Nghèo Khó Và Vâng Phục Theo Gương Cha Emmanuel d’Alzon

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

        Trong tâm tình Mùa Chay, anh em trong Dòng Augustinô-Đức Mẹ Lên Trời có dịp quy tụ về Đan viện Nữ Biển Đức (Thủ Đức) để cùng lắng đọng tâm hồn ngõ hầu gặp gỡ Chúa cách đặc biệt hơn trong khoảng thời gian hồng phúc này. Đồng hành và chia sẻ với anh em trong 2 ngày là cha Benoit Grière – Bề trên Tổng quyền của Hội dòng. Cha đã chọn chủ đề “nghèo khó và vâng phục theo gương cha sáng lập Emmanuel d’Alzon” để cùng anh em tìm lại nguồn gốc của lời khấn và giúp anh em sống Mùa Chay thánh thiện hơn.

         Khởi đầu buổi chia sẻ, Cha Tổng quyền đã chọn đoạn Kinh Thánh trong sách Sáng Thế – “lời chúc phúc của Gia-cóp” để chia sẻ với anh em về lời khấn khó nghèo. Ngài bắt đầu với câu hỏi: Tại sao tôi lấy đoạn Kinh Thánh này để nói về Đức Khó nghèo trong tinh thần Cha d’Alzon? Mùa Chay là mùa thuận tiện để chúng ta trở về với Thiên Chúa, là thời gian để hiểu ra rằng ta là đền thờ của Thiên Chúa. Như lời Gia-cóp: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!” (St 28,16) Thiên Chúa luôn hiện diện xung quanh chúng ta nhưng chúng ta đã không nhận ra. Chúng ta không nhận ra bởi vì, nhiều khi chúng ta ngụp lặn trong sứ vụ, công việc, học tập, kể cả trong những tương quan khác. Bởi thế, chúng ta phải trở về để gặp gỡ và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhờ nghi thức khấn lời khuyên Phúc âm mà anh em trở thành thành viên của Hội dòng. Khấn là anh em hứa với Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện trong chính lời khấn hay có thể nói Thiên Chúa ở chính trong lời khấn. Bước theo Đức Kitô trong Hội dòng bằng cách tuyên khấn trong tự do để làm cho triều đại Thiên Chúa được triển nở trong chúng ta và xung quanh chúng ta.

       Câu hỏi đặt ra là Thiên Chúa hiện diện như thế nào? Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị phân tán bởi các phương tiện hàng ngày như điện thoại, laptop… để rồi đôi khi ta cảm thấy buồn bã và không trung tín. Cha d’Alzon đã nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời của mình. Khi đọc Kinh Thánh, cha được Lời Chúa đụng chạm và biến đổi cuộc đời để thúc đẩy loan báo Tin Mừng bằng cách sống nghèo theo gương Đức Kitô. Dù cha d’Alzon xuất thân từ dòng dõi quý tộc nhưng cha đã luôn trăn trở về sự giàu có và cha đã từ bỏ của cải để theo Đức Kitô nghèo. Khi chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu trong hang đá (Lc 2) và Đức Giêsu bị treo trên thập giá (Lc 23), cha d’Alzon đã nhận ra Đức Giêsu nghèo thật sự: Thiên Chúa trở nên nghèo khi mặc lấy thân phận thấp hèn, bị con người bỏ rơi, sinh ra nơi giá lạnh; Thiên Chúa nghèo khi chết trên thập giá, một biểu tượng bị người đời vứt bỏ. Nhờ siêng năng gặp Chúa, cuộc đời cha d’Alzon từng bước được biến đổi và cha từng bước từ bỏ của cải vật chất để trở nên nghèo khó tinh thần. Cha nhận ra rằng chỉ có Đức Kitô mới là trung tâm đời sống. Cha nhận ra Thiên Chúa là kho tàng đích thực, cha không muốn giữ cho riêng mình nhưng cha muốn chia sẻ kho tàng này cho gia đình Đức Mẹ Lên Trời. Lời khấn xuất phát từ tình yêu dành cho Đức Kitô, cha d’Alzon yêu mến người nghèo và đã trở nên người nghèo để phục vụ Giáo hội nghèo. Với cha d’Alzon, nghèo chính là trung tín với Tin mừng qua lời mời gọi của Thiên Chúa. Nghèo trong tinh thần là trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa. Đức khó nghèo sẽ làm sản sinh hoa trái có tính ngôn sứ, chính là dấu chứng của niềm hy vọng. Nhờ Đức khó nghèo, người tu sĩ có thể chống lại những nguy hại trong đời sống để qua đó mang ơn cứu độ đến trong cuộc sống.

Với lời khấn Vâng phục, Cha Tổng quyền gợi hứng cho anh em với Thánh thi Kenosis trong thư Phi-líp-phê (Pl 2,6-11). Cha đã mở đầu với anh em bằng lời khẳng định: Vâng phục là một lời khấn khó hiểu. Bởi vì trong khi thế gian đang đề cao chủ nghĩa cá nhân thì có những con người lại khấn hứa với sự tùng phục. Con người là hữu thể tự do, con người vâng phục như thế nào? Cha d’Alzon vâng phục như thế nào? Cha thuộc dòng dõi quý tộc nhưng đã vâng phục Thiên Chúa bằng cách theo ơn gọi của mình, vâng phục Giáo hội và Đức Giám mục cũng như vâng phục anh em của mình. Có thể nói, căn bản của đời tu nằm trong đức vâng phục. Ngài đặt ra với loạt câu hỏi: Tôi có vâng phục bề trên cộng đoàn, bề trên giám tỉnh? Tôi có tôn trọng giờ giấc của cộng đoàn? Tôi làm theo ý của cộng đoàn hay ý của riêng tôi?

Để trả lời cho các câu hỏi đó, Cha Tổng quyền đã xác quyết: Vâng phục qua đối thoại thiêng liêng để phân định thánh ý Thiên Chúa. Đôi khi ta cảm thấy khó vâng phục vì thiếu đối thoại và hiệp thông. Qua vâng phục, Cha d’Alzon khám phá ra “Vâng phục là bằng chứng của tình yêu”. Vâng phục và tình yêu chính là sự liên đới với Đức Kitô, là con đường cần phải hướng tới. Người tu sĩ sống vâng phục như thế nào? Qua cầu nguyện, noi gương Đức Giêsu luôn cầu nguyện để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện. Qua cầu nguyện để nhận ra Thiên Chúa là ai đối với tôi và tôi là ai đối với Thiên Chúa. Vâng phục qua tự do. Trao đi tự do cá nhân cho Thiên Chúa không đồng nghĩa là mất đi tự do nhưng khám phá ra rằng ta là con cái Thiên Chúa. Cha d’Alzon đã vâng phục Đức Giáo hoàng Piô IX khi được mời gọi đi sứ vụ Đông Phương (phía đông Âu Châu). Khi ta vâng phục, ta không bao giờ lầm lạc. Bề trên có thể sai, nhưng vâng phục giúp ta tiến đến con đường sống.

Cuối bài chia sẻ, Cha tổng quyền khuyên anh em tu sĩ nên có hai thái độ trong đời sống của mình là kiên định và trung tín. Trong đời sống tu sĩ, anh em sẽ gặp nhiều khoảnh khắc khó khăn nên anh em cần kiên định để vượt qua, không nên từ bỏ khi gặp thử thách. Anh em cần noi gương Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi sự, Người trung tín đến nỗi “bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Qua lời khấn, ta bị tổn thương, tổn thương vì không bao giờ là con người cũ nhưng Thiên Chúa sẽ chữa lành sự tổn thương này. 

Pierre. Vũ Tiến Đạt A.A