Mười Đặc Nét Của Dòng Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Mười đặc nét để diễn tả một cách ngắn gọn về căn tính của Dòng Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời! Nếu chúng ta thử làm một cuộc thăm dò, thì kết quả giữa các tu sĩ trong Hội Dòng không có nhiều sự khác biệt. Mỗi người có những nét riêng, nhưng đều đi chung trên cùng con đường, có chung một mã số mà mỗi người tùy theo sự hội nhập ít hay nhiều mà thôi. Quả thật, tôi xin mạo muội nói lên đây mười điểm mà tôi xem như là mười điều răn, nó bắt đầu từ điều hiển nhiên đến điều ít hiển nhiên hơn. 

  1. Anh Em Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời

Được viết tắt hai chữ: AA, nếu xếp theo thứ tự bảng chữ cái thì luôn xuất hiện lên đầu so với tên các hội dòng khác. Thật vậy, Hội Dòng được gọi: “Dòng Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời”, hay còn gọi “Anh em Đức Mẹ Lên Trời” hay “Tu Sĩ Đức Mẹ Lên Trời”. Ba tên gọi này quả là nhiều. Tên gọi thứ nhất, Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời, không hẳn là được dùng nhiều nhất vào thời kỳ thành lập. Thời cha d’Alzon, ngài đã phải chọn tên gọi cho Hội Dòng. Sở dĩ, tên gọi này đã được đặt vì nó thành lập tại trường trung học Đức Mẹ Lên Trời, ở Nimes, bởi cha d’Alzon cùng với các anh em đầu tiên của ngài. Có một thời gian, tên gọi này đã gần như không được sử dụng nhiều: chúng ta chỉ tìm thấy lại danh xưng này trong hiến pháp được ban hành vào ngày 20 tháng 10 năm 1981 của ban Thánh Vụ Dòng tu ở Roma cho các tu sĩ và các tu hội đời. Hơn nữa, như cha d’Alzon đã nói rằng: Thánh Augustinô là “tổ phụ” của chúng ta.   

  1. Cộng đoàn hoạt động tông đồ

Điều mà dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời đã đón nhận từ thánh tổ phụ Augustinô, đó chính là lời mời gọi vào đời sống cộng đoàn. Anh em Đức Mẹ Lên Trời, chúng tôi là những tu sĩ sống cộng đoàn hoạt động tông đồ. Cũng thế, trong luật sống được trích từ luật của thánh Augustinô được bắt đầu: trước hết, trong nhà anh em phải đồng tâm nhất trí với nhau, một lòng một dạ hướng về Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó mà điểm này đã ghi rõ trong luật dòng rằng: Được kêu mời bởi Đức Kitô, Ngài là nguồn mạch của mọi sự hiệp nhất, chúng ta chọn đời sống chung theo tu luật và tinh thần của thánh Augustinô, hướng tới việc xây dựng Nước Trời. Cũng như đối với thánh Augustinô, được quy tụ dưới cùng một “ngôi nhà” bao hàm hai chiều kích: huyền nhiệm (hướng về Thiên Chúa) và tông đồ (hướng về Giáo Hội). Sống và đặt mọi sự làm của chung, đó chính là điều mà cha d’Alzon dùng để diễn tả về một tinh thần gia đình. Nhưng điều này không có nghĩa là một gia đình khép kín cho riêng mình, hay đáp ứng cho việc phụng tự riêng. Mà đó là một tinh thần hoạt động không ngừng cho công việc tông đồ, cởi mở hướng ra bên ngoài.

  1. Hai Châm ngôn của Hội Dòng

Cha d’Alzon đã đặt hai châm ngôn ngay khi thành lập hiến pháp của Dòng năm 1865: “chúng ta dùng hai châm ngôn này cho việc nguyện gẫm hằng ngày: Adveniat regnum tuum – Nguyện xin Nước Cha trị đến. Và trong giờ kinh: Propter amorem Domini Nostri Jesu ChristiVì tình yêu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Có thể chúng ta chỉ quan tâm đến phần thứ nhất, điều này gợi hứng cho bất cứ mọi lý do và cho tất cả các hoạt động. Châm ngôn này diễn tả trọn vẹn tính cách của nó, cùng một lúc chỉ rõ được mục đích hoạt động tông đồ của Dòng Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời: sự hiển trị của Nước Chúa và gợi hứng cho sự hiển trị này chính là: tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có cách diễn tả này mới phản chiếu được tình yêu thanh thoát của sự dấn thân: tình yêu thôi thúc chúng ta! Đó quả thật đúng với tinh thần của Thánh Augustinô: sự đo lường của tình yêu là yêu không thể đo lường được. Chính cha d’Alzon đã hình thành từ tình yêu của Đức Kitô một tâm điểm cho đời sống thiêng liêng và là nguồn suối cho hoạt động tông đồ riêng của ngài.

  1.   Ba chiều kích tình yêu: Đức Kitô, Đức Maria, Giáo Hội

Cũng như mỗi một cộng đồng nhân loại đều có mật khẩu riêng. Thì đây là bộ ba đầu tiên mà Cha d’Alzon đã viết trong sách chỉ dẫn linh thao như sau: tình thần của Dòng Đức Mẹ Lên Trời được tóm lược trong những ngôn từ: tình yêu đối với Thiên Chúa chúng ta, Đức Maria rất Thánh – Mẹ của Ngài và Giáo Hội – hiền thê của Ngài. Đó chính là điều mà người ta gọi là ba tình yêu. Quả thực, chỉ có một tình yêu duy nhất mà nguồn mạch là Đức Kitô, nhưng nó được tuôn đổ cho tất cả những ai mà Đức Kitô yêu mến. Được trích từ thư của Thánh Phaolô mà cha d’Alzon đã nói: Đức Kitô chính là lẽ sống của đời tôi. Chính ngài muốn mở rộng tình yêu này đối với Đức Maria và Giáo Hội, điều đó có nghĩa muốn bày tỏ “hai tình cảm thắm thiết” dành cho Đức Kitô ở trên trần gian này. Nhưng tất cả điều quy hướng về trung tâm điểm là Đức Kitô. Từ tình yêu của Đức Kitô tác động đến niềm đam mê Nước Trời: Quả thật, khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

  1. Nguyện xin Nước Cha trị đến: bàn đạp tinh thần của chúng ta

Mở rộng Nước Chúa trong và ngoài ta, đó là mục đích tông đồ của Cha d’Alzon. Mục đích này phản ánh rõ nét qua phần nữa đầu của châm ngôn: Nguyện Nước Cha trị đến. Như cha Cayré, tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời đã viết: hướng tới hành động với Thánh Augustinô là linh đạo của cha d’Alzon. (Lethielleux, Paris, 1950). Thánh Augustinô có một tâm hồn tông đồ nhiệt huyết, “ điều mà Thiên Chúa đã mạc khải vào trong sự hiểu biết của ngài khi ngài suy niệm và cầu nguyện, cũng như điều ngài giảng dạy cho những người hiện diện hay qua các bài giảng và các sách của ngài cho những người vắng mặt ”, Poseidus đã viết trong tiểu sử đầu tay về thánh nhân.

   Hơn thế nữa, cha d’Alzon đã nói: “chúng ta ước muốn làm cho triều đại Nước Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất này. Trong suốt cả đời sống cũng như trong tư tưởng của chúng ta, tất cả phải được phụ thuộc rất nhiều vào tư tưởng mẹ: Nguyện Nước Cha trị đến ”. Đó chính là cách hợp lý để những lời cầu trong kinh Lạy Cha không chỉ là một châm ngôn, nhưng nó được xem như là “một tiếng vang lớn của một loại vũ khí”.

  1. Ba đặc tính: giáo huấn, xã hội và đại kết

Khi bàn về hoạt động tông đồ, mục đích là mở rộng Nước Chúa – luôn có một hướng đi thường trực; những hoạt động mà thông qua nó người ta có thể tìm kiếm và đạt tới Nước Trời. Tuy nhiên, công việc này cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời đại; đặc tính này được thúc đẩy và hướng dẫn từ đời sống nội tâm bên trong. Ở Dòng Đức Mẹ Lên Trời, các hoạt động tông đồ rất đa dạng, nhưng chỉ có một đặc tính duy nhất bao trùm, và được trình bày dưới ba khía cạnh sau: “tất cả những hoạt động của chúng ta sẽ được hướng dẫn theo tinh thần giáo huấn, xã hội và đại kết”. Điều này rất tương xứng với ba phạm trù ngôn từ và tinh thần của thánh Augustinô: sự thật, bác ái và hiệp nhất. Với ba phạm trù này, chúng đã gợi hứng cho tất cả những gì mà cha d’Alzon đã đề ra và duy trì.

Giáo Huấn: Dưới cái nhìn của cha d’Alzon là giáo huấn qua việc giáo dục đức tin, đặc thù của nó được thể hiện qua việc giảng dạy “ở mọi trình độ”, và phải được xác tín rằng: “thế gian cho dầu có suy tàn, vẫn được điều khiển bởi tư tưởng”. Ngài còn thêm rằng: “sau Công Đồng Vatican I, các tu sĩ sẽ là những người đi gieo mầm tư tưởng, những tư tưởng trung thực, sinh trưởng sẽ là những bệ phóng thực thụ biến đổi xã hội…”. Từ đó sẽ dẫn đến một xác tín cần thiết cho việc nghiên cứu: “Để trở thành một tu sĩ thực thụ của Dòng Đức Mẹ Lên Trời, cần phải học tập một cách nghiêm túc.”   

Xã Hội: Một trong những thao thức lớn của cha d’Alzon là hoạt động cho giới công nhân nghèo và giới bình dân của mọi tầng lớp trong xã hội: chúng ta cần phải cố gắng thâm nhập càng sâu càng tốt với mọi tầng lớp con người. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải dấn thân, bằng mọi nỗ lực để có thể tổ chức các công tác tông đồ đến với mọi người. Chúng ta bắt đầu truyền bá Tin Mừng cho những người nghèo khổ tức là chúng ta loan báo Tin mừng cho thế giới”. Sự dấn thân này bao hàm một chiều kích chính trị, nhưng không có quá nhấn mạnh về thay đổi cấu trúc xã hội. Cha d’Alzon đã sẵn sàng để mặc lấy cái tang cho những “xã hội già nua, thối nát và đã bị kết án” đã sánh vai trong trò chơi dân chủ. Sự dân chủ này được hình thành từ cuộc Cách mạng, cha d’Alzon đã không đề cao vai trò của nó, nhưng thay vì sống trong sự hối tiếc, ngài đã truyền bá Phúc Âm: “Dân chủ là một hệ quả, phải rút ra từ đó một đảng phái hoàn toàn có khả năng, bằng cách chăm lo cho tất cả những công việc tông đồ mà nó có thể trở thành Kitô giáo hoá ”. “Chúng ta chào đón và biến đổi sự dã man của chế độ dân chủ”, nhất là ngài đã chỉ cho thấy: “Tất cả những gì Kitô giáo mang lại cho thế giới đều huynh đệ và bình đẳng phổ quát ”. Điều này có thể được hiểu và diễn tả bằng ngôn từ hôm nay: “làm việc vì một thế giới công bình và huynh đệ hơn ”.

Đại kết: Đối với cha d’Alzon, đại kết phải được hiểu và hướng tới cho những ai đã rời xa Giáo Hội Công giáo, những anh em Tin Lành, đặc biệt là ở Nimes, những anh em Chính Thống Giáo, mục đích chính là sự trở lại của Nga. Ngài đã viết cho một trong những đồ đệ của ngài là cha Galabert, trong một lá thư vào năm 1876 như sau: “Sớm hay muộn gì rồi Nga cũng sẽ mở cửa cho chúng ta, vì thế chúng ta phải bôi trơn ổ khóa và bản lề bằng nhiệt huyết của chúng ta”.

Trong lĩnh vực đại kết, chắc chắn người ta không còn nói đến sự “hoán cải”, nhưng nó vẫn tồn tại cùng một mục đích đó là: hiệp nhất; tuy nhiên phương pháp làm thi hoàn toàn khác nhau.

Giáo huấn, xã hội, đại kết: đây là ba lãnh vực lớn mà Dòng Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời thừa kế đảm nhận, mặc dầu phương thức hoạt động có thay đổi: Chúng ta chọn lựa dấn thân để đáp ứng được một cách hiệu quả những nhu cầu cần thiết của thời đại ngày hôm nay và đúng với tinh thần Dòng Đức Mẹ Lên Trời.

  1. Các phương tiện truyền thông xã hội

Điều mà cha d’Alzon gọi: đấu tranh bằng ngòi bút. Nếu sự quan tâm của Giáo Hội về phương tiện truyền thông xã hội là mới mẻ, thì Dòng Đức Mẹ Lên Trời có từ thời Đấng sáng lập và các anh em đầu tiên của ngài. Tuy nhiên, cha d’Alzon đã không gặt hái được ngay lập tức sự thành công trong lĩnh vực báo chí. “Về mặt báo chí, người ta cũng biết được điều tồi tệ do báo chí gây ra…”. Nhưng cũng tại nơi đây, ngài đã nhận ra rõ và nhanh hơn, một phần rút tỉa được từ kinh nghiệm. Cần phải đấu tranh trên mảnh đất đối phương với cùng một thứ vũ khí.

Cũng vậy, ngài nhận thấy “sự cần thiết của một tờ báo cho mọi tầng lớp con người ”, được viết với một phong cách bình dân. Phác thảo ý định dự án một tờ báo Công giáo từ năm 1870, ngài đã viết cho cha Emmanuel Bailly: “cha hãy nghĩ đến việc truyền bá những ý tưởng về Công giáo và thâm nhập nó vào trong lòng xã hội. Không cần đi xa, cha vẫn có một số lượng thính giả mà không cần thiết luôn luôn đến từ bài giảng, qua đó họ sẽ thấm thía từ từ về phong cách của cha ngay từ những trang đầu tiên…”. Vào năm 1878, khi cuộc chiến chống đối Giáo Hội gia tăng, thì một lần nữa, ngài đã hình thành “một tạp chí cho quần chúng”, tạp chí này mang tên “ Người Hành Hương” như là một hình mẫu. Các đồ đệ của ngài sẽ làm chứng cho sự sáng tạo và sự mạnh dạn về cách thức dấn thân này, nó như là tấm gương phản chiếu rõ nét tính cách duy nhất ở Giáo Hội Pháp, tồn tại tập đoàn báo chí Bayard-Presse. Nhưng trực giác về hình thức này đã xuất phát từ xa xưa.

  1. Ba phẩm chất: thẳng thắn, mạnh mẽ, vô vị lợi

Đây là ba phẩm chất mà Đấng sáng lập trông chờ nhiều nơi các tu sĩ. Với ba phẩm chất này, nó hình thành nên bộ ba không thể chia cắt cái này với các kia được. Đó là những phẩm chất diễn tả đặc tính đức tin Kitô hữu và sự nhiệt thành tông đồ của người tu sĩ. Trong luật sống của Hội Dòng biểu thị như sau: “chúng ta cộng tác một cách thẳng thắn và vô vị lợi với hết tất cả những ai đã dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

Thẳng thắn: sự thẳng thắn đồng nghĩa với sự thành thật, tự do, cởi mở con tim và chân ngôn…. Nó kinh sợ sự giả hình, sự dối trá, sự giả bộ…Trước tiên, đó là sự vận hành bên trong. “chúng ta chỉ tạo nên một thân thể duy nhất trong sự chân thành của tâm hồn và sự thẳng thắn rõ ràng trong các mối quan hệ của chúng ta; mối dây không bao giờ phân cách sẽ là Đức Giêsu Kitô.”. Nhưng cha d’Alzon cũng nhấn mạnh đến sự vận hành bên ngoài của nó: thẳng thắn “là nhu cầu hiện tại của thế gian trong các mối quan hệ của xã hội. Nói một cách chân thành những điều chúng ta suy nghĩ, không có hậu ý, như vậy là đã thu hái được sự quý mến và lòng tin, ngoài ra còn được sự dễ mến và lời khen ngợi. Sự thẳng thắn này thích hợp cách đặc biệt với người Công giáo, đó là đức tính và bổn phận…”.

Mạnh mẽ: Một nhân đức còn được gọi là táo bạo, dũng cảm… “Hơn bao giờ hết chúng ta lặp lại lời của Bossuet: đức tin là mạnh mẽ ”. Vậy chúng ta thấy sự mạnh mẽ từ đức tin; chẳng hề gì nếu chúng ta gọi là sự liều lĩnh. Hãy thứ lỗi cho tôi nếu đã dùng sự so sánh hơi thân thiện này. Sự thận trọng đúng nghĩa là nữ hoàng của các nhân đức luân lý: nhưng là một nữ hoàng điều khiển, hành động, đấu tranh và đáp ứng mọi nhu cầu. Có một số đã biến nó thành một bà già vì sợ hãi; sự thận trọng này, nó đã làm nhút nhát và bị bó buộc trong bộ váy ngủ, không muốn mạnh dạn đương đầu, nó giống như người bị bệnh…”. Mặt khác, cần xác tín lại đặc thù của nó: “cần phải có một đức ái táo bạo và mạnh mẽ. Điều này sẽ làm cho một số qúa sợ hãi; nếu thế họ không còn phải là người của dòng Đức Mẹ Lên Trời nữa, nơi họ không còn tinh thần của dòng nữa”.

Vô vị lợi: Một nhân đức được xem như là dấu chỉ tình yêu đích thực: tự nó không là gì, nhưng nó loại bỏ những gì là “bủn xỉn và nhỏ hẹp cá nhân”. Nét chính yếu của phẩm chất này là sự quảng đại. “Chúng ta yêu mến Giáo Hội đủ thì làm cho chúng ta vui mừng với tất cả những điều thiện đã làm cho con cháu chúng ta, và sự chiến thắng của nó…Làm vui lòng Thiên Chúa là điều mà tất cả chúng ta có thể tiên đoán!… Đó chính là sự vô vị lợi trong tình yêu mà điều tôi muốn khuyên bảo anh em.”

  1. Con người trong sự thật trước Thiên Chúa   

Con người luôn là điểm ưu tiên trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Cha d’Alzon khá hồ nghi về khía cạnh quyền con người, ngài thường hay chỉ trích về điều này. Vì cuộc cách mạng đã để lại một gia sản mơ hồ, mà ngài lên án về chủ nghĩa ích kỷ. Ngài dựa vào bản quy chiếu về luật của Thiên Chúa, “không được đánh giá đúng bởi tất cả những sai lầm của thời đại ”, và tuy nhiên đó là sự bảo đảm duy nhất về nhân phẩm con người. Nhận ra được quyền của Thiên Chúa, đó chính là tự nhận biết được món nợ đối với Ngài. Cha d’Alzon viết: “quả thật, khi đối diện với quyền của Thiên Chúa, đâu là bổn phận riêng của mỗi người, là tạo vật thấp hèn, bằng không thì tôi không còn phải là tôi, nhưng tôi là loài tạo vật đó…”. Nơi khác, ngài quan tâm đến sự tác động của xã hội về điểm ưu tiên phải được nhìn nhận quyền Thiên Chúa. “Vấn đề xã hội là ở đó… quyền của Thiên Chúa bao hàm sự nhận biết đặc tính quyền tối cao về Ngài…chủ nghĩa Cộng sản phá bỏ trật tự này, nó đã lấy đi từ tay Đấng Tối Cao quyền tuyệt đối của Ngài. Người giàu nói: “của cải là của chúng tôi”; người nghèo nói: “của cải nó không thuộc về một ai hết”. Những sai lệch này bắt nguồn từ việc phủ nhận Thiên Chúa. Đó là cuộc chiến trường cửu giữa người nghèo và người giàu dựa trên đặc tính về của cải; nó sẽ kéo dài mãi chừng nào mà quyền của Thiên Chúa chưa được nhìn nhận…”

 Trong thời đại ngày nay, người ta không còn đề cập chút nào về quyền Thiên Chúa, người ta cũng không còn phải ngập ngừng khi đề cập đến quyền con người, ngay cả khi người ta phải chịu đựng sự bất đồng về nền tảng của nó. Nhưng nguyên do chính yếu về hai cách diễn tả này, đó cũng là vì con người. Cha d’Alzon luôn trung thành đấu tranh để nối kết và làm cân bằng lại hai đặc quyền này: Tinh thần Đấng sáng lập thúc đẩy chúng ta làm những việc đại nghĩa của Thiên Chúa và con người, thúc đẩy chúng ta hành động ở đâu Thiên Chúa đang bị bách hại nơi con người, và nơi đâu con người hình ảnh Thiên Chúa đang bị đe dọa.     

  1. Người Công giáo tất cả trong một khối

Bạn là ai? nếu cùng câu hỏi này được đặt ra cho cha d’Alzon, ngài sẽ trả lời không do dự: Người Công giáo. Đây là nét độc đáo nhất để nói lên đặc tính của Dòng Đức Mẹ Lên Trời. Người ta sẽ nói, điều này chẳng có gì độc đáo cả. Nhưng cha d’Alzon biết rõ hơn hết, đó là lý do mà ngài đã chọn lấy cho chính mình. Ngài từ chối sự lập dị trong Giáo Hội. Tinh thần người Công giáo không như tinh thần của “ông chủ”! Trong bối cảnh đương thời, thuật ngữ này có nghĩa là trung thành với Giáo Hội, Giáo Hoàng, ý muốn sống ngay chính trong lòng Giáo Hội. “Tại sao đòi hỏi của cải riêng như là gia sản chung của tất cả? Câu trả lời của Cha d’Alzon là: “người ta khẳng định rằng mọi thứ đều hiếm hoi ở trong trần gian, đó là quan niệm chung. Phải chăng là sự nghịch lý để khẳng định rằng trong thế giới Công giáo mọi sự đều hiếm hoi hơn chính là sự gắn bó chung với nhau của người Công giáo? Chính vì điều này mà chúng ta tự đi tìm nét đặc thù chung phù hợp cho tất cả. Đơn giản, chúng ta là người Công giáo trong một khối duy nhất, đầy đủ…Đó chính là nét đặc thù đầu tiên của chúng ta, Anh em Augustinô – Đức Mẹ Lên Trời”. 

                                                                              Cha Marcel NEUSCH, A.A

Người dịch

            Lm. Lê Viết Thắng, A.A

(Bài dịch được trích từ: Sur les pas du Père d’Alzon; Claude Colombo – Pascal Gindre, trang 41-48).