Như Luther, anh chị em Tin lành Đức “tự chất vấn” và “dấn thân”

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Delphine Nerbollier, 28/05/2017

Quy tụ trong 5 ngày tại Berlin và Wittemberg để kỷ niệm lần thứ 36 Kirchentag (Ngày hội các Giáo hội), anh chị em Tin lành Đức đã cử hành lễ tưởng niệm 500 năm phòng trào Cải cách.
Họ giải thích họ đã sống các thông điệp của Martin Luther thế nào, đặc biệt lời kêu gọi “giải phóng” và “suy tư” cũng như “dấn thân” của Luther.

Nhà thờ Thánh Maria là một nơi yêu thích để quy tụ và gặp gỡ của các nhóm hành hương. Nằm ở trung tâm của thủ đô Berlin, dưới chân tháp khổng lồ của đài truyền hình, đây là nhà thờ chính của cộng đoàn Tin lành phái Luther vùng Berlin-Brandebourg. Trong khuôn viên nhà thờ, có bức tượng của Martin Luther, tay cầm cuốn Kinh Thánh. Vì thế, đây là nơi quan trọng để tham dự ngày lễ hội các Giáo hội từ 23-28 tháng 5. Hoà nhạc, hội thảo, kinh nguyện, cuộc quy tụ lớn này của Hội thánh Tin lành Đức là thời điểm vàng son để kỷ niệm 500 của phòng trào Cải cách. “Chúng tôi thật vui mừng được quy tụ với nhau, hiệp nhất với nhau trong đức tin, dù có chút lo lắng về khủng bố như đã xảy ra ở Manchester”, chị Alina Bielefeld vui mừng chia sẻ. 23 tuổi, Alina hiện đang theo học thần học. Chị cho biết đây là lần đầu tiên chị tham gia Kirchentag và khẳng định rằng thông điệp của Martin Luther rất quan trọng đối với chị. Đứng bên cạnh chị, anh Philip Hage, 26 tuổi, cũng là sinh viên thần học, khẳng định: “Thông điệp mà tôi học được nơi Luther là lời mời gọi giải phóng con người. Martin Luther nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi, có óc phê phán, biết tự mình suy tư, và không để chúng ta bị bó buộc trong suy nghĩ của mình.”

“Khoan dung, nhân hậu, tự do”

Ulrich Seelemann là một trong những lãnh đạo của Giáo hội Phúc Âm vùng Wittemberg, thành phố nơi Martin Luther trình bày 95 luận đề vào ngày 31 tháng 10 năm 1517, dành cho Nhà cải cách sự ái mộ: “Martin Luther mời gọi chúng ta trở về nguồn, nghĩa là trở về với Kinh Thánh. Chính Luther đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, và mời gọi chúng ta tự mình đọc Kinh Thánh và tự mình có những đánh giá riêng.” Ông giải thích thêm: “Việc suy nghĩ độc lập rất cần thiết cho chúng ta ngày nay, trước làn sóng chủ nghĩa dân tuý đang lan rộng trên thế giới, với những thông điệp đơn giản và những giải pháp dễ dãi của nó.” 

“Khoan dung, nhân hậu, tự do”. Đây là những từ quan trọng đối với Dolores Hassmann, 30 tuổi, phụ trách bảo tàng Martin Luther của thành phố Eisenach. Trên tay cầm cuốn những trích dẫn của của nhà cải cách, chị nhắc lại rằng chính Martin Luther đã “mở ra con đường dân chủ, ngài viết rất nhiều về sư tự do cá nhân”. 

Đóng góp quan trọng này của phong trào Cải cách đối với nền dân chủ là một trong những điểm quan trọng được nhiều phim ảnh, tác phẩm, chương trình phát thanh… được phát đi khắp nơi từ những ngày đầu của dịp 500 kỷ niệm này. Đứng trước bức tượng của vị khởi xướng phòng trào Cải cách, nhiều người diễn tả lại hành động đặt những luận đề trước cửa nhà thờ của Luther. Anh Philip Hage nói: “Tôi ước mong rằng Giáo hội Tin lành phải đi tiên phong, phải hiện diện với mọi người, dù họ có là tín hữu hay không.” “Tôi ước mong rằng đồng tính không còn là một vấn đề nữa. Tất cả mọi người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Thông điệp này không chỉ được loan báo mà cần phải được sống mỗi ngày”, khẳng định một chàng trai trẻ vùng Stuttgart.

Vấn nạn di dân, một ưu tiên

Cornelia Minske, 40 tuổi, đến từ Stuttgart, miền tây Đức, mong muốn rằng Giáo hội của mình “dấn thân hơn nữa về chính trị và bày tỏ quan điểm của mình nhiều hơn nữa về các vấn nạn hiện tại như đón tiếp di dân.” 

Vấn đề di dân là một vấn đề ưu tiên của nhiều tín hữu Tin lành như điều này được khẳng định trong buổi thảo luận sáng thứ năm, trước sự hiện diện của thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Delphine Nerbollier, 28/05/2017