Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 11, 1-4) kể về việc sau khi Đức Giêsu gặp gỡ Chúa Cha, các môn đệ đã đến xin Ngài chỉ dẫn cho cách cầu nguyện, và sẵn dịp đó, Ngài đã dạy cho các môn đệ nội dung của lời cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha.
Cha ông ta thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, nghĩa là chỉ cần bản thân có hương thơm, có chất riêng thì sẽ tự thu hút, hấp dẫn sự thích thú của người khác. Chính sự cầu nguyện một cách sốt sắng của Chúa Giê-su làm toát lên một vẻ hấp dẫn, làm cho các môn đệ mến phục và khao khát. Việc hấp dẫn này không phải là sự bồng bột nhất thời. Chắc chắn các môn đệ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu tìm những nơi vắng để cầu nguyện và thân thưa với Chúa Cha. Từ dáng vẻ cầu nguyện bên ngoài của Chúa Giê-su cho thấy một con người cầu nguyện nội tâm đầy sâu sắc, do đó làm thu hút việc yêu mến cầu nguyện đến các môn đệ, để rồi các ông cũng học đòi gương nhân đức của Ngài.
Qua nội dung Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu dạy cho chúng ta về phương pháp của cầu nguyện. Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ cầu nguyện theo công thức: tương, chúc, cầu; nghĩa là tương quan, chúc khen và cầu xin. Trước tiên, Chúa Giêsu giúp các môn đệ xác định tương quan với Thiên Chúa. Ở đây, Ngài đã mở ra cho các ông về một “cuộc cách mạng vĩ đại” trong mối quan giữa con người và Thiên Chúa. Từ trước đến nay, người Do Thái luôn tôn sùng Đấng Gia-vê, ngay cả tên cũng không dám gọi, mà nay Chúa Giê-su đã mách nước cho các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, qua từ LẠY CHA. Và cũng từ xưa đến nay, chỉ có Chúa Giê-su mới dám gọi Thiên Chúa theo cách thức như vậy. Như thế, nhờ Chúa Giê-su làm trung gian mà các môn đệ và cả chúng ta ngày hôm nay mới dám gọi Thiên Chúa là Cha của mình, một mối tương quan thật gần gũi và thân thiết. Sau việc xác định tương quan là hai lời cầu: Nguyện Danh Cha cả sáng và Nước Cha trị đến. Nhìn bề ngoài thì giống hai câu cầu xin nhưng xem xét kỹ hơn thì đó là những lời chúc khen của một người con cho những mong muốn của người Cha được mau thành hiện thực. Một lời chúc khen chất chứa cả những thao thức của những đứa con đang ở trần gian, cũng muốn ra sức đóng góp một tay vào việc làm cho Vương quốc của người Cha được toả lan đến tận cùng trái đất. Cuối cùng là những lời cầu xin. Lời cầu xin bắt đầu bằng những nhu cầu cơ bản nhất của con người; xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Tiếp đó là lời cầu xin với hai mối tương quan: mối tương quan với Thiên Chúa-xin tha nợ chúng con, và tương quan với người khác – “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời cầu xin cuối cùng là phần dành cho linh hồn- “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Những lời cầu xin tuy ngắn gọn nhưng tóm đủ những mối quan tâm thiết yếu của một người: về phần xác và về phần linh hồn, về tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình… Qua đó, ta thấy Chúa Giê-su đã xây dựng một lời cầu nguyện thật hoàn hảo. Đó là lời cầu nguyện chuẩn chỉ nhất mà Chúa Giê-su đã truyền lại cho chúng ta qua Thánh Kinh.
Đời sống cầu nguyện là khía cạnh không thể thiếu đối với người Kitô hữu, đó là nơi gặp gỡ, kín múc tận những nguồn ân sủng dồi dào từ Thiên Chúa, hầu làm cho đời sống của mỗi người tràn đầy nhựa sống bình an và hạnh phúc. Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con biết chăm sóc đời sống cầu nguyện của mình từng ngày để càng ngày càng được kết hiệp sâu sắc với Ngài hơn.
Pet. Ngọc An A.A