Lá Thư Số 10 Của Cha Tổng Quyền – GỬI ANH EM TU SĨ TRẺ

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Anh em thấn mến!

Đại dịch Covid-19 làm cho chúng ta phải bó buộc trong đất nước và cộng đoàn sở tại. Trong tình liên đới, chúng ta chỉ có thể rùng mình đọc lại số liệu thống kê về các nạn nhân trên thế giới không ngừng tăng cao. Đến nay, người ta thống kê hơn ba triệu người chết và vô số người nhiễm bệnh. Hy vọng về vắc-xin đã được hiện thực hóa, nhưng ai là người thụ hưởng? Tất nhiên là những người giàu, những người may mắn sinh ra trong những đất nước thịnh vượng, còn lại, những người nghèo, họ sẽ như thế nào? Đại dịch đang thay đổi cách nhìn của chúng ta về thế giới, và làm chúng ta nghi ngờ cả những thứ mà chúng ta đã gầy dựng như một sự chắc chắn tuyệt đối. Vấn đề bạo loạn vẫn diễn ra ở vùng phía bắc Kivu, hay tại Ouagadougou thuộc đất nước Burkina Faso nơi mà các cộng đoàn của chúng ta hiện diện. Những rủi ro vẫn thường trực và đe dọa cuộc sống bình yên thường nhật của người dân. Dịch bệnh và việc thiếu an ninh là hai vấn đề đang đe dọa các cộng đoàn đào tạo của chúng ta. Trong hoàn cảnh đó, lời mời gọi cho việc cộng tác xây dựng một nhân loại tốt đẹp hơn của Đức Giáo Hoàng cần được lắng nghe một cách nghiêm túc. Trong lá thư này, tôi hy vọng rằng tất cả anh em trong Hội dòng, cách riêng là các tu sĩ trẻ, có thể rút ra được điều bổ ích cho chính mình.

Tôi thường gặp gỡ anh em và đối thoại một cách trực tiếp với anh em trong các chuyến thăm định kỳ. Điều đó cho tôi cơ hội khám phá nơi anh em niềm vui, sự kỳ vọng, cũng như hiểu được các vấn đề mà anh em đang đối diện, thậm chí những lo lắng của anh em cho Giáo hội, cho đời sống tu và cho thế giới. Thông qua lá thư này, hy vọng anh em hiểu được sự liên đới của tôi đối với những gì anh em đang sống. Các khóa học tại các học viện thường xuyên bị ngưng trệ, thay vào đó là các khóa học trực tuyến. Các buổi thảo luận, những cuộc tranh luận bị giới hạn do điều kiện cách ly. Việc đào tạo cho đời sống hoạt động tông đồ trong bối cảnh hiện nay là một dấu chấm hỏi thực sự. Tuy nhiên, chúng ta có thể tận dụng thời gian này để củng cố những giá trị căn bản nhằm giúp bản thân trở thành những con người mới dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Trong lá thư này, tôi muốn củng cố hy vọng và động viên anh em tiến về phía trước. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ nhìn lại thực tế, để từ đó có thể đưa ra hành động tốt nhất khi đối diện với những vấn đề thực tại.

CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI

Sự bất định của tương lai

Trong cuốn Tự Thuật, thánh Augustinô có một suy tư rất hay về thời gian. Đó là đoạn được trích từ cuốn thứ X, ngài nói rằng, chỉ có một thực tế liên quan đến chúng ta: “Hiện tại của quá khứ, hiện tại của hiện tại, và hiện tại của tương lai”. Điều đó nghĩa là chúng ta cần sống giây phút hiện tại, và chính trong giây phút hiện tại mà chúng ta phải sống trọn vẹn ân sủng của Nước Chúa. Trong bối cảnh khủng hoảng của dịch bệnh, chúng ta sống trong sợ hãi và nghi ngại, điều đó là hết sức bình thường. Tương lai sẽ như thế nào? Liệu chúng ta sẽ tìm thấy một tương lai trên mảnh đất chết chóc và bệnh tật này do những lãng phí và lạm dụng tài nguyên thiên nhiên (nước, không khí, đất đai)? Và còn nữa, hàng loạt câu hỏi về tương lai của Giáo hội. Cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là các vấn đề về lạm dụng tính dục, lạm dụng về đời sống tâm linh đã gây ra những bất ổn trong đời sống của các tín hữu. Các thống kê xã hội học liên quan đến sự tín nhiệm đối với Giáo hội thật sự đáng lo ngại. Giáo hội còn sống đúng căn tính? Đức tin cho phép tôi nói rằng tương lai vẫn rộng mở. Không có gì là vô vọng và không thể khắc phục. Chính sự dấn thân của chúng ta là thước đo mà theo thời gian chúng ta có thể biến đổi thế giới theo chương trình của Thiên Chúa. Tự do mà Chúa ban cho chúng ta cho phép chúng ta định hướng mọi thứ vì một thế giới tốt đẹp hơn. Tội lỗi có thể là sự chối bỏ, có thể là sự đánh mất hy vọng. Một số người cho rằng, cố gắng để làm gì, nếu nhân loại bị hủy diệt ? Không, tương lai là điều có thể. Tuy nhiên, Điều đó phụ thuộc vào chúng ta có hiện thực hóa hay không. Với Đức Kitô, chúng ta xác tín rằng ơn Cứu độ đã được ban cho chúng ta.

Thế tục hóa lên ngôi

Chúng ta đang sống trong bối cảnh thế tục hóa xã hội và tính cách con người. Đối với xã hội Tây phương, quá trình này đã ở mức độ báo động, tuy nhiên, phần còn lại của thế giới cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi trong những xã hội truyền thống như ở châu Phi và châu Á. Như Dietrich Bonhoeffer đã nói cách đây 80 năm, con người hành xử giống như Thiên Chúa không tồn tại (…).

“Cần thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta cần sống trong thế giới. Lớn lên, chúng ta được dạy dỗ để nhận ra vị trí thật sự của mình trước mặt Chúa. Thiên chúa làm cho chúng ta biết chúng ta cần trở nên trưởng thành như những người có thể sống giống như không có sự hiện diện của Ngài. Thiên chúa là Đấng rời bỏ chúng ta (15, 34), là Đấng để chúng ta sống trong thế gian mà thiếu vắng hoạt động của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng là Đấng mà chúng ta không ngừng phải đối diện. Trước mặt Chúa và cùng với Chúa, chúng ta sống như thể không có Ngài. Thiên Chúa đã chấp nhận bị loại khỏi thế gian và chấp nhận bị đóng đinh trên Thập giá. Thiên Chúa trở nên yếu hèn trong thế gian, và đơn giản, Ngài chỉ ở với chúng ta và giúp đỡ chúng ta”.[1]

Dietrich Bonhoeffer đã không lặp lại kết luận “Thiên Chúa đã chết” mà triết gia Friedrich Nietzsche đã đưa ra vài thập kỷ trước đó. Bonhoeffer chỉ ra con người “trưởng thành” có thể loại trừ “giả thiết Thiên chúa” nhằm tìm ra giải đáp cho những câu hỏi của mình liên quan đến vũ trụ. Tuy nhiên, điều ông xác quyết mạnh mẽ là con người vẫn “không ngừng ý thức về bản thân trước mặt Chúa”. Một người trưởng thành dĩ nhiên vẫn cần giữ Đức tin, nhưng Đức tin ấy phải trưởng thành và có trách nhiệm. Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Là tu sĩ trẻ trong thời đại hôm nay, chúng ta cần học để sống trước mặt Chúa, với niềm tin rằng Ngài không bao giờ rời bỏ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận một nhân loại không dễ dàng đón nhận Đức tin như trước. Đức tin trưởng thành là chân trời để chúng ta dấn thân như những môn đệ đích thực của Tin Mừng. Thế tục hóa có thể xuất hiện nhưng đó cũng là một cơ may cho Đức tin. Một đức tin trưởng thành, hoạt động và có sức mạnh biến đổi vũ trụ (như nó đã từng và tồn tại như hôm nay) nhờ chúng ta biết chấp nhận và cống hiến trọn vẹn cho nó. Người tu sĩ cần trở nên con người mới và luôn biết đặt hết niềm tin vào Chúa Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nói chung, chúng ta không nên để quá trình thế tục hóa xã hội, đẩy chúng ta vào vực thẳm của sự bối rối hoặc ngăn cản chúng ta hành động. Nhìn thấy thực tế không phải để chùn chân và sợ hãi. Chúng ta cần hiểu thực tế và cần suy nghĩ để tiếp tục công cuộc Phúc Âm Hóa. Bối cảnh hiện nay của xã hội, cho chúng ta có cơ hội để tái loan báo Tin Mừng về sự giải phóng của con người trong Chúa Kitô, cũng như loan báo Tin Mừng cho tất cả con người trong thời đại hôm nay.

Từ bỏ giấc mơ về một cộng đoàn hoàn hảo

Một lần nữa tôi lấy gợi hứng từ những suy tư của nhà thần học Dietrich Bonhoeffer. Chính ông đã trải qua kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn trong lòng Giáo hội Tin lành tại Đức. Để giải thoát mình khỏi thể chế của Giáo hội Tin lành thỏa hiệp trong thời điểm trỗi dậy của Đức Quốc Xã, ông đã chọn sống trong cộng đoàn thế tục. Bonhoeffer nhấn mạnh đến sự cần thiết từ bỏ lý tưởng hóa cộng đoàn. Ông xác quyết một cách mạnh mẽ rằng “đời sống huynh đệ của người tín hữu không phải là một lý tưởng của con người, nhưng là một thực tế được trao tặng bởi Thiên Chúa”. Chúng ta cần biết từ bỏ lý tưởng hóa cộng đoàn để nhìn nhận trong đời sống ấy một thực tế mà đôi khi là sự thất vọng. “Cộng đoàn tín hữu đúng nghĩa, thì nó phải có sự thất vọng, thất vọng bởi người khác, thất vọng bởi chính mình”. Sự thật khắc nghiệt ấy chắc chắn chúng ta phải đối mặt, nhưng điều đó cho phép chúng ta tái khám phá ý nghĩa thực sự của Tin Mừng nơi mà sự tha thứ và hòa giải được thực hiện. “Đó là lý do tại sao chỉ có cộng đoàn không sợ hãi sự thất vọng, điều mà chắc chắn nó sẽ phải trải qua khi nhận thức được những khiếm khuyết của mình, và cũng từ đó có thể bắt đầu trở nên như những gì Thiên Chúa muốn, và bởi đức tin xác tín vào lời mà Chúa đã hứa”[2].

Đôi khi chúng ta cảm thấy thất vọng về đời sống công đoàn. Nhưng điều đó là hết sức bình thường. Không có một cộng đoàn nào là hoàn hảo. Các cộng đoàn đều phải tìm kiếm Nước Chúa, và điều đó gắn liền với sự mò mẫm, sai phạm, vấp ngã và đứng lên. Chúng ta cần phải rộng lượng, kiên nhẫn và vun trồng bằng sự hài hước huynh đệ.

Trong gia đình Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta yêu mến tình huynh đệ cộng đoàn. Đó là nơi sự thật được tìm thấy và là nơi để thăng tiến đời sống chúng ta. Anh em cần làm được điều đó như Luật Sống của chúng ta đòi buộc: “Chúng ta cần vượt qua được sự chia rẽ và những giới hạn của mình để có thể tìm lại nhau trong sự đón nhận và tha thứ” (N° 8).

Ám ảnh bởi chủ nghĩa giáo sĩ

Chúng ta luôn đứng trước cái bẫy của chủ nghĩa giáo sĩ và những cám dỗ từ nó. Anh em cần biết đặt vấn đề và có một cái nhìn khôn ngoan cho bản thân mình. Kinh nghiệm hơn mười năm với tư cách là người đứng đầu Hội dòng, cũng như qua các hồ sơ của anh em cho phép tôi nói rằng, chủ nghĩa giáo sĩ tồn tại khắp nơi và tồn tại ngay cả trong anh em tu sĩ trẻ.

Hình ảnh một người trẻ đi vào Hội dòng với ý muốn trở thành linh mục thường xuyên được trình bày trong các hồ sơ. Được mời gọi cho một đời sống tu là rất ít, thậm chí nó còn được gắn với mục đích cuối cùng là truyền chức. Là linh mục, tôi hạnh phúc vì sống bí tích ấy. Linh mục không phải là một phần thưởng mà nó là đời sống phục vụ cho Nước Chúa.

Thông thường, thần học về thừa tác vụ mà anh em được thụ huấn không được hỗ trợ nhiều từ Thánh Kinh, và các văn bản chính thức của huấn quyền, đặc biệt là các văn kiện của Công đồng Vatican II cũng rất nghèo nàn. Sự thiếu hụt đó được chứng minh trong các đơn từ của anh em: “Tôi muốn trở thành phó tế bởi các hoạt động mục vụ được thiết lập không cho phép tôi phát triển ơn gọi của mình”. Và khi đã là phó tế, anh em đó lại tiếc nuối vì không thể giải tội hay chủ tế Thánh lễ… Trở thành linh mục giống như là tham vọng, và linh mục được hiểu như là tư tế xưa kia, là người được thánh hiến và tách biệt với những kẻ khác. Tất cả những điều đó là nguồn gốc của chủ nghĩa giáo sĩ tai hại. Chúng ta cần loại bỏ từ ngữ liên quan đến phẩm trật linh mục để quay trở lại với lý tưởng Tin Mừng về phục vụ Nước Chúa.

Hội dòng đã được trang bị tốt điều này nhờ vào linh đạo Nước Chúa và sứ vụ chung. Về bản chất, đời sống tu sĩ không phải là thứ bậc, mà nó là “Ký ức Tin Mừng của Giáo hội” (mémoire évangélique de l’Eglise). Đời sống ấy là chứng nhân cho tình huynh đệ, cho sự hiệp thông và tính hiệp nhất. Chúng ta thuộc về Dân Chúa, và chỉ có một Linh mục duy nhất là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Tất cả các sứ vụ khác là bởi ân sủng và được trao ban từ Chúa Kitô. Chúng ta tồn tại để làm nhân chứng. Tôi muốn nhắc lại điều mà Paul Ricoeur đã viết để giúp anh em hiểu hơn: “Nguồn gốc xa xưa của quyền bính trong Thánh Kinh và trong Giáo hội không gì khác ngoài đời sống chứng tá, và đời sống chứng tá ấy không ép buộc một ai”. Ricoeur chống lại “quyền hành giáo sĩ làm hư hoại quyền bính đúng nghĩa”. Thật tốt khi chúng ta nhớ lại lời mời gọi trở thành người truyền giáo, trở thành nhân chứng của Lời Chúa, và trở thành người phục vụ cho các Mối Phúc. Đức Tin là lời mời gọi cho tự do. Chúng ta là tôi tớ của sự tự do, chúng ta làm việc cho tự do và vì Nước Chúa. Chủ nghĩa giáo sĩ là mảnh đất nuôi dưỡng cho những rắc rối hiện nay, như lạm dụng tính dục và lạm dụng đời sống tâm linh. Chúng ta cần có sự cảnh giác đặc biệt. Đời sống cộng đoàn buộc chúng ta chú ý đến anh em mình. Ơn gọi của chúng ta đòi buộc phải liên đới với những kẻ bé mọn và yếu đuối, với những người có nguy cơ sa ngã bởi sự yếu đuối, mỏng dòn của họ. Tôi cũng muốn nói rằng, đời sống tu sĩ đặt trên sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta sống liên đới để anh em phát triển và lớn lên. Sự cảnh tỉnh không phải là sự theo dõi, mà là sự nâng đỡ để giúp anh mình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Khi còn có những nghi ngờ, sợ hãi, thắc mắc, thì chúng ta đang có cơ hội được liên đới với anh em mình.

THIÊN CHÚA LÀ SỨC MẠNH VÀ CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA

 Đời sống tu trì dẫn chúng ta vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phỉ nguyện trái tim con người. Và để đạt được hạnh phúc trong cuộc phiêu lưu này nơi Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta phải trở về với những phương thế hữu hiệu nhất mà 9 cha Emmanuel d’Alzon đã khuyến dụ. Đó là sự sẵn sàng, hào phóng, táo bạo, tha thứ, tinh thần hiệp nhất, và sự mưu cầu lợi ích chung… Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời là gia đình của chúng ta. Trong gia đình ấy, chúng ta được mời gọi làm triển nở, lớn lên và sinh nhiều hoa trái cho Tin Mừng.

Niềm vui của sự kiên trì và ơn bền đỗ

 Gần đây, Bộ Tu sĩ của Vatican đã công bố một văn bản với tựa đề “Niềm vui của sự trung thành và ơn bền đỗ”. Chúng ta biết rằng ơn bền đỗ vô cùng quý giá. Trong quá trình đào tạo, chúng ta đã chứng kiến sự ‘đứt gánh giữa đường’ của nhiều anh em mà chúng ta quý mến và coi trọng. Nhiều khi, chúng ta thầm nghĩ rằng những anh em này có một đức tin vững mạnh, một ơn gọi kiên định, thậm chí còn kiên định hơn cả ơn gọi của chúng ta. Nhưng tại sao họ lại đứt gánh giữa đường như vậy? Đâu là cội rễ của những khúc mắc đã đẩy họ đến quyết định rời bỏ lời khấn dòng của mình? Quả thực, không có câu trả lời chung nhất, bởi vô số lý do được đưa ra. Chúng ta tìm thấy sự đa dạng từ những nguyên nhân này như: mất niềm tin, khúc mắc với quyền bính, không thể thiếu vắng ‘một nửa của mình’ trong đời sống tình cảm, lo sợ về tương lai hay gặp khó khăn trong việc giữ lời khấn.

Tuy nhiên, mỗi một sự ra đi của người anh em là dịp để những người ở lại đào sâu mối tương quan của họ với Đức Kitô. Chọn đời sống tu sĩ, không phải là chọn một lối sống, hay chọn một ý tưởng sống, cũng không phải là chọn một nhãn quan sống, nhưng trước hết là chọn bước theo một người mà chúng ta gọi là Giê-su. Thiên Chúa chính là người bạn đồng hành suốt cuộc đời chúng ta và chính Ngài đã cho chúng ta niềm vui để phục vụ. Vì thế, đào sâu mối tương quan cá vị này với Đức Kitô chính là mục tiêu ưu tuyển cho công tác đào tạo, và cho chính đời sống của anh em tu sĩ. Mối tương quan này thể hiện trong mức độ mà chúng ta sẽ sống bền đỗ và nhận được niềm hoan lạc. Sự bền đỗ vừa là hoa trái ân sủng của Chúa, Đấng đã cho chúng ta sức mạnh tiến bước mỗi ngày, vừa là hoa trái của sự hoán cải đối với tình yêu Tin Mừng. Chính Thiên Chúa là Đấng trung thành và Người ban cho chúng ta ân sủng để sống trung thành.

Niềm say mê dành cho sự thông hiểu về đức tin

Tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời phải có khả năng để “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1, P 3, 15). Để làm được điều đó, họ cần có một nền đào tạo chất lượng về tri thức. Chính quá trình đào tạo này sẽ cho mỗi người khả năng để đặt mình trong thế giới và có khả năng để góp phần mình vào cuộc trao đổi với những người muốn tìm một ý nghĩa cho cuộc sống. Một điều thiết yếu và quan trọng trong đào tạo là việc đào tạo tri thức phải gắn liền với đạo tạo đời sống thiêng liêng và đào tạo sứ mạng tông đồ. Trong bản báo cáo của tôi cho Tổng Tu Nghị lần thứ ba mươi ba, khi tôi đề cập đến « sự tôn sùng bằng cấp » như một mối đe dọa cho Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời, tôi thực sự chưa hiểu hết vấn đề. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Việc chú tâm quá mức vào bằng cấp là điều không đúng đắn. Nó không tương hợp với những gì cha Emmanuel d’Alzon đã yêu cầu chúng ta khi ngài nói, nơi Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời cần phải luôn luôn học tập. Sự sùng bái bằng cấp làm lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện. Mục đích cuối cùng của chúng ta chính là sự hiển trị của Nước Thiên Chúa, còn việc có được một nền đào tạo tri thức chất lượng và bằng cấp cao cũng chỉ là phương tiện. Thật đáng trách khi những bằng cấp không dùng để phục vụ cho sự mở rộng Nước Thiên Chúa

Điều quan trọng nhất là có được một nền đào tạo chuyên sâu về thần học, triết học và các chuyên ngành về tôn giáo. Hội dòng chúng ta cần những chuyên gia về Kinh Thánh, Tín lý, Giáo phụ, Triết học, Luân lý… Tôi mời gọi anh em lắng nghe sự hướng dẫn của những người hữu trách và các nhà đào tạo để sẵn sàng học những chuyên ngành ưu tiên, nhằm phục vụ sứ mạng tông đồ của Hội Dòng chúng ta. Điều này sẽ được thực hiện trong sự đối thoại, đặc biệt là sẵn sàng để Chúa Thánh Thần thúc đẩy nhằm giúp chúng ta tiến xa hơn trong sự vâng phục.

Nhà Thám hiểm về Thiên Chúa     

Đời sống tu sĩ mang đến cho chúng ta cơ may tuyệt vời là có thể tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống cộng đoàn. Thế giới hôm nay được khám phá trên khắp các châu lục, đến mức những miền đất bí ẩn dường như không còn tồn tại nữa. Những khám phá phi thường về khoa học đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn về thế giới của chúng ta. Điều đó làm cho nhiều người vỡ mộng, mặc dù nó vẫn còn là một huyền nhiệm. Đời sống tu sĩ là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy sóng gió và phức tạp, cuộc phiêu lưu mà chúng ta phải dấn thân cả xác hồn. Thiên Chúa vẫn tiếp tục gọi những người nam và người nữ bước theo Ngài. Ngài vẫn luôn bên cạnh chúng ta để giúp chúng ta tiến bước trên con đường Nước Trời. Thế giới đã bị thế tục hóa, nhưng với ai đặt câu hỏi về đời sống hiện sinh, thì mầu nhiệm vẫn luôn tồn tại. Tôi là ai? Đâu là định mệnh của tôi? Rồi chúng ta sẽ đi về đâu?

Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời không có tham vọng giải đáp tất cả các câu hỏi trên. Dù vậy, Hội dòng có một ước vọng là giúp con người thời đại sống tình huynh đệ và tìm cách cùng nhau xây dựng một nền văn minh trên nền tảng tình yêu, công lý, hòa bình và luật pháp. Đối với Hội dòng chúng ta, người tu sĩ trẻ là dấu chỉ của sự đổi mới và của niềm hy vọng. Bởi bằng niềm vui và nhiệt huyết tuổi trẻ, họ gia nhập vào hàng ngũ các bậc tiền bối, những người đã và đang dấn thân một cách trung thành trên cánh đồng của Thiên Chúa.

Người kiếm tìm Thiên Chúa là người có thái độ khiêm nhường và cởi mở. Bởi, chúng ta đang trên đường tìm kiếm Sự Thật mà chúng ta chưa thấu hiểu hoàn toàn. Sự Thật này mang tên là Giê-su. Người được nhận ra trong Thánh Kinh, qua các Bí tích, đặc biệt là trong Thánh lễ, nhưng Người cũng hiện diện trong những sẻ chia huynh đệ. Chúng ta là nhà tìm kiếm Nước Thiên Chúa, được khai mở bởi Chúa Giê-su, nhưng chúng ta chỉ có thể chiếm hữu hoàn toàn được Nước này trong sự sống vĩnh cửu. Hành trình của chúng ta nơi trần thế là một cuộc lữ hành cho phép chúng ta bước từ hiện thực nhất thời và trần tục vào hiện thực vĩnh cửu của thượng giới. Tất cả những gì mang hương vị vĩnh cửu đều góp phần vào sự hiển trị của Nước Thiên Chúa. Chỉ duy nhất Tình yêu mới cho phép chúng ta đạt tới sự viên mãn của cuộc sống.

Giáo hội đối thoại với thế giới

Từ nhiều năm nay, nhà triết học người Đức Hans Joas nghiên cứu vấn đề thế tục hóa. Suy tư của ông đã bình thường hóa những nhận định vững chắc về tiến trình phát triển mà chúng ta không thể phủ nhận trong thế giới này. Đối với ông, thế giới đang trải qua sự thay đổi mang tính thời đại, nhưng ông phản đối quan điểm cho rằng thế tục hóa kéo theo sự suy tàn của tôn giáo trong các xã hội. Tính hiện đại không có nghĩa là sự tiến bộ có được khi không còn tôn giáo. Như trong tựa đề cuốn sách[3] cuối cùng của Hans Joas, ông nói rằng : Đức tin là một lựa chọn. Ông chỉ ra bốn vấn đề sống còn của Kitô giáo: một là phát triển một nền đạo đức phổ quát về tình yêu có khả năng đáp ứng mọi hình thức khác nhau của chủ nghĩa cá nhân; hai là bảo vệ nhân vị trước một cái nhìn khoa học và tự nhiên quá giản lược; ba là duy trì linh đạo vững mạnh mang chiều kích cộng đoàn mà nơi đó, Giáo hội được xem là “một cộng đoàn làm thăng tiến đời sống cá nhân”; bốn là nhấn mạnh tầm quan trọng của tính siêu việt, khác biệt với hiện tượng tự thánh thiêng hóa mọi sự. Đối chiếu với triết học của Hans Joas, tôi tin rằng, trong tư cách là một Hội dòng đối thoại với thế giới chúng ta có thể giải quyết một vài vấn đề đã nêu trên.

Để làm được điều này, chúng ta cần trở về với giáo huấn của Đức Phaolô VI trong Thông điệp Ecclesiam suam: “Giáo hội phải đi vào đối thoại với thế giới, nơi nó hiện diện. Giáo hội phải là lời, là sứ điệp; Giáo hội cần hoán cải”.[4]

Người kế thừa thánh Augustinô và cha Emmanuel d’Alzon

Chính tinh thần ấy đã thúc đẩy cha Emmanuel d’Alzon sáng lập Dòng Đức Mẹ lên Trời và ngày nay nó vẫn tiếp tục lôi cuốn người trẻ gia nhập gia đình tu sĩ của chúng ta. Liệu chúng ta có ý thức được nguồn sức mạnh đang thúc bách chúng ta như đã từng thúc bách Đấng sáng lập? Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn chúng ta và cho phép chúng ta làm nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm. Điều quan trọng là biết rõ hơn nguồn sức mạnh của chúng ta và kín múc từ chúng một cách thường xuyên hơn. Người tu sĩ trẻ Dòng Đức Mẹ Lên Trời phải luôn đặt mình dưới sự lôi cuốn của thánh Augustinô và cha Emmanuel d’Alzon, những bậc thầy thiêng liêng của anh em. Tôi mong rằng anh em trẻ say mê nhiều hơn nữa tình yêu dành cho Đấng Sáng lập và Tổ phụ của chúng ta. Thông thường, kiến thức về cội nguồn của chúng ta quá hời hợt sơ sài. Đặc sủng của Dòng Đức Mẹ Lên Trời chỉ sống động khi chúng ta áp dụng nó vào thực hành trong đời sống tông đồ và trong chính đời sống của chúng ta.

Niềm hy vọng, trung tâm của đời sống chúng ta

Như anh em biết, tôi luôn muốn nhắc lại với anh em rằng Dòng Đức Mẹ Lên Trời chưa kết thúc. Tôi có một niềm xác tín sâu sắc rằng sự tồn tại của gia đình tu sĩ nhỏ bé của chúng là xác đáng trong thế giới và trong Giáo hội, vì lý do: “Cộng đoàn tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời tồn tại cho sự hiển trị của Nước Thiên Chúa” (Luật Sống, số 4). Chừng nào điều này chưa được hiện thực hóa hoàn toàn, thì vẫn cần đến công việc của những con người táo bạo, hào phóng và vô vị lợi (Tu sĩ ĐMLT). Có một sự huyền nhiệm trong sứ mạng của Dòng Đức Mẹ Lên Trời. Tôi khuyến khích anh em tiếp tục đào sâu niềm say mê dành cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải sống như thế nào? Hãy cùng trở về với Tin Mừng và lắng nghe Chúa nói với chúng ta: “Vậy hãy tìm Nước của Người, (…). Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12, 31-32). Anh em thân mến, tôi hoàn tất lá thư này trong mùa Phục sinh, thời gian mà chúng ta mừng Ánh sáng của sự sống lại và của Đấng mang đến cho chúng ta sự sống sung mãn. Đây cũng chính là thời gian mà chúng ta chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa Thánh Thần hiện diện trong đời sống chúng ta. Người giúp chúng ta khám phá ra sự giàu có của Nước Trời và nhận ra tình yêu tròn đầy của Thiên chúa và của những người thân cận. Dòng Đức Mẹ Lên Trời tạ ơn Thiên Chúa vì những anh em trẻ vừa gia nhập để dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng của Chúa.

Roma, ngày 25 tháng 4 năm 2021.

    Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.

Ngày cầu nguyện cho ơn gọi

Cha Benoît GRIÈRE a.a. — Bề Trên Tổng Quyền

[1]. Dietrich Bonhoeffer, “Resistance et soumission”, Labor et Fides, 1973, pp. 366-367.

[2]. Dietrich BONHOEFFER, « De la vie communautaire», Éditions du Cerf/Labor et Fides ; 1983 ; pp 21-22.

[3]. Hans JOAS, “La foi comme option”, Salvator, 2021.

[4]. 4 Phaolô VI, Ecclesiam suam, số 67, ngày 6 tháng 8 năm 1964.