Là Chính Mình Trong Đức Kitô

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Chiều thứ bảy, Sài Gòn đông nghịt! Từng dòng người cố chen lấn, cố vượt lên, cố len lỏi, chiếm lĩnh cho mình bất kỳ khoảng trống nào trên đường. Người đi ngược, kẻ về xuôi. Một Sài Gòn hỗn độn! Một Sài Gòn cuồng quay! Từ lâu, nó đã cảm thấy không thích cái bận rộn, chật chội này rồi. Lắm lúc, chẳng biết nó là nạn nhân bị hay chính nó là tác nhân làm nên cái vòng xoáy bộn bề ấy. Bất giác, nó hạ tốc độ, quẹo trái. Nó từ từ tách mình khỏi dòng người đang lao mình về phía trước. Ngã rẽ mở ra trước mắt nó là một con đường nhỏ với hai hàng cỏ xanh, xem chừng chẳng mấy ai đi. Men theo lối nhỏ này, nó càng tiến sâu hơn vào cuối con hẻm. Cái tĩnh lặng khoảng không này làm nó thả hồn miên man tưởng nhớ về một thuở xa xăm, yên bình. Nơi đó có con đường vắng lặng, vô tận. Con đường đó bao lần nó đã đi qua, nhưng nay mọi thứ thật xa vời. Một vùng ký ức đã trở nên mơ hồ.

 

  Nhưng rồi, một cánh cổng mở toang. Cánh cổng cổ kính hiện lên như đã chờ đợi nó từ lâu. Bên ngoài đề dòng chữ “Nữ đan viện Biển Đức”. Nó bước vào. Một cảm giác yên bình tràn ngập tâm hồn nó. Vừa lạ lẫm, vừa thân quen. Nó như vừa tìm lại được điều gì đã đánh mất. Như vừa được gặp lại chính mình vậy. Đã lâu rồi nó không có cơ hội được thinh lặng để đối diện với mảnh đất tâm hồn mình. Đã lâu rồi cái bận rộn, cuồng quay của cuộc sống, công việc, học tập khiến nó phải lao mình về phía trước. Nó tự nhủ phải cố gắng thật nhiều, phải nỗ lực hết sức. Nó không cho phép bản thân dừng lại, bởi dừng lại cũng đồng nghĩa là bị bỏ lại. Nó chôn vùi bản thân trong vỏ bọc của những dự phóng và ước mơ. Nó lo lắng, chuẩn bị cho tương lai. Nhưng hiện tại, có lẽ nó đã đánh mất chính mình.

“Hãy là chính mình. Đừng trở thành bản sao của bất kỳ ai khác.” Đó là những câu nói gần đây nó nghe thấy. Nhưng để có thể sống là mình, thì trước hết con người cần phải biết được “Mình là ai?”. Không phải ở thế kỷ XXI này, người ta mới đặt câu hỏi như thế, nhưng từ lâu, con người đã ước ao tìm kiếm chính mình như đại triết gia Socrates đã từng nói: “Hãy tự biết mình”. Hay như thánh Augustinô cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Biết Chúa và biết mình là khao khát luôn nằm trong bản chất của mỗi con người. Hay nói cách khác, con người luôn thao thức, khắc khoải được “là chính mình trong Đức Ki-tô”. Vì chỉ nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa con người mới có thể nhận thức được mình cách đúng đắn và trọn vẹn. Là người trẻ, nó đã bao lần tự hỏi “Chúa là ai? Con là ai?”. Kỳ tĩnh tâm mùa chay của Giới trẻ Đức Mẹ lên trời lần này, nó hy vọng sẽ tìm thấy câu trả lời. “Tĩnh tâm tự nó không phải là mục đích, nhưng giúp chúng ta sống cuộc khổ nạn và thập giá bằng đức tin, đức cậy và đức mến, để đạt tới phục sinh” (ĐGH Phanxicô) Bởi thế, bước vào kỳ tĩnh tâm nó thấy mình được Thiên Chúa tách riêng ra, đem lên núi, ở đó Ngài thủ thỉ tâm tình với nó. Ngài gõ cửa trái tim nó, thả vào đó lời tình yêu. Nó mong sao được Lời Chúa động chạm và biến đổi.

Trong bầu khí tĩnh mịch của đan viện, giờ kinh chiều vang lên, báo hiệu ngày tĩnh tâm bắt đầu. Từ đây, mọi thứ xung quanh được bao phủ bởi sự cô tịch, thinh lặng. Nó có thời gian để có thể thả hồn xuôi theo dòng suy nghĩ. Nó nhận ra cuộc sống vốn dĩ là sự tiếp nối của những chọn lựa. Có những chọn lựa lành thánh nâng nó lên cao. Có những chọn lựa sai lầm kéo nó đi xuống. Trong nó luôn có sự giằng co, đối chọi giữa chọn lựa tốt và xấu, dễ dàng và khó khăn. Do đó, để đưa ra chọn lựa đúng đòi hỏi nó phải có sự gặp gỡ, lắng nghe và phân định, hay đúng hơn nó khao khát được thấy mình là ai. Qua sự gợi ý của sơ giảng phòng và cha giảng lễ, nó nhận ra bản thân là hình ảnh của Thiên Chúa, là tạo vật tuyệt diệu trong vũ trụ, có linh hồn, ý chí và tự do. Bởi từ sâu thẳm trong con người, nó khao khát “hướng thượng”, hướng lên Thiên Chúa chí thánh, hướng về sự thiện. Nhưng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người nó đã bị tục hóa. Bởi lắm lúc nó không chọn điều thiện, chẳng can đảm làm chứng cho sự thật. Nó gục ngã trước cám dỗ, cứng lòng trước tiếng nói của con tim, của lương tâm và tiếng Chúa. Nó vô tình khiến cho lương tâm trở nên “mù” để rồi vô cảm với nỗi đau của tha nhân. Nó vội vàng trong lối suy nghĩ, đánh giá tiêu cực về chính mình và anh em. Như có lời thơ:

“Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa,

Vội vàng sum họp, vội chia xa,

Vội ăn, vội uống, rồi vội thở,

Vội hưởng thụ mau, để vội già”.

Nó thấy mình vội vàng đưa ra chọn lựa. Vội vàng trong cung cách hành xử, trong suy nghĩ. Vội vàng đánh giá và kết luận. Sống vội khiến nó dần trở nên một con người thiếu kiên định, thiếu khiêm nhường và dường như thiếu Đức Kitô trong cuộc đời.

Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Nó thấy mình được mời gọi trở về với hình ảnh thuở ban đầu. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”, cái thuở chiều chiều Thiên Chúa cùng bách bộ với con người. Ý thức được lời mời gọi đó, nó thấy mình cần phải sống chiến đấu để chiến thắng chính mình, chiến thắng tính ích kỷ, nhỏ nhen, vô cảm. Sống công chính như Thánh Giuse, trung thành với lề luật Chúa, lắng nghe và tuân phục Lời Ngài. Sống hiệp thông bằng tình bác ái, yêu thương trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Muốn được như vậy, nó cần ánh sáng của đức tin, của hy vọng và của tình yêu soi đường, dẫn lối, chiếu soi con tim đang mù lòa của nó.

Trở về với cuộc sống thường nhật với những bộn bề, lo toan của công việc, học tập, nơi đó vẫn đòi hỏi phải hy sinh, cố gắng nghiêm túc và kiên trì. Ước gì nó biến bàn học, giảng đường, công sở thành nơi thờ phượng Chúa khi nó nỗ lực hết mình với ước mơ phụng sự quê hương và Giáo hội. Dù rằng nó thấy mình còn xa Chúa lắm, hành trình cuộc đời còn muôn nẻo và nhiều gai góc. Nhưng ước mong sao với ơn Chúa, cuộc đời nó từ nay bước sang ngã rẽ mới và được Chúa biến đổi. Như trong sứ điệp mùa Chay năm 2023, ĐGH Phanxicô đã viết: “Chúng ta hãy xuống núi và ước mong sao ân sủng mà chúng ta trải nghiệm sẽ nâng đỡ để chúng ta trở thành những người xây dựng tính hiệp hành trong cuộc sống đời thường nơi các cộng đoàn của chúng ta.”

Tĩnh tâm mùa Chay 2023 – Giới trẻ Đức Mẹ lên trời

Tháng kính Thánh Giu-se 

Jos. Đình Hoài – Lưu xá A4