Ngang qua mầu nhiệm thập giá tình yêu của Chúa Giêsu

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

 

SOI MÌNH – XÉT MÌNH – SỬA MÌNH

Lời cầu nguyện bất hủ của thánh Augustinô: “xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”, được xem như là lộ trình để nhận biết về căn tính của người tín hữu và khám phá sự thật về bản thân. Quả thật, biết mình và ý thức về thân phận tội lỗi là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan; đây cũng là hành trình cần phải có để dẫn đến sự hiệp thông, hòa giải với Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Khởi đi từ đoạn Tin Mừng Luca 18, 9-14, đề cập đến hai nhân vật: Pharisiêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Theo cha thì đây là câu chuyện của con người mọi thời, bởi lẽ, hai nhân vật trong câu chuyện diễn tả hai khuôn mặt đối kháng trong cùng một con người: tốt – xấu, thiện – ác, thánh thiện – tội lỗi, cao ngạo – khiêm nhu… Sự đối kháng này đặt chúng ta trước sự chọn lựa của một lối sống. Để giúp các bạn trẻ xét mình trước khi đến với Bí tích Hòa giải, cha mới gọi các bạn trẻ đi vào tiến trình ba bước: soi mình – xét mình – sửa mình, ngang qua Lời Chúa, đặc biệt trong vụ án thương khó của Chúa Giêsu và hình ảnh về người Pharisiêu và người thu thuế.

Trước tiên, khi nghe hay đọc lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong tuần Thánh, chúng ta đừng nghĩ rằng vụ án lịch sử này đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm, nó chẳng liên quan gì đến tôi ngày hôm nay. Nếu suy nghĩ như vậy, thì chẳng khác gì những người không tin! Nhưng là người Công giáo, và đang sống trong tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất của năm phụng vụ, chúng ta được mời gọi phải nội tâm hoá vụ án thương khó của Chúa Giêsu. Nghĩa là hãy soi mình vào các nhân vật trong vụ án Chúa Giêsu để thấy hình bóng con người của chúng ta: là Giuđa, là Philatô, là Phêrô, là tên trộm dữ chê trách khinh miệt Chúa Giêsu trên thập giá, là những tên lính cầm búa đóng đinh Chúa, là những người Do Thái và Pharisiêu, hôm qua tung hô Chúa, thì hôm nay lại đòi đóng đinh Chúa. Quả thật, “sông sâu còn có kẻ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”, con người “thay lòng đổi dạ” quá đáng sợ!

Khi xét mình, nhìn sâu vào phía bên trong, chúng ta thấy rõ trong tôi có hình bóng Giuđa, dùng nụ hôn để phản bội lại chính thầy của mình. Chúng ta đều biết, trong cuộc sống có gì đẹp bằng nụ hôn, nụ hôn là dấu chỉ của tình yêu nhưng bây giờ nụ hôn lại trở thành dấu hiệu của sự phản bội. Đi xa hơn, Philatô, một vị quan nắm quyền sinh tử trong tay, biết Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội, và chính ông cũng rửa tay nói lên điều đó, nhưng ông ta không dám đối diện với sự thật để tha Chúa Giêsu; bởi lẽ, ông ta sợ dư luận, sợ mất chức, sợ mất quyền lợi… Sau cùng là Phêrô, người mà trước giờ Chúa Giêsu chịu tử nạn, đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13, 37). Thế mà chỉ một cô gái hỏi là có phải môn đệ Chúa Giêsu không, thì vội vàng chối bỏ. Chúng ta xét mình thử xem, liệu trong tôi có bóng dáng của Phêrô không? Sự phản bội, lừa dối, bất trung, sợ hãi …tất cả đều có trong tôi. Trong cuộc sống thường ngày, có bao nhiêu lần chúng ta chưa làm chứng cho lời hứa mình đã cam kết dấn thân? Chúng ta đã bao nhiêu lần chối Chúa, lừa dối, phản bội…không làm chứng cho Chúa? Chẳng hạn khi chúng ta vào quán ăn không làm dấu, khi chúng ta bỏ bê nhà thờ, đi lễ, không dành thời gian để gặp gỡ Chúa. Nhiều lúc chúng ta khước từ tình yêu, không đứng về phía sự thật để bảo về cho công lý như Philatô, và không dám lên tiếng cho những kẻ “thấp cổ bé miệng” trong xã hội đầy những bất công.

Kế đến, cha tiếp tục mời gọi mọi người hãy suy nghĩ về chữ “Tôi” ngang qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người Pharisiêu, với một thái độ cầu nguyện sám hối đầy những thách thức cao ngạo. Người này hài lòng một cách thái quá về chính bản thân mình; trong một lời cầu nguyện ngắn mà có đến bốn chữ TÔI, được lặp đi lặp lại: “Lạy Chúa, TÔI cảm tạ Chúa vì TÔI không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; TÔI ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của TÔI”. Một lời cầu nguyện trước nhan Chúa mà đặt cái tôi của mình trên hết, và cứ nghĩ những việc tốt lành tôi làm là do sức riêng của mình, mà quên mất những gì mình nhận được là đến từ tình thương nhưng không của Thiên Chúa. Đây là cái tôi tiêu cực, cái tôi kiêu ngạo. Kinh nghiệm cho thấy, con người “quy tôi” thường mang trong mình tính cách hay khinh chê, so sánh và ganh tỵ với người khác, điều này thấy rất rõ trong đoạn Tin Mừng. Chúng ta hãy soi mình xem, trong cuộc sống hằng ngày, đã bao lần chúng ta sống thái độ quy tôi, cao ngạo, khinh chê người khác như người Pharisiêu này?

 Một cách hài hước, cha đã diễn tả về cái “Tôi” như sau: cái “Tôi” càng lớn, cái tội càng nặng. Bởi cái “Tôi” mà thêm dấu sắc thì nó thành “Tối”; tức là không đủ sáng suốt, khôn ngoan để phân biệt được phải trái, tốt xấu… Còn cái “Tôi” mà thêm dấu huyền thành “Tồi”, tức là đứng trước những sự đau khổ, bất công của người khác không dám lên tiếng, với những người sống xung quang tôi, tôi đã đối xử tử tế chưa? Hay như tôi còn tồi lắm! Cuối cùng, cái “Tôi” mà cất hết dấu sẽ thành chữ “Toi”, là dẫn đến ngõ cụt cuộc đời, là bóng đêm của sự chết như Giuđa chọn lựa.

Sau cùng, cha nhấn mạnh về chữ “Sám hối”. Hiểu một cách nào đó, thì sám hối là chấp nhận sự thật về bản thân. Hình ảnh người thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mặt lên, đấm ngực và chỉ nói một câu duy nhất: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” là ví dụ điển hình cho sự sám hối. Người thu thuế này không “quy tôi” mà quy về Thiên Chúa, nghĩa là lấy Chúa làm trung tâm, ưu tiên hàng đầu và lấy Ngài làm chủ cuộc đời của mình. Kết quả là người thu thuế được nên công chính, nghĩa là ông được xem như người khôn ngoan, bởi lẽ ông biết mình, biết nhận ra tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa; đón nhận được sự tha thứ và có niềm vui ơn cứu độ. Đây cũng là thái độ của Phêrô, khi nghe tiếng gà gáy và nhận ra ánh mắt của Chúa Giêsu, ông đã sám hối bằng những giọt nước mắt hối hận và soi mình vào bên trong; nghĩa là ông quay lại với chính mình, không chống lại mình mà sống thật với chính mình. Như vậy, Phêrô cho chúng ta một kinh nghiệm về cách thức sám hối, là quay lại với chính mình và hướng ánh mắt về Chúa Giêsu trên thập giá. Còn Giuđa thì ngược lại, anh ta cũng hối hận về việc phản bội thầy mình, nhưng anh ta quay lại chống chính mình. Từ việc quay lưng chống lại Chúa, bây giờ anh ta quay lại chống chính mình, kết quả là Giuđa đã đi vào bóng tối của sự chết. Tại sao? Vì khi cái tôi tiêu cực quá lớn, con người thường không chấp nhận tội lỗi và sai lầm của mình, dẫn đến chống lại chính mình và chống lại tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Kết thúc bài chia sẻ hồi tâm, cha mời gọi các bạn trẻ đến với Bí tích Hoà Giải, để đón nhận niềm vui cứu độ ngang qua sự tha thứ của Thiên Chúa. Bởi lẽ, nhờ mầu nhiệm tình yêu thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa đã hoà giải mọi sự trong Ngài. Một điều mà chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa không cứu chúng ta bằng đau khổ mà là bằng tình yêu, ngang qua thập giá. Chúa Giêsu, mà chúng ta sẽ chiêm ngắm suốt cả tuần Thánh, bày tỏ dung nhan đích thực của Thiên Chúa, với một tình yêu vô điều kiện. Chúng ta được mời gọi hãy can đảm đến hòa giải với Chúa, hòa giải với anh em, hòa giải với chính mình; đó cũng là cách thể hiện thái độ yêu thương mình, tha thứ cho mình để tâm hồn được bình an.

“Soi mình, xét mình và sửa mình” là một hành trình chấp nhận mất mát, đau thương và lớn lên trong niềm vui cứu độ thập giá Chúa Giêsu. Nhưng đừng quên rằng, thập giá mà treo giữa nhà thờ, nói cho chúng ta biết tình yêu và đau khổ gắn chặt với nhau. Xin Cho mỗi người chúng con đón nhận đau khổ trong cuộc sống với một tình yêu vô điều kiện như Chúa Giêsu, để chúng con đạt tới mầu nhiệm Phục Sinh với sức sống và niềm vui dạt dào.

Martinô Hoàng Linh

(Ghi nhận từ bài chia sẻ hồi tâm của cha Phêrô Lê Viết Thắng A.A dành cho giới trẻ giáo xứ Hành Xanh)