Mừng Lễ Thánh Tổ Phụ và Tái Khấn Của Các Anh Em Tu Sĩ AA tại Học Viện Fatima

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Vào lúc 17h45 phút, ngày 28/08/2017 tại học viện Emmanuen D’Alzon, thánh lễ mừng bổn mạng nhà dòng và 13 tu sĩ đã lập lại ba lời khấn của mình để tiếp tục dấn thân trong dòng Đức Mẹ lên Trời. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí đầy linh thánh, thiêng liêng và ấm áp. Sự ấm áp này không chỉ bởi tình huynh đệ, bởi không gian nhỏ bé nơi nhà nguyện của học viện mà nó còn là những giây phút trào dâng bởi những cung bậc cảm xúc của các thầy khi tái khấn.

Cha Nguyễn Khương Duy, chủ tế thánh lễ, đã chia sẻ về ba lời khấn với sự nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Cha bắt đầu với lời khấn vâng lời, tiếp đến là lời khấn khiết tịnh và sau cùng là lời khấn khó nghèo. Với dòng chảy của hiện sinh thời nay, sống ba lời khấn là một thách đố của chọn lựa đi ngược dòng đời cho người tu sĩ trẻ. Trong khi dòng đời chạy đua với quyền lực, đấu tranh cho chủ nghĩa cá nhân, đẩy cao sự tự do thì người tu sĩ lại tuyến khấn vâng phục, khó nghèo và thanh bần. Ba lời khấn  giúp các thầy quảng đại dấn thân, sẵn sàng trong việc thực thi công bình và bác ái. Các lời khấn giúp anh em tự do sống theo gương Đức Kitô, bước theo Người trong sự tĩnh lặng của nội tâm. Điều đó trái ngược với sự ồn ào của xu thế thời đại. Người tu sĩ chọn thinh lặng để có thể lắng nghe, để phân định cùng với các anh em trong cộng đoàn, Hội dòng để giới thiệu gương mặt khả ái của Đức Kitô.

Lời khấn khiết tịnh làm cho người tu sĩ được tự do, sẵn sàng ra đi bởi không bị vướng bận tình cảm, lưu luyến trần tục. Khấn khiết tịnh làm thăng hoa lời khấn vâng lời, khấn khiết tịnh không phải là kìm nén hay đánh mất tình yêu mà là cho đi và yêu thương một cách sung mãn như Thầy chí thánh đã yêu.

Sau cùng, lời khấn khó nghèo giúp các thầy thăng hoa hai lời khấn trên. Khấn khó nghèo không hẳn là việc hãm mình ép xác, không phải là bần cùng mà là sống tinh thần “thanh bần”. Khấn khó nghèo là dấn thân, đóng góp tài năng mỗi người để xây dựng cộng đoàn và chia sẻ với anh em. Sống khó nghèo là sống rõ ràng, trung thực trong việc quản lý tài sản, tiền bạc. Đó là sống có trách nhiệm trên những gì được Thiên Chúa “gửi” người tu sĩ quản lý tạm thời. Sống khó nghèo là sống khiêm tốn, sẵn sàng từ bỏ ý kiến riêng để lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của anh em khác. Sống khó nghèo không chỉ ở hình thức bên ngoài mà phải có tâm thức khó nghèo. Đó là ý thức nội tại về khó nghèo để có tâm tình cảm thông, hướng đến, đồng cảm và chia sẻ với người nghèo. Sống khó nghèo là nhìn thấy sự nghèo nơi chính mình và nơi người khác để từ đó biết trân quý những hồng ân mà mình được nhận lãnh. Qua đó, ba lời khuyên phúc âm mà Đức Giêsu đã sống là cột trụ, dấu chỉ, kim chỉ nam của mỗi con người nói chung và cách riêng là của người tu sĩ.

Sau khi bài giảng kết thức, trước sự hiện diện của các anh em trong cộng đoàn, các thầy đã lặp lại lời khấn của mình trong tay cha Phanxico Nguyễn Tiến Dưng và cha Joachim Nguyễn Khương Duy. Mỗi thầy sau khi đọc lời khấn đã ký tên vào đơn xin khấn. Đó là dấu chỉ để nhắc nhở các thầy luôn ý thức về trách nhiệm và hành vi của họ trong lời cam kết với Thiên Chúa trong Hội dòng. Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ thánh lễ, chúc bình an.

Sau thánh lễ, mọi người tiếp tục chia sẻ bầu khí khuynh đệ qua bữa ăn chung. Mọi người chúc mừng, động viên, cầu nguyện cho nhau trong những sứ mạng khác nhau vừa được Hội dòng trao phó. Nhân dịp này, các anh em trong cộng đoàn cũng cảm ơn, tạm thời chia tay cha Joachim Nguyễn Khương Duy. Cầu chúc cho cha trong sứ mạng cố vấn giám tỉnh vừa được Hội dòng trao phó !

Thiết nghĩ, mỗi tu sĩ khấn lại hôm này đều trào dâng bởi tình yêu thiêng liêng và ý thức được trách nhiệm của mình khi tái khấn. Mỗi tu sĩ tái khấn là tái khấn trước sự hiện diện của anh em dưới sự bảo trợ của Thánh tổ phụ Augustinô, sự cầu bầu của Mẹ Maria, sự hiệp thông và cầu nguyện của các anh em khác trong Hội dòng. Ước mong rằng với sự trợ sức của Chúa Thánh Thần và ơn Chúa sẽ giúp các thầy trở nên muối men giữa lòng đời và luôn trung thành với giao ước của mình. “Nguyện Nước Cha hiển trị” trong mỗi người để các thầy cùng làm triển nở triều đại Thiên Chúa trong trần thế này.

JB Thế Nguyễn, aa.