm thấy khá lạnh nhưng cũng rất vui vì sau bao nhiêu thời gian ở thành phố thời tiết nóng bức, khó chịu nhờ cái lạnh mà xua tan đi những cảm giác bí bách bấy lâu và được hưởng cảm giác khoan thai, bình yên, êm đềm trên mảnh đất này. Bên cạnh đó lòng cũng được ấm hơn bởi lòng sự tiếp đón nồng hậu, nhiệt tình.
Cha Tuyên úy Phêrô Phạm Văn Dương dâng Thánh lễ cầu bình an cho giáo xứ với sự đồng tế của cha Phó. Trong bài giảng, Cha Tuyên úy Phêrô Dương mời gọi mọi người đừng ngoan cố sống tha hóa, chai lỳ trong tội lỗi và mê muội mà hãy quay trở về với Chúa, về với gia đình Nước Chúa, nơi bắt đầu tình yêu thương như người con hoang đàng trong bài Tin Mừng. Hãy trở về với con người thật của mình và “ở” với Cha, thi hành thánh ý Cha. Cha cũng nhắc nhở sống tình bác ái với nhau và với việc nhà Chúa.
Sau Thánh lễ và điểm tâm chúng tôi đến thăm một số gia đình của giáo xứ để hiểu thêm phong tục của họ, cuộc sống của họ, con người của họ. Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi chia thành 2 nhóm đi vào 2 buôn: buôn Chuối và buôn Thực Nghiệm. Đến nơi đây, chúng tôi đã thấy giáo dân xếp hàng chào đón, trên khuôn mặt luôn nở nụ cười, những người dân tộc K’Ho đơn sơ, thân thiện, chất phác. Chúng tôi vào sinh hoạt cùng với họ, các em thiếu nhi cũng rất nhiều, lúc đầu các em khá nhút nhát, sợ sệt vì ít được tiếp xúc với người lạ, nhưng một khi làm quen thì các em đã tự tin hơn, chịu chơi và rất nhiệt tình. Những tiếng cười tự nhiên và sảng khoái của các em khiến chúng tôi như quên đi cái nóng bức. Chúng tôi chỉ trao cho họ được những món quà đáp ứng nhu cầu cần thiết như: bánh, gạo, mì tôm, quần áo… nhưng nhận lại được gấp trăm lần những điều quý giá.
Cứ khoảng 7-8 người được một chị trong hội Hiền mẫu giáo xứ đưa đến từng gia đình, Cha xứ mời gọi chúng tôi quan sát các vật dụng trong gia đình họ, một số người tò mò nghĩ chắc họ sẽ có nhiều món đồ độc lạ. Đúng là họ có nhiều thật, họ có những căn nhà đất, dột nát, họ có nhưng cái giếng kéo bằng tay, họ có những nồi đất nấu bằng bếp củi, họ có những cái giường bằng chiếu trải dưới nền đất…. Tuy nhiên, những khó khăn của cuộc sống không gò bó, trói buộc lòng nhân ái và mến Chúa của họ. Theo như lời giáo dân kể, buôn làng cách xa nhà xứ, phương tiện không có, đường đi thì khó khăn để đến nhà thờ tham dự thánh lễ hằng ngày. Nhưng mỗi ngày họ vẫn đi đọc kinh 2 buổi sáng – tối ở nhà nguyện nhỏ của buôn. Mọi thành viên trong các gia đình đều đến nhà nguyện đọc kinh, chỉ có một người ở nhà.
Họ giàu tình thương – giàu bác ái, họ rất muốn được cho đi cái gì đó, khi chúng tôi vào nhà họ, ai cũng chào đón với ánh mắt trìu mến, “cười không thấy mặt trời”, nói với chúng tôi “không có gì mà cho các bạn ha?”. Chúng tôi được chính tay của họ đeo vào cổ những chiếc vòng- một cử chỉ biểu lộ gắn kết tình thương của người dân tộc K’Ho. Những chiếc vòng thật đẹp như tấm lòng của họ. Đặc biệt, chúng tôi được viếng thăm một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Anh chị có hai đứa con nhỏ, đứa lớn một tuổi và đứa nhỏ mới được 2 tháng tuổi nhưng lại bị bệnh tim, đất đai không có, chỉ được một miếng đất mẹ chồng cho. Chúng tôi đã trao cho họ một món quà nhỏ để giúp họ xây dựng một mái nhà che nắng che mưavới mong muốn họ có căn nhà yên ấm để sống, để nuôi dưỡng con cái tốt hơn. Giờ vàng cũng vụt qua, chúng tôi phải chia tay buôn làng, nhiều bạn còn bịn rịn, quyến luyến, lên xe mà vẫn ngóng ra ngoài, vẫy tay chào hẹn một dịp nào đó sẽ được quay trở lại, ước mong đời sống của họ sẽ được thay đổi tốt đẹp hơn.
Bên cạnh việc đi tông đồ bác ái, đây cũng là dịp chúng tôi có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, vui chơi sinh hoạt với nhau, xây dựng tình huynh đệ bền chặt hơn. Thế nên ngay sau khi thánh lễ xong, chúng tôi tiếp tục chương trình dã ngoại ở thành phố Đà Lạt, khu du lịch lý tưởng, mộng mơ. Chúng tôi dừng chân tại Học Viện dòng Thánh Vinh Sơn để nhận phòng, vệ sinh chuẩn bị cho cuộc du ngoạn, khám phá vùng đất nghe tên đã lâu. Nhằm tạo cơ hội cho các lưu xá, các nhóm được vui chơi với nhau, hiểu sở thích nhau hơn nên các lưu xá,các nhóm đã cùng nhau đi theo từng nhà thưởng thức những món ăn, sản đặc theo nhu cầu của từng nhà, ghé thăm những quầy lưu niệm… đến 23h thì tất cả các thành viên đã có mặt tại học viện để nghỉ ngơi. Đúng 4h45p tiếng chuông nhà Dòng vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. 15p sau thì các Th đã đồng thanh cất tiếng ca tụng Chúa. Chúng tôi cũng thức dậy tiến lên đền thánh Chúa của giáo xứ để tham dự thánh lễ, cảm tạ Chúa vì một ngày tốt đẹp đã qua và dâng lên những dự định của ngày mới.
Sau giờ phút bên Chúa, ai cũng trở về với nét mặt rạng ngời, hớn hở, vui tươi, cảm giác khoan thai, không phải vội vàng, bon chen như những ngày khác. Giờ điểm tâm sáng cũng đến, chúng tôi nhanh chân bước vào phòng ăn, thưởng thức món hủ tiếu nóng hổi, thơm ngát. Vừa ăn chúng tôi vừa nghe thông báo chương trình, nghe xong ai cũng ăn nhiều hơn, nhanh hơn đủ năng lượng để đến nơi mà nhiều người uớc muốn. Không chần chừ nhiều, chúng tôi đến những địa điểm nổi tiếng như: nhà thờ Con Gà, nhà thờ Domain De Maria, khu mua sắm, vườn hoa Đà Lạt. Đến nơi đây, chúng tôi như được tăng thêm sức sống, được khoác chiếu áo mới của bầu trời chút gió chút nắng tạo nên sự mộng mơ, được ngắm những bông hoa lung linh, rực rỡ, tỏa ngát mùi thơm đang tỏ tình khoe hết sắc đẹp cho chúng tôi, được hiểu biết thêm rất nhiều điều mới mẻ, được gặp những con người thân thiện, khách du lịch nước ngoài, chúng tôi cùng nhau chụp những tấm ảnh để lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ này. Thời gian cứ trôi đi không dừng thì chúng tôi cũng phải gác lại chuyến hành trình, chúng tôi trở về nhà dòng dùng cơm, nghỉ ngơi, dọn dẹp vệ sinh lên đường trở về tiếp tục nhiệm vụ, công việc của mỗi người. Trên đường về Sài Gòn, chúng tôi ghé lại Bảo Lộc để ăn tối, chúng tôi cũng dừng chân và viếng Đức Mẹ An Bình tại Đèo Bảo Lộc để cảm tạ về chuyến đi, dâng lên Mẹ những lời nguyện cho toàn thể thành phần dân Chúa, xin Mẹ tiếp tục đồng hành với mỗi người con của Mẹ. Tại đây chúng tôi cũng lượng giá, cảm ơn nhau, chào nhau và lên xe tiếp tục về chỗ ở của mỗi người.
Để có được chuyến hành trình đầy cảm xúc, đầy ý nghĩa và niềm vui này, trên hết là nhờ vào tình yêu thương, ơn lành của Chúa thúc đẩy chúng tôi “tình yêu Chúa Ki tô thúc bách tôi” (Phaolô). Bên cạnh đó, chúng tôi tri ân những người cùng cộng tác và nâng đỡ chúng tôi về vật chất cũng như tinh thần dành cho chúng tôi. Cảm ơn Cha Phê rô, các Thầy, các Sr đã tạo cơ hội, chạy đôn chạy đáo tìm mọi cách để kiếm nguồn kinh phí, sắp xếp chương trình tổ chức để chuyến đi thành công hơn, cảm ơn các bạn sinh viên đã cùng cộng tác với BTC phụ giúp thực hiện chương trình gây quỹ như: đi bán hoa, bán sách, đồ lưu niệm, tranh ảnh…. Và cũng đã tiết kiệm chi tiêu tiền chợ để bỏ heo góp thêm chút gì đó cho chương trình. Nguyện xin Chúa và Mẹ luôn che chở, tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên tất cả mọi người.
Saigon, ngày 26 tháng 03 năm 2019,
Maria Vân (lưu xá d’Alzon)